Niềm tin của mỗi người được gia cố bởi gia đình và môi trường sống xung quanh. Vì vậy, họ rất khó chấp nhận khi tin một Đấng khác. Họ chỉ có thể kể cho nhau nghe về Đấng mà họ tin đã ban ơn và giúp đỡ họ trên cuộc sống như thế nào. Họ cũng rất hãnh diện và tự hào vì cơ hội được tin Đấng ấy.
Và… chúng ta cũng vậy!
Trước khi tin Chúa, tôi chịu sự ràng buộc của ông bà về việc thờ cúng và cúi lạy hình tượng bên Phật giáo. Tôi được bơm vào ý nghĩ về sự quyền năng và tối thượng mà ông Phật sẽ cứu giúp và đưa tôi lên thiên đàng sau khi qua đời. Ông bà tôi nói với tôi những điều ấy bằng cả sự tự tin và quyết đoán. Và họ cũng rất sẵn lòng bảo vệ tôi khỏi những đạo khác bằng việc tranh cãi với người gieo đạo đó.
Bản thân tôi khi tin Chúa cũng vậy; luôn ra sức bảo vệ điều mình tin bằng những lập luận và lý lẽ quyết đoán. Tôi nghĩ, đó là điều hẳn nhiên vì theo bản tính của con người – khi mình tin cái gì thì mình cũng muốn người khác tin như thế; huống chi tôi biết rõ Chúa của tôi là chân lý thì sự tranh cãi còn quyết liệt dường nào.
Tôi nhớ hồi tôi đi học quân sự khi mới bước vào quãng thời gian đầu sinh viên, tôi cũng nói về Chúa với niềm hãnh diện và tự hào. Nhưng câu nói của bạn tôi làm tôi phải suy nghĩ “Vì bạn tin Chúa nên bạn nói về Chúa của bạn như thế, người khác tin Phật họ cũng nói tốt về Phật của họ…”. Và rốt cuộc thì câu chuyện giữa tôi và người bạn đó như hai đường thẳng song song không điểm chung. Sự tự mãn và những lời tranh cãi khiến tôi quên đi mục đích của mình là chia sẻ niềm tin cho người khác. Vậy mà vô tình tôi đã đốt luôn “cây cầu” dẫn họ đến Đấng Christ.
Sau này, Chúa cho tôi cơ hội tham gia vào các lớp nghệ thuật chứng đạo, tôi hiểu được cách đưa người khác đến Đấng Christ thật nhẹ nhàng mà không phải tranh cãi. Tôi hiểu rằng điều quan trọng là linh hồn của họ phải được cứu chứ không phải chiến thắng họ qua cuộc tranh cãi dẫn đến kết quả sai hoàn toàn với mục đích ban đầu.
Thật sự đối với tôi và những Cơ Đốc Nhân khác, Chúa là “chiếc cầu” duy nhất dẫn con người đến sự sống viên mãn. Chúng ta ai cũng có khao khát chia sẻ con đường đi đến chiếc cầu đó với nhiều người để họ hưởng được điều tốt lành. Nhưng đôi khi sự vội vàng và tranh cãi trong cách chia sẻ niềm tin khiến chúng ta mất đi cơ hội đạt được mục đích tốt đẹp đó.
Mục sư Greg Laurie của nhà thờ Harvest Christian Fellowship ở Riverside, California cũng nhắc nhở tín đồ về việc này trong bài giảng những tuần trước “Mục tiêu của chúng ta khi chia sẻ Phúc Âm không phải giành chiến thắng sự tranh cãi nhưng phải chiến thắng linh hồn, giống như xây dựng một cây cầu chứ không phải đốt cháy nó, vì vậy hãy tìm cách để thu hút mọi người”. Ông đưa ra ví dụ về câu chuyện liên quan đến người đàn ông mang nước đóng chai đến nhà mục sư
“Anh ta đến nhà xe của chúng tôi và nhìn thấy một vài con thỏ rất dễ thương. Anh ta reo lên “Chúa ơi, nhìn kìa!” Và sau đó lặp đi lặp lại nhiều lần từ “My God” (Chúa tôi) – Vị mục sư kể
“Vì vậy, thay vì cảm thấy vô vọng về việc anh ta cứ lấy Danh Chúa để làm vui cho câu chuyện của mình, vị mục sư đã nói “Này anh ơi, tôi thấy anh nhắc nhiều về Chúa Giê-su, vì vậy tôi muốn mời anh tham dự một sự kiện để biết tất cả về Chúa, được gọi là SoCal Harvest”
Đó là một trong những cách rất nhẹ nhàng để đưa người khác đến với Đấng Christ. Lắng nghe và cảm nhận những điều họ nói. Chia sẻ với sự thấu hiểu và giới thiệu Chúa một cách khéo léo để giúp họ cảm nhận được sự chân thành của chúng ta.
Việc xây một “chiếc cầu” không dễ dàng chút nào, nhưng nó không phải là lý do để chúng ta không làm gì cả. Tương tự như câu nói của Ruth Valerio “What we have to remember is what we cannot do everything. But there is no reason to do nothing”.