Thi thiên 139: 13; 16 đã chép như vậy
13 Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi,
Dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi.
…
16 Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi;
Số các ngày định cho tôi,
Tại sao Đức Chúa Trời muốn nhấn mạnh rằng Ngài nắn nên tâm thần chúng ta?
“Tâm thần” – trong thành ngữ của tiếng Do Thái, đó là một từ được sử dụng để mô tả về cảm xúc ở tận đáy lòng và sự nhạy cảm về đạo đức. Do đó có thể nói Đức Chúa Trời cũng đã dựng nên tính cách của chúng ta. Chúng ta là chính mình vì Chúa đã tạo ra chúng ta theo cách đó, về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Đức Chúa Trời trực tiếp tham gia vào quá trình sinh học trong việc tạo ra mỗi người chúng ta thành người mà Người muốn chúng ta trở thành.
Hơn thế nữa, tất cả những ngày sống trên đất của chúng ta cũng thuộc quyền của Ngài.
Thi thiên 31: 15 đã chép: 15 Kỳ mạng tôi ở nơi tay Chúa;
Một trong những chìa khóa quan trọng nhất để có thể khuyến khích và mạnh sức chính mình trong Chúa là tự chấp nhận bản thân, tin cậy Chúa vì chính con người chúng ta. Đây là nền tảng của các Cơ đốc nhân để tự chấp nhận bản thân mình. Tôi là chính tôi và bạn là chính bạn vì Chúa có chủ quyền và trực tiếp tạo ra chúng ta để trở thành chính mình. Tự chấp nhận về cơ bản là tin cậy Chúa về nhận diện của chính chúng ta.
Nhiều người nghi ngờ và thậm chí ghét bản thân vì ngoại hình hoặc khuyết tật, thiếu tài năng, thiếu bạn đời, v.v. Họ bực bội, mất tự tin, mất hy vọng và tức giận với chính mình và Chúa.
Đức Chúa Trời không giải thích những việc Ngài làm
Là giáo viên, huấn luyện viên, hoặc phụ huynh, chúng ta thường sẽ giải thích lý do đằng sau mỗi hành động của chúng ta khi đưa ra một số bài tập hoặc kỷ luật hoặc trừng phạt, lý do bao gồm mục đích và kết quả định sẵn cuối cùng sau mỗi việc làm của chúng ta để người nhận được thúc đẩy chịu đựng quá trình.
Tuy nhiên, khi Chúa làm việc với chúng ta, Ngài thường không giải thích lý do. Trong trường hợp của Gióp, Đức Chúa Trời đã không giải thích lý do cho tất cả những đau khổ mà Gióp phải chịu đựng. Là những người đọc Kinh Thánh, chúng ta được đưa vào hậu trường để quan sát cuộc chiến tâm linh giữa Chúa và Sa-tan, nhưng Chúa không bao giờ nói với Gióp về điều đó. Trên thực tế, Chúa cũng đã không giải thích cho chúng ta lý do tại sao Ngài cho phép Sa-tan làm vậy.
Đức Chúa Trời không giải thích cho Giô-sép tại sao ông cần phải vào tù trước khi trở thành tể tướng ở xứ Ê-díp-tô. Chúa cũng không giải thích cho Môi-se tại sao ông cần phải ở trong đồng vắng trong 40 năm trước khi quay lại Ê-díp-tô để đưa dân sự mình ra khỏi đó.
Đôi khi, nhìn nhận lại, chúng ta có thể thấy một số kết quả có lợi của nghịch cảnh trong cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng ta hiếm khi có thể nhìn thấy chúng trong khi đang trải qua nghịch cảnh. Giô-sép có thể thấy một số lợi ích của đời mình sau khi trở thành tể tướng ở xứ Ê-díp-tô, nhưng chắc chắn Giô-sép không thể nhìn thấy khi đang ở trong nghịch cảnh. Với ông, những gì xảy đến dường như vô nghĩa và trái ngược với những giấc mơ được gửi đến (Sáng thế ký 37).
Tuy nhiên, cho dù chúng ta có thấy kết quả có lợi của những thử thách trong cuộc sống này hay không, chúng ta vẫn được kêu gọi để tin vào Chúa rằng Ngài luôn yêu thương chúng ta, Chúa muốn những gì tốt nhất cho chúng ta trong sự khôn ngoan của Ngài, Ngài sẽ giúp cho ta vượt qua những thử thách.
