Kinh Thánh có hai cái tên nổi tiếng mà chúng ta sẽ không chọn để đặt cho con trai mình. Chúng ta sẽ tránh một cái tên vì nó có thể khiến con chúng ta thấy xấu hổ và cái còn lại là vì tên đó quá tuyệt vời. Cái tên gây hổ thẹn là Giu-đa. Trong khi ý nghĩa của tên này rất hay, thì người mang tên đó lại đại diện cho sự bất lương và gian dối. Bản thân cái tên này bắt nguồn từ tên Judah, có nghĩa là “ngợi khen.” Giu-đa, kẻ phản bội, đã lấy cái tên đáng tôn trọng này và hủy hoại tên đó.
Tương tự như vậy, chúng ta sẽ tránh chọn cái tên thứ hai vì người mang danh đó. Tuy nhiên, lý do cho việc không chọn tên này lại rất khác. Cái tên này quá tuyệt vời và thánh đến nỗi không một người nào xứng đáng mang lấy danh này. Danh đó, tất nhiên, là Giê-su Christ. Giê-su có nghĩa là “vị cứu tinh.” Đó là một cái tên quen thuộc trong thời Kinh Thánh. Trên thực tế, các nghiên cứu của nhà sử học người Do Thái Josephus liệt kê 20 người nam khác nhau có tên giống như vầy. Nhưng tên này đã không còn được sử dụng phổ biến vào khoảng thế kỷ thứ hai. Kể từ đó, hầu hết mọi người ở các nước nói tiếng Anh đều tránh đặt tên con trai là Giê-su.
Trong khi bạn có thể không được đặt tên là Giê-su, thì đây vẫn là một trong những cái tên được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Chúng ta không thể tránh sử dụng danh của Chúa Giê-su Christ. Chúng ta tìm thấy danh này trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn học và âm nhạc. Danh này được tôn cao trong công tác của Hội Thánh. Trong khi nhiều tên tuổi vĩ đại trong lịch sử như—Napoleon Bonaparte, Winston Churchill, George Washington—được ghi nhớ và tôn trọng cho đến ngày nay, thì chúng ta lại không bị bắt buộc phải hưởng ứng lại với những cái tên này dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng ta có thể phớt lờ chúng nếu chúng ta chọn làm như vậy. Tuy nhiên, danh Giê-su đòi hỏi chúng ta phải có một vài phản hồi. Khi chúng ta nghe thấy danh này, chúng ta phải làm gì đó. Chúng ta hoặc chấp nhận hoặc từ chối Con Người mang danh “Đấng Cứu Rỗi” này. Chúng ta có thể sử dụng danh này để thề hứa, hoặc chúng ta có thể dùng để tôn vinh Đức Chúa Trời Toàn Năng.
Hiểu được Danh Ngài
Chúng ta nên đáp ứng lại với danh của Chúa Giê-su như thế nào? Tôi muốn đề xuất năm cách đáp ứng mà Đức Chúa Trời muốn từ chúng ta khi chúng ta nghiên cứu danh Giê-su. Đầu tiên, Ngài muốn chúng ta hiểu danh này.
Mặc dù biết được ý nghĩa của tên mình thì thật là thích, nhưng điều đó thực sự không quan trọng. Tôi có một bộ sưu tập sách trong thư viện giải thích ý nghĩa của những cái tên khác nhau. Điều thú vị là không biết làm sao mà ngay cả những học giả nổi tiếng không phải lúc nào cũng đồng ý về ý nghĩa, nguồn gốc hoặc xuất thân của một cái tên—kể cả những cái tên thông dụng nhất. Nhưng định nghĩa của một cái tên không quan trọng; người mang lại ý nghĩa cho cái tên đó mới quan trọng. Khi tôi đính hôn, tôi đã không hỏi vị hôn thê của mình tên cô ấy có nghĩa là gì. Tên gọi của cô ấy không tạo ra điều gì khác biệt. Tôi chỉ quan tâm đến con người cô ấy thôi.
