Mỗi năm có 125 triệu em bé được sinh ra trên thế giới. Mười phần trăm trong số đó sẽ chết trước sinh nhật đầu tiên của mình. Trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên, có một thời kỳ mà tỷ lệ tử vong còn cao hơn thế này rất nhiều. Vua Ai Cập đã ban hành sắc lệnh khiến cho mọi bé trai người Do Thái sinh ra đều bị giết đi. Tuy nhiên, một em bé quan trọng đã được Đức Chúa Trời bảo vệ và sống sót qua cuộc tàn sát. Và bởi con trẻ này đã sống để làm trọn chương trình của Đức Chúa Trời, nên ngày nay chúng ta mới có cơ hội để tin nhận Chúa Giê-su Christ làm Cứu Chúa của mình.
Trong nhiều thế kỷ giữa thời Áp-ra-ham và Chúa Giê-su, có lẽ con người vĩ đại nhất trong lịch sử Kinh Thánh là Môi-se. Tên Môi-se được nhắc đến hơn 800 lần trong Kinh Thánh. Môi-se được người Do Thái, người Hồi giáo và cả Cơ-đốc nhân tôn kính. Khi chúng ta nhớ đến cuộc đời của con người này, chúng ta nghĩ về Môi-se, như một nhà lãnh đạo vĩ đại, người đã cưu mang một đoàn dân nô lệ đông đảo và uốn nắn họ thành một dân tộc có thể phụng sự Đức Chúa Trời. Hay chúng ta nghĩ về Môi-se, người lập ra luật pháp vĩ đại, mà thông qua con người này Đức Chúa Trời đã ban các điều răn của Ngài. Hoặc Môi-se, người giải cứu, người chỉ ra con đường dẫn đến Chúa Giê-su Christ, Chúa Cứu Thế của chúng ta. Môi-se thực sự là một con người được Đức Chúa Trời sử dụng.
Ngay từ khi sinh ra, bàn tay của Đức Chúa Trời rõ ràng đã ở trên con người đặc biệt này. Chúng ta đọc trong Xuất Ê-díp-tô Ký 2:1-10: “Vả, có một người trong họ Lê-vi đi cưới con gái Lê-vi làm vợ. Nàng thọ thai, và sanh một con trai; thấy con ngộ, nên đem đi giấu trong ba tháng. Nhưng giấu lâu hơn nữa không được, nàng bèn lấy một cái rương mây, trét chai và nhựa thông, rồi để đứa trẻ vào, đem thả trong đám sậy dựa mé sông. Người chị đứa trẻ đứng xa nơi đó đặng cho biết nó sẽ ra sao. Vả, bấy giờ, con gái Pha-ra-ôn xuống sông tắm, còn các con đòi đi dạo chơi trên mé sông; công chúa thấy cái rương mây đó giữa đám sậy, bèn sai con đòi mình đi vớt lên. Công chúa mở rương ra, thấy đứa trẻ, là một đứa con trai nhỏ đương khóc, bèn động lòng thương xót mà rằng: Ấy là một đứa con của người Hê-bơ-rơ. Người chị đứa trẻ bèn nói cùng công chúa rằng: Tôi phải đi kêu một người vú trong bọn đàn bà Hê-bơ-rơ đặng cho đứa trẻ bú chớ? Công chúa đáp rằng: Hãy đi đi. Người gái trẻ đó đi kêu mẹ của đứa trẻ. Công chúa nói rằng: Hãy đem đứa trẻ nầy về nuôi bú cho ta; ta sẽ trả tiền công cho. Người đàn bà ẵm đứa trẻ mà cho bú. Khi lớn khôn rồi, người bèn dẫn nó vào cho công chúa, nàng nhận làm con, và đặt tên là Môi-se, vì nàng nói rằng: Ta đã vớt nó khỏi nước.”
Cái tên Môi-se tương tự như một từ trong tiếng Do Thái có nghĩa là “vớt ra khỏi nước.” Từ cuộc đời Môi-se, chúng ta có thể học được bốn sự thật quan trọng về công việc của Đức Chúa Trời trong đời sống của chính chúng ta. Việc ghi nhớ những sự thật này có thể khích lệ và thêm sức cho chúng ta khi chúng ta hầu việc Ngài.
