“Vì tôi đã thường nói điều nầy với anh em, bây giờ tôi lại khóc mà nói nữa: Có nhiều người đã sống như kẻ thù của thập tự giá Đấng Christ. Kết cuộc của họ là hư mất. Họ lấy bụng mình làm chúa mình, lấy xấu hổ làm vinh quang, và chỉ nghĩ đến những việc thế gian. Nhưng chúng ta là công dân trên trời; từ nơi ấy, chúng ta trông đợi Chúa và Cứu Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ. Ngài sẽ biến hóa thân thể thấp hèn của chúng ta trở nên giống như thân thể vinh quang của Ngài, dùng quyền năng khiến muôn vật quy phục Ngài.” (Phi-líp 3:18–21)
“Chúng ta không phải người ở đây.” Đó là điều mà cư dân thành Phi-líp của Hy Lạp vào thế kỷ thứ nhất—ngay cả những người sinh ra ở đó—đã nói, vì họ sống theo luật pháp La Mã, mặc trang phục La Mã và viết tài liệu bằng chữ La-tinh. Họ là công dân La Mã. Toàn bộ nơi này trông giống như La Mã– nhưng không phải La Mã. Công dân thành Phi-líp ở Hy Lạp nhưng sống như người La Mã.
Trở thành Cơ-đốc nhân, Phao-lô nói với họ, cũng tương tự như vậy: chúng ta đang sống đời sống Cơ-đốc ở một nơi không phải là thủ đô của Cơ-đốc giáo—bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi biết, đó không phải là Washington, DC hay London! Quyền công dân của chúng ta là trên thiên đàng, và khi chúng ta sống như những khách kiều ngụ ở đây trên đất—như những người không thuộc về nơi này—chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt trong thế giới xung quanh mình.
Là Cơ-đốc nhân, cơ hội tuyệt vời hàng ngày của chúng ta là bước ra ngoài và trở nên khác biệt—như cách chúng ta được dựng nên: những công dân thiên đàng, những người không thuộc về đất. Sẽ có người nói, “Này, qua cách bạn đi đứng và nói chuyện, tôi có thể biết rằng có điều gì đó khác biệt ở bạn.” Điều này có nghĩa là khi suy ngẫm về đời sống của mình, bạn cần phải tự hỏi mình một số câu hỏi: Tôi đang chú tâm vào điều gì, điều gì khiến tôi bận tâm và khiến cho sự tồn tại của tôi có ý nghĩa? Đó có phải là vẻ ngoài của tôi không? Hay là các danh mục đầu tư của tôi? Đó có phải là niềm đam mê và khoái lạc? Tôi đang sống vì điều gì?
Kinh Thánh cảnh báo rằng nếu chúng ta sống để “hưởng thụ lạc thú chóng qua của tội lỗi” (Hê-bơ-rơ 11:25), cuối cùng chúng sẽ nuốt chửng chúng ta và vắt kiệt sự sống của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta phải sống với niềm mong đợi sự vinh hiển trong tương lai. Chúng ta sẽ được biến đổi; chúng ta sẽ có thân thể mới “như thân thể vinh hiển của Ngài”. Thân thể thiên đàng của chúng ta sẽ không bị suy yếu bởi tội lỗi, bởi ham muốn ích kỷ hoặc bởi sự hư nát. Một ngày nào đó chúng ta sẽ về Nhà và ngày đó sẽ thật tuyệt vời!
Nếu mọi người quan sát đời sống của bạn và nghe bạn nói rằng bạn là công dân trên thiên đàng, rằng bạn phục vụ một Đức Chúa Trời hằng sống và bạn đang mong chờ được trở về Nhà, nơi đời sống của bạn sẽ được biến đổi hoàn toàn, thì sớm hay muộn họ sẽ yêu cầu bạn nói cho họ biết “lý do” của niềm hy vọng đó (1 Phi-e-rơ 3:15).
Vậy nên, hãy nhớ bạn đến từ đâu. Tác động của Phúc Âm, dưới sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời, liên quan trực tiếp đến việc bạn sẵn sàng sống giống như Đấng Christ. Hãy để sự kỳ diệu về quyền công dân trên trời làm cho bạn trở nên nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn khi bạn sống và đi lại giữa những người là “kẻ thù của thập tự giá” (Phi-líp 3:18). Đấng Christ sẽ trở lại—và khi Ngài trở lại, ngày bạn về nhà sẽ đến. Nếu ngày đó không phải là hôm nay thì ngày hôm nay sẽ là cơ hội để bạn trở nên khác biệt. Bạn sẽ nắm bắt cơ hội đó như thế nào?
Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: truthforlife.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com