Home Chuyên Đề Sự Cứu Rỗi Qua Thập Tự Giá – Phần 2: Sự Sỉ Nhục của Thập Tự Giá

Sự Cứu Rỗi Qua Thập Tự Giá – Phần 2: Sự Sỉ Nhục của Thập Tự Giá

30 đọc

“… Đấng vì niềm vui đặt trước mặt mình, vui chịu thập tự giá, khinh điều sỉ nhục.” (Hê-bơ-rơ 12:2)

Thập tự giá đã trở nên quá quen thuộc đến nỗi không còn là sự hổ thẹn nữa. Nó không còn là nỗi sỉ nhục cho Cơ Đốc nhân nữa vì họ đã quen với hình ảnh của nó, nói về nó, nghe về nó và hát về nó liên tục. Thập tự giá cũng không phải sự xúc phạm cho người ngoại. Đối với họ, nó là một biểu tượng của sự kết ước tôn giáo, hoặc có lẽ là một món đồ trang sức thời trang. Đối với nhiều người, thập tự giá của Đấng Christ đã trở nên vô vị.

Việc thập tự giá trở nên vô vị là một dấu hiệu cho thấy ý nghĩa của nó đang mất dần. Vì ngay khi người ta hiểu được việc đóng đinh nghĩa là gì, thì thập tự giá sẽ hoàn toàn trở nên sự sỉ nhục đối với họ. Origen (185 – 254 SCN) – một nhà thần học Cơ Đốc thời kỳ đầu đã rất có lý khi gọi việc bị đóng đinh trên thập tự giá là một “cái chết đê hèn nhất.”

MỘT ĐIỀU GHÊ TỞM ĐỐI VỚI NGƯỜI LA MÃ

Thập tự giá là một điều ghê tởm đối với người La Mã: một phương pháp hành hình tàn bạo. Đóng đinh cũng như một hình thức tử hình bằng ghế điện hoặc tiêm thuốc độc của thế giới cổ đại, tại nơi án tử được thi hành không có chỗ cho lòng thương xót. Việc hành hình không có gì là đẹp đẽ.

Việc đóng đinh không chỉ là một hình thức hành hình, mà nó còn là một hình thức hành hình khủng khiếp nhất có thể tưởng tượng ra. Marcus Tullius Cicero (106 – 43 TCN) mô tả đó là “một hình phạt hung ác và ghê tởm nhất.” Thập tự giá liên đới đến sự tra tấn, đổ máu, trần truồng và đau đớn. Nó được thiết kế để giết chết nạn nhân chỉ sau khi nạn nhân đã chịu đau đớn hết cỡ.

Không ngạc nhiên khi án đóng đinh vào thập tự là dành cho những tên tội phạm, và chỉ những tên tội phạm chai lì nhất. F.F Bruce – một học giả Tân Ước vĩ đại đã từng viết, “Chết trên cây thập tự là một sự sỉ nhục cùng tận nhất; một hình phạt dành cho những ai bị xét thấy không đáng được sống nhất, những ai không giống người.” Thập tự giá dành cho những kẻ giết người và nổi loạn, với điều kiện họ là những nô lệ hoặc người ngoại quốc.

Tất cả những lý do trên giài thích tại sao thập tự giá là một sự xúc phạm đối với người La Mã, xúc phạm đến nỗi họ từ chối để công dân của nước họ chịu hình phạt này, cho dù người ấy phạm tội gì đi nữa. Cicero từng công bố rằng, “Bỏ tù một công dân La Mã là phạm tội, đánh một công dân La Mã là phạm tội nặng, giết một công dân La Mã thì đích thực là kẻ giết người, còn đối với hành động đóng đinh một công dân La Mã thì tôi phải nói thế nào? Không thể tìm thấy từ ngữ nào cho hành động ghê tởm ấy.” Thực sự không tìm thấy từ ngữ nào cho hành động đó. Không có một từ ngữ nhã nhặn nào có thể dùng được cho việc đóng đinh, vì từ thập tự giá là một từ cấm kị trong xã hội La Mã. Xin trích thêm một câu nói của Cicero, “Chúng ta hãy quăng xa mọi lời đề cập về thập tự giá ra khỏi không chỉ thân thể một công dân La Mã mà còn khỏi tâm trí, mắt và tai của người ấy.” Chữ Crux (viết gọn của từ đóng đinh) là một lời chửi thề trong tiếng La-tinh.

