Mục sư Billy Graham đã từng nói, “Sự thành thật là điều quan trọng nhất trong buôn bán, bao gồm cả việc rao giảng về sự cứu rỗi của Cơ-đốc nhân.” Tại London, CBN News đã gặp một họa sĩ nổi tiếng mà sự thành thật của anh trong việc chia sẻ về Chúa đã khiến anh trở thành một nhà truyền giáo khó tin nhất.
Charlie Mackesy đã được mô tả là “một họa sĩ đẳng cấp thế giới”, người từng bán tác phẩm nghệ thuật cho những nhân vật như diễn viên Whoopi Goldberg và nhạc sĩ Sting. Anh đã mời CBN News đến nhà mình, nơi được coi như một xưởng vẽ ở khu phố Brixton của London.
Xung quanh là hàng chục bức tranh, bản vẽ của anh, chúng tôi hỏi anh phát hiện ra mình có năng khiếu hội họa từ khi nào.
“Đó là một câu hỏi hay; ý tôi là, tôi nghĩ tôi đã biết mình có thể vẽ từ khi còn đi học,” Mackesy nói. “Nhưng tôi nghĩ bạn cần một lý do để vẽ.“
Anh đã tìm ra lý do đó khoảng 25 năm trước, tại một công viên ở London. Mackesy kể lại, anh là một người vô thần vào thời điểm đó, anh nói anh có cảm giác “hẳn phải có nhiều điều hơn nữa về thế giới này ngoài những gì nhìn thấy được bằng mắt thường.“
“Chúa Giê-xu đã lẳng lặng chỉ cho tôi hành trình tìm kiếm những con người thực sự xinh đẹp, đó là cách nghệ thuật của tôi thực sự bắt đầu,” anh nói. “Bởi vì tôi cảm thấy Ngài đang phán bên trong tôi rằng, ‘Nhìn kìa. Anh chàng ngồi trên băng ghế đó đẹp làm sao?’ Và tôi sẽ không bao giờ chú ý đến anh ta trước đây.“
Một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của anh là bức điêu khắc bằng đồng có tên “Sự Trở Lại của Người Con Hoang Đàng”, trong đó Mackesy nắm bắt được cảm xúc thô sơ của câu chuyện dụ ngôn quen thuộc. Tác phẩm được đặt tại Holy Trinity Brompton, một trong những nhà thờ có ảnh hưởng nhất trong Giáo-hội Anh.
Nhà truyền giáo không chính thống
Mackesy là một diễn giả nổi tiếng ở Anh, đặc biệt là với những người ngoại đạo.
“Charlie thu hút những người bên ngoài nhà thờ vì anh không phải là người mà họ mong đợi,” Vicar Nicky Gumbel giải thích. “Bạn biết đấy, bạn có thể hình dung ra một ‘nhà truyền giáo’ sẽ trông như thế nào, nhưng bạn sẽ không nhận ra điều đó khi gặp Charlie Mackesy, và tôi nghĩ đó là điều rất tuyệt vời về anh ấy.“
Mackesy có chút không chính thống. Một ngày nọ anh kể câu chuyện về việc lần đầu tiên nghe được một bài hát Phúc Âm tại một lễ hội âm nhạc, bên trong một nhà vệ sinh di động bẩn thỉu đến mức anh phải đứng lên chỗ ngồi toilet để tránh bị tràn.
Mô tả lại quang cảnh khi ấy cho hội chúng, anh chơi bài hát Phúc Âm “Oh, Happy Day,” do nhóm nhạc The Edwin Hawkins Singers trình diễn. Mackesy kể về việc bài hát đã xuyên thủng chủ nghĩa vô thần của anh như thế nào, lời bài hát đã khiến anh rơi nước mắt.
“Diễn tả lại cảnh ở trong nhà vệ sinh. Lời lẽ hơi thô. Anh ấy gọi mình là người vô thần…Anh ấy rất khiêm nhường, rất hạ mình,” Gumbel nói. “Anh ấy kể những câu chuyện chống lại chính mình.“
“Tôi thực sự không biết chuyện gì đã xảy ra với mình,” Mackesy tiếp tục. “Nhưng khi tôi đang cảm thấy điều đó, thì chân trái của tôi bị trượt. Và bạn biết chuyện gì xảy ra rồi đấy…“
Mặc dù những câu chuyện của Mackesy có thể không dành cho những người yếu tim, nhưng Gumbel chỉ ra rằng những người gần gũi nhất với Chúa Giê-xu, các môn đồ, cũng đã từng bị coi là những con người ai nhìn vào cũng thấy chướng mắt.
Mackesy nói, “Tôi nhận ra những người đang hát đó là những kẻ quậy phá, những kẻ không ra vẻ đạo mạo. Những người không thực sự theo nghi thức tôn giáo, và có lẽ sẽ không được chào đón trong nhà thờ.“
Sau khi chờ cho hội chúng lắng xuống và thôi bình luận về câu chuyện nhà vệ sinh của mình, Mackesy đưa ra quan điểm.
