Home Chuyên Đề Có Thể Chứng Minh Chúa Hiện Hữu Không?

Có Thể Chứng Minh Chúa Hiện Hữu Không?

by Viethungpham.com
30 đọc

Trong số những người tin vào Chúa, có người cho rằng chúng ta chỉ có thể tin, thay vì chứng minh sự hiện hữu của Chúa. Nếu không chứng minh được sự hiện hữu của Chúa, làm thế nào để bạn thuyết phục những người không có đức tin rằng đức tin của bạn là hợp lý?

Đức tin và lý trí

Mối quan hệ giữa đức tin và lý trí là một trong những nội dung được thảo luận nhiều nhất trong nhận thức luận (epistemology) – tức triết học về nhận thức (cognitive philosophy) hoặc khoa học về nhận thức (cognitive science) – trong đó câu hỏi đầu tiên và sau cùng là: “Chúa có hiện hữu không?”. Câu trả lời sẽ quyết định cách bạn nhìn thế giới, cách bạn sống và ứng xử ra sao.  

Những người trả lời “không có Chúa” là những người không có đức tin; những người trả lời “có Chúa” là những người có đức tin. Nhưng mối quan tâm trong câu chuyện hôm nay là ở chỗ trong số những người có đức tin, có hai quan điểm đối lập về vai trò của lý trí đối với đức tin:

Nhóm 1: Gồm những người cho rằng Chúa là vô cùng, do đó không thể chứng minh sự hiện hữu của Ngài bằng các phương tiện của lý trí.

Nhóm 2: Gồm những người khẳng định có thể chứng minh sự hiện hữu của Chúa bằng khoa học và lập luận logic chính xác.  

Vậy ai đúng? Ai sai? Trước khi trả lời, xin nêu lên hai ý kiến gợi mở.

Ý kiến 1: Nhà triết học lỗi lạc người Đức thế kỷ 18 là Immanuel Kant từng nói:

●        “Mong ước nói chuyện với Chúa là vô lý. Chúng ta không thể nói chuyện với một người mà chúng ta không thể hiểu được – và chúng ta không thể hiểu Chúa; chúng ta chỉ có thể tin vào Ngài” (The wish to talk to God is absurd. We cannot talk to one we cannot comprehend – and we cannot comprehend God; we can only believe in Him)[1].

Thoạt nghe, ý kiến của Kant có vẻ như thuộc Nhóm 1, rằng không thể chứng minh sự hiện hữu của Chúa. Nhưng suy ngẫm kỹ thì thấy không phải như vậy. Kant nói không thể hiểu được Chúa chứ không nói không thể chứng minh sự hiện hữu của Chúa. Khái niệm “hiểu” khác xa khái niệm “chứng minh sự hiện hữu”. Bằng chứng là có nhiều thứ hiện hữu rất rõ ràng nhưng không thể hiểu bản chất của nó, điển hình là “ý thức” (consciousness). Ai cũng thừa nhận sự tồn tại của ý thức, nhưng không ai biết bản chất của ý thức là gì. Điều này đã được trình bày kỹ trong hai bài báo sau đây:

  • “The Hardest Problem: Consciousness / Bài toán khó nhất: Ý thức”[2]
  • “Science Can’t Crack Consciousness / Khoa học không thể phá vỡ bí mật của ý thức”[3]

Chúa là khái niệm cao siêu gấp bội so với ý thức. Vậy làm sao có thể hiểu Chúa? Tuy nhiên, sự tồn tại của Chúa thì có thể cảm nhận được và chứng minh được, như chúng ta sẽ thấy ở những phần sau trong bài viết này.

Ý kiến 2: Nếu quả thật Chúa là một khái niệm không thể chứng minh thì lập tức suy ra rằng mọi nỗ lực chứng minh sự hiện hữu của Chúa sẽ là “công dã tràng”, vô ích. Khi ấy, lý lẽ chứng minh sẽ trở thành không cần thiết trong việc củng cố và truyền bá đức tin. Nói cách khác, chỉ cần đề cao đức tin là đủ và hãy từ bỏ mọi nỗ lực dùng lý trí để củng cố hoặc truyền bá đức tin. Cách ứng xử này đã vô tình rơi vào “chủ nghĩa duy tín” (fideism / faithism) – chủ nghĩa cho rằng “lý trí là không cần thiết và không thích hợp cho việc thực hiện và biện minh cho niềm tin tôn giáo[4].

Vậy chủ nghĩa duy tín có hợp lý không?

Dễ thấy chủ nghĩa duy tín trái với Blaise Pascal, một con chiên có đức tin thuần thành đồng thời có lý trí sắc bén, từng nói:

●        “… với những người không có đức tin, chúng ta chỉ có thể trao đức tin cho họ bằng lý lẽ, trong khi chờ đợi Thiên Chúa ban cho họ bằng cách đánh động trái tim họ?” (to those who do not have it we can only give such faith through reasoning, until God gives it by moving their heart)[5].

