Kinh Thánh nói về một vài loại tuyên xưng khác nhau. Chúng ta đã quen với phần nào trong số đó, như xưng tội chẳng hạn, nhưng loại tuyên xưng cần trở nên rõ ràng hơn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta là sự tuyên xưng đức tin. Sự tuyên xưng là điều chúng ta công bố bằng lời nói của mình. Đó là sự thể hiện bên ngoài của thái độ trong lòng. Ma-thi-ơ 12:34 công bố : Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Rô-ma 10:10 nói với chúng ta rằng vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng (tuyên xưng – ND) mà được sự cứu rỗi. Từ những câu Kinh thánh này chúng ta có thể thấy những gì chúng ta nói là rất quan trọng !
Để hiểu được ý nghĩa của lời nói chúng ta cần nhớ rằng chúng ta được tạo dựng theo hình tượng của Đức Chúa Trời. Khả năng ngôn ngữ phân biệt rõ ràng con người với động vật. Đó là một trong những dấu hiệu của việc chúng ta được tạo dựng theo hình tượng của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời nói, và khi Ngài nói thì Ngài sáng tạo. Đức Chúa Trời phán rằng : Phải có sự sáng; thì có sự sáng. Những câu như thế xuất hiện nhiều lần trong suốt quá trình sáng tạo (Sáng Thế Ký 1:3,6,9,11,14,20,24,26). Đức Chúa Trời sáng tạo bằng lời nói, và Ngài ban khả năng tương tự cho con người. Chúng ta cũng sáng tạo bằng lời nói. Hãy thử xem những lời nói tiêu cực và độc địa làm đỗ vỡ và phá hủy đến mức nào, trong khi những lời nói đúng vào thời điểm đúng thì khích lệ và an ủi.
Nếu làm một phân tích nhanh về những đối thoại hàng ngày của chúng ta, chúng ta có thể dễ dàng trở nên thất vọng bởi vì phần nhiều chúng được tạo thành từ những câu nói tiêu cực, chỉ trích, phủ nhận và vô tín, như “Cái đó chẳng bao giờ có tác dụng”, “Không phải là tôi”, “Tôi không thể“ và những câu tương tự như vậy. Giữa những lời nói tiêu cực ấy, sự tuyên xưng đức tin cần có.
Chúng ta không được hành động chỉ dựa trên những gì chúng ta nghe, thấy hoặc cảm nhận được ở một thời điểm nào đó. Chúng ta đứng trên những lời hứa của Đức Chúa Trời. Giống như Áp-ra-ham, chúng ta tuyên xưng điều Đức Chúa Trời đã nói cùng chúng ta, thậm chí nếu như chúng ta không nhìn thấy điều đó vào thời điểm hiện tại và ngoại cảnh có vẻ chỉ về hướng ngược lại. Điều này có nghĩa là lời nói của chúng ta quan trọng hơn chúng ta có thể tưởng tượng nhiều. Kinh thánh nhiều lần cảnh báo chúng ta về việc sử dụng miệng lưỡi cách hư không hoặc sai mục đích và hết sức khích lệ chúng ta nói ra những lời đức tin. Khi chúng ta công bố Lời Đức Chúa Trời đã hứa trong một hoàn cảnh nào đó, chúng ta trở nên người đồng sáng tạo với Ngài, khiến ý muốn của Ngài được thành trong những hoàn cảnh ấy. Lời nói của chúng ta là “thùng chứa”, hoặc để chứa rác hoặc để chứa ý muốn và quyền năng của Đức Chúa Trời, và chúng ta là những người cộng sự của Ngài.
Vậy chúng ta phải tuyên xung cái gì ?