Vì dân La Mã xem việc đóng đinh là một điều ghê tởm, nên không có gì là ngạc nhiên khi nhiều người La Mã thường chế nhạo niềm tin Cơ Đốc. Một minh họa thu hút về điều này được tìm thấy trên đỉnh đồi Palatine ở Rô-ma. Tại đó, trên bức tường một ngôi nhà, người ta thấy sót lại một bức vẽ từ rất xa xưa vẽ theo phong cách tranh tường. Bức họa thô thiển này phác họa một người đàn ông đầu lừa bị treo trên thập tự. Một người đàn ông khác đứng tại chân thập tự với một cánh tay giơ lên trong tư thế thờ phượng. Bên dưới viết nguệch ngoạc một lời châm chọc: “Alexamenos thờ phượng Chúa.” Vậy, người La Mã đổ sự nhạo báng lên những ai thờ phượng một người bị đóng đinh.

MỘT SỰ RỦA SẢ ĐỐI VỚI NGƯỜI DO THÁI

Việc đóng đinh xúc phạm người La Mã thế nào thì đối với người Do Thái còn hơn như vậy. Theo luật Do Thái, người nào bị đóng đinh là ở dưới sự nguyền rủa thiêng liêng. Ngũ kinh Môi-se chép rằng: “Nếu có một người phạm tội tử hình và bị xử tử, thì hãy treo lên cây, nhưng không được để xác nó trên cây qua đêm mà phải chôn ngay trong ngày đó, vì ai bị treo trên cây là kẻ bị Đức Chúa Trời nguyền rủa.” (Phục truyền 21:22-23).

Sự nguyền rủa của thập tự giá giải thích tại sao Chúa Giê-su đã chịu đóng đinh bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Việc bị đóng đinh là một điều hết sức ghê tởm đến nỗi người Do Thái không bao giờ cho phép điều này diễn ra trong khu vực thành thánh linh thiêng của họ. Cái chết bị nguyền rủa của người bị nguyền rủa phải diễn ra bên ngoài tường thành.

Sự rủa sả trong Kinh Thánh cũng giải thích một điều gây tò mò về cách mà những Cơ Đốc nhân đầu tiên đã mô tả về thập giá. Họ thường gọi thập tự giá là một “cây gỗ.” Ví dụ như khi sứ đồ Phi-e-rơ rao giảng cho những lãnh đạo thành Giê-ru-sa-lem, ông nói rằng, “Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã khiến Đức Chúa Jêsus sống lại, là Đấng mà các ông đã treo trên cây gỗ và giết đi.” (Công vụ 5:30). Ông nói cùng điều này cho một người lính La Mã tên là Cọt-nây khi ông đi đến Sê-sa-rê: “Chúng tôi là những nhân chứng về mọi điều Ngài đã làm ở Giu-đê và Giê-ru-sa-lem. Người ta đã treo Ngài trên cây gỗ mà giết đi.” (Công vụ 10:39).

Sứ đồ Phao-lô mô tả về việc Chúa Giê-su chịu đóng đinh cũng tương tự như vậy. Ông đã đi đến nhà hội ở thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi và làm chứng rằng, “Vì đồng bào chúng ta ở Giê-ru-sa-lem và những người lãnh đạo của họ không nhận ra Ngài và không hiểu những lời các vị tiên tri đã nói mà chúng ta thường nghe đọc trong mỗi ngày Sa-bát, nên khi lên án Ngài họ đã làm ứng nghiệm mọi lời đã chép về Ngài. Mặc dù họ không tìm thấy Ngài có tội gì đáng chết, họ vẫn đòi hỏi Phi-lát để được giết Ngài. Khi họ đã làm ứng nghiệm mọi điều đã viết về Ngài, họ đem Ngài xuống khỏi cây gỗ và đặt Ngài trong một ngôi mộ.”(Công vụ 13:27-29 _ BD 2011).

Điều đáng tò mò về những câu nói trên là việc họ dùng từ “cây gỗ” thay vì “thập tự giá.” Cả hai từ đều phù hợp, nhưng khi gọi thập tự giá là “cây gỗ” là để nhắc lại sự rủa sả thời Cựu Ước.

