Ngày 25/12/2014 tờ Wall Street Journal cho ra mắt bài báo “Chứng cớ lớn nhất cho Chúa: chính là khoa học”, gây chấn động dư luận vì nó chỉ ra rằng xác suất tồn tại sự sống trong vũ trụ nhỏ đến mức gần như bằng 0, do đó, không thể có sự sống nếu không có một Tác động Thần thánh!
Xin đừng quên rằng The Wall Street Journal là tờ báo lớn nhất nước Mỹ, do đó tác động của nó đối với xã hội là rất lớn. Và cũng đừng quên rằng đó là bài báo của Eric Metaxas, một nhà văn hiện đại người Mỹ, nổi tiếng với những đề tài liên quan đến đời sống tinh thần, đức tin và ý nghĩa cuộc sống. Đọc bài báo này, bất kỳ ai trung thực cũng sẽ nhận thấy ngay rằng chính khoa học chứng minh ắt phải có Chúa – quan điểm cho rằng “khoa học loại bỏ Chúa” đã quá lỗi thời, nếu không phải là dốt nát! Sau đây là bản lược thuật tóm tắt bài báo nói trên, dựa theo bài viết của Jacqueline trên trang Deep Roots at Home ngày 16/10/2023.
Năm 1966, tạp chí TIME đăng một bài viết trên trang bìa với câu hỏi: “Phải chăng Chúa đã chết (Is God Dead)?” Nhiều người đã chấp nhận một thứ chuyện kể trong nền văn hóa ngày nay rằng Chúa đã lỗi thời – rằng khi khoa học tiến bộ thì ít có nhu cầu về một vị “Chúa” để giải thích vũ trụ. Nhưng … hóa ra những tin đồn về cái chết của Chúa là quá vội vã. Điều đáng kinh ngạc là bằng chứng gần đây về sự tồn tại của Chúa lại đến từ một nguồn đáng ngạc nhiên – chính là khoa học.
Chính là Khoa học
Chuyện là như sau: Cùng trong năm TIME công bố bài báo “Phải chăng Chúa đã chết?”, nhà thiên văn học nổi tiếng Carl Sagan tuyên bố rằng có 2 tiêu chí quan trọng để một hành tinh có thể hỗ trợ cho sự sống: Một ngôi sao phù hợp và một hành tinh có khoảng cách phù hợp với ngôi sao đó. Nếu vậy thì với khoảng 1027 hành tinh trong vũ trụ, phải có khoảng 1024 hành tinh có khả năng hỗ trợ cho sự sống. (Nghĩa là có khoảng 1024 hành tinh có khả năng có sự sống – niềm hy vọng tìm thấy sự sống ngoài Trái Đất dấy lên tưng bừng trong giới khoa học)[2].
Với tỷ lệ cược ngoạn mục như vậy, “Cuộc tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất”, viết tắt là SETI (the Search for Extraterrestrial Intelligence) – một tập hợp rộng lớn các dự án nghiên cứu rất tốn kém của các tổ chức tư nhân và nhà nước đã được khởi động trong những năm 1960 – tin chắc rằng sẽ sớm tìm thấy điều gì đó (mà các nhà khoa học mong muốn). Bằng một mạng lưới kính viễn vọng vô tuyến rộng lớn, các nhà khoa học đã lắng nghe các tín hiệu trong vũ trụ biểu lộ một trí thông minh đã được mã hóa và không chỉ là ngẫu nhiên. Nhưng nhiều năm đã trôi qua, sự im lặng từ phần còn lại của vũ trụ đã làm “điếc tai” (ý nói rằng các nhà khoa học chẳng nghe thấy gì cả, chẳng có tín hiệu nào cả). Năm 1993, Quốc hội (Mỹ) đã cắt giảm tài trợ cho SETI, nhưng cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục bằng các nguồn tài trợ tư nhân. Tính đến năm 2014 (nghĩa là sau khoảng nửa thế kỷ săn lùng nền văn minh ngoài Trái Đất) kết quả chính xác là chẳng phát hiện thấy gì cả – tất cả chỉ là một số 0 theo sau những số 0.