Để giúp độc giả hiểu rõ Pascal và chủ nghĩa duy tín hơn, xin trân trọng giới thiệu luận văn tuyệt vời sau đây:

Tông thư của Đức Giáo hoàng Francis[6]

Đó là Tông thư nhan đề:

công bố ngày 19/06/2023, nhân dịp kỉ niệm 400 năm ngày sinh của Blaise Pascal, một con chiên xuất sắc của Chúa, một trong những thiên tài khoa học và triết học vĩ đại nhất mọi thời đại.

Tông thư này là một luận văn triết học và thần học thâm thúy, sâu sắc, không dễ để hiểu, nhưng một khi đã hiểu, người đọc sẽ có cảm xúc sung sướng, khoan khoái như khám phá ra những sự thật trong bản chất con người ở cả hai chiều kích: sự cao cả bởi tư tưởng vươn tới cái cao đẹp hoàn mỹ và sự khốn khổ bởi những trói buộc vào thân xác thấp hèn … Hơn ai hết Pascal là người nhìn thấy rõ hai mặt xung đột mâu thuẫn đó cùng nằm trong con người, nhờ đó tìm ra ý nghĩa đích thực của kiếp người là cuộc đấu tranh để xa rời cái khốn khổ và vươn tới cái cao cả – một hành trình ngày càng tiến gần tới Chúa hơn. Trong hành trình ấy, con người phải ý thức được điểm đến, hướng tới điểm đến. Với những thuyết giảng triết học như thế, Tông thư là một luận văn hiếm có vẽ ra bức chân dung tư tưởng chính xác của Blaise Pascal, và đó cũng là chân dung tiêu biểu của một con người đích thực nói chung. 

Sau đây là một số trích dẫn ý kiến trong Tông thư [7]. Những trích dẫn này cho thấy chủ nghĩa duy tín là sai lầm, và việc sử dụng lý trí để làm sáng tỏ tính hợp lý của đức tin là điều cần thiết, và điều này chính là một truyền thống của Công giáo từ xưa tới nay.

Để tiện theo dõi, các trích dẫn được đánh số như sau đây:

  1. Theo lời của Đức Benedict XVI, truyền thống Công giáo ngay từ đầu đã bác bỏ điều gọi là chủ nghĩa duy tín, tức là ước muốn tin thì chống lại lý trí””.
  2. Là Ki-tô hữu, chúng ta cần tránh xa cám dỗ trình bày đức tin của mình như một điều hiển nhiên chắc chắn không thể chối cãi đối với mọi người”.
  3. Pascal nói với chính thời đại của chúng ta, vì ông nhắc nhở chúng ta về sự vĩ đại của lý trí con người và khuyến khích chúng ta sử dụng lý trí để giải mã những bí ẩn của thế giới xung quanh”.
  4. Là người sở hữu sự chắc chắn siêu nhiên về đức tin và coi đức tin hoàn toàn tương thích với lý trí mặc dù đức tin vượt trội vô cùng so với lý trí, Pascal cố gắng tham gia đối thoại bao nhiêu có thể với những người không cùng đức tin với mình. Vì “đối với những người không có đức tin, chúng ta chỉ có thể trao đức tin cho họ bằng cách lý luận, trong khi chờ đợi Thiên Chúa ban cho họ bằng cách đánh động trái tim họ”. Tại đây, chúng ta thấy một hình thức loan báo Tin Mừng hết sức tôn trọng và kiên nhẫn mà thế hệ chúng ta cần noi theo”.
  5. Nếu Thiên Chúa của chúng ta là một “vị Thiên Chúa ẩn mình”, thì đó là bởi vì Ngài “muốn ẩn mình” để cho lý trí của chúng ta, được ân sủng soi sáng, sẽ không bao giờ ngừng tìm Ngài”.
  6. Nếu chúng ta phủ nhận các nguyên tắc của lý trí, thì tôn giáo của chúng ta sẽ trở nên phi lý và nực cười”. Tuy nhiên, nếu đức tin là hợp lý, thì đức tin vẫn là một món quà của Thiên Chúa và không thể bị áp đặt”.
  7. Mặc dù đức tin cao hơn lý trí, nhưng không có nghĩa là đức tin đối nghịch với lý trí
  8. Khi đọc tác phẩm của Pascal, trước hết chúng ta không bắt gặp một lý trí soi sáng đức tin, mà là bắt gặp một Kitô hữu có tính logic chặt chẽ tuyệt vời đang giải thích cho một trật tự, được Thiên Chúa thiết lập một cách nhân từ
  9. Thiên Chúa, sau khi đã tạo dựng trời và đất là những thụ tạo không ý thức được hạnh phúc của sự hiện hữu của chúng, đã muốn dựng nên những thụ tạo nhận biết được hạnh phúc đó và đã dựng nên một thân thể gồm các thành viên biết tư duy”.