1. Những gì Đức Chúa Trời đã hoàn thành cho chúng ta trong Đấng Christ, qua sự cứu chuộc.
2. Những gì Đức Chúa Trời đã hoàn thành cho chúng ta bởi Lời Ngài và Thần Ngài khi chúng ta được tái sinh và được đầy dẫy Đức Thánh Linh;
3. Chúng ta là ai trong Đấng Christ.
4. Chúa Jêsus đang làm gì cho chúng ta tại bên hữu Đức Chúa Trời, nơi Ngài đang sống và liên tục cầu thay cho chúng ta.
5. Đức Chúa Trời có thể làm gì qua chúng ta và Lời Ngài trên miệng chúng ta sẽ đạt điều gì.
Đó là nội dung của sự tuyên xưng đức tin của bạn. Hãy đến với Lời Đức Chúa Trời và tìm những lời hứa mà bạn có thể sử dụng làm cơ sở cho sự tuyên xưng của mình.
Hãy lấy Lời Đức Chúa Trời trong một hoàn cảnh nào đó và tuyên xưng những gì là của bạn trong Chúa Jêsus Christ, chứ không phải những gì bạn quan sát hoặc cảm thấy vào thời điểm ấy. Rồi bạn sẽ thấy điều này thay đổi hoàn cảnh, cho phép ý muốn Đức Chúa Trời đươc nên và vương quốc của Ngài được gia tăng trong đời sống bạn.
Bây giờ chúng ta hãy xem “sự tuyên xung tốt lành” có thể làm gì trên thực tế : Một thời gian dài tôi đã chuẩn bị cho giai đoạn đi du học tại Mỹ và đã để dành một số tiền cho việc ăn ở tại đó. Tiền vé máy bay đã trả. Vào những ngày trước chuyến đi, một vài khoản chi lớn bất ngờ xuất hiện và phải trả ngay lập tức. Sau khi thanh toán những món tiền đó thì chẳng còn gì cho chuyến đi. Nói theo cách của loài nguời thì rất ít có khả năng để kịp kiếm đủ tiền. Tôi cảm thấy việc đi vay tiền không được đúng, nên ngồi xuống và cầu nguyện, trao phó chuyện đó vào tay Chúa. Tôi tin chắc là Ngài muốn tôi đi. Tôi trích dẫn những lời hứa trong Phi-líp 4:19 và 4:6,7; cám ơn Đức Chúa Trời vì những điều đó đúng trong hoàn cảnh của tôi và nhắc về những nhu cầu của mình.
Những nhu cầu sờ sờ ra đó, nhưng tôi tuyên xưng đức tin của mình vào các nguồn của Đức Chúa Trời và lời hứa “Đức Chúa Trời sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của tôi y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ.” Do đó những nhu cầu của tôi đã được chăm lo và tôi không cần phải lo lắng về điều gì hết.
Sau vài giờ, một người không hề biết về tình thế khó khăn của tôi đã đến và trao cho tôi một số tiền vì người ấy cảm thấy là tôi có thể cần chúng. Tôi không tin nổi vào mắt mình. Sự đáp lời cầu nguyện đã đến ngay trong ngày tôi cầu nguyện và do đó tôi có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời sẽ lo lắng các nhu cầu còn lại của tôi. Thật tuyệt vời biết bao khi nhìn thấy rằng những lời hứa của Đức Chúa Trời không chỉ là những lời nói hay ! Thật vui mừng khi nói “Phải” và “Amen” với những lời hứa ấy. Đó chính là sự tuyên xưng tốt lành !
2 Côrinhtô 4:13 nói : “…như lời Kinh Thánh rằng : Ta đã tin, cho nên ta nói, cũng vậy, chúng tôi tin, cho nên mới nói.” Những lời nói của bạn liên quan đến đức tin nhiều hơn bạn nhận thức được. Trên đất này, chúng ta nhận được sự đáp lời cầu nguyện, phép lạ, thay đổi ngoại cảnh và chiến thắng trên những sự tấn công bởi đức tin (Rô-ma 12:3). Nhưng đức tin không phải lúc nào cũng hoạt động. Chỉ khi đức tin hoạt động, nó mới giải phóng quyền năng của Đức Chúa Trời và những phép lạ mới xảy ra.
Theo Ulf Ekman
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com