Home Dưỡng Linh Ngày 17 – Ăn Và Uống Với Tội Nhân

Ngày 17 – Ăn Và Uống Với Tội Nhân

by SU Việt Nam
30 đọc

Trong đoạn hôm nay, chúng ta đọc về việc Đức Chúa Jêsus kêu gọi người thâu thuế Lê-vi trở thành môn đồ Ngài; về việc người Pha-ri-si phàn nàn về thói quen của Đức Chúa Jêsus trong việc ăn và uống với tội nhân; và sự giải thích của Đức Chúa Jêsus về lý do khiến các môn đồ Ngài không kiêng ăn.

Lu-ca 5:27-39 

27 Sau đó, Đức Chúa Jêsus đi ra ngoài, thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi tại phòng thuế thì Ngài phán với ông: “Hãy theo Ta!” 28 Lê-vi bỏ hết mọi sự, đứng dậy đi theo Ngài. 29 Lê-vi mở tiệc lớn khoản đãi Ngài tại nhà mình; có nhiều người thu thuế và những người khác ngồi cùng bàn với Ngài. 30 Những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo phàn nàn với môn đồ Ngài rằng: “Sao các ông lại ăn uống với phường thu thuế và bọn người tội lỗi?” 31 Đức Chúa Jêsus đáp: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc đâu, nhưng là người đau ốm. 32 Ta không đến để gọi người công chính, nhưng gọi kẻ có tội ăn năn.” 33 Họ nói với Ngài: “Môn đồ của Giăng cũng như môn đồ của người Pha-ri-si thường kiêng ăn cầu nguyện, nhưng môn đồ của Thầy lại ăn và uống!” 34 Đức Chúa Jêsus đáp: “Các ngươi có thể bắt khách dự tiệc cưới kiêng ăn trong khi chàng rể còn ở với họ sao? 35 Nhưng đến lúc chàng rể được đem đi khỏi họ, thì trong những ngày ấy họ mới kiêng ăn.” 36 Ngài cũng kể cho họ một ẩn dụ: “Không ai xé một mảnh áo mới mà vá vào áo cũ. Làm như vậy, áo mới sẽ rách, và mảnh vải mới cũng không xứng hợp với áo cũ. 37 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới làm nứt bầu da, rượu đổ ra và bầu da cũng bị hỏng. 38 Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu mới. 39 Cũng không ai đã uống rượu cũ lại đòi rượu mới, vì người ấy nói rằng: ‘Rượu cũ ngon hơn.’ ”

Suy ngẫm và hiểu

Vào thời Đức Chúa Jêsus, người thâu thuế bị dân chúng coi là những kẻ phản bội vì họ đã giúp các lãnh chúa La Mã và thường thu nhiều hơn số lượng thuế phải đóng. Bằng việc chọn một người thâu thuế là một trong 12 môn đồ vòng trong của Ngài, Đức Chúa Jêsus đang chỉ ra nguyên tắc của Phúc Âm, rằng Ngài đã đến để cứu kẻ có tội, chứ không phải người công chính (c.32). Người Pha-ri-si đã khó chịu khi thấy điều này, vì họ tin rằng việc giao thông với kẻ có tội khiến một người “bị ô uế”. Nhưng khi một người được hiệp một với Đấng Christ, thì Đấng Christ không bị ô uế, nhưng người đó được thanh tẩy. Khi người Pha-ri-si chất vấn Đức Chúa Jêsus về lý do các môn đồ Ngài không kiêng ăn, thì Đức Chúa Jêsus giải thích cho họ rằng kiêng ăn là không thích hợp khi Đức Chúa Jêsus, chàng rể của Hội Thánh, vẫn ở với họ. Tuy nhiên, Ngài cũng phán bảo họ rằng ngày đó sẽ đến khi Ngài không ở với họ nữa và khi đó, việc kiêng ăn sẽ là thích hợp.

Đức Chúa Jêsus là Đấng như thế nào?

C.27-32. Đức Chúa Jêsus là bạn của các tội nhân. Mặc dù Ngài ghét tội lỗi, nhưng Ngài không để nó cản trở việc Ngài đi giữa những kẻ gian ác và kêu gọi họ đến với Ngài. Đức Chúa Jêsus đã đến thế gian để mang đến một giao ước mới (rượu mới), và qua việc làm này, Ngài đã khiến những điều cũ (bầu da cũ) trở nên lỗi thời.

Ngài ban cho tôi bài học gì?

C.30 Các Cơ Đốc nhân thường rơi vào cùng một sai lầm như người Pha-ri-si đã mắc. Hễ khi nào chúng ta tránh những người vô tín trong thế gian này vì họ không tán thành những ý thức về đạo đức của chúng ta, thì chúng ta tỏ ra rằng chúng ta không hiểu hoàn toàn Phúc Âm của ân điển.

Tham khảo

5:30 Sao các ông lại ăn uống với phường thâu thuế và bọn người tội lỗi? Mối thông công ở bàn ăn như thế ngụ ý việc chào đón những người này vào sự kết giao giữa các cá nhân với nhau một cách mở rộng, mà người Pha-ri-si nghĩ sẽ khiến một người “ô uế”. Nhưng cũng như việc Đức Chúa Jêsus làm sạch cho người phung hơn là bị người phung làm cho bị ô uế, vậy thì Đức Chúa Jêsus sẽ đem các tội nhân đến sự ăn năn (c.32) và sự tha thứ hơn là bị ô uế vì giao thông với tội nhân.

5:35 chàng rể được đem đi khỏi. Mặc dù là một điều khó hiểu đối với thính giả của Đức Chúa Jêsus, nhưng những độc giả của Lu-ca chắc hẳn hiểu điều này là việc nhắc đến sự chết của Đức Chúa Jêsus. Trong những ngày đó, có nghĩa là thời điểm giữa sự chết và sự phục sinh của Đức Chúa Jêsus, và cả sau khi Ngài đã trở lại thiên đàng, việc kiêng ăn sẽ là thích hợp cho những người theo Ngài.

Cầu nguyệnLạy Đức Chúa Trời, xin hãy ban cho chúng con một tấm lòng vì các tội nhân, giống như Đức Chúa Jêsus.

Đọc Kinh Thánh trong năm: Xuất Ai Cập Ký 5-7

Bình Luận:

You may also like