Home Lời Chứng Bài Học Từ Hội Thánh Ở Trung Quốc – Hãy Cầu Nguyện Cho Các Nhà Lãnh Đạo Của Chính Phủ Ngay Cả Khi Họ Bắt Bớ Bạn

Bài Học Từ Hội Thánh Ở Trung Quốc – Hãy Cầu Nguyện Cho Các Nhà Lãnh Đạo Của Chính Phủ Ngay Cả Khi Họ Bắt Bớ Bạn

by Sưu Tầm
30 đọc

Ngay sau khi Mục-sư Zhang Rongliang được ra tù, tôi (Eugene) đã bí mật đến Trịnh Châu để gặp ông tại một căn phòng khách sạn người Hoa cũ kỹ tồi tàn. Tôi không biết phải mong đợi điều gì khi nhìn thấy ông ấy. Tôi đã nghe nói rằng bệnh tiểu đường của ông đã chuyển nặng và không được điều trị trong những năm ông ở trong tù. Tôi cũng nghe vợ ông chia sẻ rằng ông ấy đã bị đột quỵ trầm trọng. Ở tuổi gần 70 của ông, tôi nghĩ chắc mình sẽ chỉ nhìn thấy một bộ xương mà thôi.

Thay vào đó, tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi bước vào phòng và nhìn thấy một người đàn ông lanh lợi, tràn đầy sức sống và không hề có dấu hiệu già đi! Đầu óc ông nhanh nhẹn, gương mặt bừng sáng sức sống của tuổi trẻ, mái tóc dày đen nhánh không một sợi bạc.

Ngay lập tức ông yêu cầu tôi quỳ xuống trong phòng khách sạn và cùng nhau cầu nguyện. Trước khi tôi có thể hỏi về tình hình sức khỏe của ông hay thời gian ở trong tù như thế nào – thì ông muốn ra mắt Chúa trước.

Tôi nghe ông ấy cầu nguyện như thế này, “…Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cho chính phủ Trung Quốc. Chúng con cầu nguyện cho Chủ-tịch Tập. Chúng con cầu nguyện cho những người xung quanh ông ấy và những người phục vụ ông ấy. Chúng con cầu nguyện cho các cấp lãnh đạo chính quyền tỉnh. Nguyện Ngài chúc phước cho họ ngày hôm nay và cho họ thấy được ơn của Ngài.

Tôi lấy làm bối rối lắm. Mục-sư Zhang vừa phải ngồi tù suốt mấy năm một cách bất công chỉ vì tội không chịu chối bỏ đức tin của mình. Chính phủ Trung Quốc coi ông là kẻ thù. Ông đã trải qua nửa đời người trong và ngoài nhà tù, bị đánh đập và tra tấn, và gia đình ông phải chịu đau khổ vì chính quyền Trung Quốc. Làm sao ông có thể cầu nguyện chúc phước cho họ được? Tôi đang viết một cuốn tiểu sử về ông, có tựa đề I Stand With Christ (tạm dịch là: Tôi Đứng về phía Chúa Cứu Thế), và cả hai chúng tôi đều biết rằng chính phủ có thể sẽ bắt bớ ông ấy nhiều hơn nữa một khi cuốn sách này được phát hành.

Là một Cơ-đốc nhân người Mỹ và từng là thành viên của quân đội Hoa Kỳ, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng những người công chính của Đức Chúa Trời nên tích cực chống lại một chính phủ tà ác, lật đổ một chế độ bất công và thiết lập một hệ thống dân chủ nơi tiếng nói của hội thánh có thể được lắng nghe. Trong suy nghĩ của tôi, chính phủ Trung Quốc đại diện cho mọi thứ mà một Cơ-đốc nhân nên chống lại.

Mục-sư Zhang, mục sư của một hội thánh có hơn mười triệu tín đồ, cầu nguyện cho một chính phủ tích cực bắt bớ các Cơ-đốc nhân là một điều gì đó… thành thật mà nói là khó nghe đối với tôi.