Vì sự rủa sả ấy mà ai đó thậm chí có thể cho rằng thập tự giá là một sự sỉ nhục đối với Đức Chúa Cha, vì lúc đầu, Ngài là Đấng đã rủa sả thập tự giá. Chính Ngài phán rằng ai bị treo lên cây là bị nguyền rủa. Con của Đức Chúa Trời – Chúa Giê-su Christ đã nếm mùi rủa sả ấy khi Ngài chịu đóng đinh. Ngay trước khi Ngài chết, bầu trời trở nên tối tăm, và “Đức Chúa Jêsus kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lam-ma-sa-bách-ta-ni?” nghĩa là: “Đức Chúa Trời của con! Đức Chúa Trời của con! Sao Ngài lìa bỏ con?” (Ma-thi-ơ 27:46). Chúa Giê-su đã chết trong sự quay lưng của Đức Chúa Trời trên cây thập tự mà Đức Chúa Trời lìa bỏ.

Tại sao những Cơ Đốc nhân đầu tiên đã thu hút sự chú ý vào thực tế Chúa Giê-su chết trên cây gỗ? Chính là để gây vấp phạm những người Do Thái. Thực tế, trong một đoạn hội thoại thời cổ đại giữa một Cơ Đốc nhân tên là Justin và một người Do Thái tên là Trypho, Trypho đã không chịu tin rằng Đấng Mê-si của Đức Chúa Trời lại có thể chết trên một cây gỗ: “Nhưng chúng tôi nghi ngờ liệu Đấng Christ có từng bị đóng đinh một cách nhục nhã hay không. Vì luật pháp nói rằng bất cứ ai bị đóng đinh là bị nguyền rủa, cho nên tôi vô cùng hoài nghi điểm này.”7

Tuy nhiên, những Cơ Đốc nhân đầu tiên đã không xấu hổ rao giảng cho mọi người biết rằng Chúa Giê-su đã chết trên cây thập tự bị rủa. Họ hiểu rằng qua việc chịu đóng đinh vào thập tự, Ngài đã mang lấy trên thân Ngài sự rủa sả của Đức Chúa Trời chống lại tội của họ. Sứ đồ Phi-e-rơ đã nói về điều ấy như thế này: “Ngài mang tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ” (1Phi-e-rơ 2:24). Nguyên nhân Chúa Giê-su đã chết một cái chết bị rủa sả trên cây thập tự là để gánh lấy sự rủa sả mà chúng ta đáng nhận vì tội lỗi chúng ta.

Sự sỉ nhục của thập tự giá dẫn trở lại sự rủa sả trên cây gỗ trong Cựu Ước. Sứ đồ Phao-lô làm cho mối liên hệ này rõ ràng khi ông viết: “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp khi Ngài chịu rủa sả thế cho chúng ta — vì có lời chép: “Đáng rủa thay cho kẻ bị treo trên cây gỗ” (Ga-la-ti 3:13).

MỘT SỰ XẤU HỔ ĐỐI VỚI MỌI CÁ NHÂN

Thập tự giá là một sự ghê tởm đối với người La Mã và một sự rủa sả đối với người Do Thái. Và đến tận ngày nay, nó vẫn còn là sự sỉ nhục đối với những ai nghĩ mình là một người tốt lành.

Hầu hết mọi người đều đánh giá khá cao về chính mình. Họ ấn tượng với thành tích đạo đức của chính mình. Hầu như họ luôn nói sự thật. Họ thường trung thực trong công việc. Họ luôn luôn đối xử tốt với các loài vật. Đúng, họ có thể có một vài lỗi nhỏ, nhưng nhìn chung họ là người tốt. Đức hạnh của họ vượt trội hơn những dục vọng. Chắc chắn họ đủ tốt để lên thiên đàng. Có thể họ không phải là thánh nhân, nhưng bằng cách này hay cách khác, họ sẽ len lỏi được qua chiếc cổng ngọc để vào thiên đàng.

Thập tự giá xúc phạm những người có đạo đức khi hoàn toàn phủ nhận lý luận trên. Hãy xem điều thập tự giá nói. Thập tự giá nói rằng chúng ta là những người không công bình, rằng chúng ta không đáp ứng được tiêu chuần hoàn hảo của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su cần phải chịu đóng đinh trên cây thập tự là bởi vì tội lỗi của loài người, trong đó bao gồm cả tội lỗi của chúng ta.

Thập tự giá cũng nói rằng chúng ta vô vọng. Rằng chúng ta không thể vào thiên đàng bằng sức riêng của mình. Chúng ta cần một ai đó thay chúng ta dâng hiến một đời sống hoàn hảo. Đây là một điều khác biệt giữa niềm tin Cơ Đốc và mọi tôn giáo khác. Mọi tôn giáo khác đều dạy chúng ta hãy dâng cho thần của họ điều tốt nhất có thể. Nhưng niềm tin Cơ Đốc dạy rằng Chúa ban đời sống trọn vẹn của Ngài cho chúng ta. Điều này có nghĩa là nếu không nhờ sự giúp đỡ hoàn toàn đến từ Chúa, chúng ta sẽ không thể có được sự sống đời đời. Sự chết của Đấng Christ tại thập tự giá chứng minh sự vô vọng của loài người.