“Tôi đã nghĩ Cơ-đốc giáo là: phải sạch sẽ, đi nhà thờ, tử tế, không chửi thề hay nói tục, thì bạn sẽ được chấp nhận và yêu thích, bởi vì ai mà không thích một người như vậy chứ,” anh giải thích. “Và nếu bạn muốn có một nơi để thuộc về, hãy thuộc về nơi đó theo cách của bạn.“
“‘Bạn được yêu. Bạn được yêu vì chính con người bạn. Bạn có thể mặc bất cứ thứ gì, từ trong ra ngoài, điều đó không quan trọng” anh tiếp tục.
“Tôi nghĩ anh ấy là nhà truyền giáo giỏi nhất ở Vương-quốc Anh vào lúc này,” Gumbel nói. “Những người bên ngoài nhà thờ, tôi muốn đưa họ đến nghe Charlie chia sẻ hơn bất kỳ ai khác ở Vương-quốc Anh.“
Khi Mackesy biết cách mà Gumbel đã mô tả về anh, anh phá lên cười sảng khoái. “Điều đó hoàn toàn lố bịch!” anh kêu lên.
Tất cả những điều này đến như một cú sốc đối với Mackesy, điều này có thể hiểu được với câu chuyện cuộc đời của anh. “Chúng tôi có những thứ mang màu sắc tôn giáo ở trường học và tôi ghét những điều đó,” anh giải thích. “Chúng tôi đã hát những bài hát về Chúa, nhưng tôi không thích Chúa. Tôi không nghĩ rằng Ngài tồn tại, nhưng nếu Ngài có tồn tại thì tôi cũng không thích Ngài.“
Trước đây, khi được hỏi anh sẽ mô tả một Cơ-đốc nhân như thế nào, anh ngay lập tức trả lời: “Ồ, như kiểu một người giả vờ thánh khiết rồi phán xét người khác. Và tin vào một ‘người bạn’ vô hình mà họ đã tưởng tượng ra.“
New Orleans
Sau cuộc gặp gỡ kỳ lạ nhưng có tác động sâu sắc với bài hát “Oh, Happy Day”, Mackesy chuyển đến New Orleans, đắm mình trong dòng nhạc Phúc Âm của những người da đen và Jazz.
“Tôi muốn nói với bạn bè của mình rằng ‘Có một tinh thần thật phi thường đằng sau điều này; thứ âm nhạc tràn đầy sức sống. Hãy nhìn những người này. Hãy nhìn những gì họ tin tưởng, hãy nhìn những gì mà đức tin đó gây ra cho họ’” anh nói.
Mackesy coi nghệ thuật của mình trước hết là một cách để giới thiệu Chúa với những người mà anh yêu thương – như bức “Người Con Gái Hoang Đàng”, được làm cho một người bạn đang vật lộn với chứng rối loạn lưỡng cực.
“Bạn biết đấy, nếu bạn cố gắng giải thích bằng những lời như ‘Ồ, Chúa yêu bạn’ hoặc ‘Bạn được yêu’, thì thực sự chẳng có ý nghĩa gì cả,” Mackesy nói.
“Và tôi nghĩ đối với tôi, tôi chỉ đang cố gắng cho cô ấy thấy thông qua hình ảnh, bạn biết đấy, được ôm là điều mà cô ấy luôn khao khát. Vì vậy, tôi đã nói, ‘Chúa là như vậy đấy’“, anh giải thích.
Nghệ thuật của Mackesy cũng là một ghi chép về sự hiện diện của Chúa trong chính cuộc đời anh.
“Tôi thực sự muốn chơi piano, nhưng tôi chơi dở tệ,” anh nhớ lại. “Và đối với tôi, thiên sứ tượng trưng cho tiếng nói của Chúa phán rằng: ‘Ta ở bên con. Ta yêu con. Chúng ta sẽ cùng nhau đến đó. Ta sẽ giúp con làm điều này. Con không đơn độc đâu.’“
Và một bức tranh khác, có tiêu đề đơn giản là “Known” (“Được Biết Đến”).
Anh nhớ lại, “Có một ngày khi tôi đang đạp xe băng qua một cây cầu ở London và ý tưởng đó vụt qua tâm trí tôi khoảng 11 giây. Điều đó đại loại là ‘Bạn được biết đến, bạn được yêu, Chúa tồn tại và Ngài yêu bạn, Ngài biết bạn, bạn được biết đến, bạn hoàn toàn được biết đến, bạn ‘được biết một cách trọn vẹn.’“
“Một cái mụn cóc, hay quá khứ đen tối… Bạn không cần phải che giấu hay giả vờ là bất cứ thứ gì khác, hãy là chính mình!”
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: cbn.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com