Home Dưỡng Linh Công Tác Môn Đồ Hóa – Phần 5: Sự Cải Đạo So Với Sự Thánh Hóa

Công Tác Môn Đồ Hóa – Phần 5: Sự Cải Đạo So Với Sự Thánh Hóa

by AdrianChua
30 đọc

Link bài đọc: https://youtu.be/ip1LuRcqIRs

2 Cô-rinh-tô 6:15-18 – “Người tin có phần gì chung với người không tin chăng… Hãy ra khỏi chúng nó, hãy phân rẽ khỏi chúng nó…

Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng, thời kỳ mà công việc truyền giáo sẽ bùng nổ mạnh mẽ và gia tăng gấp bội, cả trong những quốc gia riêng lẻ cũng như các sứ mệnh truyền giáo đa văn hóa, và nhiều linh hồn sẽ được dẫn đưa vào vương quốc của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nếu chúng ta không lưu tâm đến nhiệm vụ môn đồ hóa, thì Hội-thánh sẽ chỉ trải nghiệm sự bổ sung về số lượng những người tin Chúa thay vì phát triển về sự trưởng thành thuộc linh. Đây là hệ quả của việc “cải đạo một phần”, theo đó tâm trí đã được hướng dẫn nhưng tấm lòng thì không thay đổi. Số lượng người cải đạo tăng lên nhưng không có nhiều người chịu phó dâng đời sống mình cho Chúa. Ngài chỉ là Đức Chúa Trời, vị cứu tinh của chúng ta, nhưng Ngài không phải là Chúa của cuộc đời chúng ta.

Sẽ khá buồn nếu hầu như không có sự khác biệt rõ ràng nào trong đời sống và giá trị của người tin Chúa so với người không tin – nếu tỷ lệ ly hôn, nạo phá thai, tỷ lệ tự tử và dữ liệu về các trường hợp ngoại tình, phạm tội tà dâm, hay bất kỳ hành vi, thói quen hoặc giá trị vô đạo đức nào giữa vòng những người tin Chúa gần như giống hệt những người không tin Chúa thì thật là tai hại.

Việc cải đạo thực sự sang Cơ-đốc giáo sẽ dẫn đến một sự thay đổi cơ bản của đời sống thông qua sự thay đổi các giá trị cốt lõi mà chúng ta nắm giữ. Phải có một sự thay đổi đặc biệt từ thế giới quan của chúng ta sang thế giới quan trong Kinh Thánh. Nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng thấy được kết quả này trong nhiều trường hợp. Bị ràng buộc trong thời đại của chủ nghĩa tiêu dùng ngày nay, chúng ta đã tiếp cận với Đức Chúa Trời như một ông thần có thể mang lại lợi ích cho cuộc sống của chúng ta, chứ không phải là Đấng Tạo Hóa xứng đáng với sự tận tâm và phục vụ của chúng ta. Chúng ta có xu hướng xem Chúa có thật sự “hữu dụng” không thay vì chăm xem vẻ đẹp của Ngài. Nhiều người trong chúng ta coi Chúa như một chiếc dù trên máy bay. Chúng ta biết rằng mình cần phải có một cái như vậy phòng khi có sự cố xảy ra nhưng đồng thời, chúng ta cũng hy vọng là mình sẽ không bao giờ phải sử dụng đến nó. Kết quả là, chúng ta chỉ đơn thuần thêm Chúa vào cuộc sống của mình, nhưng không hề để tâm hay cầu hỏi đến Ngài trong hầu hết các quyết định của chúng ta. Chúng ta bị thôi thúc bởi động cơ suy nghĩ và hành động theo nhu cầu và áp lực thay vì các nguyên tắc tin kính. Chúng ta đã đánh đổi Phúc Âm của Thập Tự Giá và đời sống đầu phục kế hoạch và mục đích của Đức Chúa Trời với cái gọi là tôn giáo và chỉ cam kết thực hiện các hoạt động của thánh chức trong nhà thờ.

