Link bài đọc: https://youtu.be/tVhWzj0FWZM
Ma-thi-ơ 28:19-20 – “Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế.”
Trở thành môn đồ của Chúa Giê-xu Christ có nghĩa là gì, liệu trở thành môn đồ có kém hơn việc môn đồ hóa người khác chăng?
Rất khó để theo đuổi và hoàn thành một điều gì đó mà chúng ta không thể xác định rõ ràng. Vì vậy, chúng ta hãy đặt điều cần ưu tiên lên hàng đầu.
Một môn đồ theo Chúa là người đã kết ước suốt đời trong việc theo đuổi sự biến đổi thuộc linh, để trưởng thành và trở nên giống như Đấng Christ, học cách sống theo các nguyên tắc trong Kinh Thánh để có thể sản sinh bông trái mang giá trị đời đời. Nói một cách đơn giản, một môn đồ cam kết thực hiện một cuộc hành trình từ bên trong với mục tiêu là hướng lên Chúa để kết quả và thể hiện những bông trái đó ra bên ngoài.
Môn đồ hóa là gì?
Môn đồ hóa có thể có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau. Đối với một số người, môn đồ hóa chỉ đơn giản là cùng nhau học Kinh Thánh. Đối với những người khác, thì việc này có thể là làm báp-têm cho người mới tin Chúa và giới thiệu họ đi nhóm tại hội thánh địa phương. Đối với những người khác, môn đồ hóa có thể là bất cứ điều gì mà chúng ta làm để chăm sóc một tín hữu mới, điều này có thể liên quan đến việc truyền đạt một số giá trị cốt lõi trong Kinh Thánh.
Tuy nhiên, dựa trên định nghĩa trên, môn đồ hóa là quá trình nuôi dưỡng con người trở nên có mối quan hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời và giúp họ trưởng thành trong Đấng Christ để họ có thể nhân rộng toàn bộ quá trình này nơi người khác.
Sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Hội-thánh phụ thuộc vào cam kết của Hội-thánh đối với công tác môn đồ hóa đích thực; biến đổi đời sống và nhìn thấy những người này lặp lại quá trình đó để tái sinh những cuộc đời mới. Đây là một chức vụ quan trọng và cơ bản thay vì chỉ là một chương trình bổ sung để hoàn thành nhiệm vụ của Đại Mạng Lệnh.
Chức vụ của Phao-lô và Ba-na-ba thể hiện một cách đẹp đẽ trọng tâm của công tác môn đồ hóa.
Công-vụ 14:20-22 – “…Hôm sau, Phao-lô đi cùng Ba-na-ba đến Đẹt-bơ. Khi hai sứ đồ đã rao truyền Tin Lành trong thành đó và môn đồ hóa nhiều người thì trở về Lít-trơ, I-cô-ni, và An-ti-ốt. Hai ông làm vững lòng các môn đồ, khích lệ họ giữ vững đức tin, và bảo rằng: “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian lao mới vào được vương quốc Đức Chúa Trời.””
Sau chức vụ thành công ở Đẹt-bơ, họ bắt đầu cuộc hành trình trở về An-ti-ốt. Tuy nhiên, thay vì đi thẳng về theo con đường ngắn hơn, họ lại đi vòng trở lại những nơi đã từng đến, với mục đích làm vững lòng các môn đồ. Họ không chỉ kết ước trong việc hướng người ta cải đạo; họ còn cam kết giúp đỡ cho quá trình trưởng thành của những người đã cải đạo này, hiểu được tầm quan trọng của việc không chỉ bổ sung người vào Hội-thánh mà còn là giúp những người mới này tự nhân bội ra. Phao-lô và Ba-na-ba đã làm mẫu cho chúng ta về tầm quan trọng của công tác môn đồ hóa.
Tại sao môn đồ hóa lại quan trọng?
Chúa Giê-xu đã truyền lệnh và bản thân Ngài cũng đã làm mẫu cho điều này. Đó là chiến lược của Ngài để chiến thắng thế gian. Đi ra là sứ mệnh nhưng môn đồ hóa là nhiệm vụ và nhiệm vụ phải đi trước sứ mệnh.
Chúng ta không được kêu gọi để “đi ra và khiến người ta cải đạo” nhưng để “đi môn đồ hóa muôn dân”. Tiền đề cốt lõi và nhiệm vụ của Đại Mạng Lệnh là đào tạo môn đồ. Kiến thức thuộc linh không phải là mục tiêu, sự trưởng thành thuộc linh mới là mục tiêu. Do đó, việc truyền giáo và đào tạo môn đồ phải được thực hiện và kết hợp với nhau một cách có chiến lược.
Bill Hull, tác giả của cuốn The Disciple Making Church, đã viết thế này: “Trừ khi Hội-thánh coi việc đào tạo môn đồ là chương trình nghị sự chính của mình, nếu không thì việc truyền giáo toàn cầu chỉ là một điều viển vông.” Không thể chiến thắng thế gian chỉ bằng cách khiến nhiều người cải đạo. Chiến lược nhân rộng thuộc linh của Đức Chúa Trời để chiến thắng thế gian là thông qua việc đào tạo môn đồ có chủ đích.
