Home Chuyên Đề Quyền Năng Vô Tận Của Cầu Nguyện – Kỳ 5: Bạn Có Thực Sự Cần Phép Lạ?

Quyền Năng Vô Tận Của Cầu Nguyện – Kỳ 5: Bạn Có Thực Sự Cần Phép Lạ?

by Sưu Tầm
30 đọc

Điều kiện cần thiết để Chúa làm phép lạ

Được viết ra để làm gương cho chúng ta, nhiều bản ký thuật trong Kinh Thánh chứa đựng những câu chuyện tuyệt vời về việc Đức Chúa Trời thực hiện những phép lạ lớn lao. Chúng ta có thể tự hỏi liệu phép lạ có thể xảy ra trong đời sống của mình chăng. Khi nghiên cứu kỹ những câu chuyện đó, chúng ta khám phá ra các phép lạ đã được thực hiện trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Trong đời sống cá nhân, chúng ta thường dấn thân vào những kinh nghiệm gian khổ để đạt được lợi ích về sau. Ví dụ, đi học một ngày thì không đủ để trở thành bác sĩ. Để trở thành bác sĩ, bạn cần dành nhiều năm học tập và nghiên cứu, làm nhiều bài kiểm tra và cuối cùng tốt nghiệp trường y. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu! Nếu bạn muốn trở thành một bác sĩ giỏi, bạn phải làm việc vất vả để tích lũy kinh nghiệm rồi sau đó mới lấy được bằng cấp và danh hiệu.

Điều tương tự cũng xảy ra trong đời sống thuộc linh của chúng ta. Chúng ta thường cầu nguyện hời hợt, nhưng lại mong đợi những phép lạ lớn lao. Chúng ta thực tế không kinh nghiệm được kết quả gì ngoài việc mong đợi sự tăng trưởng thuộc linh vượt bậc.

Trong Kinh Thánh, chúng ta đọc những câu chuyện về những người nữ làm thay đổi tiến trình lịch sử, những em bé hy sinh những gì mình có cho người khác và những người nam giải cứu cả dân tộc. Lý do cho những câu chuyện ly kỳ và ảnh hưởng mạnh mẽ từ những hành động của họ là do họ hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Họ hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của Ngài trong việc đáp lại những lời cầu nguyện bằng đức tin tha thiết của họ.

Chúng ta không muốn bất kỳ khó khăn nào và cầu nguyện những lời cầu nguyện nhỏ nhặt nhưng lại mong đợi câu trả lời lớn lao. Nếu bạn không gặp nan đề lớn, thì sẽ không có chuyện gì lớn để kể lại và không có phép lạ lớn lao nào xảy ra cho lời cầu nguyện của bạn. Ví dụ, làm thể nào con cái Y-sơ-ra-ên có thể kể câu chuyện băng qua Biển Đỏ nếu họ không ở trong tình huống bị mắc kẹt giữa một bên là biển và một bên là quân Ai Cập? Một phép lạ đáng kinh ngạc đã xuất hiện trong tình huống tưởng như vô vọng này!

Sự vĩ đại của một phép lạ tương ứng với mức độ khó khăn của cơn khủng hoảng. Ví dụ, tôi bị mất chìa khóa xe. Có lẽ tôi chỉ bỏ quên chúng đâu đó. Tôi cầu nguyện một lời cầu nguyện ngắn gọn bởi vì tôi khá chắc chắn rằng mình sẽ tìm thấy chìa khóa ở đâu đó trong nhà hoặc những nơi tôi từng lui tới (tình huống xấu nhất là thay khóa mới). Đây là một cuộc khủng hoảng nhỏ. Khi vấn đề được giải quyết, đó sẽ là một phép màu nhỏ, thậm chí chúng ta có thể không gọi đó là phép màu.

Một cuộc khủng hoảng lớn dẫn đến một phép lạ lớn lao. Phép lạ là câu trả lời đáng kinh ngạc của Chúa dành cho một cuộc khủng hoảng.