Trích dẫn số 9 cho thấy: sứ mệnh của con người là ý thức được sự hiện hữu của Đấng đã sáng tạo ra vũ trụ và sự sống, bao gồm chính nó – con người tuy bé nhỏ yếu ớt nhưng nó cao cả và độc đáo với tư cách vật thụ tạo duy nhất có khả năng ý thức được Tác giả của vũ trụ và sự sống. Vậy nếu con người sử dụng lý trí của mình để chứng minh sự hiện hữu của Chúa thì đó là một việc làm phù hợp với sứ mệnh của mình. Đó chính là lúc con người thể hiện ý thức về sự hiện hữu của Chúa, và sự thể hiện ấy chính là lời ngợi ca sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.  

Nhưng lý trí con người có thể chứng minh sự hiện hữu của Chúa hay không?

Câu trả lời khẳng định là có! Khoa học càng phát triển, càng có nhiều chứng minh thuyết phục. Những chứng minh này sẽ củng cố đức tin của người có đức tin, và thuyết phục người không có đức tin.

Nhưng trước khi nêu lên một số chứng minh cụ thể, cần hỏi: chứng minh là gì?

Chứng minh là gì?

Từ điển Cambridge Dictionary trả lời: “Chứng minh là một sự thật hoặc một tập hợp thông tin cho thấy một cái gì đó tồn tại hoặc xác thực” (a fact or piece of information that shows that something exists or is true)[8]

Trong toán học hoặc khoa học logic nói chung, chứng minh là một chuỗi suy diễn nối tiếp nhau từ cái đã biết hoặc cái đã được thừa nhận tới cái chưa biết. Cái được thừa nhận đầu tiên được gọi là các tiên đề, hoặc hệ tiên đề. Kết quả suy diễn cuối cùng là kết luận kết thúc chứng minh).

Quan trọng hơn, cần phân biệt khái niệm “chứng minh” với khái niệm “thực chứng” (realized). Nhiều người bị lẫn lộn hai khái niệm này, và có lẽ đây là một trong những lý do cơ bản để nhiều người có đức tin nghĩ rằng không thể chứng minh sự hiện hữu của Chúa. Chẳng hạn có tài liệu viết: “Tôi đã giương ống kính thiên văn lên khắp nơi trong vũ trụ, và tôi chẳng thấy Chúa ở đâu cả”[9]. Đây là một đòi hỏi “thực chứng” Chúa rất ngây thơ.

Dường như đã chứng kiến nhiều cái ngây thơ như thế nên Albert Einstein đã nhiều lần phải lên tiếng gợi ý:

●        “Tôi thấy một mô hình, nhưng trí tưởng tượng của tôi không thể hình dung ra người tạo ra mô hình đó. Tôi trông thấy chiếc đồng hồ, nhưng tôi không thể hình dung được người chế tạo ra chiếc đồng hồ đó. Trí óc con người không thể nhận thức được bốn chiều, vậy làm sao có thể nhận thức được một vị Chúa mà đối với Ngài một ngàn năm và một ngàn chiều đều là một” (I see a pattern, but my imagination cannot picture the maker of that pattern. I see a clock, but I cannot envision the clockmaker. The human mind is unable to conceive of the four dimensions, so how can it conceive of a God, before whom a thousand years and a thousand dimensions are as one?)[10]

●        “Tự nhiên chỉ cho chúng ta thấy cái đuôi con sư tử. Nhưng tôi không nghi ngờ gì về sự tồn tại của con sư tử có cái đuôi ấy, ngay cả khi nó không thể lộ diện trước mắt chúng ta ngay lập tức vì kích thước quá khổng lồ của nó” (Nature shows us only the tail of the lion. But there is no doubt in my mind that the lion belongs with it even if he cannot reveal himself to the eye all at once because of his huge dimension)[11].

Dụ ngôn “chiếc đồng hồ” gợi ý: Nếu đã có chiếc đồng hồ, ắt phải có người chế tạo ra nó. “Ở đâu có một thiết kế, ở đó ắt có một Nhà Thiết kế” (phát biểu của Thánh Thomas Aquinas), hoặc “mọi thiết kế đều đòi hỏi có một Nhà thiết kế của nó” (Nguyên lý về Thiết kế). Nhà thiết kế vũ trụ và sự sống chính là Chúa.

Dụ ngôn “cái đuôi con sư tử” gợi ý nếu đã có một cái đuôi của một con sư tử, ắt phải có con sư tử có cái đuôi ấy. Cái đuôi là một bộ phận của cái toàn thể, một biểu lộ của cái toàn thể, một hiệu ứng của cái toàn thể. Cái toàn thể chính là Chúa.

Chủ nghĩa thực chứng đòi hỏi phải thực chứng Nhà thiết kế hoặc Cái toàn thể là một đòi hỏi ngây thơ, tỏ ra thiếu biết về Định lý Gödel. Thật vậy, định lý này đã chỉ ra rằng khoa học chỉ có thể nhận thức được từng bộ phận của thế giới, thay vì nhận thức được Cái toàn thể. Đó chính là nghĩa lý của tích “Thầy bói xem voi”. Và đó cũng là điều đã được trình bày kỹ trong bài báo “Gödel Destroyed Logical Positivism / Gödel vô hiệu hóa chủ nghĩa logic thực chứng”[12] trên viethungpham.com ngày 31/01/2022.