Vì thế thập tự giá nói rằng chúng ta vô vọng. Thập tự giá của Đấng Christ chỉ ra rằng tội lỗi đáng nhận sự giận dữ và rủa sả của Đức Chúa Trời. Thập tự giá chứng minh rằng nếu không có Đấng Christ tội nhân sẽ chết trong tội lỗi mình. Nếu Chúa có cách nào khác để cứu chúng ta, chắc chắn Ngài đã làm rồi. Nhưng không có cách nào khác, vì mọi tội lỗi đều đáng bị hình phạt trong địa ngục.

Có ai muốn nghe người khác nói rằng mình vô vọng, bất lực và không công bình? Chẳng ai cả! Chỉ vì điều ấy nghe xúc phạm. Hầu hết mọi người tin rằng bản thân họ cơ bản là tốt. Họ sống cuộc đời tự lực và hy vọng vào điều tốt đẹp nhất. Những thái độ ấy làm cho thập tự giá trở nên một sự xúc phạm đối với những cá nhân đạo đức. Thập tự giá cảnh báo chúng ta về sự chết trong tội lỗi. Nó cho biết rằng chúng ta không thể tự cứu mình được, thực sự nếu không có Đấng Christ, chúng ta không có hy vọng.

CHÚA GIÊ-SU KHINH THƯỜNG THẬP TỰ GIÁ

Chúng ta vô vọng, bất lực và bất chính – trừ khi chúng ta đến với thập tự giá để cầu xin hy vọng, sự giúp đỡ và sự công chính của Chúa Giê-su. Để rồi chúng ta nhận thấy thập tự giá chứa đầy hy vọng và sự cứu giúp mà chúng ta cần.

Chúa Giê-su là một người không cảm thấy bị xúc phạm vì thập tự giá. Ngài không bị sỉ nhục bởi sự sỉ nhục của nó. Vì thế Kinh Thánh khích lệ chúng ta “hãy nhìn xem Đức Chúa Giê-su …Đấng …vui chịu thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện đang ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 12:2).

Chúa Giê-su coi thường sự ô nhục của thập tự giá. Ngài biết rằng nó là một sự ghê tởm đối với người La Mã, một sự rủa sả đối với người Do Thái và thậm chí đối với Đức Chúa Cha. Ngài nhận ra rằng thập tự giá là một sự sỉ nhục cho bất cứ ai muốn bước vào thiên đàng bằng sức riêng của mình. Tuy nhiên, người khác có thể bị vấp phạm vì thập tự giá, còn Chúa Giê-su Christ Ngài khinh sự sỉ nhục của nó và cho phép nó đến trên Ngài vì cớ lợi ích đời đời cho chúng ta, không để cho sự sỉ nhục ấy khiến Ngài quay lưng lại với kế hoạch cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi.

Việc Đấng Christ coi thường sự sỉ nhục của thập tự giá giải thích một thực tế đáng chú ý: thập tự giá vẫn tồn tại sau tất cả. Làm thế nào một biểu tượng xúc phạm như thế có thể bền bỉ tồn tại qua nhiều thế kỷ? Làm thế nào một hình ảnh mà người La Mã coi khinh, người Do Thái nguyền rủa, và mọi cá nhân đức hạnh đều cự tuyệt lại có thể tồn tại từ thiên niên kỷ này qua tới thiên niên kỷ khác?

Chỉ vì đối với Chúa Giê-su Christ, thập tự giá không phải là một sự xúc phạm. Đối với Ngài, nó là một cái giá mà Ngài vui lòng trả để cứu dân Ngài. Và đối với mọi người yêu Ngài, thập tự giá không còn là một sự sỉ nhục nữa. Thay vào đó, nó trở thành một minh chứng về tình yêu bất diệt của Cứu Chúa, Đấng trao chính đời sống mình cho chúng ta.

Nguồn: Viện Đào Tạo Môn Đồ Việt Nam

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Sự Cứu Rỗi Qua Thập Tự Giá – Phần 1: Sự cần thiết của thập tự giá

Bình Luận:

You may also like