THÀNH PHỐ BOGOR, Tỉnh Tây Java – Ở Indonesia có đa số người theo đạo Hồi, các hội chúng Cơ-đốc giáo gần như không thể xây dựng hội thánh vì hầu hết các cộng đồng Hồi giáo không cho phép điều đó.
Các cuộc xung đột thường xảy ra ở một số vùng của Indonesia, nơi những người Hồi giáo cực đoan đe dọa và quấy rối những người theo đạo Cơ-đốc bị buộc phải thờ phượng trên đường phố vì chính phủ đã đóng cửa hội thánh của họ.
Mặc dù Indonesia là một quốc gia có phần lớn người Hồi giáo nhưng Hiến-pháp của nước này đảm bảo quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, các hội thánh Cơ-đốc thường bị từ chối cấp phép xây dựng do sự phản đối của công chúng.
Một yêu cầu quan trọng là sự chấp thuận có chữ ký của 60 người hàng xóm tại khu vực mà hội thánh định xây cất.
Năm 2006, Hội-thánh Cơ-đốc Yasmin đã nhận được giấy phép xây dựng từ chính quyền thành phố Bogor nhưng nhanh chóng vấp phải sự phản đối của người dân địa phương, những người cho rằng hội chúng này đã giả mạo chữ ký để đáp ứng yêu cầu. Năm 2008, giấy phép xây dựng bị thu hồi và tòa nhà đang xây dở bị phong tỏa.
Theo Thị-trưởng thành phố Bima Arya Sugiarto, cư dân trong cộng đồng đã cảnh giác về các hoạt động bị cáo buộc là truyền giáo Cơ-đốc và họ cho là chính những hoạt động này khiến số lượng hội thánh ngày càng tăng ở các khu vực có nhiều người Hồi giáo sinh sống.
Thị-trưởng Sugiarto nói, “Người dân địa phương không chỉ bác bỏ vấn đề truyền giáo mà họ còn chứng kiến một số hành động, biểu tình rầm rộ và vì vậy nó ảnh hưởng đến sự hòa hợp xã hội.”
Vì sợ hãi nên hội chúng buộc phải nhóm lại bên ngoài để thờ phượng.
Tri Santoso, mục sư trưởng của Hội-thánh Yasmin, giải thích, “Chúng tôi đã tổ chức buổi nhóm trước Dinh Tổng-thống. Và trên vỉa hè phía trước tòa nhà đang xây dở của chúng tôi trong hơn một năm. Chúng tôi không có vấn đề gì với cộng đồng nhưng có sự xâm nhập của người ngoài tổ chức biểu tình chống lại chúng tôi, ảnh hưởng đến hòa bình, trật tự trong cộng đồng.”
Vấn đề cuối cùng đã được giải quyết vào năm 2019 khi Thị-trưởng Sugiarto đề nghị chuyển hội thánh đến một địa điểm khác. Sau 15 năm đấu tranh, một tòa nhà đẹp đẽ đã được hoàn thành, nơi hội chúng có thể tự do thờ phượng.
Theo chính quyền địa phương và lãnh đạo Hội-thánh, việc xây dựng hội thánh không chỉ là để có nơi thờ phượng mà còn là minh chứng cho thấy sự tự do tôn giáo có tồn tại ở Indonesia.
Sugiarto nói, “Bài học rút ra trong trường hợp Hội-thánh Yasmin là phải sẵn sàng đối thoại cởi mở và cam kết của các nhà lãnh đạo để giải quyết vấn đề này cho dù thế nào đi nữa. Và chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc thống nhất trong sự đa dạng.”
Mục-sư Darwin Darmawan, thành viên ủy ban đàm phán, mô tả nghị quyết này là một phép lạ và một chiến thắng cho tất cả mọi người.
Santoso nói, “Là công dân, chúng ta phải tuân theo quy định của nhà nước. Hiến pháp đảm bảo chúng ta có thể cầu nguyện theo niềm tin của riêng mình nhưng mặt khác, chúng ta cần phải hòa hợp với các thành viên khác trong cộng đồng. Chính quyền thành phố Bogor đã cấp đất miễn phí cho chúng tôi và rất khó xin được giấy phép.”
Ông nói thêm, “Chúng tôi tin Chúa có thể sử dụng bất kỳ ai làm công cụ của Ngài để thực hiện kế hoạch của Ngài và Ngài sẽ hoàn thành điều đó ngay cả khi phải mất một quá trình lâu dài.”
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: cbn.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com