Tóm lại, với “Nguyên lý Thiết kế” đã được thừa nhận trong nhận thức luận, bài toán chứng minh sự hiện hữu của Chúa quy về bài toán chứng minh sự hiện hữu những bản thiết kế của Chúa, hoặc chỉ ra những biểu lộ của Chúa, những sản phẩm kỳ diệu của Chúa, những hiệu ứng kỳ lạ do Chúa tạo ra, bao gồm các phép lạ.

Bản thiết kế của Chúa là những thiết kế tinh vi và phức tạp mà khoa học vật chất của con người không thể giải thích được nguồn gốc, do đó buộc phải thừa nhận một nguồn gốc siêu vật chất nằm bên ngoài bản thiết kế ấy. Sự thừa nhận này không phải là một niềm tin huyền bí, mà là một hệ quả triết học của Định lý Gödel – định lý khẳng định rằng mọi hệ logic đều cần đến một chỗ dựa nằm bên ngoài hệ logic ấy.

Một số chứng minh không thể chối cãi về sự hiện hữu của Chúa

Chứng minh 1

  1. Mọi thông tin đều bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh.
  2. Mã DNA, tức chương trình kiến tạo sự sống, là một dạng thông tin (cao cấp và kỳ diệu).
  3. Vậy ắt phải tồn tại một Trí tuệ thông minh (siêu việt) viết ra mã DNA. Trí tuệ thông minh này được gọi là Chúa (hoặc một tên gọi khác, tùy theo mỗi nền văn hóa)

Trong tam đoạn luận trên, mệnh đề 1 và 2 là các giả thiết / các tiên đề / hệ tiên đề, mệnh đề 3 là kết luận. Kết luận chỉ đúng nếu các tiên đề được mọi người thừa nhận là đúng. Vậy hãy xét các tiên đề.

Tiên đề 1, “mọi thông tin đều bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh”, là một định luật của khoa học thông tin. Trong cuốn “In the beginning was information” (Khởi đầu đã có thông tin), Werner Gitt gọi định luật này là một “định luật khoa học về thông tin” (Scientific Law of Information) và ký hiệu là SLI4, với nội dung như sau: “Thông tin phổ quát chỉ có thể được tạo ra bởi một người gửi có trí tuệ thông minh” (Universal information can only be produced by an intelligent sender)[13]. Định luật này được rút ra từ phép quy nạp vô số trường hợp cá biệt (phép quy nạp là một phương pháp cơ bản của khoa học). Ai muốn bác bỏ nguyên lý này, người ấy phải chỉ ra ít nhất một trường hợp thông tin KHÔNG bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh. Thực tế, không ai có thể chỉ ra một thí dụ nào như thế. Vì thế, Tiên đề 1 thực sự là một nguyên lý bất khả kháng – một SỰ THẬT của tự nhiên. Nếu phủ nhận nguyên lý này mà không đưa ra một lý do xác đáng nào thì đó không phải là khoa học.

Tiên đề 2 là một sự thật đã quá rõ ràng, được xác nhận bởi toàn thể cộng đồng khoa học trên thế giới.

Chứng minh 1 là một trong những chứng minh không thể tranh cãi, có tính thuyết phục cao đến nỗi đã biến nhà triết học vô thần nổi tiếng Antony Flew thành một người hữu thần!

Thật vậy, trước khi khoa học khám phá ra mã DNA, Antony Flew tuyên bố “Không có Chúa”, vì không có bằng chứng nào đủ mạnh để thuyết phục ông rằng có Chúa. Triết học của ông được gọi là “chủ nghĩa duy bằng chứng” (Evidentialism) – một triết học chủ trương mọi kết luận phải có bằng chứng xác đáng[14]. Nhưng đứng trước DNA, Flew đã kinh ngạc, thay đổi lập trường 180 độ, và tuyên bố: “THERE IS NO A GOD”.

Mã DNA cũng là một trong những bằng chứng mạnh nhất biến nhà sinh học vô thần Francis Collins thành hữu thần. Ông tuyên bố Chúa viết ra mã DNA, cho xuất bản cuốn sách nổi tiếng của ông, “The Language of God” (Ngôn ngữ của Chúa).

Để biết thêm về Antony Flew và Francis Collins, xin đọc thêm bài “In the beginning … / Lúc khởi đầu …”[15]  đã đăng trên viethungpham.com ngày 05/07/2023.

Chứng minh 2

  1. Mọi hệ logic đều cần đến một chỗ dựa nằm bên ngoài nó.
  2. Sự sống là một hệ logic
  3. Vậy sự sống phải có một chỗ dựa bên ngoài nó, được gọi là Nhà lập trình cho sự sống, tức là Chúa. 

