Home Chuyên Đề Khát Vọng Chinh Phục Những Linh Hồn

Khát Vọng Chinh Phục Những Linh Hồn

by thetravelingteam.org
30 đọc

Hãy cùng mở ra sách Phúc Âm Ma-thi-ơ chương 9, câu 35 đến 38: “Đức Chúa Giê-xu đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội…” Hãy lưu ý rằng Ngài đã đi khắp các thành và các làng. Ngài không định cư trong bất kỳ một cộng đồng nào. Chúa Giê-xu chưa từng trở thành mục sư. Ngài liên tục di chuyển. “Đức Chúa Giê-xu đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng tin lành nước Đức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật bịnh.”

“Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót…” Còn chúng ta thì sao? Điều gì xảy ra khi chúng ta thấy đoàn dân đông? Chúng ta có động lòng thương xót không? “Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn.”

“Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít.” Vậy, đây chính là vấn đề. Và vấn đề trong ngày của Chúa Giê-xu cũng chính là vấn đề trong thời đại của chúng ta – mùa gặt thì trúng, song con gặt thì ít. Số con cái của người ngoại được sinh ra nhiều hơn bao giờ hết. Vậy, giải pháp cho vấn đề này là: Hãy cầu xin Chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.”

TÔI CÓ THỂ Ở LẠI CANADA KHÔNG?

Nhiều năm trước, tôi đọc qua Kinh Thánh để xem liệu tôi có thể ở lại Canada và vẫn vâng phục Chúa hay không. Liệu có cách nào, tôi đã tự hỏi bản thân, để tôi có thể tận hưởng một cuộc sống thoải mái với chức vụ mục sư; không bao giờ đi ra ngoài biên giới đất nước tôi mà vẫn thực thi được những mạng lệnh của Chúa hay không? Liệu Chúa có hài lòng không?

Và khi nghiên cứu Kinh Thánh, tôi tìm thấy những cách diễn đạt như sau: “Muôn dân, khắp thế gian, muôn vật, mọi sắc tộc, mọi thứ tiếng, mọi dân; và cho đến cùng trái đất.” Nói cách khác, tôi khám phá được rằng, Phúc Âm phải được giảng ra cho toàn thế giới. Mọi nước, mọi sắc tộc, ngôn ngữ, và mọi dân, phải được nghe Phúc Âm.

Khi tôi thấy được điều đó, đây là câu hỏi tôi đã đặt ra: Có phải mọi dân tộc đều sống tại Canada? Nếu thật vậy, và nếu không có dân tộc nào khác sống bên ngoài ranh giới thành phố Dominion (Canada), thì tôi có thể ở lại đất nước này, rao giảng Phúc Âm tại đây và không bao giờ phải đi ra khỏi biên giới; nhưng nếu có một nhóm dân tộc sống ở bên ngoài biên giới đất nước Canada, thì tôi có nghĩa vụ phải rời khỏi đất nước tôi, vượt qua các biên giới và đến với dân tộc đó. Và nếu tôi không thể, thì tôi phải tìm kiếm những người khác để sai phái họ đi thay cho tôi. Và nếu tôi không làm như vậy, tôi sẽ là Cơ-đốc nhân vắng mặt trong ngày mà Đức Chúa Trời ban thưởng.

“CÁNH ĐỒNG LÀ CẢ THẾ GIỚI”

Hoa Kỳ không phải là cả thế giới. Nước Anh không phải là cả thế giới. Cánh đồng truyền giáo là cả thế giới. Bạn chưa bao giờ nghe nói về một người nông dân làm việc trong một góc nhỏ trên cánh đồng của mình. Người nông dân làm việc trên toàn bộ cánh đồng. Hoa Kỳ là một phần nhỏ trong cánh đồng; Canada cũng chỉ là một phần nhỏ trong cánh đồng. Thế gian, toàn thế giới, phải được truyền giáo. Và khi “cánh đồng là cả thế giới,” thì chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đi ra để chạm đến được mọi ngóc ngách của nó. Công việc này phải được hoàn tất, không phải từng phần một, mà là tổng thể.

Các công ty thuốc lá có đại lý của họ ở những nơi xa xôi nhất. Hàng triệu điếu thuốc đã được gửi đi để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Có phải bạn muốn nói rằng lý do cho điều này là vì những người ở tại nơi đó không có nhu cầu hút thuốc nữa? Dĩ nhiên là không rồi. Nhu cầu ở đó – đang lớn hơn bao giờ hết – đặc biệt là ngay cả phụ nữ cũng hút thuốc rất nhiều. Tuy nhiên, các công ty thuốc lá đã gửi những ‘nhà truyền giáo’ của họ đến các vùng đất ngoại quốc. Họ muốn có thị trường mới. Họ khôn ngoan hơn chúng ta, vì xét cho cùng, đó là kế hoạch của Đức Chúa Trời và chúng ta nên bắt chước họ. Ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta chưa bao giờ là ở lại quê nhà cho đến khi mọi sự được hoàn tất. Ngài muốn chúng ta đi khắp thế gian, để cùng lúc làm việc trên toàn bộ cánh đồng.