Được sinh ra đúng thời điểm của Đức Chúa Trời
Sự khích lệ đầu tiên chúng ta tìm thấy trong cuộc đời Môi-se là sự thật ông được sinh ra đúng thời điểm của Đức Chúa Trời. Là những con người yếu đuối, chúng ta sống trong một khung thời gian và đôi khi trở thành nạn nhân của thời đại. Cuộc đời chúng ta bị giới hạn trong khuôn khổ thời gian đó, và chúng ta dường như không bao giờ có đủ thời gian để làm mọi điều chúng ta muốn làm hoặc cần làm. Mặt khác, Đức Chúa Trời tồn tại bên ngoài khái niệm thời gian. Nhưng mặc dù Ngài không bị thời gian kiểm soát, Ngài đã chọn làm việc trong khung thời gian đó vì lợi ích của chúng ta.
Tuy nhiên, không giống như chúng ta, thời điểm của Chúa luôn hoàn hảo. Ngài không bao giờ chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch hoàn hảo của Ngài. Mặc dù chúng ta thường không thấy được mục đích của những điều Đức Chúa Trời mang đến trong cuộc đời của chúng ta vào một thời điểm nhất định, nhưng chúng ta có thể tin rằng Ngài có lý do đặc biệt cho điều đó. Vì vậy, sự ra đời của một em bé—hay một số sự kiện khác—không phải là tình cờ; đó là một điều đã được định trước.
Cha mẹ Môi-se có thể đã thắc mắc về thời điểm của Đức Chúa Trời khi con trai họ chào đời. Môi-se được sinh ra vào một trong những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử Do Thái. Sau khi Giô-sép qua đời, gia đình người vẫn ở lại Ai Cập, nơi họ được đối xử tốt trong nhiều năm. Nhưng sau đó một Pha-ra-ôn mới lên nắm quyền và người này không nhớ gì đến Giô-sép (xem Xuất 1:8). Vua quay sang chống lại dân Do Thái. Dân tộc Do Thái ngày càng đông đúc, vua đó sợ rằng họ sẽ trở nên hùng mạnh và sẽ phát động một cuộc nổi dậy chống lại Ai Cập. Vậy nên người Ai Cập đã đặt người Do Thái vào vòng nô lệ. Khi dân Do Thái tiếp tục sinh sôi, Pha-ra-ôn quyết định cách duy nhất để giải quyết vấn đề là giết hết những bé trai. Và rồi vua đã ban hành một sắc lệnh khiến tất cả những bé trai người Do Thái sinh ra đều bị giết đi. Tuy nhiên các bà mụ người Do Thái từ chối tuân theo chỉ dụ này; thay vào đó họ kính sợ và vâng lời Đức Chúa Trời (xem các câu 9-17). Cũng vậy, khi Môi-se ra đời, cha mẹ người đã không chịu để cho con trai yêu quý bị giết đi.
Điều này có vẻ lạ lùng đối với chúng ta khi Đức Chúa Trời lại cho phép con trẻ này đến thế gian vào thời điểm những bé trai mới sinh đang gặp nguy hiểm chết người. Nhưng sự ra đời của Môi-se không phải ngẫu nhiên. Người đến vào đúng thời điểm đã định của Đức Chúa Trời. Và Đức Chúa Trời không chỉ cứu mạng người, mà còn sử dụng những hoàn cảnh đặc biệt để vạch ra kế hoạch hoàn hảo của Ngài nhằm giải cứu con cái Y-sơ-ra-ên. Chỉ có lần duy nhất này trong lịch sử Y-sơ-ra-ên làm nô lệ ở Ai Cập mà một nô lệ người Do Thái mới có thể được nuôi dưỡng như con trai của Pha-ra-ôn.
Đức Chúa Trời biết mọi chi tiết về cuộc đời của Môi-se từ trước khi người được sinh ra. Điều này cũng đúng với cuộc đời của chúng ta. Thi-Thiên 139:16 là một trong những câu khó dịch nhất trong Kinh Thánh. Nhưng một khi chúng ta hiểu được, thì phân đoạn này chứa đựng một lời hứa tuyệt vời dành cho chúng ta. Tiến-sĩ H. C. Leupold đã dịch câu đó theo cách này: “Mắt Ngài đã thấy rõ thể chất vô hình của con; tất cả những ngày định cho đời con đã được ghi vào sách của Ngài, trước khi con sống một ngày nào trong các ngày ấy.” Một học giả người Do Thái khác, A. F. Kirkpatrick, dịch câu này như sau, “Và trong sách của Ngài, tất cả đều đã được viết ra, ngay cả những ngày chưa có cũng đã được định hết rồi.” Mắt Chúa đoái xem một đứa trẻ ngay từ lúc em được thụ thai. Chúa ghi chép lại mọi ngày trong cuộc đời của đứa trẻ đó—khi nào thì em được sinh ra và em sẽ sống bao lâu. Đây không phải là thuyết định mệnh; mà đó là kế hoạch yêu thương của Cha nhân từ dành cho những đứa con Ngài yêu.