Tiên đề 1 là một hệ quả triết học của Định lý Bất toàn (Incompleteness Theorem) của Kurt Gödel. Nếu bạn muốn bác bỏ Tiên đề 1, bạn phải bác bỏ Định lý Gödel. GS Tạ Quang Bửu từng phát biểu hệ quả triết học này dưới dạng thú vị sau đây: “Cái đúng của toán học nằm bên ngoài toán học”.

Tiên đề 2 là điều hiển nhiên đúng. Nếu sự sống không tuân thủ logic, sẽ không có chúng ta. Logic của sự sống thể hiện rất rõ ở các định luật khoa học về sự sống, thí dụ: Định luật Pasteur (Pasteur’s Law) về tính bất đối xứng của sự sống, Định luật Tạo sinh (The Law of Biogenesis), các Định luật Mendel về Di truyền (Mendelian Laws of Heredity) … Logic của sự sống có những biểu lộ đa dạng, thí dụ: tất cả các acid amin đều thuận trái và kết nối với nhau theo một trình tự xác định để tạo thành các chuỗi polypeptide, các nucleotide cũng sắp xếp một cách có thứ tự xác định trong DNA, … Bản chất logic của sự sống nói lên rằng sự sống đã được thiết kế (designed), thay vì hình thành tự phát và ngẫu nhiên từ vật chất vô sinh như Thuyết tiến hóa đã nói.

Chứng minh 3

  1. Mọi hệ logic đều phải có một chỗ dựa nằm bên ngoài nó.
  2. Vũ trụ là một hệ logic (nếu không, sẽ không có hệ mặt trời, không có chúng ta)
  3. Vậy vũ trụ phải có một chỗ dựa bên ngoài nó, được gọi là Đấng sáng tạo vũ trụ, hoặc Chúa.

Năm 2010, Stephen Hawking, trong cuốn “Grand Design” (Thiết kế Lớn), tuyên bố: “Vì có những định luật như luật hấp dẫn, vũ trụ có thể và đã tự tạo ra nó từ hư không”. Nghĩa là theo Hawking, vũ trụ tự sinh ra nó mà không cần đến Chúa. GS John Lennox tại Đại học Oxford đã phê phán tuyên bố của Hawking là một mệnh đề logic luẩn quẩn, phi logic. Thật vậy, một khi đã thừa nhận có Định luật Hấp dẫn thì có nghĩa là thừa nhận có thông tin vũ trụ rồi. Vậy thông tin ấy từ đâu mà ra, nếu không bắt nguồn từ Nhà lập trình của vũ trụ?

Vũ trụ cũng là một hệ logic. Điều này đã quá rõ ràng. Tất cả các định luật vật lý, hóa học, sinh học đều chỉ ra rằng vũ trụ tuân thủ logic. Hệ Mặt Trời là bằng chứng của một hệ vật lý tuân thủ logic rõ ràng nhất.

Vậy nếu xét vũ trụ như một tổng thể, nó là hệ logic vĩ đại nhất. Hệ ấy ắt phải có một chỗ dựa bên ngoài. Chỗ dựa ấy là Đấng sáng tạo ra vũ trụ. Đó là lý do để Louis Pasteur thốt lên:

●        “Càng nghiên cứu tự nhiên, tôi càng kinh ngạc trước công trình của Đấng sáng tạo. Khoa học mang con người đến gần với Chúa hơn” (The more I study nature, the more I stand amazed at the work of the Creator. Science brings men nearer to God)[16].

Chứng minh 4 – Lý thuyết Big Bang

  1. Bất cứ quá trình nào có khởi đầu cũng đều có nguyên nhân gây ra cái khởi đầu ấy
  2. Lý thuyết Big Bang chứng minh vũ trụ có khởi đầu
  3. Vậy ắt có nguyên nhân gây ra cái khởi đầu của vũ trụ, nguyên nhân này được gọi là Đấng sáng tạo, hoặc Chúa.

Trước khi có Lý thuyết Big Bang, các nhà khoa học quan niệm vũ trụ xét về tổng thể là hằng hữu, bất biến. Quan niệm này thực ra đã được nêu lên từ thời cổ Hy-lạp, bởi Aristotle. Nhưng trong những năm cuối 1920 đầu 1930, một linh mục Công giáo người Bỉ là Georges Lemaître đã lật đổ quan niệm vũ trụ hằng hữu bất biến khi nêu lên “Giả thuyết Nguyên tử nguyên thủy” (Hypothesis of Primeval Atom), chỉ ra rằng vũ trụ có lịch sử biến đổi, có điểm khởi đầu, rồi bùng nổ và giãn nở.

Giả thuyết của Lemaître là hệ quả toán học của Thuyết tương đối tổng quát của Albert Einstein. Ai muốn bác bỏ giả thuyết của Lemaître, người ấy phải bác bỏ Thuyết tương đối tổng quát của Einstein.