Bạn của tôi ơi, còn bạn thì sao? Bạn có biết rằng Phúc Âm phải được giảng ra cho mọi nước, cho toàn thế giới, cho mọi sắc tộc, mọi ngôn ngữ và mọi dân, cho các nơi ở tận cùng trái đất. Bạn đang làm gì? Bạn sẽ làm gì? Hoặc chính bạn phải đi, hoặc bạn phải sai phái ai đó đi thay cho bạn, và khốn cho bạn, nếu bạn không làm gì cả. Các mạng lệnh của Chúa phải được vâng phục, các mạng lệnh của Ngài phải được thực thi, không có cách nào để tránh né vấn đề này.

NHỮNG HÀNG PHÍA SAU

Bạn có nhớ khi Đức Chúa Giê-xu cho năm ngàn người ăn không? Bạn có nhớ cách Ngài bảo họ ngồi xuống, theo từng hàng, trên bãi cỏ xanh? Bạn có nhớ cách Ngài lấy bánh và cá, cầu nguyện tạ ơn, bẻ ra rồi chia cho các môn đồ? Có phải các môn đồ đã phân phát thức ăn như thế này, bắt đầu từ đầu hàng phía trước rồi phát dọc theo hàng đó cho những người cần? Rồi họ quay ngược lại và đi dọc theo hàng đó một lần nữa, hỏi xem có ai cần thêm bánh và cá không? Có phải như vậy không?

Không? Ngàn lần không! Nếu họ làm thế, những người ngồi ở hàng phía sau sẽ đứng dậy và phản đối quyết liệt. “Ở đây,” họ sẽ la lên rằng, “Quay lại đây. Chúng tôi chưa có thức ăn. Chúng tôi chưa nhận được gì cả. Chúng tôi đang đói; như thế không đúng; như thế không công bằng. Tại sao những người ở hàng phía trước được phát bánh đến hai lần trong khi chúng tôi vẫn phải chờ để tới lượt của mình?”

Họ nói đúng đó chứ. Chúng ta nói về phước lành thứ hai. Họ vẫn chưa nhận được phước lành đầu tiên. Chúng ta nói về sự đến lần thứ hai của Đấng Christ. Họ vẫn chưa được nghe về sự đến lần thứ nhất. Điều đó thật không công bằng. Tại sao ai đó phải nghe Phúc Âm đến hai lần trong khi những người khác vẫn chưa được nghe lấy một lần? Tôi biết, bạn cũng biết, rằng không có một cá thể nào trong đoàn dân đông năm nghìn người, chưa tính phụ nữ và trẻ em, nhận được suất ăn thứ hai cho đến khi tất cả mọi người đều đã có bánh trong lần phát đầu tiên.

Tôi chưa từng thấy một người hầu việc Chúa nào gặp rắc rối với những hàng phía sau. Mọi rắc rối của họ đều đến từ những hàng đầu tiên. Những người ở hàng đầu được cho ăn quá độ, và họ mắc chứng đầy bụng thuộc linh. Họ nói với mục sư của mình rằng phải cho họ ăn bao nhiêu, khi nào nên cho họ ăn, khi nào phải ngừng cho họ ăn, cho họ ăn trong bao lâu, loại thức ăn nào họ cần phải ăn, … và nếu mục sư không làm như vậy, họ sẽ phàn nàn và bắt lỗi. Nếu những người hầu việc Chúa ý thức được điều đó, họ nên rời khỏi những hàng đầu một thời gian và để cho những người này đói thêm một lần nữa trong đời, và đi đến với những hàng phía sau, để khi bạn quay trở lại, họ sẽ sẵn lòng chấp nhận chức vụ của bạn, và sẽ không còn những lời lằm bằm hay phàn nàn nữa.

Các bạn của tôi, tôi đã từng ở với những người ở hàng phía sau. Tôi đã thấy hàng triệu người ở những hàng phía sau thèm khát Bánh Sự Sống. Có đúng không? Chúng ta có nên tập trung quá nhiều vào những hàng phía trước? Lẽ nào chúng ta không nên đào tạo cho những người ở  hàng phía trước để họ có thể chia sẻ những gì họ có cho những người ở hàng phía sau, và như vậy chúng ta tiếp cận họ với Phúc Âm, là những người đang cần bánh?

