Home Chuyên Đề John Wycliffe – Ngôi Sao Mai Của Cuộc Cải Chánh

John Wycliffe – Ngôi Sao Mai Của Cuộc Cải Chánh

by Desiringgod.org
30 đọc

Lời giới thiệu

Khi nói về cuộc Cải Chánh Tin Lành, người ta hay nghĩ đến sự kiện Martin Luther đóng 95 luận đề lên cửa thánh đường Wittenberg. Tuy nhiên, ngọn lửa Cải Chánh thực ra đã cháy âm ỉ trên khắp châu Âu từ hơn 300 năm trước đó, ngay dưới sự vùi dập bắt bớ tàn bạo của Giáo-hội Trung Cổ. Loạt bài sau đây giới thiệu những người tiền Cải Chánh, những người đã nhìn thấy những cái sai của Giáo-hội Trung Cổ nên đã nỗ lực tìm kiếm con đường đúng đắn và kêu gọi mọi người quay trở về với Chúa. Biết về những nỗ lực của họ sẽ giúp chúng ta hiểu Tin Lành là gì, và người xưa đã đấu tranh cải chánh những điều gì.

John Wycliffe – Ngôi Sao Mai Của Cuộc Cải Chánh

John Wycliffe được gọi là “Ngôi Sao Mai Của Cuộc Cải Chánh.” Sao mai thật ra không phải là một ngôi sao, mà là hành tinh Venus (sao Kim), xuất hiện trước khi mặt trời mọc và trong khi bóng đêm vẫn còn đang bao phủ đường chân trời. Sao mai có thể dễ dàng được nhìn thấy.

Bóng đêm đã bao phủ tận chân trời vào thế kỷ 14, thế kỷ của Wycliffe, người sinh năm 1330 và mất năm 1384, gần đúng 100 năm trước khi Luther được sinh ra. Thời niên thiếu, Wycliffe học ở Oxford cùng với Thomas Bradwardine (được biết đến với danh xưng “Tiến-sĩ Profundus”) dạy thần học và William ở Ockham (nổi tiếng với nguyên tắc “Dao cạo Ockham”) dạy triết học. Chẳng bao lâu sau Wycliffe đã tìm được một chỗ đứng trong số các giảng viên. Được bổ nhiệm làm Giáo-sư của trường Cao-đẳng Balliol thuộc Đại-học Oxford, Wycliffe đã giảng đạo và viết lách trong lĩnh vực triết học. Nhưng sự giằng co của các nghiên cứu Kinh Thánh đã cuốn hút ông. Ông đã rất nghiêm túc trong việc nghiên cứu thần học và Kinh Thánh. Khi làm vậy, ông nhận ra Giáo-hội đã đi sai đường đến mức nào.

Thiết lập Nền Tảng cho Cuộc Cải Chánh

Trong thập niên 1370, ông đã cho ra đời ba tác phẩm quan trọng như những biện pháp để đối phó với sự hư nát của Giáo-hội thời bấy giờ. Tác phẩm đầu tiên, On Divine Dominion [tạm dịch “Quyền Thống Trị Thiên Thượng”] (1373-1374), nhắm vào quyền lực của Giáo-hoàng. Wycliffe không tìm thấy trong Kinh Thánh bất cứ điều gì chứng nhận cho chức giáo hoàng này. Trên thực tế, ông lập luận rằng chế độ giáo hoàng mâu thuẫn và che khuất thẩm quyền thật sự trên Hội-thánh là Kinh Thánh. Tác phẩm lớn thứ hai là On Civil Dominion [tạm dịch “Quyền Thống Trị Dân Sự”] (1375-1376). Ở đây Wycliffe phản đối thẩm quyền của Giáo-hội Trung-cổ La Mã trên hoàng gia và giới quý tộc Anh. Ông không tìm thấy lý do gì để nước Anh phải có nghĩa vụ ủng hộ cho một giáo hội hư nát như vậy. Trong tác phẩm lớn thứ ba của mình, On the Truth of Sacred Scripture [tạm dịch “Lẽ Thật của Kinh Thánh”] (1378), ông phát triển thêm học thuyết về thẩm quyền của Kinh Thánh.