Kinh Thánh chứa khoảng 650 lời cầu nguyện, không tính những lời cầu nguyện được tìm thấy trong sách Thi-thiên. Trong số đó có 450 lời cầu nguyện được đáp lời. Mặc dù chúng ta không có bằng chứng cụ thể về kết quả của 200 lời cầu nguyện còn lại, nhưng rất có thể chúng cũng đã được đáp lời. Vì một số lý do, những câu trả lời đó đã không được đưa vào các trang Kinh Thánh. Nhưng với 69% lời cầu nguyện được nhậm, tôi nghĩ chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ chứng tỏ Đức Chúa Trời muốn đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta. Ngài quan tâm đến việc giúp đỡ chúng ta.

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người tự hỏi, “Tại sao Chúa không nhậm lời cầu nguyện của tôi?” Chúng ta có thể tự tin khi nói Chúa sẽ đáp lại lời cầu nguyện của mình. Chúng ta không thể nhìn sự việc như cách Chúa nhìn. Suy nghĩ của Ngài không phải là suy nghĩ của chúng ta. Tuy nhiên, khi Ngài từ chối những thỉnh cầu của chúng ta hoặc trì hoãn câu trả lời, chúng ta thường bối rối và dễ nản lòng. Nhưng khi chúng ta nhận ra mọi nguồn lực mà mình có, tất cả sự khôn ngoan, sức lực và phương pháp của chúng ta đều vô dụng nếu không có Chúa, thì Ngài can thiệp vào đời sống của chúng ta. Sau đó, Ngài có thể làm những điều tưởng chừng bất khả thi.

Lưu ý cách Y-sơ-ra-ên hát ngợi khen Đức Chúa Trời sau khi băng qua Biển Đỏ:

Hỡi Đức Giê-hô-va! trong vòng các thần, ai giống như Ngài? Trong sự thánh khiết, ai được vinh hiển như Ngài, đáng sợ, đáng khen, hay làm các phép lạ?” (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:11)

Nếu chúng ta tin cậy Chúa đủ để bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài vì chúng ta biết Chúa nhìn thấy điều cuối cùng ngay từ lúc ban đầu; loại đức tin này cho phép chúng ta chờ đợi câu trả lời của Ngài cách kiên nhẫn. Chúng ta có thể tin cậy Đấng vô cùng tốt lành và không làm gì tổn hại chúng ta nếu điều đó không thật cần thiết. Và cuối cùng khi chúng ta vượt qua cơn khủng hoảng của mình, mọi sự vinh hiển chỉ thuộc về một mình Ngài.

Tại sao chúng ta phải đối mặt với những khó khăn?

Nếu bạn cầu xin Chúa ban cho bạn sự kiên nhẫn, Ngài sẽ gửi đến cho bạn những rắc rối. Chúng ta đã nói về điều này trước đây. Và khi điều đó xảy ra, chúng ta thường không thích câu trả lời của Chúa. Điều này có thể so sánh với việc một người muốn lấy bằng tiến sĩ nhưng lại không muốn đi học. Một người không đi học sẽ không gặp khó khăn, không chịu khủng hoảng và không có quá trình trưởng thành để lấy được bằng tiến sĩ. Họ sẽ chẳng có gì cả, bao gồm cả bằng tiến sĩ. 

Làm sao bạn có thể học được tính kiên nhẫn nếu không có gì thử thách tính kiên nhẫn của bạn? Nếu bạn cầu nguyện để có được sự kiên nhẫn, sẽ có người bước vào đời sống bạn, và người ấy sẽ kích động bạn. Đây sẽ là một thử nghiệm. Nhưng bạn sẽ không nhận được điều mình cầu xin – sự kiên nhẫn – nếu bạn không sẵn sàng trải qua thử thách.

Đừng nản lòng vì điều này. Nếu bạn hiểu quy trình, bạn không phải sợ hãi và bạn sẽ không cố gắng chống lại quá trình đó. Khi Chúa tạo ra những hoàn cảnh thuận lợi cho sự phát triển trong một lĩnh vực nào đó của đời sống chúng ta, sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta không cố tình chống lại công việc của Ngài.