Vậy, sự ra đời của một em bé là điều đã được định liệu từ trước chứ không phải sự tình cờ. Chúng ta thấy những ví dụ về lẽ thật kỳ diệu này trong suốt Kinh Thánh. Y-sác được sinh ra vào đúng thời điểm Đức Chúa Trời chỉ định, không sớm hơn cũng không muộn hơn. Và mặc dù đó là thời kỳ nguy hiểm, Môi-se đã đến vào đúng thời điểm trong lịch sử. Tất nhiên, ví dụ điển hình nhất là Chúa Giê-su Christ. Dân Do Thái đã chờ đợi Đấng Mê-si đến như Đức Chúa Trời đã hứa hàng thế kỷ. Nhiều người thắc mắc tại sao Chúa lại trì hoãn quá lâu trong sự Ngài đến như vậy. Nhưng Đức Chúa Trời biết khi nào mới là thời điểm thích hợp. Và “khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến” (Ga-la-ti 4:4).
Bạn đã bao giờ nghe một cặp vợ chồng nào đó nói rằng, “Chúng tôi định chờ đến thời điểm thuận lợi rồi mới lên kế hoạch có con” chưa? Có thể họ sẽ đợi cho đến khi tài chính khá hơn hoặc có nhiều thời gian hơn. Hay có lẽ họ đang hy vọng rằng tình hình thế giới sẽ cải thiện. Nhưng, như tất cả chúng ta đều biết, hiếm có thời điểm nào gọi là thuận lợi cho một em bé chào đời! Trong suốt lịch sử, bạn nhận thấy người ta hay nói, “Thế giới không thể tồi tệ hơn nữa.” Mọi giai đoạn lịch sử đều có đầy dẫy những nan đề. Tương tự như vậy, nếu mọi cặp vợ chồng đều chờ cho đến khi họ có đủ tiền hoặc thời gian rồi mới sinh con, thì phần lớn chúng ta sẽ không có mặt ở đây ngày hôm nay.
Khi nghiên cứu các em bé của Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng không có nhân vật nào được sinh vào thời điểm thực sự thuận lợi cả. Bên-gia-min chắc chắn đã không đến vào thời điểm thích hợp cho Ra-chên; cậu được sinh ra dọc đường, cách nhà hàng dặm. Tiên tri Sa-mu-ên được sinh ra vào thời kỳ mà mức độ thuộc linh của dân Y-sơ-ra-ên đang xuống cấp. Và, xét từ quan điểm của con người, thì chắc chắn Chúa Giê-su cũng không đến vào thời điểm “thuận lợi.” Cha mẹ trên đất của Ngài rất nghèo. Họ đang sống dưới ách đô hộ của quân La Mã, với sưu cao thuế nặng. Trên thực tế, họ đã đến Bết-lê-hem để đóng thuế khi Ma-ri đến ngày sinh nở. Bởi có rất nhiều người ở đó, nên họ thậm chí không thể tìm được một phòng trống để thuê tại nhà nghỉ. Ma-ri phải sinh con trong chuồng ngựa. Nhưng tất cả những điều này đã diễn ra đúng như những gì Đức Chúa Trời hoạch định.
Giống như Chúa Giê-su, Môi-se đã đến vào thời kỳ nguy khốn. Nhưng đó cũng là một thời kỳ đầy hứa hẹn. Ê-tiên đề cập đến điều này khi nói, “Nhưng, gần đến kỳ phải ứng nghiệm lời hứa Đức Chúa Trời đã thề với Áp-ra-ham, dân cứ sanh sản và thêm nhiều lên trong xứ Ê-díp-tô, cho đến khi trong xứ đó có một vua khác dấy lên chẳng nhìn biết Giô-sép. Vua nầy dùng mưu hại dòng giống và hà hiếp tổ phụ chúng ta, ép phải bỏ con mới sanh, hầu cho sống chẳng được. Trong lúc đó, Môi-se sanh ra” (Công-vụ 7:17-20). Lúc hiểm nguy cũng là lúc lời hứa được thực hiện.