Chuyện gì đã xảy ra vậy? Carl Sagan suy nghĩ, khi kiến thức về vũ trụ tăng lên, rõ ràng là số tiêu chí cần thiết cho sự sống cũng tăng lên. Từ 2 tiêu chí cần cho sự sống mà ông từng nói trước đây, nay đã tăng lên 10 rồi 20 rồi 50, và do đó số lượng các hành tinh có khả năng hỗ trợ cho sự sống cũng giảm xuống tương ứng. Con số hành tinh có thể hỗ trợ cho sự sống giảm xuống còn vài nghìn và tiếp tục giảm mạnh.
Ngay cả những người ủng hộ SETI cũng phải thừa nhận sự thật này. Peter Schenkel đã viết trong một bài báo năm 2006 cho tạp chí Skeptical Inquirer rằng “Dựa trên những phát hiện và hiểu biết mới, có vẻ như cần phải chấm dứt sự phấn khích thái quá… Chúng ta nên lặng lẽ thừa nhận rằng những ước tính ban đầu… có thể không còn hợp lý nữa”.
Khi các tiêu chí cần cho sự sống tiếp tục được phát hiện, số lượng các hành tinh có thể có sự sống đạt tới con số zero và điều này đang tiếp tục diễn ra. Nói cách khác, tỷ lệ cược chống lại bất kỳ hành tinh nào trong vũ trụ hỗ trợ cho sự sống, bao gồm ngay cả hành tinh của chúng ta. Xác suất cho biết rằng ngay cả chúng ta cũng không nên ở đây !
Ngày nay, khoa học đã biết rằng có hơn 200 thông số cần thiết để một hành tinh có thể hỗ trợ cho sự sống – mỗi thông số trong số đó phải được đáp ứng hoàn hảo, nếu không thì toàn bộ sự sống sẽ sụp đổ. Chẳng hạn, nếu không có một hành tinh lớn như Sao Mộc ở gần Trái Đất, để lực hấp dẫn của nó sẽ kéo các tiểu hành tinh về phía nó, thì số lượng tiểu hành tinh va vào bề mặt Trái đất sẽ nhiều gấp ngàn lần. Tỷ lệ chống lại sự sống trong vũ trụ thực sự đáng kinh ngạc.
Nhưng chúng ta đang có mặt ở đây, chúng ta không chỉ tồn tại, mà còn thảo luận về sự tồn tại. Làm sao có thể giải thích điều đó? Liệu có thể tất cả những tiêu chí đó đều hoàn hảo một cách tình cờ không? Đến bao giờ chúng ta mới chịu thừa nhận rằng chính khoa học đã chỉ ra rằng chúng ta không thể là kết quả của các yếu tố ngẫu nhiên? Chẳng phải việc giả định một Trí tuệ siêu việt đã tạo ra những điều kiện hoàn hảo này đòi hỏi ít đức tin hơn nhiều so với việc tin rằng sự sống đã hình thành và được duy trì trên Trái Đất chỉ vì tình cờ thôi sao?
Chưa hết, còn nhiều điều để nói hơn thế nữa.
Sự tinh chỉnh cần thiết để sự sống tồn tại trên một hành tinh chẳng là gì so với sự tinh chỉnh cần thiết để vũ trụ tồn tại. Ví dụ, các nhà vật lý thiên văn hiện nay biết rằng các giá trị của bốn lực cơ bản – lực hấp dẫn, lực điện từ, lực hạt nhân “mạnh” và lực hạt nhân “yếu” – được xác định trong vòng chưa đầy một phần triệu giây sau Big Bang. Một thay đổi rất nhỏ đối với bất kỳ giá trị nào cũng sẽ làm cho vũ trụ không thể tồn tại. Ví dụ, nếu tỷ lệ giữa lực hạt nhân mạnh và lực điện từ bị sai lệch đi một phần nhỏ nhất của phần nhỏ nhất – thậm chí chỉ sai lệch khoảng 1/1017 – thì sẽ không có ngôi sao nào có thể hình thành cả. Hãy suy ngẫm cho kỹ điều đó.