Giả thuyết của Lemaître dần dần trở thành một lý thuyết vũ trụ học được kiểm chứng bởi thực tiễn: hiện tượng vũ trụ giãn nở do Edwin Hubble khám phá trong những năm 1930. Trong những năm 1950-1960, Giả thuyết của Lemaître được Fred Hoyle gọi là Lý thuyết Big Bang, tên gọi này được cộng đồng khoa học nhanh chóng tiếp nhận. Năm 1964, đúng một tuần trước khi mất, Lemaître nhận được tin các nhà khoa học đã phát hiện ra “tiếng ồn vi sóng vũ trụ” – sóng tàn dư của Big Bang, xác nhận lý thuyết Big Bang.

Chưa hết, hai nhà vật lý lý thuyết giỏi nhất trong nửa sau thế kỷ 20 là Stephen Hawking và Roger Penrose cũng công bố những công trình toán lý chứng minh rằng vũ trụ ắt phải có khởi đầu, tái xác nhận tiên đoán của Lemaître.

Định luật entropy cũng ủng hộ Lý thuyết Big Bang, vì nếu vũ trụ là hằng hữu thì nó đã bị tan rã từ lâu rồi. Tóm lại, vũ trụ ắt phải có khởi đầu, và do đó ắt phải có Nguyên nhân tạo ra cái khởi đầu ấy. 

Nếu DNA đặt ra câu hỏi không thể trả lời đối với khoa học về sự sống, rằng “ai viết ra mã DNA?” thì Lý thuyết Big Bang cũng đặt ra câu hỏi không thể trả lời đối với vũ trụ học, rằng “ai tạo ra nguyên tử nguyên thủy và gây ra vụ nổ lớn?”. Cả hai câu hỏi này đều đẩy khoa học thuần túy vật chất tới bế tắc, nếu không thừa nhận một nguyên nhân nằm bên ngoài vũ trụ được gọi là Đấng sáng tạo (The Creator).

Để vượt qua thách thức “ai gây ra vụ nổ lớn?”, một lý thuyết mới đã ra đời mang tên “Lý thuyết đa vũ trụ” (Multiverse), nhưng nó bị chính các nhà khoa học vô thần bác bỏ, vì tính chất bịa đặt quá rõ ràng.

Chứng minh 5 – Chứng minh của Kurt Gödel về sự hiện hữu của Chúa

Đó là một chứng minh bằng ngôn ngữ logic toán, được trình bày ngắn gọn trong bảng đen trong hình trên. Để hiểu chứng minh này, xin đọc bài báo sau đây trên trang viethungpham.com ngày 17/09/2014:

Gödel chứng minh sự hiện hữu của Chúa

Phương pháp logic toán là phương pháp sở trường của Gödel, đã được hai nhà khoa học computer là Christoph Benzmüller, thuộc Đại học Tự do ở Berlin (Free University of Berlin) và Bruno Woltzenlogel Paleo thuộc Đại học Kỹ thuật Vienna chuyển sang ngôn ngữ computer và chạy thử trên computer. Kết quả thật mỹ mãn: Chúa tồn tại!

Tất nhiên, kết quả này phụ thuộc vào hệ 5 tiên đề do Gödel nêu lên (như trong hình trên). Gödel công bố công trình này trong những năm cuối đời, ông mất năm 1978. Từ đó đến nay không ai lên tiếng phản đối hệ tiên đề của Gödel [giống như không ai phản đối hệ tiên đề của Euclid (nền tảng của Hình học Euclid].

Ai muốn bác bỏ chứng minh của Gödel, người ấy phải chỉ ra chỗ bất hợp lý trong hệ tiên đề của Gödel. Chừng nào không ai nêu lên một ý kiến hợp lý để bác bỏ hệ tiên đề của Gödel, chừng ấy chứng minh của Gödel là hoàn toàn đúng, có nghĩa là Gödel đã chứng minh được sự hiện hữu của Chúa một cách toán học chính xác!

Thay lời kết

Chúng ta khám phá chân lý bằng hai công cụ: trực giác và lý trí. Trực giác là cái đến trước, lý trí là cái đến sau để kiểm tra trực giác đúng hay sai, đúng như tuyên bố của Henri Poincaré, một trong những nhà toán học vĩ đại nhất mọi thời đại:

“Nhờ logic chúng ta CHỨNG MINH, nhờ trực giác chúng ta KHÁM PHÁ” (C’est avec la logique que nous prouvons et avec l’intuition que nous trouvons).

Sự hiện hữu của Chúa chính là một chân lý. Trực giác giúp các nhà khoa học nhận thấy chân lý ấy thông qua sự kỳ diệu của tự nhiên, và họ sử dụng lý trí sắc bén của minh để chứng minh cảm nhận của họ là chính xác.

