Một bản Kinh Thánh có tuổi lên đến 1000 năm vừa được tìm thấy tại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cảnh sát bắt giữ một nhóm buôn lậu đang tìm cách bán cổ vật này cùng với nhiều tác phẩm nghệ thuật quý hiếm khác.
Nguồn gốc của bản Kinh Thánh này vẫn chưa được xác định cho đến lúc này. Cảnh sát của thành phố Tokat cho biết nó chỉ có 51 trang và được viết bằng ngôn ngữ Assyriac cổ. Ngoài ra, các trang giấy còn chứa đựng nhiều hình ảnh Chúa Giêxu và các nhân vật trong Kinh Thánh được làm bằng vàng lá.
Một bộ sưu tập trang sức và tiền đồng cũng được cảnh sát thu giữ sau vụ việc.
Một đoạn video được đăng tải lên mạng cho thấy các nhà nghiên cứu đang lướt qua cuốn Kinh Thánh với chữ viết Assyriac ở bên phải và các hình tượng minh hoạ làm bằng vàng ở các trang giấy bên trái.
Các nhà nghiên cứu thần học hi vọng rằng tài liệu 1000 năm tuổi này sẽ giúp mở ra cái nhìn toàn cục hơn về sự phát triển của Cơ Đốc giáo qua nhiều thế kỷ.
Bản Kinh Thánh này được phát hiện trong bối cảnh nhiều khám phá về các tác phẩm nghệ thuật Kinh Thánh được đưa ra công chúng chỉ trong vài tháng vừa qua, điển hình nhất là việc các nhà khoa học công bố bản sao Phúc Âm lâu đời nhất vào hồi tháng 1 đầu năm.
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi Craig Evans, một giáo sư chuyên nghiên cứu về Tân Ước tại cao đẳng Acadia Divinity ở Nova Scotia, cho biết họ đã tìm thấy một mảnh giấy papyrus được dùng để làm mặt nạ cho các xác ướp ở Ai Cập có chứa đựng nội dung của Phúc Âm Mác, được làm từ những năm 80 sau công nguyên.
Một bản sao chép của Phúc Âm khác được viết trong khoảng năm 101 đến 200 sau công nguyên cũng được khám phá trong năm nay.
Ngoài ra, vào hồi tháng 6, các nhà khảo cổ học ở Israel cũng tuyên bố rằng họ tìm thấy chiếc bình khắc tên của một nhân vật rất có ảnh hưởng từ thời Vua David và cũng được nhắc đến trong Kinh Thánh. Chiếc bình gốm này có tuổi khoảng 3000 năm và có khắc dòng tên “Eshabaal Ben Beda”, được nhắc đến trong Kinh Thánh Cựu Ước 1 Sử Ký 8:33 và 9:39.