Nhưng không phải chỉ một mình ông ấy. Vào một đêm khác, trong một phòng khách sạn ở Nam California, tôi quỳ xuống cầu nguyện cùng với một mục sư khác. Tên anh là Peter Xu. Anh là mục sư của một trong những hội thánh tư gia ngầm lớn nhất ở Trung Quốc và được coi là “Billy Graham” của Trung Quốc. Một lần nữa, tôi đã bị sốc khi nghe anh ấy kêu cầu cho các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc.

Anh ấy không hiểu sao? Chính vì sự lãnh đạo của chính phủ ở Trung Quốc mà anh phải bỏ xứ. Chính vì sự tự do ở Mỹ mà giờ đây anh đã trở thành công dân Mỹ. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc ghét anh và muốn anh chết còn anh thì lại đang cầu nguyện cho họ?

Sau đó, tôi đã có mặt với Mục-sư Xu tại một hội thánh ở Knoxville, Tennessee, khi anh giải thích rằng các Cơ-đốc nhân không nên mệt mỏi hay sợ hãi khi chính phủ không ủng hộ hội thánh. Ông nói rằng chính phủ không liên quan gì đến nhiệm vụ của Hội-thánh trong việc hoàn thành Đại Mạng Lệnh. “Đức Chúa Trời đã dùng sự bắt bớ và đau khổ để thử luyện hội thánh của Ngài ở Trung Quốc, rèn luyện các tín hữu ở Trung Quốc, để hoàn thành Đại Mạng Lệnh cho đến khi Tin Lành trở về Jerusalem”.

Mục-sư Shen Xiaoming cũng có cùng một tấm lòng giống như vậy. Ông là mục sư của Hiệp-hội Phúc-âm Trung Quốc (China Gospel Fellowship): được coi là một trong những giáo phái lớn nhất thế giới với hơn mười triệu tín đồ. Tôi đã sống chung với Mục-sư Shen trong khoảng thời gian hai năm khi tôi viết cuốn tiểu sử của ông, có tựa đề Kidnapped by a Cult (tạm dịch là: Bị Bắt Cóc bởi một nhóm Dị Giáo).

Mỗi lần tôi cầu nguyện với ông, ông ấy đều cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc. Mục-sư Shen bị tàn tật từ một căn bệnh thời thơ ấu, nhưng điều đó cũng không ngăn được chính phủ tra tấn ông hết lần này đến lần khác. Tôi sẽ không bao giờ quên những lời ông ấy nói với tôi liên quan đến cuộc bức hại ở Trung Quốc. “Nỗi đau mang đến sự ăn năn, và tôi chưa ăn năn xong,” ông nói. “Sự tan vỡ mở đường cho sự phấn hưng, và ôi, tôi khao khát phấn hưng nhiều hơn nữa. Thế gian tạm bợ này không còn gì cho tôi nữa. Chính ngọn lửa đời đời của Đức Thánh Linh mới mang lại niềm vui và sự thỏa mãn đời đời”.

Ông tiếp tục, mô tả chính xác suy nghĩ của những người đã chia sẻ với tôi về sự khổ nạn ban đầu như Mục-sư Jing, Mark Ma, Simon Zhao, Mecca Zhao và Grace Ho khi ông nói, “Đức Chúa Trời đã loan báo sự kêu gọi của Ngài cho chúng ta qua sự bắt bớ và thử luyện. Ngài đã phán với chúng ta và bày tỏ chính Ngài cho chúng ta trong những lúc khó khăn nhất của chúng ta. Tấm lòng tôi đau nhói cho thế hệ mới ở Trung Quốc nếu họ không có cơ hội tương tự để nhìn thấy bàn tay Chúa vận hành trên cuộc đời họ trong thời gian thử thách”.

