Home Chuyên Đề Đức Tin Của Những Nhà Sáng Lập Nước Mỹ: Đức Chúa Trời Và Cuộc Cách Mạng Mỹ

Đức Tin Của Những Nhà Sáng Lập Nước Mỹ: Đức Chúa Trời Và Cuộc Cách Mạng Mỹ

by Cbn.com
30 đọc

Nhiều người không biết đến di sản văn hóa Do Thái – Cơ Đốc của Hoa Kỳ. Đây là mô tả ngắn về một số tổ phụ sáng lập nước Mỹ và chia sẻ các suy nghĩ của họ để chúng ta thấy bàn tay của Đức Chúa Trời trong quá trình thành lập đất nước này.

(Trong bài này, người dịch (n.d) xin dịch từ tôn giáo là [Cơ Đốc giáo], vì đó là đức tin của hơn 90% người Mỹ cho tới tận năm 1972 [1]. Vậy nên khi những tổ phụ sáng lập nước Mỹ nói đến tôn giáo, họ nói đến Cơ Đốc giáo chứ không phải Hồi giáo, Ấn giáo, hay tôn giáo nào khác. Dịch rõ ra là Cơ Đốc giáo sẽ giúp người đọc Việt Nam hiểu ý họ chính xác hơn.)

John Adams

Vào tháng 6 năm 1776, John Adams đang ở Philadelphia, đắm chìm trong hàng loạt các hoạt động chính trị. Quốc Hội Lục Địa (n.d: cách gọi Quốc Hội Mỹ thời đó) đã bổ nhiệm ông, cùng với Thomas Jefferson và 3 người nữa, để soạn thảo bản “Tuyên Ngôn Độc Lập” khỏi vương quốc Anh. Mặc dù Adams sau này trở thành tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ, ông được nhớ nhất như là một trong những bộ óc và chính khách vĩ đại của cuộc Cách Mạng Mỹ. Những nhật ký, thư tín, và sách viết phong phú của ông cung cấp cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về chính trị thời đó và ý nghĩa của chữ “tự do” đối với những tổ phụ sáng lập.

Tự do, Adams tin rằng, không dựa hoàn toàn vào con người. Thay vào đó, ông viết, “Chỉ duy có [Cơ Đốc giáo] và đạo đức là có thể thiết lập những nguyên tắc mà dựa trên chúng, tự do mới có thể đứng vững. Nền tảng duy nhất của một hiến pháp tự do là đức hạnh thuần khiết, và nếu điều này không thể được truyền vào trong người dân của chúng ta, ở mức lớn hơn những gì họ đang có bây giờ, họ có thể thay đổi người cai trị của mình hay hình thức chính quyền, nhưng họ không thể có tự do lâu dài” (thư gởi đến anh họ Zabdiel Adams, 21 tháng 6 năm 1776).

John Adams còn phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn nữa trong vai trò tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ năm 1798. Ông có một vai trò khó theo đuổi – George Washington rất được ngưỡng mộ. Dù cố gắng tránh rơi vào chính trị đảng phái, Adams nhanh chóng thấy mình bị mắc vào lưới của nó. Và nếu những rắc rối trong nước còn chưa đủ xấu, quan hệ ngoại giao với Pháp đang tệ đi nhanh chóng. Adams phải chuẩn bị quân đội và hải quân Mỹ để tự vệ trước nước Pháp.

Chính vào lúc này mà Adams đã nói trước lữ đoàn đầu tiên của lực lượng dân quân Massachusetts, tái khẳng định những nền tảng của nhà nước Hoa Kỳ:

“Chúng ta không có nhà nước nào được trang bị đủ sức mạnh để có thể tranh đấu với các tham muốn của những con người không bị kiềm chế bởi đạo đức và [Cơ Đốc giáo],” Adams nói. “Tính hám lợi, tham vọng, thù hận, hay mê đắm sẽ giật đứt những ràng buộc chắc chắn nhất của hiến pháp chúng ta như con cá voi bơi xuyên qua một tấm lưới. Hiến pháp của chúng ta chỉ làm ra cho một dân đạo đức và tin kính. Nó hoàn toàn không đủ để quản trị bất kỳ dân nào khác.”

Thomas Jefferson

Thomas Jefferson chỉ mới 33 tuổi khi ông được giao nhiệm vụ viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Kiến thức của ông về triết học chính trị, tài hùng biện viết lách, và niềm tin vào quyền tự nhiên khiến ông trở thành một lãnh đạo giữa những nhà yêu nước.