Bạn có biết điều lớn nhất mà một hội thánh có thể làm là gửi mục sư của mình đến một trong những cánh đồng truyền giáo ở nước ngoài không? Không kỳ nghỉ nào giống như vậy. Người đó sẽ trở lại với một con người hoàn toàn mới; vì không ai tận mắt nhìn thấy những nhu cầu mà vẫn sống như trước. Người đó sẽ có chuyện để nói. Sẽ trở nên một người có giá trị đối với hội thánh của bạn hơn bao giờ hết. Tôi đề nghị như vậy vì cá nhân tôi đã kinh nghiệm được điều này, và tôi khuyên các hội thánh khắp nơi hãy nhận ra tầm quan trọng của việc này và thực hiện nó. Hãy để mắt đến những người ở hàng phía sau. Hãy để các mục sư của hội thánh bạn nhìn thấy họ. Hãy cho họ cơ hội nhìn thấy những người đang chờ đợi trong tối tăm và sự u ám lúc nửa đêm để đến lượt mình được nghe Tin Lành.

LỜI KÊU GỌI CỦA MỤC SƯ TIẾN SĨ DUFF

Tiến-sĩ Alexander Duff, nhà truyền giáo kỳ cựu tại Ấn Độ, đã trở về Scotland và qua đời tại đó, khi đứng trước Đại Hội-đồng của Giáo-hội Trưởng Lão, ông đã đưa ra lời kêu gọi của mình, nhưng không có phản hồi. Trong khoảnh khắc đó, ông đã ngất xỉu và được đưa ra khỏi bục giảng. Bác sĩ cúi xuống để đo nhịp tim cho ông. Bấy giờ mắt ông mở ra.

            “Tôi đang ở đâu?” ông kêu lên. “Tôi đang ở đâu?”

            “Hãy nằm yên,” bác sĩ nói. “Tim của ông rất yếu.”

            “Nhưng,” người chiến binh cao tuổi thốt lên, “Tôi phải hoàn tất lời kêu gọi của mình. Hãy đưa tôi trở lại. Tôi vẫn chưa kết thúc lời kêu gọi của tôi.”

            “Hãy nằm yên,” vị bác sĩ nhắc lại lần nữa, “Ông rất yếu để có thể quay trở lại đó.”

Nhưng nhà truyền giáo cao tuổi đã cố gắng để đứng dậy, sự quyết tâm của ông đã vượt qua sự yếu đuối; và với bác sĩ ở một bên, máy điều tiết ở một bên, người chiến binh tóc bạc được đưa trở lại bục giảng, và khi ông bước lên các bậc thềm, toàn thể Hội-đồng đã đứng dậy bày tỏ sự tôn trọng đối với ông. Sau đó, ông tiếp tục lời kêu gọi của mình.

Khi Nữhoàng Victoria kêu gọi tình nguyện viên đến Ấn Độ,” ông cất tiếng, “hàng trăm thanh niên đã hưởng ứng lại lời kêu gọi đó; nhưng khi Vua Giê-xu kêu gọi, thì không có ai trả lời cả.” Sau đó ông dừng lại. Rồi nói tiếp. “Có đúng là Scotland không còn người nam nào để cho Ấn Độ không?” Ông tạm ngưng một lần nữa. “Được rồi,” ông kết luận, “nếu Scotland không còn người trẻ nào để gửi đến Ấn Độ, vậy thì, dù đã già nua và tàn tạ, tôi sẽ quay trở lại, và mặc dù tôi không thể rao giảng, tôi có thể ngả lưng xuống bên bờ sông Hằng và chết tại đó, để cho các dân tộc ở Ấn Độ biết rằng ít nhất có một người Scotland quan tâm đến những linh hồn của họ đủ để hy sinh mạng sống của mình cho họ.

Trong giây phút đó, những thanh niên, ở khắp nơi trong hội đồng, đã đứng dậy và kêu lên: “Tôi sẽ đi! Tôi sẽ đi! Tôi sẽ đi!” Và sau khi nhà truyền giáo nổi tiếng qua đời, nhiều người trong số những thanh niên đó đã tìm đường đi đến Ấn Độ, và ở lại đó để dâng đời sống mình như những nhà truyền giáo, ấy là kết quả của lời kêu  gọi mà Đức Chúa Trời đã làm qua Tiến-sĩ Duff.

Bạn của tôi ơi, bạn sẽ đi chứ? Đức Chúa Trời đã phán với bạn chưa? Bạn đã nghe thấy lời kêu gọi của Ngài chưa? Bạn có đáp lại rằng, “Lạy Chúa, có con đây, xin hãy sai con”? Và nếu bạn không thể đi, bạn sẽ sai phái ai khác đi thay bạn chứ? Điều đó do bạn quyết định.

Tại sao ai đó phải nghe Phúc Âm đến hai lần trong khi những người khác vẫn chưa được nghe lấy một lần?

Dịch: NCMV

Nguồn: thetravelingteam.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like