Khi đối mặt với một khó khăn nào đó, bạn có nhận ra mình sẽ tự động cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin hãy giải quyết vấn đề này. Xin hãy cất nó đi khỏi con”? Nếu vậy, về cơ bản bạn đang xin Chúa đừng dạy cho bạn bài học này. Hoặc, nếu dạy, thì hãy dạy theo cách mà không cần đến khủng hoảng. Một học sinh đến trường phải trải qua thử thách và kỷ luật học tập. Các em không thể chỉ ngồi đó mong chờ thầy cô giúp mình nhồi nhét kiến thức vào đầu.

Nếu bạn thật lòng muốn lớn lên, hãy để Chúa dạy bạn điều Ngài muốn theo cách của Ngài vì Ngài biết rõ điều gì là tốt nhất cho bạn.

Khi gặp khó khăn, tôi cầu nguyện với Chúa thế này,  “Chúa ơi, con hiểu rằng Ngài đã cho phép điều này xảy ra vì một lý do nào đó. Con tin cậy Ngài và cầu xin Ngài giúp con trưởng thành trong quá trình này. Xin giúp con hợp tác với Ngài và chấp nhận cách mà Ngài muốn thay đổi con. Con tin rằng Ngài sẽ cất đi thử thách này khi Ngài thấy thử thách đã hoàn thành mục đích của nó trong đời sống con. Cảm ơn Ngài vì con có thể tin cậy Ngài. Xin ban cho con sức mạnh và ân điển để tin tưởng Chúa ngày càng hơn.

Khi những khó khăn là đòn tấn công của kẻ thù

Một trong những nan đề lớn nhất của chúng ta là những cuộc tấn công trực diện của Sa-tan. Hắn biết cách đánh vào chỗ làm chúng ta đau nhất. Tuy nhiên, thay vì nhìn chăm chăm vào nan đề, hãy ngửa trông nơi Chúa và tập chú vào Ngài. Bản năng đầu tiên của con người là cầu nguyện và xin Chúa mang chúng ta ra khỏi hoàn cảnh của mình. Nhưng trước hết, chúng ta cần tìm kiếm sự hiện diện của Đức Chúa Trời, chứ không chỉ sự giúp đỡ của Ngài. Chúa thường cho phép những hoàn cảnh khó khăn kéo chúng ta đến gần Ngài hơn. Chúa muốn chúng ta trình bày những yêu cầu và nhu cầu của mình với Ngài, nhưng sau khi làm điều đó, chúng ta cần trao mọi lo lắng mình cho Ngài và để Ngài giải quyết.

Khi chúng ta biết Chúa qua quá trình cầu nguyện, có một số điều về Ngài mà tôi nghĩ là chúng ta cần phải hiểu. Đức Chúa Trời chắc chắn có thể giải quyết mọi nan đề của chúng ta. Không có gì là không thể đối với Ngài. Và trên thực tế, ma quỷ không thể tấn công con cái Chúa bên ngoài giới hạn mà nó được phép.

Khi gặp khó khăn, tôi thường cầu nguyện thế này, “Chúa ơi, Ngài biết tình trạng của con lúc này. Con trao vấn đề này cho Ngài vì con biết rằng Ngài yêu con và vì Ngài đã ban Con của Ngài để chết thay cho con. Ngài đã dựng nên thế gian bằng Lời của Ngài và không có gì là không thể đối với Ngài. Cũng bởi Lời đó, xin Ngài hãy phán, và nan đề của con sẽ được giải quyết ngay lập tức. Vì Ngài yêu con rất nhiều nên con biết chắc rằng Ngài quan tâm đến hôn nhân, công việc, cuộc sống và sức khỏe của con. Ngài không thờ ơ với cuộc khủng hoảng này. Trong kỳ thử thách, con chọn đặt lòng tin cậy nơi Ngài.

Chúa là Đấng khôn ngoan vô hạn và nhìn thấu tương lai. Ngài có 1001 cách khác nhau để giúp bạn thoát khỏi tình huống tưởng chừng vô vọng mà bạn không tìm thấy lối thoát nào. Điều tốt nhất bạn có thể làm là tin cậy Chúa. Ngài chắc chắn có một giải pháp cho bạn. Trong sự hiểu biết hạn hẹp của con người, không phải lúc nào đường lối của Chúa cũng có ý nghĩa đối với chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải công nhận rằng đường của Chúa luôn dẫn đến những bến bờ tốt đẹp.