Trong thực tế, hầu hết những nhà khoa học giỏi nhất đều là người có đức tin mạnh mẽ vào sự hiện hữu của Chúa. Đó là một sự thật không thể chối cãi. Nhưng tại sao lại như thế? Vì những người thực sự giỏi đều rất nhạy cảm trước cái đẹp của tự nhiên – còn gì đẹp hơn những công trình kỳ diệu của Tạo Hóa, những cấu trúc kỳ lạ như những phép mầu của tự nhiên, những bài toán thách đố mà Ông Trời gửi cho chúng ta để thông báo cho chúng ta biết sự hiện diện của Ngài? Giống như một họa sĩ xúc động trước một mẫu hình, các nhà khoa học giỏi nhất cũng say mê lao vào giải mã Tự Nhiên. Đó là lúc họ dùng lý trí sắc bén để chứng minh sự hiện hữu của Chúa.

Vâng, xin lắng nghe ý kiến của 10 trong số những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại sau đây, để cảm nhận vai trò của lý trí trong việc chứng minh Chúa hiện hữu.

1/ Nicolaus Copernicus (1473 – 1543)

“Vũ trụ được tạo ra cho chúng ta bởi một Đấng sáng tạo vô cùng tốt lành và trật tự” (The Universe, wrought for us by a supremely good and orderly Creator)[17]

2/ Blaise Pascal (1623 – 1662)

“Đức tin khác với chứng minh; chứng minh là việc của con người, đức tin là quà tặng của Chúa” (Faith is different from proof; the latter is human, the former is a gift from God)[18].

3/ Isaac Newton (1642 – 1726)

“Hệ thống mặt trời, các hành tinh và sao chổi đẹp đẽ nhất này chỉ có thể xuất phát từ ý định và sự chi phối của một Đấng thông minh và quyền năng” (This most beautiful system of the sun, planets and comets, could only proceed from the counsel and dominion of an intelligent and powerful Being)[19]

4/ Louis Pasteur (1822 – 1895)

“Một ít khoa học làm ta xa rời Chúa, nhưng nhiều khoa học làm ta quay lại với Chúa” (Un peu de science éloigne de Dieu, mais beaucoup y ramène)[20].

5/ Gregor Mendel (1822 – 1884):

Các Định luật Mendel về Di truyền chính là lời tuyên bố đức tin của Mendel: sự sống đã được thiết kế, và do đó ắt phải có Nhà thiết kế của sự sống. Nói cách khác, công trình khoa học của Mendel chính là một chứng minh hùng hồn nhất cho sự hiện hữu của Chúa. Bản thân ông lại là một linh mục, Tu viện trưởng Tu viện Thánh Thomas ở Brno, vì thế ông là hiện thân của sự gắn bó hài hòa giữa đức tin và lý trí, giữa tôn giáo và khoa học. Vì thế chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi nghe ông nói:

“Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ sau khi phục sinh dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngài hiện ra với Mary Magdalene để các môn đệ thấy Ngài như một người làm vườn. Sự biểu lộ rất tài tình này của Chúa Giê-su khiến tâm trí chúng ta khó có thể mường tượng được. Ngài xuất hiện với tư cách một người làm vườn. Người làm vườn trồng cây con vào đất đã chuẩn bị sẵn. Đất phải có tác động vật lý và hóa học để hạt giống của cây có thể phát triển. Tuy nhiên, điều này là không đủ. Sự ấm áp và ánh sáng của mặt trời phải được thêm vào, cùng với mưa, để có thể sinh trưởng. Hạt giống của sự sống siêu nhiên, của ân sủng thánh hóa, tẩy sạch tội lỗi, rồi chuẩn bị tư tưởng cho linh hồn cho con người, và con người phải tìm cách bảo tồn sự sống này bằng các công việc tốt đẹp của mình. Con người vẫn cần thức ăn siêu nhiên, thân xác của Chúa được tiếp nhận liên tục, (để) phát triển và hoàn thiện sự sống. Vì vậy, tự nhiên và siêu nhiên phải hợp nhất để thực hiện sự thánh thiện cho con người. Con người phải đóng góp công sức tối thiểu của mình, và Chúa ban cho sự phát triển. Quả thật, hạt giống, tài năng, ân sủng của Đức Chúa Trời ở đó, và con người chỉ cần làm việc, lấy hạt giống để mang đi trồng trọt. Sao cho chúng ta “có thể có sự sống, và dư dật””[21]

6/ Lord Kelvin (1824 – 1907)

“Nếu bạn nghiên cứu khoa học đủ sâu sắc và đủ lâu dài, bắt buộc bạn phải tin vào Chúa” (If you study science deep enough and long enough, it will force you to believe in God)[22]

7/ Max Planck (1858 – 1947)

“Cả tôn giáo lẫn khoa học tự nhiên đều đòi hỏi niềm tin vào Chúa cho các hoạt động của mình. Đối với tôn giáo, Chúa là khởi điểm, đối với khoa học, Chúa là mục tiêu của mọi quá trình tư duy. Đối với tôn giáo, Chúa là nền tảng, đối với khoa học, Chúa là vương miện của sự thống nhất mọi thế giới quan tổng quát hóa” (Both religion and natural science require a belief in God for their activities, to the former He is the starting point, and to the latter the goal of every thought process. To the former He is the foundation, to the latter, the crown of the edifice of every generalized world view)[23]

8/ Albert Einstein (1879 – 1955)

“Khoa học không có tôn giáo là khập khiễng, tôn giáo không có khoa học là mù quáng” (Science without religion is lame, religion without science is blind)[24].