Ba tác phẩm này rất quan trọng để tạo tiền đề cho cuộc Cải Chánh. Hai giảng viên đến thăm trường Oxford đã mang theo những ghi chép của Wycliffe về quê nhà của họ ở Prague, điều này đã tác động đến Jan Hus. Người đã trở thành “Ngôi Sao Mai” thứ hai của cuộc Cải Chánh. Những tác phẩm ban đầu của Martin Luther cho thấy dấu ấn của John Wycliffe. Tuy nhiên, dẫu những công trình đó rất quan trọng, chúng vẫn không là gì so với đóng góp quan trọng nhất của ông: bản dịch Kinh Thánh Wycliffe.

Cải Chánh bắt đầu bằng việc dịch Kinh Thánh

Trong quyển On the Truth of Sacred Scripture, Wycliffe kêu gọi dịch Kinh Thánh sang tiếng Anh. Theo luật của Giáo-hội La Mã thời bấy giờ, việc dịch Kinh Thánh sang một ngôn ngữ bình dân, thông dụng là tà đạo đáng phải bị xử tử. Không thể tưởng tượng được tại sao một giáo hội lại muốn giữ Lời của Đức Chúa Trời cho riêng mình mà không cho dân sự tiếp cận với Lời Chúa, trừ khi giáo hội đó muốn nắm giữ quyền lực trên dân sự. Ma quỷ luôn tìm mọi cách ngăn cản dân sự đến với Lời Chúa; thay vào đó chúng muốn dân Chúa nghe theo sự dạy dỗ của con người vốn là giáo lý từ ma quỷ được ngụy trang dưới lớp vỏ bọc mang tên “truyền thống” để chúng dễ chi phối. Wycliffe tin vào quyền năng của Lời Chúa hơn là quyền lực được nắm giữ bởi chức giáo hoàng. Vậy nên, ông cùng một nhóm đồng nghiệp đã kết ước với nhau để mang Lời Chúa đến cho mọi người.

Kinh Thánh không chỉ cần được dịch; mà còn phải được sao chép và phân phối. Đây là trước khi có máy in (được phát minh vào năm 1440), vậy nên các bản sao phải được chép bằng tay một cách cẩn thận. Mặc cho những khó khăn, hàng trăm quyển Kinh Thánh đã được làm ra và phân phát đến đội quân của Wycliffe gồm các mục sư, những người đã rao giảng trên khắp nước Anh để Lời Chúa đến được với mọi người. Những người đi theo Wycliffe được gọi là người Lollard. Họ là những cộng đồng cải chánh không chỉ ở nước Anh, mà còn trên khắp châu Âu.

Những nỗ lực dịch thuật, sao chép, và rao truyền Kinh Thánh bằng tiếng Anh được thúc đẩy bởi một động cơ duy nhất, được Wycliffe bày tỏ thế này: “Điều này giúp những người tin Chúa học biết Phúc Âm bằng ngôn ngữ mà họ biết rõ nhất.” Trong những năm cuối đời, Wycliffe phải chịu đựng sự thù địch của giáo hội và giới quý tộc ở Anh. Tất nhiên, ông đã không còn được sự ủng hộ của giáo hoàng từ lâu. Dẫu vậy, Wycliffe tuyên bố, “Tôi sẵn sàng bảo vệ niềm tin của mình cho đến chết.” Ông tiếp tục tin tưởng vào thẩm quyền và tính trung tâm của Kinh Thánh cũng như dâng hiến cả đời mình cho sự kêu gọi giúp đỡ các Cơ-đốc nhân trong việc nghiên cứu Kinh Thánh. Sau hai lần tai biến, John Wycliffe qua đời vào ngày 30 tháng 12 năm 1384.

“Kẻ Tà Đạo” và Người Anh Hùng

Năm 1415, tại Công-đồng Constance, nơi kết án tử hình Jan Hus, tuyên bố Wycliffe là một kẻ theo tà giáo. Xương của ông bị đào lên, đốt thành tro rồi rải xuống dòng sông Swift.

Nhưng những nỗ lực cải chánh của Wycliffe không thể bị dập tắt bởi ngọn lửa hay bị chặn lại bởi các tuyên bố của hội đồng. Ngôi Sao Mai này đã chiếu sáng rực rỡ nơi đường chân trời, báo hiệu ánh sáng của ngày mới đang dần đến.

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: desiringgod.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like