Home Chuyên Đề Chúa Trời Có Thật – Chương 27: Tại Sao Chúa Cho Phép Tội Lỗi Tồn Tại?

Chúa Trời Có Thật – Chương 27: Tại Sao Chúa Cho Phép Tội Lỗi Tồn Tại?

by Sưu Tầm
30 đọc

Nếu bạn nhìn vào câu chuyện về sự sáng tạo của Đức Chúa Trời và mối quan hệ hoàn hảo của Ngài với A-đam và Ê-va trong Sáng-thế Ký, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra tội lỗi là nguyên nhân gốc rễ cho mọi rắc rối của chúng ta. Trước khi tội lỗi xâm nhập thế gian, con người trần truồng mà chẳng hổ thẹn. Họ có sự hiệp thông trọn vẹn với Đức Chúa Trời. Không có gian khổ hay tranh chiến. Họ sống trong trạng thái phước hạnh trọn vẹn. Nhưng sau khi phạm tội, sự rủa sả, tranh chiến và đau đớn xuất hiện trong mọi khía cạnh của đời sống.

Tất cả những điều này dẫn đến câu hỏi, nếu Đức Chúa Trời toàn năng thì Ngài có thể giữ cho A-đam và Ê-va khỏi phạm tội, và nếu Ngài toàn tri thì Ngài sẽ biết cuộc sống khủng khiếp như thế nào sau sự Sa Ngã, vậy tại sao Ngài không ngăn chặn tội lỗi? Và cụ thể hơn, tại sao ngày nay Chúa không loại bỏ tội lỗi ra khỏi đời sống của chúng ta?

Một phần của câu trả lời là sự tự do của con người. Hãy tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu con người không có khả năng phạm tội. Hậu quả là chúng ta sẽ được lập trình sẵn để nói chuyện, suy nghĩ và thờ phượng theo một cách nhất định. Chúng ta không có khả năng đưa ra lựa chọn để thực sự tin và theo Chúa, bởi vì từ chối Ngài không phải là một lựa chọn được lập trình sẵn. Và chúng ta không thể tương tác với Chúa hay thế giới theo cách sâu sắc nhất vì chúng ta không có tư tưởng độc lập và ý chí tự do. Niềm vui và tình yêu trọn vẹn sẽ không thể có được.

Ngày nay, ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống.Phục-truyền 30:19

Vì vậy, ý định trọn vẹn của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại đòi hỏi chúng ta phải có quyền lựa chọn hoặc từ chối Ngài. Ngài đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài – điều đó có nghĩa là chúng ta nhất thiết phải có quyền tự do suy nghĩ, tưởng tượng, quyết định và hành động sáng tạo. Vậy nên, ý chí tự do của chúng ta, cùng với khả năng phạm tội, là những khía cạnh quan trọng của con người chúng ta, những đặc điểm mà chúng ta không muốn sống thiếu. Nhưng điều này không có nghĩa là Chúa không cầm giữ cái ác. Ngài có quyền tể trị trên tấm lòng con người, và Ngài không cho phép tội lỗi nằm ngoài ý muốn đời đời của Ngài (Sáng-thế 20:6; 1 Sa-mu-ên 25:26). May mắn thay, Đức Chúa Trời không đẩy chúng ta vào vòng tội lỗi, mà thay vào đó Ngài bảo vệ và gìn giữ chúng ta (1 Cô-rinh-tô 10:13; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:3).

Chúng ta nên phản ứng thế nào với những lẽ thật này? Trước hết, chúng ta nên cầu xin Chúa gìn giữ chúng ta khỏi cám dỗ và tạ ơn Ngài vì sự bảo vệ của Ngài, như Chúa Giê-su đã làm mẫu cho chúng ta trong bài cầu nguyện chung (Ma-thi-ơ 6:9-13). Ngoài ra, chúng ta nên vui hưởng sự tự do này bằng cách thờ phượng Đức Chúa Trời và từ bỏ tội lỗi. Thật là một đặc ân khi được lựa chọn thờ phượng và phục vụ Đấng Tạo Hóa trong từng khoảnh khắc cuộc đời, và chúng ta không nên xem nhẹ quyền tự do này. Tuy nhiên có một lời cảnh báo ở đây – bất cứ lúc nào chúng ta cũng có quyền lựa chọn phạm tội, và chúng ta phải chiến đấu chống lại điều đó bằng quyền năng của Đức Thánh Linh.

Tác giả: Nancy Taylor & Philip Ryken

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like