Những cách thức và suy nghĩ của Chúa thì không thể hiểu được đối với con người. Sự khôn ngoan của chúng ta là vô nghĩa, những quyết định của Chúa không thể dò tìm được, và phương pháp của Ngài thì bí ẩn và đầy bối rối với chúng ta.
Rô-ma 11: 33 đã chép:
33 Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!
Tất cả những trải nghiệm của chúng ta về cuộc sống, từng ngày, đã được ghi lại trong sách sự sống của Đức Chúa Trời trước khi chúng ta thậm chí chưa được sinh ra. Chúa đã tạo ra mỗi chúng ta một cách độc nhất để hoàn thành kế hoạch mà Ngài đã định sẵn cho chúng ta. Chúa định sẵn các khả năng và cả những khuyết tật của chúng ta để phù hợp với kế hoạch mà Ngài dành cho chúng ta. Kế hoạch này không chỉ bao gồm sự tạo dựng nên con người của chúng ta, mà cả gia đình và xã hội nơi chúng ta được sinh ra. Nó bao gồm tất cả những điều dường như là những cơ hội hoặc sự kiện ngẫu nhiên, và tất cả những diễn biến bất ngờ và những sự chuyển hướng không mông đợi, cả những điều tốt và điều xấu xảy ra trong cuộc sống của chúng ta – tất cả những điều này đã được Chúa định sẵn trước khi những sự kiện này xuất hiện trên đời sống của chúng ta.
Nhiều tín hữu có một sự phân đôi rất lớn (chia thành 2 phần) trong đầu và trong tấm lòng của mình. Chúng ta có thể nói bằng miệng rằng Đức Chúa Trời tốt lành, Chúa là Đấng tể trị, nhưng trong lòng của chúng ta, không có niềm tin thực sự vào lòng tốt và tình yêu của Chúa.
Trong tiềm thức của chúng ta, chúng ta đấu tranh với việc liệu Chúa có ích kỷ hay không, Ngài làm tất cả vì vinh quang của Ngài và con người chỉ là quân cờ trong bàn cờ của Ngài để thực hiện mục đích của Ngài. Hoặc cho dù Chúa chỉ đối tốt cho những người mà Ngài ưu ái, nhưng với những người còn lại, Ngài chỉ để họ đau khổ để thực hiện mục đích lớn hơn của Ngài.
Tuy nhiên, Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời làm tất cả mọi thứ vì vinh quang của Ngài và vì lợi ích của chúng ta nữa. Ngài không bao giờ theo đuổi vinh quang của mình bằng cách lấy đi sự tốt lành trên chúng ta, và Ngài cũng không bao giờ tìm kiếm sự tốt đẹp bằng cái giá của vinh quang của mình.
Nick Vujicic là một ví dụ cho chúng ta
Nick Vujicic là một trong bảy người được biết đến trên thế giới, sinh ra mắc chứng rối loạn hiếm gặp, hội chứng tetra-amelia, đó là triệu chứng khi sinh ra thiếu đi cả hai tay và hai chân. Trong cuốn tự truyện của anh, mẹ anh đã từ chối gặp anh hoặc giữ anh khi y tá đưa anh đến trước mặt bà, nhưng cuối cùng họ đã chấp nhận tình trạng của con trai mình và hiểu đó là “kế hoạch của Chúa trên con trai mình”.
Bây giờ ông là một nhà truyền cảm hứng thành công cũng như một nhà truyền giáo. Ông đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế tên Life Without Limbs (Cuộc sống không tay chân) cũng như công ty chuyên về truyền cảm hứng có tên Attitude is Altitude (Thái độ là Thước đo của sự thành công).
Tự chấp nhận và nắm lấy những quyết định của Đức Chúa Trời trên cuộc sống của chúng ta là bước đầu tiên chúng ta cần học để mạnh sức chính mình trong Chúa!
Hãy để kết luận với lời trích dẫn của M Scott Peck từ cuốn sách của ông – “The Road Less Travelled” (Con đường ít được lui tới)
Cuộc sống thì khó khăn. Đây là một sự thật tuyệt vời, một trong những sự thật tuyệt vời nhất. Đó là một sự thật tuyệt vời bởi vì một khi chúng ta thực sự nhìn thấy sự thật này, chúng ta vượt qua nó. Một khi chúng ta thực sự biết rằng cuộc sống thật khó khăn – một khi chúng ta thực sự hiểu và chấp nhận nó – thì cuộc sống không còn khó khăn nữa. Bởi vì một khi nó được chấp nhận, thì thực tế là cuộc sống khó khăn cũng không còn quan trọng nữa.
Dịch: Hoàng Gia
Nguồn: Arian Chua
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com