Home Bài Viết Cơ Đốc Nhân Có Nên Uống Rượu, Bia Hay Không?

Cơ Đốc Nhân Có Nên Uống Rượu, Bia Hay Không?

by Ban Biên Tập
30 đọc

Một phóng sự gần đây  của chương trình Thời Sự trên VTV1 (1) đã khiến nhiều người xem “giật mình” với con số 3 tỷ lít bia mà người Việt uống vào năm 2013, trung bình mỗi người uống 32 lít/một năm, nhiều nhất trong các nước Đông Nam Á. Vào dịp lễ tết thì hầu như bàn ăn nào cũng có bia rượu. Vậy Kinh thánh nói gì về vấn đề này?

Rượu trong Cựu ước

Cựu ước có nhiều chỗ nói về sản phẩm từ nho, cả chưa lên men (nước nho) lẫn đã lên men (hàm lượng cồn 12-15%)2. Trong số đó có những chỗ khá tích cực. Ví dụ, Thi thiên 104 liệt kê rượu nho như một trong những món quà từ Chúa: “Rượu nho, là vật khiến hứng chí loài người…” (câu 15). Châm ngôn 3:10, A-mốt 9:14 nhắc đến rượu nho từ vườn nhà như là một dấu hiệu của sự chúc phước từ Chúa. Rượu được dùng như phương thuốc (Châm ngôn 31:6), làm thành phần trong của lễ dâng (Xuất Ê-đíp-tô 19:40, Dân số 28:14), dùng cùng đồ ăn để vui vẻ trong sự hiện diện của Chúa và gia đình (Phục truyền 14:26).

Tuy nhiên, bên cạnh đó Cựu ước cũng có rất nhiều cảnh báo về việc lạm dụng rượu.“Khốn thay cho kẻ dậy sớm đặng tìm kiếm rượu, chầy đến ban đêm, phát nóng vì rượu”(Ê-sai 5:11), “Sự dâm dục, rượu cũ và rượu mới cất lấy hết trí khôn chúng nó” (Ô-sê 4:11) chỉ là vài trích dẫn làm ví dụ. Có những trường hợp say rượu dẫn đến hậu quả đáng tiếc, điển hình như Nô-ê say rượu và lõa thể trong trại mình (Sáng thế ký 9:20-25), các con gái của Lót chuốc rượu cho cha và làm sự loạn luân (Sáng thế ký 19:32-35), rượu dẫn đến bạo lực (Châm ngôn 4:17), nhạo báng và hỗn hào (Châm ngôn 20:1), nghèo đói (Châm ngôn 21:17)…

Trong một số trường hợp Cựu ước đòi hỏi con người không được uống rượu. Các thầy tế lễ không được uống rượu khi thực hiện bổn phận của mình trong hội mạc, ai vi phạm sẽ chết (Lê-vi 10:9), mặc dù họ được uống rượu khi không làm việc (Dân số 18:12). Các vua không được uống rượu trong khi phân xử (Châm ngôn 31:4-5). Trong thời gian hứa nguyện để biệt riêng mình cho Chúa, người Na-xi-rê không được uống bất kỳ vật gì gây say, thậm chí không được ăn nho tươi hay khô (Dân số 6).

Cơ Đốc Nhân Có Nên Uống Rượu, Bia Hay Không?
Mùa nho tại Israel

Rượu trong Tân ước

Trong các sách Phúc âm, Giăng báp-tít là một người Na-xi-rê và đã kiêng rượu hoàn toàn (Lu-ca 7:33). Tuy nhiên, trong câu tiếp theo Chúa Giê-su tương phản lối sống của Ngài với Giăng báp-tít: “Con người đến, ăn và uống…” (Lu-ca 7:34). Phần ký thuật về phép lạ Chúa biến nước thành rượu gợi ý đó là rượu có men (Giăng 2, lưu ý câu 9-10). Trước câu hỏi tại sao lối sống của các môn đồ Ngài khác với lối sống của các môn đồ của Giăng báp-tít, Chúa nhấn mạnh đến nguyên nhân của việc lựa chọn lối sống ấy. “Bạn hữu của chàng rể có kiêng ăn được trong khi chàng rể còn ở cùng mình chăng? Hễ chàng rể còn ở với họ chừng nào, thì họ không thể kiêng ăn được đến chừng nấy.” (Mác 2:19). Lối sống, lời giảng của Giăng là một sự thách thức với xã hội đương thời và kêu gọi sự ăn năn. Lối sống của các môn đồ của Chúa (bạn của chàng rể)  nhấn mạnh niềm vui vì “chàng rể” đã đến và đang ở cùng họ. Chú ý là Ngài cũng nói thêm rằng: “Song tới kỳ chàng rể phải đem đi khỏi họ, trong ngày đó họ sẽ kiêng ăn” (câu 20). Ở chỗ khác Ngài nói: “Từ rày về sau, Ta sẽ không uống trái nho này nữa, cho đến ngày mà ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong nước của Cha ta.” (Ma-thi-ơ 26:29). Căn cứ trên câu này có những Cơ đốc nhân ủng hộ việc không uống rượu và đặt câu hỏi: “Nếu Ðức Chúa Giê-su, bởi lời phán của Ngài về việc uống rượu, đã chờ đợi chúng ta hơn hai ngàn năm nay, và sẽ còn tiếp tục chờ đợi nữa cho đến ngày cùng uống trái nho mới với chúng ta trong tiệc cưới Chiên Con, thì tại sao có nhiều anh em lại không thể đợi được cho đến lúc đó để có thể cùng uống chén nho mới với Chúa trong nước Ngài?”