Mục-sư Shen luôn bị cảnh sát theo dõi. Chính phủ biết ông là một mục sư và họ cố gắng kềm giữ để ông không gây ra quá nhiều rắc rối. Chỉ riêng quy mô của hội thánh mười triệu thành viên của Mục-sư Shen đã là bằng chứng cho thấy cuộc đàn áp của chính phủ không thể ngăn chặn được sứ điệp của Phúc Âm. Mục sư Shen đã kể cho tôi nghe về một cuộc trò chuyện mà ông đã có với một cảnh sát từ quận Tanghe. “Anh chàng ấy có tâm trạng vui vẻ, và anh ấy nói đùa với tôi thế này, ‘Anh biết đấy, anh thực sự nên cảm ơn chúng tôi. Nếu không có chúng tôi, anh sẽ không được biết đến nhiều như vậy đâu. Chúng tôi đã làm cho anh nổi tiếng đấy!” Chúng tôi đã cùng nhau cười và sau đó tôi đáp lại, ‘Đúng rồi! Nếu không có anh, tôi vẫn chỉ là một người đàn ông tật nguyền sống trong một ngôi làng nhỏ ở quận Tanghe. Anh đã đuổi theo tôi và dán những tấm áp phích về tôi và điều đó đã đẩy tôi đến các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc. Anh biết đấy, nếu anh tiếp tục truy đuổi và bức hại tôi, anh có thể sẽ đẩy tôi ra khỏi Trung Quốc và khiến tôi nổi tiếng khắp thế giới không chừng! Đúng không nào?’ Cả hai chúng tôi đều bật cười trước tình huống trớ trêu đó. Thật buồn cười vì đó là sự thật ”.

Vào tháng 10 năm 2020, Brother Yun (tên thật là Liu Zhenying), một nhà truyền giáo Trung Quốc đã tổ chức một hội thảo trực tuyến với một nhà thờ ở Vương-quốc Anh. Mục sư tại đó đã nhìn thấy sự thay đổi nghiêm trọng trong môi trường chính trị và hỏi Brother Yun nếu anh có bất kỳ lời khuyên nào về cách để tồn tại khi môi trường chính trị ở Anh ngày càng trở nên có tính công kích hơn đối với các tín đồ Cơ-đốc giáo. Phản ứng của Brother Yun cũng giống với Mục-sư Zhang, Mục-sư Xu và Mục-sư Shen.

Bạn biết đấy, ở phương Tây, những người theo đạo Thiên Chúa luôn ngạc nhiên khi chính phủ bắt bớ họ,” Brother Yun nói.  “Các Cơ-đốc nhân phương Tây được dạy rằng họ có quyền và bị sốc khi những quyền đó bị chính phủ vi phạm. Ở Trung Quốc, chúng tôi biết rằng, một ngày nào đó, chúng tôi sẽ trở thành kẻ thù của chính phủ nếu chúng tôi tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Chúa và Cứu Chúa của mình. Chúng tôi mong đợi điều đó, do đó chúng tôi không ngạc nhiên khi chúng tôi bị săn lùng, bị bắt giữ, bị đánh đập, hoặc bỏ tù vì đức tin của mình. Chúng tôi biết điều đó là hiển nhiên.”

Mạng Lệnh của Đấng Christ dành cho chúng ta không phải là chiến đấu chống lại thịt và huyết hay để thiết lập các chính quyền trên đất. Sứ mệnh của chúng ta là chạm đến tấm lòng của con người, đào tạo môn đồ và rao giảng Tin Lành cho mọi dân mọi nước.

Chúng ta có thể học được điều gì từ Hội-thánh ở Trung Quốc trong thời kỳ hỗn loạn chính trị và kinh tế ở phương Tây? Liệu việc ưu tiên phục hưng chính trị trước khi chúng ta có một cuộc phấn hưng thuộc linh có mang lại lợi ích chi không?

Phải chăng sự khác biệt về chính trị ngày nay đang mang đến sự nghi ngờ và sợ hãi cho Hội-thánh khi mà lẽ ra nó phải hướng sự tập trung của chúng ta vào việc chứng kiến cơn phấn hưng sắp tới? Chúng ta có đang dành quá nhiều thời gian để cố gắng né tránh một làn sóng bức hại sắp tới mà chúng ta làm chậm quá trình cắt tỉa để mang lại sự sống của nó không?

Vào năm 2017, trong khi gặp gỡ các hội thánh ở Hoa Kỳ, chúng tôi đã có một cuộc họp mặt nhỏ và riêng tư dành cho các mục sư, cách thành phố Kansas, Missouri không xa. Đó là một cuộc thảo luận bàn tròn, khi một mục sư hỏi, “Brother Yun, chúng tôi đã nghe rất nhiều về cuộc đàn áp người Trung Quốc. Trên tin tức, chúng tôi đã thấy rằng chính phủ Trung Quốc đã phá bỏ vài nghìn cây thánh giá. Hội-thánh sẽ làm gì để ngăn chặn điều này?