Tên Giê-su xuất phát từ tên Giô-suê, có nghĩa là “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi.” Dân-số Ký 13:8 ghi lại nguồn gốc của cái tên này: “Về chi phái Ép-ra-im, Hô-sê, con trai của Nun.” Giô-suê, người kế vị Môi-se làm thủ lĩnh dân Y-sơ-ra-ên, ban đầu có tên là Hô-sê, một cái tên có nghĩa là “sự cứu rỗi” hoặc “sự giải cứu.” Môi-se lấy tên người rồi thêm vào danh Giê-hô-va. Cũng trong đoạn này, sau đó chúng ta đọc thấy: “Vả, Môi-se đặt tên cho Hô-sê, con trai Nun, là Giô-suê” (câu 16). Môi-se đổi tên cho Giô-suê để nhắc nhở con cái Y-sơ-ra-ên về những gì Đức Chúa Trời đã làm, và sẽ làm, trong việc giải cứu họ. Tương tự như vậy, Đức Chúa Trời đã đặt cho Con Ngài một cái tên để làm chứng cho mọi người về sự cứu rỗi mà Ngài đã ban cho chúng ta.
Vào thời Kinh Thánh, theo phong tục thì người cha sẽ đặt tên cho con mình. Lưu ý rằng Giô-sép đã không chọn cái tên đó cho Chúa Giê-su. Tại sao? Vì ông không phải là cha Ngài. Chúa Giê-su được hoài thai bởi Đức Thánh Linh và sinh ra bởi nữ đồng trinh Ma-ri. Vì vậy, Đức Chúa Trời, Cha của Ngài đã chọn tên cho Ngài.
Khi nghiên cứu Kinh Thánh, bạn sẽ phát hiện ra Đức Chúa Trời đã đích thân chọn tên cho một số em bé quan trọng thay vì giao nhiệm vụ đó cho những người cha. Cụm từ “ngươi khá đặt tên cho con trẻ” xuất hiện bốn lần trong Kinh Thánh. Thật thú vị khi ghi chép lại những trường hợp Đức Chúa Trời đã chọn tên cho. Khi A-ga bỏ trốn sau khi mang thai đứa con của Áp-ra-ham, thiên sứ của Chúa hiện ra với bà trong sa mạc và nói: “Nầy, ngươi đương có thai, sẽ sanh một trai, đặt tên là Ích-ma-ên; vì Đức Giê-hô-va có nghe sự sầu khổ của ngươi” (Sáng-thế 16:11). Tên Ích-ma-ên có nghĩa là “Đức Chúa Trời sẽ nghe thấy.” Chúa đã chọn cái tên này cho con trai của A-ga để nhắc nhở bà về việc Ngài đã nghe và giúp đỡ bà trong cảnh khốn khổ như thế nào.
Đức Chúa Trời cũng đã chọn tên cho con trai thứ hai của Áp-ra-ham, con trai của lời hứa. Trong Sáng-thế Ký 17:19 chúng ta đọc thấy: “Đức Chúa Trời bèn phán rằng: Thật vậy, Sa-ra, vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, rồi ngươi đặt tên là Y-sác. Ta sẽ lập giao ước cùng nó, để làm giao ước đời đời cho dòng dõi của nó.” Tên Y-sác có nghĩa là “tiếng cười” và là một lời nhắc nhở cho Áp-ra-ham cùng Sa-ra về cách mà họ đã bật cười trước lời hứa của Đức Chúa Trời—Áp-ra-ham vì vui mừng còn Sa-ra cười vì vô tín.
Hai cái tên đầu tiên trong Kinh Thánh được Đức Chúa Trời chọn cho con trẻ là những cái tên tiêu biểu cho những lẽ thật thuộc linh. Ích-ma-ên đại diện cho xác thịt. Người được sinh ra vì sự thiếu kiên nhẫn và ít đức tin của Áp-ra-ham. Y-sác, người đại diện cho Thánh Linh, được sinh ra nhờ đức tin của Áp-ra-ham và Sa-ra nơi Đức Chúa Trời. Trong khi Y-sác đem lại vui mừng, thì Ích-ma-ên đem lại khó khăn thử thách.
Con trẻ thứ ba được Chúa đặt tên trong Kinh Thánh là Giăng Báp-tít. Lu-ca 1:13 ghi lại, “Nhưng thiên sứ nói cùng người rằng: Hỡi Xa-cha-ri, đừng sợ, vì lời cầu nguyện ngươi đã được nhậm rồi. Ê-li-sa-bét, vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, ngươi khá đặt tên là Giăng.” Tên Giăng có nghĩa là “Đức Chúa Trời nhân từ.” Con trẻ này được Đức Chúa Trời sai đến để dọn đường cho Đấng Mê-si, Đấng sẽ mang ân điển của Đức Chúa Trời đến cho thế gian.