Chúng ta, cũng vậy, đang sống trong thời kỳ đầy nguy hiểm. Trong những ngày khó khăn này, chúng ta cần nhớ rằng những lời hứa của Đức Chúa Trời vẫn rất thật. Ngài đã có một kế hoạch từ rất lâu trước khi chúng ta được sinh ra, và Ngài sẽ theo đuổi kế hoạch đó cho đến khi hoàn tất. Nhiều thế kỷ trước khi Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se giải cứu dân tộc mình, Chúa đã phán với Áp-ra-ham rằng dòng dõi của ông sẽ chịu khổ nơi đất khách, rằng họ sẽ phục dịch những kẻ cầm giữ họ trong 400 năm rồi cuối cùng họ sẽ được giải phóng (xem Sáng-thế 15:13,14). Giô-sép cũng biết rằng thời điểm của sự giải cứu đó sẽ đến. Khi đang hấp hối, Giô-sép nói với gia đình mình, “Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em thật; đem các anh em về xứ mà Ngài đã thề hứa cùng Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp. Giô-sép biểu các con trai của Y-sơ-ra-ên thề mà rằng: Quả thật, Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em; xin anh em hãy dời hài cốt tôi khỏi xứ nầy” (50:24,25). Giô-sép chắc chắn rằng Đức Chúa Trời sẽ dẫn dân này ra khỏi Ai Cập và trở lại Xứ Hứa, nên người đã để lại di nguyện yêu cầu dân sự mang theo hài cốt của mình cùng đi.
Đức Chúa Trời đã hoạch định chương trình của Ngài cho Y-sơ-ra-ên ngay từ buổi ban đầu. Môi-se được sinh ra theo thời gian biểu của Đức Chúa Trời. Cũng vậy, chúng ta được sinh ra vào thời điểm hoàn hảo của Đức Chúa Trời, và Ngài kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta chỉ cần tin cậy Chúa và chờ đợi Ngài thực hiện kế hoạch của Ngài cho chúng ta.
Được sinh ra với phước lành của Đức Chúa Trời
Môi-se không chỉ được sinh ra vào thời điểm Đức Chúa Trời đã định, mà người còn được sinh ra với phước lành của Đức Chúa Trời. Khi mô tả Môi-se, Ê-tiên nói rằng người “xinh tốt khác thường” (Công-vụ 7:20). Xuất Ê-díp-tô Ký 2:2 nói rằng con trai ấy trông rất “ngộ” (một em bé kháu khỉnh). Đây không chỉ là vẻ đẹp bề ngoài; Môi-se rất tốt đẹp trong mắt Đức Chúa Trời. Mẹ của người, có thể nói là bà biết có một điều gì đó rất đặc biệt về Môi-se ngay khi người được sinh ra.
Kinh Thánh dường như cũng chỉ ra rằng bằng cách nào đó, Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho cha mẹ của Môi-se sự thật rằng con trai này sẽ không phải là một đứa trẻ bình thường. Hê-bơ-rơ 11:23 nói, “Bởi đức tin, khi Môi-se mới sanh ra, cha mẹ người đem giấu đi ba tháng, vì thấy là một đứa con xinh tốt, không sợ chiếu mạng của vua.” Phân đoạn này không thảo luận về đức tin của Môi-se. Đúng ra thì câu này đang đề cập đến đức tin của cha mẹ người, Am-ram và Giô-kê-bết. Họ tin rằng phước lành đặc biệt của Đức Chúa Trời đang ở trên Môi-se. Bởi đức tin, họ đã giao con mình cho Chúa và Chúa đã bảo vệ cả Môi-se lẫn cha mẹ người.
Tôi tin rằng mọi đứa trẻ sinh ra trên đời này đều có thể được Chúa trọng dụng. Tất nhiên, chúng ta không phải ai cũng trở thành Môi-se hay Sa-mu-ên; tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có thể hầu việc Chúa theo cách của mình. Mỗi khi một em bé được dâng lên cho Chúa, tôi thường tự hỏi, không biết đứa trẻ này sẽ trở thành nhà truyền giáo hay giáo sĩ vĩ đại nào tiếp theo. Liệu lớn lên các con có trở thành một người cha hay một người mẹ tuyệt vời, những người sẽ nuôi nấng con cái mình để hầu việc Chúa hay không? Khi bạn dâng con cái mình cho Chúa, Ngài sẽ ban phước và sử dụng các con một cách lớn lao.