Các thư tín có khá nhiều cảnh báo về việc say rượu, nghiện rượu (Rô-ma 13:13, Ê-phê-sô 5:18, 1 Cô-rinh-tô 5:11…). Đặc biệt lưu ý lời cảnh báo chúng ta “chớ tự dối mình”, và “những kẻ say sưa” cũng đưa vào danh sách “chẳng được hưởng nước Đức Chúa Trời đâu” (1 Cô-rinh-tô 6:10). Các lãnh đạo hội thánh càng cần phải tiết độ trong vấn đề này (1 Tim 3:3,8; Tít 2:3). Tuy nhiên, Phao-lô khuyên Ti-mô-thê “hãy dùng thêm tí rượu nho để giúp cho việc tiêu hóa vì con hay đau yếu” (1 Tim 5:23 – BDM).

Uống hay không uống?

Sự xem xét Kinh thánh như trên cho thấy rõ ràng “say rượu, nghiện rượu” là tội lỗi. Tuy vậy,  cũng không có sự dạy dỗ rõ ràng về việc Cơ đốc nhân “được phép” hay “không được phép” uống rượu. Đây cũng là lý do khiến các giáo hội và các hệ phái có quan điểm khác nhau (thậm chí bất đồng) về câu hỏi này. Có người cho rằng Cơ đốc nhân có thể uống rượu ở mức vừa phải, có người lại lựa chọn kiêng cữ hoàn toàn.

Đối với những vấn đề tùy thuộc lương tâm của từng người như thế này, hai đoạn Kinh thánh đưa ra những nguyên tắc chung mà các Cơ đốc nhân cần xem xét là Rô-ma 14 và 1 Cô-rinh-tô 8-10.4 Theo đó, Cơ đốc nhân cần lưu ý:

“Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời mà làm” (1 Côr. 10:31). Mỗi Cơ đốc nhân cần “biết” mình, để trình bày vấn đề này trước Chúa và cầu xin sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Quyết định như thế nào còn phụ thuộc vào quá khứthể trạng, và hoàn cảnh của từng người, vấn đề là phải “vì Chúa”. Trong khía cạnh này, các Cơ đốc nhân cũng nên tôn trọng quyết định của người khác, mà không rơi vào sự coi thường hoặc phê phán, và cãi lẫy với nhau (Rô-ma 14:1-4).

Không chỉ nghĩ đến bản thân, Cơ đốc nhân cần suy nghĩ đến việc quyết định của mình có ảnh hưởng như thế nào trên người khác: cả người đã tin Chúa lẫn người chưa tin Chúa.

Chúng ta cần nhạy cảm với rất nhiều anh em đã có những vấn đề với rượu trong quá khứ và một chút rượu có thể làm dịp vấp phạm đối với những anh em yêu dấu ấy. Phao-lô khuyên rằng: “Nhưng hãy giữ lấy, kẻo sự tự do mình làm dịp cho kẻ yếu đuối vấp phạm… Cho nên, nếu đồ ăn xui cho anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt (huống hồ là rượu – NV), hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi” (1 Côr. 8:9-13).  