Ngay sau khi thiên sứ hiện ra với Xa-cha-ri, chúng ta thấy lời thông báo tuyệt vời dành cho Ma-ri: “Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Giê-su [Giê-hô-sua, “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”]” (câu 31). Đức Chúa Trời một lần nữa tái xác nhận việc Ngài chọn tên cho Con Ngài khi thiên sứ hiện ra với Giô-sép và nói với ông, “Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Giê-su, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:20-21). Theo chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, khi đến thời điểm làm phép cắt bì cho con trẻ, Ma-ri và Giô-sép đã đặt tên cho con đó là Giê-su (xem Lu-ca 2:21).
Thật thú vị khi để ý thấy rằng không có sự ra đời nào được ghi lại trong Kinh Thánh sau sự ra đời của Chúa Giê-su Christ. Cũng vậy, gia phả cuối cùng được liệt kê trong Tân Ước là của Chúa Giê-su. Từ điều này, chúng ta có thể thấy tất cả lịch sử Kinh Thánh được ghi chép lại trước đây đều hướng đến sự ra đời của con trẻ này và danh này. Một khi Chúa Giê-su đã đến, thì tất cả những ghi chép khác không còn cần thiết nữa. Thật vậy, Đức Chúa Trời đang nói với chúng ta, “Sự ra đời duy nhất mà Ta quan tâm là sự ra đời mới, sự ra đời lần thứ hai. Đó là lý do tại sao Con của Ta đã đến.”
Bởi có một số người nam sống trong thời Chúa Giê-su cũng được đặt tên là Giê-su (Giê-hô-sua), nên các tên khác được sử dụng kèm với danh Ngài để phân biệt. Ngài thường được đề cập chung với tên quê quán và cha mẹ Ngài. Khi kể cho Na-tha-na-ên về Chúa Giê-su, Phi-líp nói: “Chúng ta đã gặp Đấng mà Môi-se có chép trong luật pháp, và các đấng tiên tri cũng có nói đến; ấy là Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét, con của Giô-sép. Na-tha-na-ên nói rằng: Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” (Giăng 1:45,46). Sự kết hợp giữa danh Giê-su với tên Na-xa-rét nhấn mạnh thực tế rằng Ngài đã “bị người ta khinh dể và chán bỏ” (Ê-sai 53:3). Ngài cũng được gọi là Giê-su Christ. Từ tiếng Hy Lạp được dịch là “Christ” có nghĩa là “Đấng được xức dầu.” Từ này tương đương với “Đấng Mê-si” trong tiếng Do Thái. Danh này nhấn mạnh rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si trong lời hứa được Đức Chúa Trời sai đến để cứu chuộc thế gian.
Tin Danh Ngài
Hiểu được danh Giê-su là điều quan trọng để nhận ra những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Nhưng phản hồi thứ hai của chúng ta đối với danh Ngài thậm chí còn quan trọng hơn nữa. Một khi chúng ta hiểu được danh này, thì chúng ta nên tin vào danh Ngài.
Sự khác biệt giữa danh Giê-su và tên của những người có ảnh hưởng khác trong lịch sử là gì? Sự khác biệt là chúng ta không thể tin cậy vào danh Thomas Edison, Albert Einstein hay bất kỳ ai khác để được giúp đỡ. Nhưng chúng ta có thể tin cậy danh Giê-su vì Ngài vẫn đang sống và đang làm việc trong thế gian ngày nay. Đúng như danh của Ngài, Chúa Giê-su là sự cứu rỗi của chúng ta: “Khá đặt tên là Giê-su, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:21).
Sự cứu rỗi này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Điều đó có nghĩa là chúng ta đã được giải cứu khỏi bị kết án. Chúng ta được tự do khỏi sự trói buộc về thuộc linh và có một mục đích mới trong đời sống. Sự cứu rỗi này mang lại sự chữa lành và lành mạnh cho con người bề trong cũng như chiến thắng sự thất bại. Điều này đảm bảo cho chúng ta sự bảo vệ và an toàn nên chúng ta không cần phải sợ hãi. Sự cứu rỗi qua danh Chúa Giê-su ban cho chúng ta quyền năng mới.
Danh Giê-su có quyền năng. Trong Sách Công-vụ, bạn thấy các sứ đồ nhân danh Chúa Giê-su làm nhiều phép lạ vĩ đại. Bạn thấy họ cầu nguyện trong danh Chúa Giê-su. Việc Phi-e-rơ chữa lành người què trong Công-vụ 3 là một ví dụ điển hình. Khi Phi-e-rơ thấy người què ăn xin tại cửa đền, ông nói với người này, “Nhân danh Đức Chúa Giê-su Christ ở Na-xa-rét, hãy bước đi!” (câu 6). Phi-e-rơ đỡ người này đứng dậy, và người được chữa lành tức thì. Người liền vừa đi vừa nhảy vừa ngợi khen Đức Chúa Trời (xem câu 7,8). Bản thân Phi-e-rơ không có quyền năng để chữa lành cho người què; đó là quyền năng của danh Giê-su.
