Home Chuyên Đề Tử Đạo Vì Đức Tin: Anne Askew, Người Nữ Tin Lành Yêu Mến Lời Chúa

Tử Đạo Vì Đức Tin: Anne Askew, Người Nữ Tin Lành Yêu Mến Lời Chúa

by ChristianToday
30 đọc

Năm 1520, quý ông William và quý bà Askew chào đón sự ra đời của con gái Anne. William là một quý ông có nhiều điền trang rộng lớn ở Lincolnshire và Nottinghamshire. Vào thời đó, một trong những tin tức nổi bật là những gì đang xảy ra ở Đức, nơi một tu sĩ tên là Martin Luther đã thách thức quyền lực của giáo hoàng trên Cơ Đốc Nhân. Ông dạy rằng mọi người được cứu bởi đức tin nơi Đấng Christ, Đấng trung gian duy nhất giữa con người và Đức Chúa Trời, xóa bỏ các nghi lễ Công giáo như xưng tội với cha xứ, mua bán giấy xá tội, hành hương và tôn sùng thánh tích…

Tháng 1 năm 1521, giáo hoàng tuyên bố Luther là kẻ theo dị giáo và rút phép thông công của ông, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng ông sẽ bị thiêu chết. Nhưng hàng ngàn người trên khắp châu Âu tin vào sứ điệp đơn giản của Kinh Thánh về sự cứu rỗi bởi đức tin và Cuộc Cải Chánh đã diễn ra nhanh chóng.

Anne lớn lên ở vùng quê hẻo lánh, mặc dù vậy cô không thể không biết đến những thay đổi đang diễn ra trên khắp xứ. Vua Henry VIII bất hòa với giáo hoàng vì ông đã từ chối hủy bỏ cuộc hôn nhân của nhà vua với người vợ đầu tiên nên vua tuyên bố mình là người đứng đầu giáo hội Anh. Sau đó, vua đóng cửa tất cả các tu viện. Nhiều người dân đã vô cùng tức giận trước hành động bạo ngược của nhà vua. Năm 1536, trong một cuộc nổi loạn lớn ở Lincolnshire, cha của Anne bị quân nổi loạn bắt giữ và ngôi nhà của ông bị những người bảo vệ đức tin Công giáo cũ chiếm giữ. Đó hẳn là một trải nghiệm kinh hoàng đối với cô thiếu nữ và gia đình cô.

Nhưng có một điều thậm chí còn sâu sắc hơn đân thay đổi cuộc đời cô: cô được học Kinh Thánh. Vào năm 1536, các bản sao Tân Ước tiếng Anh của William Tyndale đã được tuồn lậu vào Anh từ Đức và Hà Lan. Cuốn sách bị cấm và chính quyền đã đốt những bản sao bị tịch thu. Nhưng điều đó không ngăn cản được cô gái trẻ Anne. Cô đã mua một bản sao, đọc đi đọc lại nhiều lần. Kinh Thánh đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời cô.

Anne hẳn là một thiếu nữ bốc đồng, bướng bỉnh, độc lập và có chính kiến. Có lẽ đó là lý do tại sao cha cô lại muốn gả cô đi. Ông đã sắp xếp một cuộc hôn nhân cho cô với Thomas Kyme, một chủ đất đến từ vùng đầm lầy Lincolnshire, gia đình người này đã tham gia vào cuộc nổi loạn. Cuộc hôn nhân đó không hề hạnh phúc vì vợ chồng cô bất đồng quan điểm về tôn giáo. Anne cho rằng nhiệm vụ của cô trong gia đình phải bao gồm cả việc đọc Kinh Thánh cho người hầu. Cô còn đi xa hơn nữa. Vào thời điểm năm 1539, nhà vua đã bị thuyết phục để phê chuẩn ấn bản Kinh Thánh chính thức của nước Anh và đặt ở mọi nhà thờ. Anne bắt đầu đọc Kinh Thánh ở đó và giải thích cho bất kỳ người hàng xóm nào muốn lắng nghe. Điều này đã gây phẫn nộ cho giáo sĩ địa phương và họ thúc đẩy Thomas, chồng cô cố gắng ngăn chặn các hoạt động của cô.

Đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan là nên vâng lời chồng hay vâng phục Chúa, Anne đã chọn phân rẽ, nói rằng điều này được chấp thuận bởi 1 Cô-rinh-tô 7:12-16, trong đó nói, “…Nếu người không tin Chúa muốn phân rẽ thì cứ để người ấy phân rẽ. Trong trường hợp nầy, anh em hay chị em không bị ràng buộc gì. Vì Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta sống trong hòa bình.” Cặp đôi chia tay và cuối cùng Anne đến London, nơi cô có họ hàng và bạn bè cùng chia sẻ đức tin với mình. Cô sớm được nhiều người biết đến với danh hiệu ‘Người Truyền Bá Phúc Âm Công Bằng’, luôn háo hức tìm kiếm những linh hồn hư mất để chia sẻ Tin Lành.

Nhưng thủ đô là một nơi nguy hiểm. Các nhà hoạt động Công giáo ráo riết tìm cách loại bỏ những ‘kẻ dị giáo’ và lên án họ. Anne đã bị bắt một vài lần và bị Thị Trưởng cùng Giám Mục London thẩm vấn. Cô đã viết các bản tường trình về các cuộc thẩm vấn của mình và lén chuyển ra khỏi nhà tù cho bạn bè. Những người phản đối đã cố gắng gây sức ép và lừa cô thú nhận những quan điểm không chính thống. Nhưng Anne đáp lại bằng sự thật. ‘Đó là câu trả lời kiểu gì vậy?’ một thẩm vấn viên thất vọng hỏi. ‘Một câu trả lời không hay,’ Anne trả lời, ‘nhưng đủ cho câu hỏi rồi.’ Cô đã liên tục ghi điểm với những câu trả lời sắc sảo như vậy và với những trích dẫn chính xác từ Kinh Thánh. Cuối cùng, cô được thả và trở về nhà anh trai mình ở Lincolnshire. Nhưng rắc rối của cô vẫn chưa kết thúc.

Nổ lực ngăn chặn Cuộc Cải Chánh trong vô vọng, các nhà hoạt động Công giáo đã tấn công những người theo đạo Tin Lành tại triều đình, bao gồm cả Nữ Hoàng Catherine Parr. Vì Anne có quan hệ với triều đình nên cô đã bị đưa trở lại dưới sự canh giữ có vũ trang và bị thẩm vấn tại Tháp London. Ở đó, cô bị tra tấn về thể xác và bị hành hạ cả về tinh thần, họ chỉ dừng lại khi Anne bị què do bị tra tấn. Mặc dù đau đớn, cô vẫn từ chối cung cấp cho những người thẩm vấn những cái tên mà họ đang tìm kiếm.

Anne Askew đã bị kết án là một kẻ dị giáo và bị thiêu sống trên cọc ở Smithfield, London, vào tháng 7 năm 1546. Sự im lặng của cô đã bảo vệ một số người theo đạo Tin Lành có ảnh hưởng nhất, những người có thể tiếp tục công cuộc Cải Chánh. Lời tuyên bố không sợ hãi về đức tin của cô – cả lời nói và ghi chép (sớm được xuất bản và phân phối rộng rãi) đã dẫn đến sự cải đạo của nhiều người.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: christiantoday.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like