Nhân một thông số với tất cả những điều kiện cần thiết khác để vũ trụ tồn tại, ta sẽ thấy tỷ lệ chống lại sự tồn tại của vũ trụ là quá lớn – lớn đến mức làm cho người ta phải kinh ngạc, giống như việc tung một đồng xu 10 tỷ tỷ lần đều ngửa liên tiếp. Thật thế sao?
KẾT LUẬN: Sự chính xác ấn tượng của Đấng Sáng tạo đã biến Trái Đất thành ngôi nhà của con người
Fred Hoyle, một nhà thiên văn lỗi lạc từng gieo thuật ngữ “Big Bang”, cho biết chủ nghĩa vô thần của bản thân ông đã “bị lung lay dữ dội” trước những sự thật này. Sau đó, ông viết: “một cách giải thích thông thường về các sự kiện cho thấy rằng một siêu trí tuệ đã đùa giỡn với vật lý, cũng như với hóa học và sinh học… Những con số mà người ta tính toán từ các sự kiện có vẻ quá sức đối với tôi đến nỗi tôi thấy kết luận về sự sáng tạo gần như không còn là vấn đề để phải bàn cãi nữa”.
Nhà vật lý lý thuyết Paul Davies đã nói rằng “sự xuất hiện của thiết kế là rất lớn” và giáo sư Tiến sĩ John Lennox của Đại học Oxford đã nói rằng “chúng ta càng hiểu biết nhiều hơn về vũ trụ của mình, thì giả thuyết về sự tồn tại của Đấng Sáng Tạo… càng trở nên đáng tin cậy hơn như là lời giải thích tốt nhất về lý do tại sao chúng ta ở đây”.
Phép lạ vĩ đại nhất mọi thời đại, không gì sánh được, chính là vũ trụ. Đó là phép lạ của mọi phép lạ, một phép lạ không thể tránh khỏi, với độ sáng kết hợp của mọi ngôi sao, hướng đến một điều gì đó—hoặc Một ai đó—vượt ra ngoài chính nó.
Kết luận nói trên làm ta nhớ đến câu Kinh Thánh:
“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển …” (Thánh Vinh 19:1-4)[3].
BÌNH LUẬN của Phạm Việt Hưng
Bài báo của David Metaxas RẤT HAY, vì nó đã thông báo cho mọi người biết một SỰ THẬT rằng tham vọng tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất là một ảo tưởng! Ảo tưởng này xét cho cùng, xuất phát từ một tầm nhìn kém hiểu biết về chính khoa học – xác suất hình thành những điều kiện hoàn hảo thích hợp với sự sống là RẤT THẤP! Chính Stephen Hawking, một nhà vũ trụ học xuất sắc trong nửa sau thế kỷ 20, đã nói rất rõ điều này trong cuốn sách trứ danh của ông: “Lược sử Thời gian” (A Brief History of Time), xuất bản năm 1987. Trong cuốn sách này, Hawking từng thể hiện niềm tin vào Nguyên lý Vị Nhân (Anthropic Principle) – nguyên lý cho rằng vũ trụ này sinh ra là để sự sống và con người có thể tồn tại. Thậm chí ông cho rằng rất khó để giải thích tại sao các hằng số vũ trụ lại được tinh chỉnh khéo léo như thế, ngoại trừ việc thừa nhận “Chúa là câu trả lời”. Dù cuối đời, Hawking thay đổi quan điểm, tuyên bố những điều ngược lại với những gì ông đã viết trong cuốn “Lược sử Thời gian”, nhưng những gì ông nói trong “Lược sử Thời Gian” đã trở thành tài sản trí tuệ của nhân loại, nó không còn phụ thuộc vào chính Hawking nữa. Tài sản trí tuệ ấy hoàn toàn phù hợp với những sự thật mà Metaxas đã loan báo.