2 Ti-mô-thê 2:2 – “Điều con đã nghe nơi ta trước mặt nhiều nhân chứng hãy ủy thác cho những người đáng tin cậy, là những người có khả năng dạy dỗ người khác.”
Câu này thường được gọi là “Nguyên-tắc Ti-mô-thê”. Phao-lô hiểu rằng cách hiệu quả nhất để mở rộng phạm vi tiếp cận của Phúc Âm là đầu tư một cách cá nhân và có chủ ý vào các môn đồ trẻ để họ được trang bị và có thể nhân rộng quá trình này qua việc dạy dỗ lại cho những người khác.
Hành trình cứu chuộc
Môn đồ hóa là một hành trình cứu chuộc. Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá, không phải chỉ để tha tội cho chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi sự đoán phạt của Đức Chúa Trời. Mà là để chuộc lại mọi thứ chúng ta đã mất cũng như khôi phục lại mối quan hệ mật thiết của chúng ta với Đức Chúa Trời. Một trong những khía cạnh quan trọng của việc môn đồ hóa là phục hồi những tấm lòng và đời sống bị tan vỡ.
Lu-ca 4:18-19 – “Thánh Linh của Chúa ngự trên Ta, vì Ngài đã xức dầu cho Ta để truyền giảng Tin Lành cho người nghèo. Ngài đã sai Ta [đến để chữa lành những tấm lòng tan vỡ], để công bố những người bị giam cầm được phóng thích, người mù lòa được sáng mắt, người bị áp bức được tự do…”
Trở nên giống như Chúa Giê-xu là trọng tâm của Tin Lành. Mong muốn của Đức Chúa Trời – Cha chúng ta chính là cuối cùng nhân loại sẽ được biến đổi theo hình ảnh của Con Ngài. Đây là trọng tâm của sự cứu chuộc. Chúng ta được cứu chuộc để được phục hồi và trở nên giống như Đấng Christ.
Sự thiếu hụt của công tác môn đồ hóa trong thân thể Đấng Christ đã dẫn đến nhiều cuộc đời tan vỡ, hôn nhân tan vỡ và gia đình tan vỡ. Nếu chúng ta muốn khôi phục lại nhiệm vụ của Hội-thánh là trở thành “muối và ánh sáng” cho thế gian này, trước tiên chúng ta cần khôi phục lại công tác môn đồ hóa trong Hội-thánh.
Sự trưởng thành thuộc linh đi trước sự nhân rộng thuộc linh
Môn đồ hóa nên đi trước sự phục vụ. Chúa Giê-xu nói: “Nếu ai phục vụ Ta thì phải theo Ta…” (Giăng 12:26). Một nhu cầu không phải lúc nào cũng cấu thành một lời kêu gọi. Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời trước hết là lời kêu gọi thân mật, lời kêu gọi đến với chính Ngài. Chúng ta phải hiểu được trách nhiệm chính này!
Sự trưởng thành thuộc linh đi trước sự nhân rộng thuộc linh và các môn đồ đích thực đi trước việc môn đồ hóa có chủ đích. Cho đến khi và trừ khi nào chúng ta trở thành môn đồ đích thực, chúng ta mới có đời sống và kỹ năng để môn đồ hóa người khác.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của việc môn đồ hóa trong Tân Ước là sự trưởng thành về thuộc linh và điều ngược lại của sự trưởng thành thuộc linh không phải là sự non nớt hay không trưởng thành mà là sự thờ ơ về thuộc linh.
Ga-la-ti 4:19 – “Các con của ta ơi, vì các con mà ta lại phải chịu đau đớn của sự sinh đẻ cho đến khi Đấng Christ thành hình trong các con…”
Không nên bỏ mặc cho các tín hữu mới tin Chúa tự mình lớn lên. Cần phải có một sự theo dõi, chăm sóc có chủ đích với các chiến lược tăng trưởng để phát triển họ thành những môn đồ đích thực. Đức Chúa Trời dự định cho mọi tín hữu phải trở thành môn đồ của Đấng Christ và được môn đồ hóa để đến lượt người đó cũng sẽ môn đồ hóa những người khác. Chúng ta không thể cho đi những gì mà mình không có và chúng ta chỉ có thể dẫn dắt người khác đến nơi mà chúng ta đã từng đến. Nếu chúng ta không trở lại gốc rễ của công tác đào tạo môn đồ, chúng ta sẽ bị phân tâm và bị cám dỗ ‘với đủ loại cám dỗ lớn nhỏ’. Tệ hơn nữa, chương trình đào tạo môn đồ của chúng ta có thể chỉ đơn giản là tạo ra những môn đồ ‘èo uột’. Trọng tâm của Tin Lành là lời kêu gọi đến để sống và tăng trưởng, chứ không chỉ đến để làm việc lành.
“Không nghi ngờ gì về sự phát triển phi thường của Hội-thánh ở nhiều nơi trên thế giới… Tuy nhiên, chúng ta không nên ngủ quên trên chiến thắng, vì đó là sự phát triển thường không có chiều sâu. Có một sự hời hợt trong công tác môn đồ hóa ở khắp mọi nơi …” – John Stott
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: Adrian Chua
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com