Nhưng để hưởng được sự cứu rỗi và quyền năng này, chúng ta phải cá nhân hóa danh Giê-su. Chúng ta phải tin cậy danh của Chúa Giê-su Christ. Điều này có ý nghĩa nhiều hơn, không chỉ là một niềm tin bề nổi đơn thuần về ý nghĩa của tên Ngài. Điều này đòi hỏi sự dâng mình trọn vẹn của đời sống chúng ta cho Con Người Giê-su. Chẳng hạn, chắc chắn bạn đã nghe người ta nói, “Tránh xa hắn ra. Hắn ta có danh tiếng xấu.” Ý của họ là gì? Có phải là cha mẹ của người này đã sai lầm trong việc đặt tên cho anh ta? Không, họ đang nói rằng nhân cách của người này không đáng tin cậy. Vì vậy, khi chúng ta tin cậy danh Giê-su, chúng ta đang đặt đức tin của mình vào nhân cách thánh khiết và không chỗ trách được của Ngài. Chúa Giê-su Christ là danh chúng ta có thể tin cậy.
Cá nhân hóa danh Giê-su cũng liên quan đến việc đặt Ngài làm Cứu Chúa của chúng ta. Nhiều người không tin Chúa trên thế giới ngày nay đã nhận biết sự thật rằng Chúa Giê-su là vị cứu tinh. Tuy nhiên, họ tin Ngài chỉ là một trong số rất nhiều vị cứu tinh khác. Đây không phải là sự tin cậy. Chúng ta phải tin Chúa Giê-su là Cứu Chúa. Sứ-đồ Giăng viết: “Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con đặng làm Cứu Chúa thế gian” (I Giăng 4:14). Nhưng chúng ta cũng không thể dừng lại ở đó. Chúng ta phải biến Ngài thành Cứu Chúa của mình. Ma-ri nói, “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi” (Lu-ca 1:46,47). Nói rằng Ngài là một vị cứu tinh hay Cứu Chúa thôi thì không đủ. Để thực sự tin cậy danh Giê-su, chúng ta phải đặt Ngài làm Chúa và Cứu Chúa của toàn bộ đời sống chúng ta. Chúa Giê-su có phải là Cứu Chúa của cá nhân bạn chưa?
Tôn vinh Danh Ngài
Phản hồi thứ ba mà chúng ta cần thực hiện đối với danh Giê-su là tôn vinh danh Ngài. Đức Chúa Trời đã tôn trọng danh Giê-su trên hết mọi danh, và Ngài mong đợi chúng ta cũng làm như vậy. Chúng ta đọc trong Phi-líp 2:9-11: “Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Giê-su, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-su Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.”
Khi chúng ta tiếp nhận Đấng Christ là Cứu Chúa của mình, chúng ta được hợp nhất với Ngài và được ban cho danh Ngài. Chúng ta mang danh “Cơ-đốc nhân” để mọi người nhìn thấy. Bởi danh này người ta biết chúng ta đã được cứu và thuộc về Đấng Christ. Vì vậy, mọi điều chúng ta làm hoặc nói đều phản ánh danh xưng tốt lành của Chúa Giê-su. Những lời nói và việc làm của bạn mang lại sự tôn trọng hay làm ô nhục cho danh Giê-su? Mọi người có thể nhìn vào đời sống của bạn và tôn vinh Đức Chúa Trời không? “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16).
Một ngày nào đó mọi người đều sẽ sấp mình xuống trước mặt Chúa Giê-su Christ và xưng Ngài là Chúa. Đối với một số người, điều này có nghĩa là sự kết án, bởi vì họ đã từ chối danh Chúa Giê-su trên đất. Đối với những người khác—những người đã tôn vinh và tin nhận Chúa—điều đó có nghĩa là vinh hiển và phước hạnh đời đời. Người ta có tôn vinh danh của chúng ta không điều đó không quan trọng. Quan trọng là danh của Đấng Christ được tôn vinh. Kể từ hôm nay hãy tôn vinh danh Giê-su.