Môi-se được sinh ra vào đúng thời điểm của Đức Chúa Trời, và người được sinh ra cùng với sự chúc phước của Đức Chúa Trời. Môi-se rất may mắn khi có cha mẹ là những người tin kính, đã giao phó con mình cho Chúa vì sự vinh hiển của Ngài, những người tin tưởng Đức Chúa Trời bất chấp hoàn cảnh và thậm chí sẵn sàng bất tuân lệnh vua để làm theo kế hoạch của Ngài. Nhiều người trong chúng ta cũng có những bậc cha mẹ như vậy. Đã bao lâu rồi bạn không cảm ơn cha mẹ mình vì đức tin và sự kết ước của họ?
Được sinh ra để phụng sự Đức Chúa Trời
Thực tế quan trọng thứ ba mà chúng ta học được về cuộc đời Môi-se là người được sinh ra để phụng sự Đức Chúa Trời. Người được cứu lên từ sông Nin để hầu việc Đức Chúa Trời với tư cách là người giải cứu dân Y-sơ-ra-ên. Sau khi giấu con trong ba tháng, cha mẹ của Môi-se đã đặt con trẻ vào một cái rương mây rồi thả cho nó trôi trên sông. Họ đã hoàn toàn phó thác con mình cho sự chăm sóc và quan phòng của Đức Chúa Trời. Rồi theo kế hoạch của Chúa, con gái Pha-ra-ôn tìm thấy Môi-se và nhận người làm con nuôi. “Nàng nhận làm con, và đặt tên là Môi-se, vì nàng nói rằng: Ta đã vớt nó khỏi nước” (Xuất 2:10).
Tôi chắc rằng tên của Môi-se đã không ít lần trở thành một sự khích lệ cho chính Môi-se trong suốt cuộc đời. Mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn, người có thể nghĩ, Tên ta là Môi-se. Đức Chúa Trời đã kéo ta ra khỏi nước, và Ngài sẽ kéo ta ra khỏi tình cảnh này. Khi Môi-se ngã lòng, chắc chắn Đức Chúa Trời đã dùng tên của người để khích lệ người. Cái tên này nhắc nhở Môi-se rằng người đang phụng sự một Đức Chúa Trời của sự cứu chuộc, một Đức Chúa Trời đủ yêu thương để có thể đưa tay ra và kéo người lên khỏi nước.
Đa-vít cũng biết cảm giác được Đức Chúa Trời giải cứu khỏi hoàn cảnh khó khăn là như thế nào. Trong Thi-thiên 18:16 Đa-vít đã sử dụng một chữ trong tiếng Do Thái mà cái tên Môi-se bắt nguồn từ chữ đó. Người nói, “Từ trên cao Ngài giơ tay ra nắm tôi, rút tôi ra khỏi nước sâu.” Khi Đa-vít đang chìm trong bất an phiền muộn, Chúa đã đưa tay ra và nâng người lên khỏi làn nước sâu tuyệt vọng. Ngài cũng làm như vậy với chúng ta.
Như Đức Chúa Trời đã kéo Môi-se lên khỏi sông Nin, thì Ngài cũng đã dùng Môi-se để kéo dân sự ra khỏi Ai Cập và dẫn họ đi qua sa mạc. Trong đồng vắng khi dân chúng đói và khát, khi họ phải đối mặt với những trận chiến và vùng biển không thể vượt qua, Đức Chúa Trời đã rút họ ra khỏi những khó khăn. Môi-se được sinh ra để phụng sự Đức Chúa Trời, và Chúa đã sử dụng người hết lần này đến lần khác để hoàn thành mục đích của Ngài. Mặc dù Đức Chúa Trời có thể không sử dụng chúng ta để rẽ dòng nước dữ hay dẫn dắt một đoàn dân đông, nhưng Ngài kêu gọi mỗi người chúng ta phục vụ Ngài theo một cách nào đó. Và Ngài cũng trang bị cho chúng ta để có thể hầu việc Ngài.
Được sinh ra vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời
Cuối cùng, cuộc đời của Môi-se dạy chúng ta rằng người được sinh ra để làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Bất cứ khi nào chúng ta nghĩ về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được bày tỏ, chúng ta thường hình dung ra một hành động phi thường và lớn lao nào đó. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời thường sử dụng những điều đơn sơ và yếu đuối của thế gian này để mang lại vinh hiển cho chính Ngài. Trong I Cô-rinh-tô 1:27-29, chúng ta đọc thấy: “Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời.”