Nhưng ông không phải là không có những vấn đề chính trị của mình. Các đối thủ của Jefferson thường miêu tả ông như một kẻ ngoại đạo và vô thần. Nhưng trong thực tế, ông là một người ủng hộ kiên định cho quyền tự do tôn giáo và xem nó là một vấn đề hết sức cá nhân – một điều mà ông hay suy ngẫm trong các bài viết của mình. Người đã cho chúng ta những lời bất hủ “trong quá trình phát triển của nhân loại” cũng cho chúng ta những suy ngẫm về Đức Chúa Trời và vai trò của Ngài trong sự tự do. Khắc trên đá cẩm thạch của Đài Tưởng Niệm Jefferson vinh danh ông là các chữ sau:

“… Đức Chúa Trời người cho chúng ta sự sống đã cho chúng ta sự tự do. Liệu những tự do của một quốc gia còn xem là an toàn không khi chúng ta đã xóa bỏ niềm tin chắc chắn rằng những tự do này là món quà của Chúa? Quả thật tôi run sợ cho đất nước mình khi tôi suy ngẫm rằng Đức Chúa Trời là công chính, và công lý của Ngài không thể ngủ mãi” (từ các ghi chép bang Virginia).

Vào đầu thập kỷ 1780, Jefferson đang soạn thảo kế hoạch cho các lãnh thổ tương lai của Hoa Kỳ. Phần lớn kế hoạch này được đưa vào Sắc Lệnh Tây Bắc năm 1787, thiết lập hướng dẫn cho những vùng đất muốn nộp đơn xin trở thành một bang của Mỹ. Theo đạo luật này, bất kỳ bang mới nào gia nhập đất nước sẽ được công nhận là ngang hàng với 13 bang đầu chứ không phải là thuộc địa. Điều khoản cho các bang bao gồm quyền tự trị, tự do tôn giáo, và cấm chế độ nô lệ. (n.d: Sắc lệnh Tây Bắc 1787 cấm chế độ nô lệ ở các bang mới gia nhập, nhưng các bang cũ vẫn được giữ chế độ nô lệ sẵn có. Nó dẫn đến phân chia giữa các bang tự do (chủ yếu ở miền Bắc) và các bang nô lệ (chủ yếu ở miền Nam). Về sau nó dẫn đến cuộc nội chiến Hoa Kỳ để buộc các bang có chế độ nô lệ phải bãi bỏ chế độ này [2])

Niềm tin của Jefferson vào mối quan hệ không thể nghi ngờ giữa chính quyền tốt với tự do tôn giáo được phản ánh trong điều 3 của Sắc Lệnh Tây Bắc, nơi ông viết:

“[Cơ Đốc giáo], đạo đức, và kiến thức là cần thiết cho một chính quyền tốt và cho hạnh phúc của nhân loại, trường học và những phương tiện giáo dục khác sẽ luôn được khuyến khích.”

Noah Webster

Kỳ trong thế kỷ 18 và di sản của ông còn tồn tại đến ngày nay. Là tác giả của quyển từ điển đầu tiên của nước Mỹ và là con trai của cuộc Cách Mạng Mỹ, Webster muốn cho quốc gia mới này một loại tự do mới – một văn hóa riêng của nó. Webster xem dự án quan trọng nhất của mình là việc chỉnh sửa quyển Kinh Thánh bản King James (sang tiếng Anh của người Mỹ – n.d). Ông muốn làm cho nó dễ hiểu với mọi người Mỹ. Ông tin rằng Đức Chúa Trời đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục người dân và bảo vệ cuộc thử nghiệm Mỹ (n.d: cách người Mỹ gọi nhà nước độc đáo của mình). 

Đây là lời khuyên của ông về việc lựa chọn những nhà lãnh đạo đất nước:

“Khi bạn được thực hiện quyền bầu cử các quan chức nhà nước, hãy ghi nhớ trong tâm trí mình rằng Đức Chúa Trời yêu cầu bạn chọn người lãnh đạo, những người công chính sẽ trị vì trong sự kính sợ Chúa. Việc gìn giữ chính chính quyền cộng hòa phụ thuộc vào việc thực thi trung tín nghĩa vụ này; nếu các công dân bỏ bê nghĩa vụ của mình, và đặt những người không có nguyên tắc vào chức vụ, chính quyền sẽ sớm bị tha hóa” (“Lời Khuyên Cho Giới Trẻ”, từ sách “Giá Trị Của Kinh Thánh Và Những Điều Tuyệt Vời Của Cơ Đốc Giáo”, 1834).

Benjamin Franklin

Vai trò của Benjamin Franklin trong việc soạn thảo bản Tuyên Ngôn Độc Lập không phải là phát minh đầu tiên của ông. Tổ phụ sáng lập này đóng góp cho nước Mỹ cả về chính trị lẫn khoa học. Từ cuốn niên giám và thả diều đến phục vụ với vai trò đại sứ và chính khách, Benjamin Franklin thật sự là một trong những tổ phụ sáng lập đa tài nhất. Tư duy khoa học của Franklin cũng dẫn tới nhiều thảo luận tri thức và triết học.