Những ví dụ trong Kinh Thánh

Đa-ni-ên (Đa-ni-ên 1-6 – sẽ rất hữu ích nếu bạn tự mình đọc những câu chuyện này).

Sách Đa-ni-ên thực sự là một câu chuyện hấp dẫn, nhưng cũng mang tính dạy dỗ cao.

Thiên sứ bảo Đa-ni-ên, “Hỡi Đa-ni-ên, đừng sợ. Ngay từ ngày đầu… Ngài đã nghe những lời của ngươi…” (Đa-ni-ên 10:12)

Cha các con biết các con cần gì trước khi các con cầu xin Ngài.” (Ma-thi-ơ 6:8)

Từ khi còn trẻ, Đa-ni-ên đã bị Vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa bắt làm phu tù trong cuộc bao vây thành Giê-ru-sa-lem. Bạn có nghĩ rằng Đa-ni-ên đã cầu xin một giải pháp cho vấn đề này không? Không nghi ngờ gì về điều đó. Như những gì được viết trong cuốn sách mang tên mình, Đa-ni-ên  đã tận hiến cuộc đời mình cho Chúa từ khi còn trẻ và kết ước trong việc cầu nguyện hàng ngày. Tuy nhiên, người lại trở thành tù binh chiến tranh của người Ba-by-lôn thay vì được giải thoát khỏi nan đề của mình. Nhưng đó không phải là kết thúc của câu chuyện! Đức Chúa Trời đã ban phước cho Đa-ni-ên trong môi trường mới mà chính Ngài đã đặt để người vào đó, đồng thời đưa ra lời chứng hùng hồn về chính mình Ngài cho một số vị vua ngoại giáo và cận thần cấp cao của họ.

Giô-sép (Sáng-thế Ký 37, 39-47)

Đức Giê-hô-va ở với Giô-sép nên cậu rất thành công trong nhà người chủ Ai Cập. Người chủ cũng thấy rằng Đức Giê-hô-va phù hộ chàng và khiến cho mọi việc tay chàng làm đều được thịnh vượng.” (Sáng-thế Ký 39:2-3)

Giô-sép là con trai cưng của Gia-cốp, và chàng có mối quan hệ sâu sắc với Đức Chúa Trời hơn 11 người anh em của mình. Tuy nhiên, điều này đã không cứu chàng thoát khỏi cảnh trở thành nô lệ nơi xứ lạ quê người. Điều gì đã diễn ra trong tâm trí chàng khi tất cả những điều này xảy ra? Chàng có cầu nguyện không? Chàng có cầu xin Chúa giúp mình không? Chàng đã làm như vậy, và câu chuyện về cuộc đời Giô-sép cho thấy tấm lòng tận hiến và chân thành của chàng đối cùng Đức Chúa Trời.

Chúa cho phép chàng bị bán làm nô lệ. Ngay cả trong những hoàn cảnh đó, Đức Chúa Trời đã ban phước cho chàng. Nhưng ngay khi mọi chuyện đang diễn ra tốt đẹp, thì chàng lại bị giáng một đòn khác. Một lời vu khống khiến Giô-sép phải ngồi tù nhiều năm. Chàng có hiểu tại sao những điều đó lại xảy ra với mình không? Có lẽ không. Nhưng từ thời thơ ấu, chàng đã học cách tin cậy Đức Chúa Trời, điều này đã giúp chàng vượt qua thời kỳ khó khăn.

Chúng ta biết rằng đã có một kết thúc có hậu cho Giô-sép. Chúng ta dễ dàng đọc lướt qua câu chuyện này từ đầu đến cuối, nhưng có lẽ chúng ta đã không nhận ra Giô-sép đã phải vật lộn từ khó khăn này đến khó khăn khác trong nhiều năm. Tuy nhiên, Chúa luôn ở đó với chàng. Ngài có mục đích cho tất cả những gì mà Giô-sép đã trải qua. Mặc dù có vẻ như cuộc đời của Giô-sép đã bị hủy hoại ngay từ đầu, nhưng Đức Chúa Trời không chỉ có ý định cứu Giô-sép mà còn cứu cả gia đình chàng và cả xứ Ai Cập.

Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 1-4)

Đức Giê-hô-va phán với ông: “Ai tạo ra môi miệng loài người? Ai đã làm cho con người thành câm, thành điếc, thành sáng, thành mù? Chẳng phải bởi Ta, là Đức Giê-hô-va đó sao? Vậy bây giờ hãy đi đi, Ta sẽ ở với miệng con và dạy con những lời phải nói.”” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:11-12)

Môi-se sinh ra trong một gia đình nô lệ người Do Thái ở Ai Cập. Nhưng ông đã được giải cứu khỏi cuộc sống nô lệ và được nuôi dưỡng trong cung điện hoàng gia bởi con gái Pha-ra-ôn. Khi Môi-se lớn lên, ông ra ngoài và gặp gỡ những người Hê-bơ-rơ đồng hương của mình. Kế hoạch của Đức Chúa Trời là để Môi-se dẫn dắt dân Ngài ra khỏi cảnh nô lệ. Nhưng Môi-se chưa sẵn sàng. Ông đã chứng tỏ rằng ông muốn làm theo cách riêng của mình, nhưng Đức Chúa Trời cần dạy ông cách làm mọi việc theo cách của Ngài.

Trước khi Môi-se có thể dẫn dắt con cái Y-sơ-ra-ên băng qua đồng vắng, Đức Chúa Trời đã biến ông thành một người chăn chiên khiêm nhường. Trong 40 năm, ông chăn chiên trong chốn đồng không mông quạnh. Đức Chúa Trời đã không quên Môi-se. Ngài luôn dõi theo ông, và khi thời điểm thích hợp, Đức Chúa Trời gọi ông trở lại và dẫn dắt dân Ngài ra khỏi Ai Cập. Trải qua thử thách sống trong hoang mạc cùng bầy chiên suốt 40 năm, Môi-se không thể ngờ được biến cố xảy ra sẽ làm thay đổi cuộc đời ông mãi mãi.

Dân Y-sơ-ra-ên bên Biển Đỏ (Xuất Ê-díp-tô Ký 14-15)

Hãy thử hình dung bạn đang ở giữa đoàn dân Y-sơ-ra-ên vào thời điểm diễn ra cuộc xuất hành. Ngay trước mắt bạn, Đức Chúa Trời đã thực hiện những phép lạ khó tin và buộc Pha-ra-ôn cuối cùng phải thả cho bạn đi. Bạn hăng hái đi theo Môi-se, nhưng ông dẫn bạn đi đâu? Thay vì đi một mạch đến xứ hứa, ông dẫn bạn đến nơi tồi tệ nhất. Và Môi-se nói rằng Chúa đã dẫn bạn đến đó. Sóng biển sôi trào trước mặt bạn, những vách đá cheo leo ở hai bên và quân Ai Cập ở phía sau. Kinh hoàng, bạn nhận ra Pha-ra-ôn đã nuốt lời và đang dẫn quân lao về phía doanh trại của bạn. Bạn hoàn toàn bị mắc kẹt. Làm sao chuyện này có thể xảy ra? Đức Chúa Trời phán qua Môi-se, “Hãy tiến lên! Hãy đi qua Biển!”

Thoạt nhìn, đây là kiểu trốn chạy ngu xuẩn và phi logic nhất, nhưng đó là cách của Chúa. Và chúng ta biết rất rõ mọi chuyện đã kết thúc như thế nào. Tuy nhiên, dân chúng đã rất quẫn trí vì họ vẫn chưa học được cách tin cậy Đức Chúa Trời. Chúa đã chứng minh cho họ và chúng ta thấy rằng Ngài là Đức Chúa Trời hay làm phép lạ, nếu cần, Ngài có thể rẽ biển để bạn bước qua. Và biển trở thành phương tiện trốn thoát cho bạn cũng có thể trở thành phương tiện để Ngài nhấn chìm kẻ thù của bạn. Phép lạ đáng kinh ngạc đến từ những tình huống tưởng chừng như vô vọng. Vậy nên, tất cả những kinh nghiệm này cho chúng ta thấy rõ ràng rằng đường lối của Đức Chúa Trời không phải là đường lối của chúng ta và ý tưởng của Ngài không phải là ý tưởng của chúng ta.