Với người chưa tin, chúng ta không được “ngăn trở Tin Lành của Đấng Christ chút nào” (1 Côr. 9:12). Cơ đốc nhân cần đặt câu hỏi: việc mình làm (hoặc không làm) đây có thúc đẩy Tin Lành của Chúa? Cơ đốc nhân cần suy xét đến tình hình xã hội đương thời và đưa ra sự lựa chọn thích hợp khi trả lời cho câu hỏi này. Sự kêu gọi “nên thánh” đòi hỏi trong nhiều trường hợp phải dám sống khác. “Ngày trước cũng đã đủ làm theo ý muốn người ngoại đạo rồi, mà ăn ở theo tà tịch, tư dục, say rượu, ăn uống quá độ, chơi bời và thờ hình tượng đáng gớm ghiếc. Họ thấy anh em chẳng cùng họ theo sự dâm dật bậy bạ ấy, thì họ lấy làm lạ và gièm chê.” (1 Phi-e-rơ 4:3-4) Vào cuối thế kỷ 19, William Booth, người thành lập phong trào Cứu Thế Quân đã chủ trương Cơ đốc nhân không uống rượu khi xét đến những hậu quả tai hại của rượu trên đời sống gia đình và xã hội tại Anh lúc bấy giờ. Thông tin về 3 tỷ lít bia mà người Việt đã uống trong năm 2013, cùng số liệu thống kê 60% số vụ tai nạn giao thông, 70% các vụ bạo hành gia đình tại nước ta có liên quan đến rượu thật đáng để cân nhắc. Một đề tài nghiên cứu của người không tin Chúa đánh giá về ảnh hưởng của Tin Lành trong đồng bào dân tộc H’mong tại một số tỉnh phía bắc5, dù không mấy khách quan, cũng đã phải nhận định: “Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực thì đạo Tin Lành cũng có vai trò nhất định trong đời sống đồng bào… làm thay đổi nếp sống của đồng bào theo đạo… Những điều răn dạy mà đạo Tin Lành nêu ra… góp phần hạn chế những tiêu cực trong xã hội (của) đồng bào như… uống rượu, cờ bạc.”

Thiết tưởng cần bổ sung vai trò của Hội Thánh và thẩm quyền thuộc linh trong khía cạnh này. Câu Kinh thánh 1 Ti-mô-thê 5:23 có một số điểm thú vị. Cần lưu ý trong trường hợp này Ti-mô-thê có vẻ đã chọn việc “không uống”, nhưng vì vấn đề sức khỏe (không phải vì lệ thuộc vào rượu), Phao-lô (là người lãnh đạo thuộc linh thực lòng quan tâm đến lợi ích của Ti-mô-thê) khuyên Ti-mô-thê nên uống “một chút” rượu (lưu ý “một chút”, chứ không phải để say sưa). Mặc dù đây là vấn đề thuộc lương tâm và tự do cá nhân, nhưng trong thẩm quyền thuộc linh và lòng quan tâm chân thật, chúng ta cũng nên lưu ý đến việc cho (và nhận) lời khuyên lẫn nhau. Như vậy, Cơ đốc nhân cần suy xét câu hỏi: “Hội thánh địa phương của tôi có quan điểm như thế nào? Mục sư (hoặc những Cơ đốc nhân trưởng thành, biết và hiểu tôi) có lời khuyên gì?”

Không chỉ là uống hay không uống!

Như phát biểu của một nhân vật trong clip nêu trên, mặc dù biết tác hại của bia rượu, nhưng một số người vẫn uống vì bạn bè, vì quan hệ xã hội. “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, người Việt có thói quen thách đố và chuốc rượu nhau quanh bàn nhậu. Có những trường hợp Cơ đốc nhân chúng ta uống rượu không phải vì thích hay vì suy xét những lý do như trên, mà đơn giản chỉ vì sức ép của đám đông, và rồi lại cảm thấy lương tâm cáo trách. Để không rơi vào hoàn cảnh đó, Cơ đốc nhân cần có sự xác quyết, là cái đến bởi sự xét mình trước Chúa, cũng như tìm hiểu kỹ lưỡng về vấn đề này. Khi đã có sự xác quyết, chúng ta sẽ dễ xử sự hơn. Nhiều lúc, vấn đề không phải ở ly rượu, mà ở việc có dám sống theo sự xác quyết của mình, và lo làm đẹp lòng Đức Chúa Trời hơn làm đẹp lòng loài người hay không (Ga-la-ti 1:10). Suy cho cùng, tính đàn ông đâu phải đo bằng tửu lượng mà bởi sống trách nhiệm; tình bạn thật đâu phải được chứng tỏ bằng rượu, mà qua những lúc khó khăn.

MS Nguyễn Đình Hưng

Nguồn:

(1) Xem phóng sự tại đây: http://www.youtube.com/watch?v=3xO1gFmiAFw)

(2) R.A. Baker (Ph.D. Ecclesiastical History). Wine in the Ancient World

(3) http://www.vietnamesebbc.org/co-doc-nhan-va-ruou/

(4) David Pawson – Christian and alcohol

(5) http://tai-lieu.com/tai-lieu/de-tai-su-du-nhap-va-anh-huong-cua-dao-tin-lanh-trong-dong-bao-dan-toc-hmong-o-mot-so-tinh-mien-nui-phia-bac-nuoc-ta-10424/#

Nguồn Loisusong.net
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like