Những người Sa-ma-ri thời hiện đại

Trong thế kỷ thứ nhất, người Sa-ma-ri là một dân tộc bị người Do Thái khinh thường rất nhiều. Nhìn bề ngoài, điều đó có thể giống như sự phân biệt đối xử về văn hóa, nhưng khi xem xét kỹ lưỡng, vấn đề này sâu sắc hơn nhiều. Sự khinh thường của người Do Thái đối với người Sa-ma-ri bắt nguồn từ việc người Sa-ma-ri cố gắng thêm việc thờ phượng Đức Giê-hô-va vào các hoạt động thờ lạy hình tượng của họ. Họ không từ bỏ việc thờ hình tượng để phụng sự Đức Giê-hô-va, nhưng thay vào đó, họ cố gắng làm cho Đức Giê-hô-va tồn tại giữa các thần tượng của họ.

Dưới thời trị vì của con trai Sa-lô-môn, Vua Rô-bô-am, vương quốc thống nhất Y-sơ-ra-ên bị chia cắt thành hai vương quốc. Sa-ma-ri được chọn làm thủ đô của vương quốc phía bắc gọi là Y-sơ-ra-ên, và Giê-ru-sa-lem là thủ đô của vương quốc phía nam gọi là Giu-đa. Do sự bất tuân kéo dài và dai dẳng, cuối cùng sự phán xét đã giáng xuống vương quốc phía bắc Y-sơ-ra-ên. Mười chi phái của Y-sơ-ra-ên sau đó bị bắt đi làm phu tù bởi người A-si-ri. Vua A-si-ri sau đó đã đem những người ngoại từ các quốc gia khác đến định cư trong xứ Y-sơ-ra-ên (2 Các-vua 17: 24). Và những người này sau đó được gọi là người Sa-ma-ri mà người Do Thái khinh thường.

Khi dân Sa-ma-ri bắt đầu định cư ở Y-sơ-ra-ên, Chúa đã sai sư tử đến vồ chết một số người. Họ trở nên sợ hãi và tìm kiếm lời khuyên của thầy tế lễ trong số những người Y-sơ-ra-ên bị bắt làm phu tù, người đã dạy họ cách tôn kính Đức Chúa Trời để khắc phục vấn đề (2 Các-vua 17:25-28). Tuy nhiên, người Sa-ma-ri không bao giờ tự mình tìm kiếm Đức Chúa Trời cũng như không yêu mến Ngài và tôn Ngài làm Chúa của cuộc đời họ. Họ chỉ thêm Giê-hô-va Đức Chúa Trời vào đời sống của mình để được bảo vệ nhưng không từ bỏ việc thờ hình tượng.

Mỗi dân tộc đều tạo thần riêng cho mình, đặt nó trong đền miếu trên các nơi cao mà dân Sa-ma-ri đã dựng lên. Dân tộc nào cũng tạo thần riêng cho mình trong các thành của chúng…Các dân tộc ấy kính sợ Đức Giê-hô-va, nhưng cũng phục vụ các thần riêng của mình theo thói tục vốn có…” (2 Các-vua 17:29,33).

Họ chỉ thờ phượng Đức Giê-hô-va giống như thần tượng của họ, để nhận được sự bảo vệ khỏi sư tử. Sự thờ phượng được thúc đẩy bởi sự tự cho mình là trung tâm hơn là tình yêu của họ đối cùng Đức Chúa Trời. Thật không may, đây là một mô tả chính xác về một số người trong chúng ta ngày nay. Chúng ta đã thêm Chúa vào cuộc sống của mình để bảo vệ chúng ta chống lại sự phán xét đời đời, nhưng không quay lưng lại với sự tự cho mình là trung tâm. Chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời để làm hài lòng chính bản thân mình hơn là để tôn vinh Ngài. Tuy nhiên, đức tin chân chính là tin vào Đức Chúa Trời tới mức độ mà các nguyên tắc và mệnh lệnh của Ngài đều ảnh hưởng đến việc ra quyết định và hành vi của chúng ta.