Dù không phải là một người đi nhóm hội thánh đều đặn khi trưởng thành, ông thường bày tỏ tầm quan trọng của việc áp dụng các giá trị đạo đức của Chúa vào mọi khía cạnh trong đời sống. Những bài viết của ông cho thấy sự thừa nhận Đức Chúa Trời vượt lên trên những bí ẩn khoa học mà Franklin mong muốn trả lời. Vào năm 1731, ông công bố một bản nguyên tắc sống, trong đời sống cá nhân và cộng đồng:

“Có một Đức Chúa Trời, Cha của vũ trụ. Ngài là vô cùng tốt lành, quyền năng, và khôn ngoan. Ngài hiện diện mọi lúc mọi nơi. Ngài phải được thờ phượng, bằng những lời cầu nguyện và cảm tạ trong cả nơi công cộng lẫn nơi riêng tư.”

Vào mùa hè năm 1787, các đại diện của Hội Nghị Lập Hiến ở Philadelphia đã tranh luận gay gắt suốt 10 tuần dài. Căng thẳng bùng lên vì những vấn đề nóng bỏng giữa các bang miền Bắc và miền Nam. Khi căng thẳng lên cao, một số đại biểu đe dọa sẽ rút khỏi hội nghị hoàn toàn, khiến quốc gia non trẻ này không có được một hiến pháp mạnh mẽ.

Khi có vẻ như chẳng ai có thể đi đến đồng thuận, một chính khách lớn tuổi trong nhóm đã đứng ra điều hành. Franklin lúc đó 81 tuổi đã đứng dậy. Và dù không được biết là người sùng đạo, ông đã cho cuộc hội nghị đầy tranh cãi này một lời kêu gọi cầu nguyện mạnh mẽ:

“Thưa ngài, tôi đã sống một cuộc đời dài, và càng sống lâu, tôi càng thấy nhiều bằng chứng thuyết phục về lẽ thật này, rằng Đức Chúa Trời tể trị trên những vấn đề của con người. Và nếu một con chim sẻ không thể rơi xuống đất mà không được Ngài biết, thì liệu một đế quốc có thể trổi dậy mà không được Ngài trợ giúp? Tôi cũng tin rằng không có sự giúp đỡ đồng thuận của Ngài, chúng ta sẽ không thành công trong công cuộc xây dựng chính trị này hơn những người xây tháp Babel… Vì vậy, tôi xin đề nghị rằng từ nay trở đi, những lời cầu nguyện nài xin sự giúp đỡ và phước lành của thiên đàng cho các suy xét của chúng ta sẽ được tổ chức trong hội nghị này vào mỗi sáng…”

Benjamin Rush

Tác động của Benjamin Rush với nước Mỹ không chỉ dừng lại ở chữ ký của ông trên bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Dù là thành viên của Quốc Hội Lục Địa, Rush cũng là một trong những bác sĩ có ảnh hưởng nhất Hoa Kỳ thời kỳ đầu. Ông phục vụ trong vai trò Bác Sĩ Trưởng của Quân Đội Lục Địa trong cuộc Cách Mạng Mỹ.

Dưới thời Tổng Thống John Adams, Rush là Trưởng Thủ Quỹ của Sở Đúc Tiền Hoa Kỳ. Đáng chú ý hơn, chính khách này đã khuyến khích ủng hộ việc xây thêm nhà thờ cho người da đen ở Philadelphia. Rush tin rằng điều này sẽ giảm số người da đen trong nhà tù ở Mỹ vì nhiều tù nhân bị kết án vì tội trộm cắp thức ăn và quần áo.

Sự ủng hộ của Benjamin Rush phản ánh những bài viết trước đây trong niềm tin của ông về một nền tảng [Cơ Đốc giáo] và đạo đức mạnh mẽ cho tất cả mọi người. Năm 1806, ông viết:

“Nền tảng duy nhất cho một nền giáo dục hữu ích của một nền cộng hòa phải được đặt trên [Cơ Đốc giáo]. Không có điều này sẽ không có đức hạnh, và không có đức hạnh sẽ không có tự do, và tự do là mục tiêu và là đời sống của mọi chính phủ cộng hòa.”

William Penn

“Con người phải được tể trị bởi Đức Chúa Trời, không họ sẽ bị cai trị bởi những kẻ độc tài” – William Penn

William Penn không biết rằng khải tượng của ông về việc thành lập một xã hội tin kính, đức hạnh, và mẫu mực cho tất cả mọi người một ngày nào đó sẽ sinh ra tự do cho một đất nước. Sau khi thành lập bang Pennsylvania bằng đất được vua Charles Đệ Nhị cấp, Penn bắt đầu lên kế hoạch cho một thành phố gọi là Philadelphia. Nhiều năm sau, thành phố lịch sử của William Penn sẽ trở thành thủ đô đầu tiên của Hoa Kỳ và từ nó đặt ra cấu trúc nền móng của đất nước.

