Home Dưỡng Linh Ngày 15 – Từ Bỏ Quyền Lợi

Ngày 15 – Từ Bỏ Quyền Lợi

by SU Việt Nam
30 đọc

Mặc dù Phao-lô là một sứ đồ, có quyền được nhận phần thưởng, nhưng ông xem khả năng giảng dạy Phúc Âm không công như một phần thưởng, và ông giải quyết vấn đề mưu sinh bằng việc làm tự tay ông làm việc.

1 Cô-rinh-tô 9:1-18 

1 Tôi không được tự do sao? Tôi không phải là sứ đồ sao? Tôi đã chẳng từng thấy Đức Chúa Jêsus, Chúa chúng ta sao? Anh em không phải là thành quả của tôi trong Chúa sao? 2 Nếu tôi không phải là sứ đồ đối với người khác thì ít nữa cũng là sứ đồ đối với anh em; vì anh em là dấu ấn về chức vụ sứ đồ của tôi trong Chúa. 3 Đây chính là lời biện bạch của tôi đề kháng lại những kẻ phê phán tôi. 4 Có phải chúng tôi không có quyền ăn, uống sao? 5 Có phải chúng tôi không có quyền đem theo người vợ tin Chúa trong các chuyến đi, như các sứ đồ khác, cũng như các em của Chúa và Sê-pha sao? 6 Hay chỉ có tôi và Ba-na-ba là không có quyền được miễn làm việc kiếm sống sao? 7 Có ai ăn lương nhà mà đi đánh giặc chăng? Có ai trồng vườn nho mà không ăn trái? Hay có ai chăn bầy súc vật mà không dùng sữa của chúng chăng? 8 Tôi nói vậy, có phải là theo cách người đời không? Luật pháp cũng chẳng nói như thế sao? 9 Vì luật Môi-se có chép: “Chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa.”

Có phải Đức Chúa Trời lo cho bò không? 10 Hay vì chúng ta mà Ngài nói điều đó? Đúng là vì chúng ta mà có lời đó; vì người cày phải cày với hi vọng, người đập lúa phải đập lúa với hi vọng được chia phần. 11 Nếu chúng tôi đã gieo những điều thiêng liêng giữa anh em, thì việc gặt được vật chất từ anh em là việc quá đáng sao? 12 Nếu những người khác còn có quyền ấy trên anh em, huống chi là chúng tôi? Dù vậy, chúng tôi không dùng quyền nầy; nhưng chúng tôi cam chịu mọi sự, để không gây trở ngại cho Tin Lành của Đấng Christ. 13 Anh em không biết rằng, ai lo việc đền thờ thì ăn của dâng trong đền thờ, còn ai lo việc bàn thờ thì có phần nơi bàn thờ sao? 14 Cũng vậy, Chúa có truyền rằng ai rao giảng Tin Lành thì được nuôi sống bởi Tin Lành.15 Nhưng tôi không hề sử dụng quyền ấy, cũng không viết thư nầy để đòi hỏi quyền ấy; vì tôi thà chết còn hơn để cho bất cứ ai tước đoạt mất niềm tự hào nầy. 16 Nếu tôi rao giảng Tin Lành, tôi chẳng có cớ gì để tự hào, vì tôi bị ràng buộc phải làm như vậy; nhưng, nếu tôi không rao giảng Tin Lành thì thật khốn khó cho tôi. 17 Nếu tôi tự nguyện làm việc nầy thì được thưởng; còn nếu không tự nguyện, chức vụ cũng vẫn ủy thác cho tôi. 18 Thế thì phần thưởng của tôi là gì? Ấy là khi rao giảng Tin Lành, tôi rao giảng không công, không đòi hỏi quyền lợi nào của người rao giảng Tin Lành. 

 Suy ngẫm và hiểu

Mặc dù Phao-lô là một sứ đồ, người đã gặp Đấng Christ phục sinh và sau khi nhận được sự kêu gọi của mình, đã lập nên Hội Thánh (Hội Thánh Cô-rinh-tô), là thân thể của Chúa, nhưng có những người trong Hội Thánh Cô-rinh-tô đã nghi ngờ và chỉ trích về các quyền lợi và đặc ân của Phao-lô, là một sứ đồ. Điều này là vì Phao-lô đã không đòi quyền lợi của ông là một sứ đồ giống như các sứ đồ khác đã làm. Đáp lại những nghi ngờ và chỉ trích này, Phao-lô nói rằng ông đã từ bỏ những quyền lợi và các đặc ân đó theo sự tự nguyện riêng của ông để đề phòng chúng trở thành một trở ngại cho công việc rao giảng Phúc Âm của ông. Theo Phao-lô, công việc rao giảng Phúc Âm là một công việc có giá trị nhất (c.1-8).

Ngài ban cho tôi bài học gì?

C.7-12 Phao-lô nói rằng đối với những người rao giảng Phúc Âm, nhận được hỗ trợ từ Hội Thánh là việc có ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, cá nhân ông đã không tận dụng quyền hợp thức này, e rằng làm thế thậm chí có thể gây ra điều trở ngại không đáng có cho công việc rao giảng Phúc Âm của ông. Ngày nay, khi mối lo ngại về sự thế tục hóa của Hội Thánh đang tăng lên, dẫu cho một quyền lợi có thể tự nhiên đến đâu, có nên chăng sự giàu có của các lãnh đạo Hội Thánh phải khác so với sự giàu có của các doanh nhân của thế gian?

C.13, 17 Phao-lô nói rằng đó không phải bởi việc chọn lựa riêng của ông mà ông đã không đòi thưởng công, nhưng vì ông đã trở thành một giáo sĩ của Phúc Âm bởi vâng theo sự kêu gọi và mạng lệnh của Chúa. Tương tự như vậy, khi chúng ta xem công việc mà chúng ta được giao không chỉ đơn giản là một phương tiện để sống mà là sự kêu gọi vì sự sống đời đời, thì cho dù là một giáo sĩ hoặc là một thành viên của hội chúng, chúng ta sẽ không quan tâm đến phần thưởng vật chất.

Tham khảo   

9:8-9 Phúc Âm đã mang đến những sự thay đổi quan trọng trong việc áp dụng Luật Pháp Môi-se vào đời sống của dân sự Đức Chúa Trời (7:19), nhưng đó vẫn là Lời Chúa và vì thế tiếp tục hướng dẫn các Cơ Đốc nhân về đặc tính của Đức Chúa Trời và phạm vi của các giá trị.

9:17 Cương vị quản gia. Thuật ngữ này (tiếng Hi Lạp là oikonomia) nhắc đến trách nhiệm của việc quản lý một gia đình. Phao-lô đã sử dụng nó bằng cách ẩn dụ để nói rằng Đức Chúa Trời đã giao phó cho ông trách nhiệm mà ông phải trung tín, dù ông có được lợi ích từ nó về mặt vật chất hay không. Trách nhiệm đó là để rao ra Phúc Âm và chia sẻ các phước hạnh của nó (c.23). (Xem cả Ê-phê-sô 3:2,9). 

 Cầu nguyện: Xin hãy ban cho chúng con đức tin để biết cách hy sinh quyền lợi mà Ngài đã ban cho chúng con vì Phúc Âm của Ngài và vì cộng đồng.

Đọc Kinh Thánh trong năm: Công Vụ 27-28

Bình Luận:

You may also like