Môn đồ hóa đích thực – Sự thánh hóa

Để trở thành những môn đồ đích thực cho Đấng Christ, thì không thể bỏ qua vấn đề về sự thánh hóa. Chúng ta cần phải cẩn thận cách mà mình chia sẻ Phúc Âm để thu phục linh hồn cho Đấng Christ. Nhiều người có ấn tượng rằng tất cả những gì của Cơ-đốc giáo là về sự hài lòng của chúng ta – Đức Chúa Trời ban phước cho chúng ta, chữa lành chúng ta, chu cấp cho chúng ta, bảo vệ chúng ta, v.v. thay vì phó dâng đời sống mình để tôn vinh Ngài. Phúc Âm không bao giờ có thể tách rời khỏi Thập Tự Giá của Chúa Giê-xu Christ – Đấng đã hy sinh chính mình Ngài để hạ mình chết một cái chết đau đớn vì tội lỗi của chúng ta, và chúng ta được kêu gọi vác thập tự giá của mình mỗi ngày để mang lại vinh hiển cho Danh Ngài. Nếu chúng ta chỉ muốn nhận lãnh tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta trên thập tự giá mà không sẵn sàng vác thập tự giá mình, thì chúng ta chỉ nắm bắt được một nửa Phúc Âm mà thôi.

Lu-ca 9:23 – “Ngài phán với mọi người: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta.

Theo Chúa Giê-xu có nghĩa là sẵn sàng hy sinh đời sống của chúng ta mỗi ngày cho sự vinh hiển của Ngài. Chúng ta được kêu gọi để “thông công trong sự thương khó của Ngài” (Phi-líp 3:10).

Hãy đến với dân chúng, biệt riêng họ ra thánh… Bảo họ phải giặt y phục mình” (Xuất 19:10).

Thánh hóa có nghĩa là “biệt riêng ra”. Đức Chúa Trời đã đưa dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, nhưng dân sự phải loại Ai Cập ra khỏi họ. Giống như dân Y-sơ-ra-ên đã thánh hóa mình qua việc giặt y phục của họ (một hành động biểu tượng của việc xóa bỏ mọi dấu vết của Ai Cập trong họ), chúng ta phải tẩy sạch mọi ô uế trong xác thịt và tâm linh mình, loại bỏ những vết nhơ từ những ảnh hưởng của thế gian trên chúng ta.

Nhiều Cơ-đốc nhân vẫn còn bị tinh thần thế gian làm cho vấy bẩn, luôn tràn đầy khao khát về tiện nghi, thú vui và lợi ích của thế gian này. Chúng ta đang cùng lúc vừa tìm kiếm các phước lành của Chúa Giê-xu vừa tìm kiếm phần thưởng của đời này.

Thánh hóa đời sống mình có nghĩa là sống cuộc đời của chúng ta vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Chúng ta không được kêu gọi để chỉ tin vào Đấng Christ, mà để sống cho Đấng Christ. Không còn lắng tai nghe những tiếng nói của thế gian, không còn tra tay vào những tham vọng vô nghĩa, và không còn đặt chân theo đuổi con đường hạnh phúc của riêng mình. Môn đồ là người có đời sống hoàn toàn tận hiến cho Đấng Christ. Đó là sự sẵn sàng để nói, “Xin ý Cha được nên, chứ không theo ý Con”. 

Chúng ta cần học cách dâng mình một cách tươi mới cho Ngài, cho các kế hoạch và mục đích mà Ngài muốn thực hiện trong đời sống của chúng ta. Chúng ta không thể sống đắc thắng cho Chúa cho đến khi chúng ta học cách sống vì Chúa. Chúng ta tồn tại là nhờ Chúa, và chúng ta có mặt ở đây vì mục đích của Chúa. Do đó, mục đích cuối cùng của chúng ta là mang lại cho Ngài sự vinh hiển trong mọi khía cạnh của đời sống chúng ta. Mục tiêu của chúng ta không chỉ là trở thành những Cơ-đốc nhân được cải đạo mà còn trở thành những môn đồ được thánh hóa cho Đấng Christ.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like