Home Chuyên Đề Peter Waldo, Cơn Địa Chấn Đầu Tiên

Peter Waldo, Cơn Địa Chấn Đầu Tiên

by Desiringgod.org
30 đọc

Hơn 300 năm trước khi Martin Luther được sinh ra, một người tưởng như không có khả năng trở thành một nhà cải chánh bất ngờ xuất hiện ở thành phố Lyon miền đông nam nước Pháp. Các cuộc biểu tình của ông chống lại các học thuyết và lối thực hành của Giáo-hội Trung-cổ La Mã thời bấy giờ là những cơn địa chấn mạnh báo trước một trận động đất thuộc linh sắp xảy đến được gọi là cuộc Cải Chánh Tin Lành.Và phong trào do ông phát động đã tồn tại và hòa mình vào cuộc Cải Chánh Tin Lành vĩ đại. Ông được lịch sử biết đến với cái tên Peter Waldo.

Nhiều chi tiết về Waldo không được biết đến, bao gồm cả tên của ông. Chúng ta không biết liệu Peter có phải là tên thật của ông hay không, vì nó không xuất hiện trong bất cứ tài liệu nào cho tới 150 năm sau khi ông mất. Họ của ông rất có thể là Valdès hay Vaudès—Valdo (Waldo) là cách viết trong tiếng Ý. Chúng ta cũng không biết năm sinh hay năm mất chính xác của ông—các sử gia không nhất trí về việc ông mất trong khoảng thời gian từ 1205-1207 hay giữa 1215-1218.

Nhưng chúng ta biết một vài điều chấn động về ông:

Một Người Giàu biết Ăn Năn

Vào năm 1170, Waldo là một thương gia rất giàu có và nổi tiếng ở thành phố Lyon. Ông có vợ, hai con gái, và rất nhiều tài sản. Nhưng một điều gì đó đã xảy ra—có người nói ông chứng kiến cái chết bất ngờ của một người bạn, những người khác thì nói ông nghe được một bài thánh ca của một người hát rong—rồi Waldo trở nên vô cùng lo lắng về tình trạng thuộc linh của mình và tuyệt vọng không biết làm thế nào để mình có thể được cứu.

Điều đầu tiên ông quyết tâm là đọc Kinh Thánh. Nhưng vì Kinh Thánh lúc đó chỉ có bản dịch Vulgate tiếng La-tinh, mà trình độ tiếng La-tinh của ông lại rất kém, vậy nên ông thuê hai học giả dịch sang tiếng bản địa để ông có thể nghiên cứu.

Tiếp theo, ông tìm kiếm sự cố vấn thuộc linh từ một linh mục, người chỉ cho ông câu chuyện về Viên Quan Trẻ Tuổi Giàu Có trong các sách Phúc Âm và trích lời Chúa Giê-xu: “Ngươi còn thiếu một điều: Hãy bán tất cả những gì ngươi có và phân phát cho người nghèo thì ngươi sẽ có kho báu ở trên trời, rồi hãy đến theo Ta” (Lu-ca 18:22). Lời Chúa Giê-xu đã xuyên thấu tấm lòng của Waldo. Giống như viên quan trẻ tuổi giàu có, Waldo chợt nhận ra rằng mình đang phục vụ Ma-môn, chứ không phải Đức Chúa Trời. Nhưng khác với người trai trẻ giàu có lìa bỏ Chúa, Waldo đã ăn năn và làm đúng như lời Chúa Giê-xu đã dạy: ông phân phát cho người nghèo tất cả những gì mình có (sau khi đã chu cấp đầy đủ cho vợ và các con). Từ lúc đó, ông quyết định sống hoàn toàn phụ thuộc vào Đức Chúa Trời cho những nhu cầu của mình.

Một Phong Trào ra đời

Waldo ngay lập tức bắt đầu rao giảng từ quyển Kinh Thánh của mình trên những đường phố thành Lyon, đặc biệt là cho người nghèo. Nhiều người đã cải đạo, và tới năm 1175 một nhóm khá lớn gồm cả nam và nữ đã trở thành môn đồ của Waldo. Họ cũng cho đi tài sản của mình và rao giảng (nữ cũng như nam). Dân chúng bắt đầu gọi họ là “Những Người Nghèo của Thành Lyon.” Sau đó, khi nhóm phát triển thành một phong trào và lan ra khắp nước Pháp cũng như các khu vực khác của châu Âu, họ được biết đến với cái tên “Nhóm Waldensians”.