Bài báo của Metaxas không nhắc đến Nguyên lý Vị Nhân nhưng một cách tự nhiên cũng ủng hộ nguyên lý này – Trái Đất, cho đến lúc này, vẫn là “ngôi nhà duy nhất” của con người trong vũ trụ mênh mông này. Có người đặt câu hỏi: Nếu Chúa sáng tạo ra loài người, sao lại để cho loài người cô đơn như thế trong vũ trụ? Tôi nghĩ rằng câu hỏi này chỉ là một biểu hiện của trí tò mò ấu trĩ. Loài người trên Trái Đất này, nếu yêu thương nhau, thì đâu có cô đơn? Cần gì phải có người ngoài hành tinh mới hết cô đơn? 8 tỷ người ngày nay cứ yêu thương nhau giúp đỡ nhau thì đâu có cô đơn?
Ngày 12/05/2024 vừa qua, trong bài thuyết trình tại Hội thảo về Định lý Bất toàn của Kurt Gödel do Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người tổ chức tại số 1 Liễu Giai, tôi đã nhắc lại Nguyên lý Vị nhân mà Hawking đã trình bày rất hay trong cuốn “Lược sử Thời gian”, để rồi kết luận:
“Hiện nay khoa học đang lao vào việc tìm kiếm sự sống ở ngoài hành tinh (tức ngoài Trái Đất). Đối với tôi, đó là cuộc phiêu lưu vô ích. Tại sao? Bởi xác suất tồn tại những điều kiện (các hằng số vũ trụ) phù hợp sao cho sự sống có thể hình thành là một con số rất nhỏ – siêu nhỏ và nhỏ đến mức SỰ SỐNG KHÔNG THỂ XẢY RA NẾU KHÔNG CÓ MỘT TÁC ĐỘNG THẦN THÁNH! Ngày nay chúng ta biết tác động thần thánh đó chính là Mã DNA!”.
Thật thú vị để thấy kết luận đó hoàn toàn phù hợp với những thông báo của Metaxas, rằng “tỷ lệ cược chống lại bất kỳ hành tinh nào trong vũ trụ hỗ trợ cho sự sống, bao gồm ngay cả hành tinh của chúng ta. Xác suất cho biết rằng ngay cả chúng ta cũng không nên ở đây”. Nhưng nhờ có PHÉP LẠ – MÃ DNA – MÀ CÓ SỰ SỐNG TRÊN TRÁI ĐẤT!
Quả thật, dù cho tất cả các thông số vũ trụ đã được tinh chỉnh đến mức hoàn hảo để có thể hỗ trợ cho sự sống, nhưng sự sống vẫn không thể xảy ra nếu không có Mã DNA!
Mã DNA không phải là một thông số vũ trụ, nhưng là điều kiện THIẾT YẾU PHẢI CÓ để có sự sống.
Nhưng Mã DNA từ đâu mà ra, nếu không phải là NGÔN NGỮ CỦA CHÚA, như Francis Collins, nguyên Giám đốc Dự án Bản đồ Gene người, đã khẳng định ngay trên trang bìa cuốn sách best-seller của ông năm 2006. Hoặc như Antony Flew, nguyên một nhà triết học vô thần nổi tiếng, đã tuyên bố trong cuốn THERE IS NO A GOD rằng Mã DNA là bằng chứng cho thấy ẮT PHẢI CÓ CHÚA!
Nếu Mã DNA là chữ viết tay của Chúa thì rõ ràng là Trái Đất đã được Chúa ưu ái chọn làm nơi để chúng ta có mặt. Nếu vậy thì niềm tin cho rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ cũng có cái lý của nó. Hóa ra, theo Nguyên lý Vị Nhân, Trái Đất chính là một trung tâm trong vũ trụ, theo nghĩa đây là ngôi nhà duy nhất của loài người trong vũ trụ!
DJP, Sydney 23/01/2025
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
[1] https://deeprootsathome.com/the-biggest-case-for-god-science-itself/
[2] Chữ trong ngoặc đơn là bổ sung của người dịch, PVHg).
[3] Psalm 19: 1 The heavens declare the glory of God; the skies proclaim the work of his hands. 2 Day after day they pour forth speech; night after night they reveal knowledge. 3 They have no speech, they use no words; no sound is heard from them. 4 Yet their voice[b] goes out into all the earth, their words to the ends of the world. In the heavens God has pitched a tent for the sun.