Những điều này rất bí ẩn đối với chúng ta, có thể khiến nhiều người hiểu sai về Ngài. Khi Chúa bắt đầu hành động, đôi khi mọi thứ trở nên tồi tệ; thậm chí trở nên tồi tệ hơn. Nhưng Chúa cho chúng ta câu trả lời mà chúng ta thực sự cần. Ngài luôn trả lời đúng thời điểm. Ngài có một kế hoạch, và mặc dù chúng ta có thể cảm thấy như thể Ngài đã quên chúng ta, nhưng sự thật là Ngài không bao giờ quên chúng ta.

Chúng ta có thể tóm tắt những gì chúng ta vừa học được về Đức Chúa Trời và sự chịu khổ trong ba câu ngắn gọn nhưng vô cùng quan trọng:

  1. Chúa luôn giữ lời hứa
  2. Chúa làm mọi sự vì lợi ích của chúng ta
  3. Biết Chúa giúp chúng ta tin cậy Ngài.

Bây giờ hãy nhấn mạnh một vài điểm quan trọng nữa

Một cuộc đời suôn sẻ không mang lại sự tăng trưởng thuộc linh, sức mạnh hoặc những phép lạ đáng kinh ngạc khi chúng ta cầu nguyện. Chúng ta cầu xin Chúa can thiệp vào một tình huống hoặc đơn giản là dẫn dắt đời sống mình, nhưng chúng ta thường cảm thấy thất vọng vì không có gì thay đổi hoặc mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta vật lộn với trải nghiệm này thay vì tin tưởng rằng đây có thể là phương tiện được Đức Chúa Trời chỉ định để ban phước cho chúng ta.

1. Khó khăn càng lớn, Chúa càng hoàn thành nhiều điều lớn lao hơn trong cuộc đời bạn.

Đây là điều quan trọng cần nhớ. Chúng ta có thể muốn cuộc sống của mình thay đổi nhưng lại không muốn thay đổi cách sống của mình. Trong một tình huống vô vọng, chúng ta chỉ cần từ bỏ và tin cậy Chúa khi chúng ta không hiểu điều gì đang xảy ra với mình hoặc tại sao; đó là thời điểm tốt nhất để đầu phục Chúa và hoàn toàn tin cậy vào kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta. Những khó khăn trong đời hình thành nên tính cách của chúng ta, và tính cách đó sẽ theo chúng ta trong suốt phần đời còn lại.

Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu khi ở trong tù, Giô-sép đã cầu nguyện, “Xin Chúa cho con ra tù ngay bây giờ”…và Chúa nhậm lời? Điều gì sẽ xảy ra nếu Chúa lắng nghe chàng và giải phóng chàng vào lúc đó? Có lẽ Giô-sép sẽ tìm đường trở lại quê hương. Chàng sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành tể tướng Ai cập và cứu cả xứ  (trong đó có gia đình mình) thoát khỏi nạn đói. Điều này sẽ không xảy ra nếu Giô-sép không trải qua tất cả những khó khăn gian khổ mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho chàng.

2. Trong những thời điểm khó khăn, tin cậy Chúa sẽ giúp bạn tập chú vào Ngài và tìm thấy sự bình an nội tại.

Và điều này là kết quả của sự cầu nguyện đều đặn và chân thành. Bạn cầu nguyện, bạn tin tưởng, và sau đó bạn để Chúa hành động theo kế hoạch của Ngài. Bạn không cần phải lo lắng vì bạn đang tập trung vào Ngài. Ngoài ra, sẽ rất hữu ích nếu bạn nhớ lại Ngài đã dẫn dắt bạn cũng như những người khác vượt qua khó khăn trong quá khứ như thế nào.

3. Trong những lúc khó khăn, hãy cầu xin Chúa bày tỏ cho bạn biết điều Ngài muốn làm cho bạn.

Một khi bạn biết Ngài muốn gì, và bạn hợp tác với kế hoạch của Ngài, bạn có thể mong đợi một phép lạ đáng kinh ngạc cho hoàn cảnh vô vọng của mình.

Bạn đã sẵn sàng cầu xin Chúa thực hiện một phép lạ thực sự trong đời sống của mình chưa?

Biên tập: Eunice Tu

Nguồn: hope.study/unlimited-power-of-prayer

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like