Càng nghiên cứu Kinh Thánh, Waldo càng nhận ra có nhiều điều bất ổn với một số học thuyết, thực hành và cơ cấu điều hành của Giáo-hội Trung-cổ thời bấy giờ—chưa nói đến sự giàu có của nó. Và ông đã mạnh dạn lên tiếng phản đối những điều này. Nhưng kể từ khi Giáo-hội chính thức cấm dân thường giảng đạo, Waldo và nhóm của ông đã thu hút sự chống đối của giới lãnh đạo nhà thờ.

Dấu Hiệu bị Chống Đối

Tổng Giám-mục thành Lyons đặc biệt ghét phong trào cải chánh tự phong, tự phát này và tìm cách dẹp bỏ nó. Nhưng vào năm 1179, Waldo đã trực tiếp kháng cáo lên Giáo-hoàng Alexander III và nhận được sự chấp thuận của ông. Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau, giáo hoàng mới, Lucius III, đã ngã về phe tổng giám mục và rút phép thông công của Waldo cùng những người theo ông.

Trong những năm đầu, phong trào Waldensians là phong trào cải cách. Waldo chưa bao giờ có ý định rời khỏi Giáo-hội, và ông vẫn tuân giữ nhiều tín lý truyền thống của Giáo-hội Trung-cổ. Nhưng sau khi bị dứt phép thông công, và tiếp sau sự qua đời của Waldo, tư tưởng cải chánh Tin Lành của những người Waldensian ngày càng gia tăng và trở nên vững chắc hơn nữa. 

  • Họ bác bỏ mọi tuyên bố thẩm quyền ngoài Kinh thánh.
  • Họ từ chối mọi đối tượng trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, trừ Chúa Giê-xu Christ (mặc dù Ma-ri vẫn được tôn thờ trong một khoảng thời gian khá dài)
  • Họ bác bỏ giáo lý rằng chỉ có linh mục mới có thể nghe xưng tội, và lập luận rằng mọi tín hữu đều đủ tiêu chuẩn để làm như vậy.
  • Họ bác bỏ giáo lý về ngục luyện tội, và từ đó bãi bỏ giấy xá tội và tục cầu nguyện cho người chết.
  • Họ tin rằng chỉ có phép Báp-têm và Tiệc Thánh là hai thánh lễ duy nhất được Kinh Thánh chấp nhận.
  • Họ bác bỏ những nhấn mạnh của Giáo-hội về những ngày ăn chay và ngày lễ cùng những tục lệ cấm đoán ăn uống.
  • Họ bác bỏ hệ thống phân chia cấp bậc linh mục và tu sĩ.
  • Họ bác bỏ sự tôn sùng các thánh vật, các cuộc hành hương, và việc sử dụng nước thánh.
  • Họ bác bỏ tuyên bố của giáo hoàng về thẩm quyền trên các vua trên đất.
  • Cuối cùng họ bác bỏ sự kế thừa chức sứ đồ của giáo hoàng.

Những Người Tiền Cải Chánh gia nhập Cuộc Cải Chánh

Mặc dù bị rút phép thông công và Waldo đã mất, phong trào Waldensian vẫn tiếp tục phát triển trong một thời gian khá lâu sau đó. Phong trào này lan sang miền bắc nước Ý và các khu vực của Tây Ban Nha, Áo, Đức, Hungary và Ba Lan.

Nhưng sự bắt bớ của Giáo-hội Trung-cổ La Mã vẫn tiếp tục và ngày càng tàn bạo hơn, cho đến thế kỷ XV, số lượng những người Waldensian đã thu hẹp lại thành những cộng đồng nhỏ, ít người biết, ẩn mình trong những thung lũng của vùng núi cao ở Pháp và Ý. Nhưng khi cuộc Cải Chánh Tin Lành bùng nổ vào thế kỷ XVI, hầu hết người Waldensians đều trở thành người Tin Lành.

Peter Waldo đã là một người ủng hộ Tin Lành, mặc dù ông không biết điều này. Ông là một thương gia trở thành nhà tiên tri, người chỉ đơn giản là tin vào Lời Chúa bằng cả tấm lòng mình, và ông đã dùng cả đời mình để chứng minh cho điều đó. Và khi tìm kiếm Chúa qua Lời của Ngài, ông đã làm đảo lộn thế giới của mình.

Câu chuyện của Waldo cho ta thấy Tin Lành là quay lại với Kinh Thánh, làm theo Lời Chúa và từ bỏ những tín lý, thực hành… nghịch với Lời Chúa.

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: desiringgod.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like