Chúng ta tìm thấy một minh họa hoàn hảo về điều này trong cuộc đời Môi-se. Sự tương phản trong Xuất Ê-díp-tô Ký 2:1-10 thật đáng kinh ngạc. Ai Cập là quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới vào thời bấy giờ trong lịch sử. Họ đã có một đế chế rộng lớn, những đội quân khổng lồ và những kim tự tháp tráng lệ mà ngày nay vẫn còn được coi là một kỳ quan về kiến trúc. Đất nước này sở hữu tất cả sức mạnh, quyền lực và niềm tự hào mà họ muốn. Vì cớ họ ngược đãi dân sự của Đức Chúa Trời, nên Chúa đã phán xét đế quốc vĩ đại này. Nhưng Ngài đã làm điều đó như thế nào? Ngài sai đến một em bé nhỏ xíu người Do Thái được sinh ra trong một gia đình Do Thái bình thường. Bạn có bao giờ nhận thấy rằng bất cứ khi nào Đức Chúa Trời muốn hoàn thành một điều gì đó, Ngài sẽ sai đến một em bé không? Ngài không sai một đội quân; Ngài sai đến một em bé. Vị Pha-ra-ôn hùng mạnh, mà chỉ cần một lời nói ra thôi cũng đủ để lấy mạng người khác, đã không thể tiêu diệt được em bé này. Những giọt nước mắt của em bé đã làm tan chảy trái tim của con gái Pha-ra-ôn và chiến thắng cả một đất nước. Em bé này vĩ đại hơn các vị thần của người Ai Cập. Nước Ai Cập phụ thuộc vào sông Nin và họ tôn thờ con sông này như một vị thần. Khi Pha-ra-ôn ra lệnh ném các bé trai xuống sông, hành động này cũng giống như việc hiến tế trẻ con cho vị thần này vậy. Nhưng Môi-se đã được cứu lên khỏi sông Nin. Đức Chúa Trời đã không sử dụng sấm sét hay một đội quân lớn để thực hiện kế hoạch của Ngài. Thay vào đó, Ngài sai đến một em bé, đang khóc, được định là phải chết, để chinh phục đế chế Ai Cập vĩ đại.
Trái ngược với những gì một số người có thể nghĩ, Ai Cập đã không bị đánh bại bởi các tai họa. Cường quốc này bị chinh phục bởi một em bé nhỏ xíu, yếu ớt, đang khóc, được chính kẻ thù cứu vớt và nuôi dưỡng. Đức Chúa Trời đã sử dụng Môi-se mang lại sự cứu chuộc cho dân tộc mình. Pha-ra-ôn tưởng mình rất khôn ngoan. Vua vạch ra một âm mưu để hủy diệt dân Do Thái, nhưng Đức Chúa Trời lại sử dụng chính âm mưu “ngu xuẩn” của vua để hủy diệt Ai Cập. Khi chúng ta cố sống theo sự khôn ngoan của mình, chúng ta chắc chắn sẽ thất bại, vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự ngu dại đối với Đức Chúa Trời.
Tại sao Đức Chúa Trời lại sử dụng những điều dại dột và yếu đuối của thế gian để đạt được mục đích của Ngài? Để “không một người nào có thể khoe khoang trước mặt Ngài” (I Cô-rinh-tô 1:29). Đức Chúa Trời không muốn chúng ta được vinh hiển bằng sức mạnh và sự khôn ngoan của chính mình. Khi chúng ta yếu đuối, chúng ta hoàn toàn trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Vì vậy, khi chúng ta nhìn thấy những điều lớn lao đang xảy ra, chúng ta nhận ra rằng Đức Chúa Trời đang làm việc trong chúng ta và dâng cho Ngài mọi vinh hiển mà Ngài xứng đáng.
Môi-se được sinh ra vào đúng thời điểm hoàn hảo của Đức Chúa Trời. Người được sinh ra với phước lành của Đức Chúa Trời và để phụng sự Ngài. Chúa đã sử dụng Môi-se để mang lại sự tôn trọng và vinh hiển cho Ngài. Điều này cũng có thể đúng với chúng ta khi chúng ta sẵn lòng đầu phục chương trình của Đức Chúa Trời cho đời sống chúng ta.
Tác giả: Warren W. Wiersbe – Giám-đốc điều hành Mục-vụ Back to the Bible
Nguồn: Sưu Tầm
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com