Vui mừng trong Danh Ngài
Một khi chúng ta hiểu được danh Giê-su và tất cả ý nghĩa của danh này đối với chúng ta, một khi chúng ta tin và tôn vinh danh Ngài, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta cũng có thể vui mừng trong danh Chúa. Sự ngợi khen và vui mừng trong danh Chúa Giê-su nên tuôn chảy một cách tự nhiên từ tấm lòng của những con người đã kinh nghiệm được sự cứu rỗi của Ngài.
Hết lần này đến lần khác trong Tân Ước, chúng ta thấy rằng khi mọi người nhận biết danh Giê-su, phản ứng đầu tiên của họ là ngợi khen Ngài. Khi Xa-cha-ri biết con trai được hứa ban của ông sẽ dọn đường cho Đấng Mê-si sắp đến, Chúa Giê-su Christ, ông đã thốt ra lời ngợi khen, nói rằng: “Ngợi khen Chúa, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vì đã thăm viếng và chuộc dân Ngài, cùng sanh ra cho chúng tôi trong nhà Đa-vít, tôi tớ Ngài, Một Đấng Cứu Thế có quyền phép….Ngài cứu chúng tôi khỏi kẻ thù và tay mọi người ghen ghét chúng tôi” (Lu-ca 1:68,69,71). Trong câu 77, ông nói thêm, “Để cho dân Ngài bởi sự tha tội họ mà biết sự rỗi.” Thầy tế lễ cao tuổi này đang nói về điều gì? Về sự cứu rỗi trong Chúa Giê-su.
Nữ đồng trinh Ma-ri cũng ca ngợi Ngài về sự cứu rỗi này (xem câu 47). Thiên sứ đã loan báo điều này khi Ngài giáng sinh: “Hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa” (2:11). Khi Si-mê-ôn, người cả đời đã chờ đợi sự ứng nghiệm của lời hứa, nhìn thấy hài nhi Giê-su ở đền thờ, đã thốt lên, “Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an, theo như lời Ngài; Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài” (câu 29,30). Những người này vui mừng trong danh Chúa Giê-su. Bạn có thực sự vui mừng và ngợi khen Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi mà bạn đã nhận được trong Đấng Christ không?
Rao truyền Danh Ngài
Nếu chỉ xưng danh Giê-su và sự cứu rỗi của Ngài cho chúng ta thôi thì chưa đủ. Chúng ta cũng phải rao truyền danh Ngài. Chúng ta đang sống trong một thế giới cần biết đến quyền năng cứu chuộc của Chúa Giê-su. Danh Giê-su là danh duy nhất có thể chiến thắng tội lỗi, sự chết và Sa-tan. Danh đó là danh duy nhất cho chúng ta quyền năng trong lời cầu nguyện.
Khi đọc các Sách Phúc Âm và Sách Công-vụ, tôi thấy quyền năng của danh Chúa Giê-su được thể hiện khi các tín hữu rao truyền danh ngài. Phi-e-rơ nói một cách dứt khoát, “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công-vụ 4:12). Khi các sứ đồ bị đưa đến trước mặt các lãnh đạo đền thờ và bị cấm tuyệt đối không được nhân danh Đức Chúa Giê-su mà làm chứng hay làm phép lạ nữa (câu 18), họ mạnh dạn trả lời, “Về phần chúng tôi, không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe” (câu 20). Những người này không có sự lựa chọn nào khác ngoài rao truyền danh Chúa Giê-su.
Chúng ta phải cẩn thận để không bắt đầu tuyên truyền cho danh của chúng ta hay tên của mục vụ hoặc Hội Thánh. Chúa Giê-su Christ là sứ điệp duy nhất và là mục đích duy nhất để chúng ta ở trên đất này. Chúa đã kêu gọi chúng ta làm nhân chứng cho Ngài (xem Ma-thi-ơ 28:18-20). Vẫn còn hàng triệu người trên thế giới chưa bao giờ được nghe đến danh Chúa Giê-su. Nhiệm vụ của chúng ta trong tư cách Cơ-đốc nhân là phải trở nên phấn khởi bởi quyền năng và vinh quang của danh Ngài đến mức chúng ta không thể không chia sẻ danh đó với người khác.
Bạn có hiểu danh Giê-su không? Bạn có tin cậy danh Chúa Giê-su và đặt Ngài làm Cứu Chúa của bạn không? Bạn có đang tôn vinh danh Ngài và vui mừng trong danh Ngài? Bạn có đang rao truyền danh Ngài không? “Khá đặt tên là Giê-su, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (1:21).
Tác giả: Warren W. Wiersbe – Giám-đốc điều hành Mục-vụ Back to the Bible
Nguồn: Sưu Tầm
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com