Mặc dù Penn được nhớ đến nhất là qua khải tượng của ông về một chính quyền dân chủ chung sống cách hòa bình với người bản xứ, vào năm 1682, niềm tin của William Penn về cơ sở chính quyền phản ánh những nguyên tắc của Kinh Thánh:

Penn viết: ”Sẽ không thể có nhân dân chính quyền nào được thịnh vượng, khi con người không trả cho Chúa những gì thuộc về Chúa, và trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar.”

James Wilson

Một trong những nhà yêu nước và tổ phụ sáng lập nước Mỹ ít được biết đến là James Wilson. Những bài viết của luật sư trẻ này về thẩm quyền của Quốc Hội Anh gây ấn tượng với các thành viên của Quốc Hội Lục Địa đến nỗi họ bầu ông làm thành viên năm 1775. Năm sau, Wilson ký Tuyên Ngôn Độc Lập và sau đó là Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Phụng sự trong vai trò Thẩm Phán Tòa Án Tối Cao cho tới khi chết, James Wilson nhận ra rằng có một luật cao hơn bộ luật của con người nhiều mà ta cần xem xét. Khi được hỏi nguyên nhân tối thượng của bổn phận đạo đức là gì, Wilson khẳng định, “Tôi cho nó câu trả lời này, đó là ý muốn của Đức Chúa Trời. Đây là bộ luật tối cao. Ngài là công chính và có toàn quyền để áp đặt luật lệ; và nghĩa vụ của chúng ta là làm theo chúng. Đó là nguồn gốc bổn phận đạo đức của chúng ta.” 

George Washington

Vào tháng 5 năm 1776, chiến sự đang diễn ra trong cuộc Cách Mạng Mỹ. Với tướng quân George Washington, nó là thời điểm căng thẳng. Dưới chỉ huy của mình ở New York, ông chỉ có khoảng 7000 quân ô hợp ít được huấn luyện. Họ sắp phải đối mặt với khoảng 30,000 quân từ một quân đội tinh nhuệ và thành công nhất thế giới. Quân Mỹ đội bị thua kém cả về quân số lẫn súng đạn. Khi họ đang ở New York chờ đợi cuộc tấn công với sức mạnh dữ dội của quân đội Anh, Washington ra lệnh cho quân mình hãy cầu nguyện cho chiến dịch phía trước.

Vào 17 tháng 5 năm 1776, ông viết rằng ngày đó “… sẽ được cử hành là ngày kiêng ăn khiêm cung và cầu nguyện, hạ mình cầu xin lòng thương xót của Đức Chúa Trời toàn năng, xin Ngài vui lòng tha thứ mọi tội lỗi và sai phạm chất chồng của chúng ta, và làm vững mạnh những cánh tay của khối đoàn kết các thuộc địa, và cuối cùng thiết lập bình an và tự do cho nước Mỹ trên một nền tảng vững chắc và lâu dài.”

Sau cuộc Cách Mạng, Washington được bầu làm tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Nhiều năm sau, khi ông chuẩn bị rời văn phòng và trở về trang trại Mount Vernon yêu dấu của mình, điều trước nhất trong tâm trí ông là quốc gia non trẻ này cần phải giữ trung lập trong các vấn đề ngoại giao cho tới khi nó lớn mạnh hơn. George Washington đã chọn gởi thông điệp này cho đất nước trong một bài diễn văn chia tay — không phải trong một buổi nói chuyện, mà trên các tờ báo Philadelphia vào tháng 9 năm 1796. Trong đó, ngài tổng thống khuyên người Mỹ hãy trân trọng nền cộng hòa vừa thiết lập và hiến pháp của nó. Nhưng Washington cảnh báo rằng sự thành công của đất nước không chỉ dựa sức mạnh quốc gia mà còn vào hai yếu tố thiết yếu:

“Trong tất cả những khuynh hướng và thói quen dẫn tới thịnh vượng chính trị, [Cơ Đốc giáo] và đạo đức là những hỗ trợ không thể thiếu.”

Người dịch: Richard Huynh

Nguồn: cbn.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bài Tham Khảo

[1] How U.S. religious composition has changed in recent decades
https://www.pewresearch.org/religion/2022/09/13/how-u-s-religious-composition-has-changed-in-recent-decades/

[2] Sắc Lệnh Tây Bắc 1787
https://en.wikipedia.org/wiki/Northwest_Ordinance 

Bình Luận:

You may also like