9/ Werner Heisenberg (1901 – 1976)

“Ngụm nước đầu tiên của cốc nước khoa học tự nhiên biến bạn thành một người vô thần, nhưng ở đáy cốc Chúa đang đợi bạn” (The first gulp from the glass of natural sciences will turn you into an atheist, but at the bottom of the glass God is waiting for you)[25]

10/ Kurt Gödel (1906 – 1978)

Gödel tự nhận mình là “một người Tin Lành đã được rửa tội. Đức tin của tôi là hữu thần như Leibniz, không phiếm thần như Spinoza”. Vợ Gödel là Adele nói “Mặc dù Gödel không đến nhà thờ, nhưng ông là người có niềm tin tôn giáo và thường nằm trên giường đọc Kinh Thánh vào các buổi sáng chủ nhật”. Gödel nói: “Có một triết học và thần học chính xác, sử dụng những khái niệm trừu tượng cao cấp, và đây cũng là thành tựu cao nhất của khoa học”[26]

PVHg, 12/07/2023

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh


[1] https://quotefancy.com/quote/832216/Immanuel-Kant-The-wish-to-talk-to-God-is-absurd-We-cannot-talk-to-one-we-cannot

[2] https://viethungpham.com/2017/07/25/the-hardest-problem-consciousness-bai-toan-kho-nhat-y-thuc/

[3] https://viethungpham.com/2017/08/03/science-cant-crack-consciousness-khoa-hoc-khong-the-pha-vo-bi-mat-cua-y-thuc/

[4] “reason is unnecessary and inappropriate for the exercise and justification of religious belief (Stanford Encyclopedia of Philosophy > Fideism) https://plato.stanford.edu/entries/fideism/

[5] https://presbyformed.com/2016/09/02/pascal-faith-reason/

[6] Nguyên bản tiếng Anh của Tòa Thánh Vatican https://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_letters/documents/20230619-sublimitas-et-miseria-hominis.html

Bản dịch tiếng Việt của Nt Anna Ngọc Diệp do Hội đồng Giám mục Việt Nam công bố https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/toan-van-tong-thu-cua-duc-thanh-cha-phanxico-nhan-ky-niem-400-nam-ngay-sinh-cua-blaise-pascal-51088

[7] Tất cả các trích dẫn đều dẫn theo bản tiếng Việt của Nt Anna Ngọc Diệp, do Hội đồng Giám mục Việt Nam công bố (xem chú thích 7).  Chữ tô đậm là do tôi (PVHg) nhấn mạnh.

[8] https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/proof

[9] Xem Lời nói đầu cuốn “Hành trình về Phương Đông”, phóng tác của Nguyên Phong.

[10] https://quotefancy.com/quote/763210/Albert-Einstein-I-see-a-pattern-but-my-imagination-cannot-picture-the-maker-of-that

[11] https://quotefancy.com/quote/764240/Albert-Einstein-Nature-shows-us-only-the-tail-of-the-lion-But-there-is-no-doubt-in-my

[12] https://viethungpham.com/2022/01/31/godel-destroyed-logical-positivism-godel-vo-hieu-hoa-chu-nghia-logic-thuc-chung/

[13] https://creation.com/laws-of-information-1

[14] Nếu áp dụng “chủ nghĩa bằng chứng” vào Thuyết tiến hóa thì sẽ thấy Thuyết tiến hóa vô giá trị.

[15] https://viethungpham.com/2023/07/05/in-the-beginning-luc-khoi-dau/

[16] https://www.azquotes.com/quote/575514

[17] https://quotefancy.com/quote/1145774/Nicolaus-Copernicus-The-Universe-has-been-wrought-for-us-by-a-supremely-good-and-orderly

[18] https://www.azquotes.com/quote/225783

[19] https://www.azquotes.com/quote/402549?ref=science-god

[20] http://evene.lefigaro.fr/citation/peu-science-eloigne-dieu-beaucoup-ramene-11446.php

[21] https://en.wikiquote.org/wiki/Gregor_Mendel “Louis Pasteur-Gregor Mendel và cuộc cách mạng sinh học – y khoa”, Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức 23/02/2022, trang 309

[22] https://www.azquotes.com/quote/587233

[23] https://quotefancy.com/quote/1368892/Max-Planck-Both-religion-and-natural-science-require-a-belief-in-God-for-their-activities

[24] https://www.azquotes.com/quote/87310

[25] https://www.goodreads.com/quotes/9627737-the-first-gulp-from-the-glass-of-natural-sciences-will

[26] Gödel’s Ontological Proof https://en.wikipedia.org/wiki/G%C3%B6del%27s_ontological_proof 

Bình Luận:

You may also like