Không mảy may suy nghĩ, Brother Yun mỉm cười và nói: “Tôi không lo lắng một chút nào về việc chính phủ Trung Quốc đã gỡ bỏ các cây thánh giá xuống khỏi các tòa nhà ở Trung Quốc.

Anh thật sự không lo chút nào sao?” vị mục sư nói, rõ ràng là cũng bối rối như tôi trước câu trả lời của Brother Yun.

Không hề,” Brother Yun trả lời. “Những cây thánh giá không nên ở trên những tòa nhà đó ngay từ đầu. Chúa Giê-xu nói với chúng ta rằng chúng ta phải vác thập tự giá mỗi ngày. Thập tự giá phải ở trên lưng chúng ta. Chúng ta đã lười biếng và đặt nó trên một tòa nhà với hy vọng rằng tòa nhà đó sẽ gánh vác thập giá thay cho chúng ta. Chính phủ đã cho kéo những cây thánh giá xuống để những người tin Chúa một lần nữa có thể vác thập tự giá của chính mình.”

Nhưng còn những nhà thờ mà chính phủ đã và đang phá hủy thì sao? Điều này chắc hẳn khiến anh băn khoăn khi chính phủ phá hủy hàng nghìn công trình nhà thờ trên khắp Trung Quốc, phải không?” Vị mục sư này rõ ràng là đang khá bức xúc với cuộc đàn áp chống lại Hội-thánh ở Trung Hoa hơn cả Brother Yun.

Điều này cũng không làm phiền chúng tôi ở Trung Quốc. Tại sao chúng tôi phải lo lắng chứ? Chỉ là vài tòa nhà thôi mà. Chúng tôi là Hội-thánh. Khải tượng của chúng tôi ở Trung Quốc là được thấy nhiều người Hồi giáo tin Chúa đến nỗi các nhà thờ Hồi giáo sẽ được biến thành nơi nhóm lại của Hội-thánh. Lời cầu nguyện của chúng tôi là chúng tôi sẽ thấy rất nhiều Phật tử đến với Chúa Giê-xu trên đường trở về Jerusalem để các ngôi chùa Phật giáo sẽ được biến thành trung tâm phấn hưng của các Cơ-đốc nhân. Đừng sử dụng tài nguyên của các tín hữu để xây dựng thêm các công trình mới cho Thân-thể; chúng ta hãy tận dụng các nguồn lực mà kẻ thù đã sử dụng, để tạo điều kiện cho những nhu cầu của Hội-thánh.

Bài học khó khăn mà tôi học được ở Trung Quốc từ những tín đồ đáng quý của Hội-thánh tư gia ngầm là sự cứu rỗi của chúng ta không nằm ở chính phủ, vậy tại sao phải kêu ca khi ban lãnh đạo mà chúng ta muốn chiến thắng cuộc bầu cử lại không được trao quyền? Tại sao lại mất niềm tin khi tiến trình chính trị có vẻ không công bằng? Nó không chỉ đơn giản là một lời nhắc nhở liên tục rằng thế giới này không phải là nhà của chúng ta?

Chúa Giê-xu không bao giờ hứa với chúng ta một chính phủ công bình, nhưng Ngài đã hứa rằng chúng ta sẽ bị bắt bớ. Ngài cũng thúc giục chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù của mình và yêu thương những kẻ bắt bớ chúng ta. Các tín hữu ở Trung Quốc nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần cầu nguyện cho các lãnh đạo của mình cho dù họ có thích chúng ta hay không.

Ngày hôm nay, có lẽ sẽ tốt hơn khi chúng ta nhớ được rằng Mạng Lệnh của Đấng Christ dành cho chúng ta không phải là chiến đấu chống lại thịt và huyết hay để thiết lập các chính quyền trên đất. Sứ mệnh của chúng ta là chạm đến tấm lòng của con người, đào tạo môn đồ và rao giảng Tin Lành cho mọi dân mọi nước.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: backtojerusalem.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like