Home Chuyên Đề Kinh Thánh Nói Gì Về Thuyết Luân Hồi?

Kinh Thánh Nói Gì Về Thuyết Luân Hồi?

by Christianstt.com
30 đọc

Thuyết luân hồi (hay còn gọi là đầu thai chuyển kiếp) có thể là một khái niệm hấp dẫn đối với nhiều người. Vì cho đến cuối cùng, khi những người thân yêu qua đời, người ta có thể hy vọng rằng họ sẽ được tái sinh trong một cơ thể khác sau đó và họ sẽ tìm cách để được đoàn tụ trên đất qua nhiều đời nữa.

Khái niệm này dường như còn trở nên thuyết phục hơn khi có một số người cho rằng họ nhớ được những chuyện xảy ra từ “kiếp trước”.

Tuy nhiên, là những người tin Chúa, chúng ta biết rằng thuyết luân hồi đi ngược lại với niềm tin của mình. Rốt cuộc thì, tại sao Chúa Giê-xu Christ lại phải chết trên thập tự giá và phục sinh vì tội lỗi của chúng ta, rồi sau đó lại khiến chúng ta phải lặp lại cuộc sống ở đây trên đất này, mà không có hoặc có rất ít những khái niệm mơ hồ về tiền kiếp của mình? Ngay cả khi một số tôn giáo tìm đến Niết-bàn hay Giác-ngộ, để phá vỡ vòng luân hồi, thì cũng không có tôn giáo nào có thể chỉ ra con đường rõ ràng để đạt được điều này.

Người ta không tài nào biết được họ phải trải qua bao nhiêu kiếp hoặc tại sao một đấng thần linh nào đó lại phạt họ phải kinh nghiệm cái vòng luẩn quẩn này.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về chủ đề Kinh Thánh nói gì về thuyết luân hồi. Chúng ta cũng sẽ thảo luận về các khái niệm luân hồi và cuối cùng là tại sao điều này lại quan trọng.

Sự luân hồi là gì?

Luân hồi là sự tái sinh(đầu thai) của một linh hồn vào một cơ thể mới, thường thì người đó sẽ giữ lại rất ít hoặc không có bất kỳ ký ức nào về tiền kiếp của mình. Một số tôn giáo tin rằng những việc làm công đức ở kiếp trước có thể giúp một người có được vị trí xã hội hoặc địa vị tốt hơn vào kiếp sau (hay những việc làm xấu có thể dẫn đến những vị trí thấp kém hơn).

Thông thường, để phá vỡ vòng luân hồi, một người phải đạt đến một cảnh giới Giác-ngộ nào đó hoặc phải trải qua đủ kiếp sống ở một vị trí đủ cao để có thể đạt đến Niết-bàn hoặc được về cực lạc.

Các tôn giáo tin vào khái niệm luân hồi bao gồm Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo (hay Jaina giáo), Phật giáo, đạo Sikh (hay Tích-khắc giáo) và đạo Do Thái theo trường phái Kabbalah.

Kinh Thánh nói gì về luân hồi?

Có thể nói Ấn Độ giáo là tôn giáo lâu đời nhất trong số các tôn giáo, và những người viết Kinh Thánh thì đã sống trong thời kỳ khởi nguyên của các tôn giáo này và có khả năng đã gặp phải những người có niềm tin nhất định tương tự như những tôn giáo được liệt kê ở trên.

Chúng ta hãy đi sâu vào một số câu Kinh Thánh để biết được những tư tưởng của Kinh Thánh về khái niệm luân hồi là thế nào.

Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét (Hê-bơ-rơ 9:27).

Ngài nhớ lại rằng họ chỉ là xác thịt, một hơi thở thoáng qua, không trở lại (Thi-thiên 78:39).

Kinh Thánh nói rõ rằng chúng ta chỉ sống một lần trên đất trước khi chịu phán xét và nhận bản án đời đời, dựa trên việc chúng ta có chấp nhận Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của mình hay không. Chúng ta không có nhiều kiếp sống ở đây trên trái đất để có thể đưa ra quyết định đúng đắn vào kiếp sau; chúng ta chỉ sống một lần mà thôi.

Những vấn đề chính của thuyết luân hồi

“Như vậy có quá khắc nghiệt chăng,” một người nào đó có thể nói như vầy. “Điều đó chẳng khác nào bạn cố gắng làm đủ thứ chuyện ở đây rồi cuối cùng chọn Đấng Christ làm Cứu Chúa của bạn?”

Tôi muốn chỉ ra cho người đó một số lý do tại sao thuyết luân hồi thực sự là một khái niệm ghê tởm, ngay cả với những người thân yêu đã khuất mà họ muốn gặp lại, bao gồm cả bản thân tôi.

Đầu tiên, thiên đàng là một nơi đẹp đẽ, đẹp hơn rất nhiều so với một kiếp sống mới ở đây trên đất.

Hãy nghĩ về cuộc sống này, nó thật khổ sở biết bao. Có quá nhiều mất mát đau thương, ốm đau bệnh tật cũng như tuổi già. Giờ thì hãy tưởng tượng đến việc chịu đựng điều đó trong vô số kiếp — đó là sự luân hồi.

Tệ hơn nữa, việc đầu thai chuyển kiếp không cho phép người ta nhớ rõ ràng kiếp trước của mình, trong hầu hết các trường hợp (Xem thêm phần phụ lục để hiểu tại sao một số người cho rằng họ nhớ được kiếp trước của mình). Bản thân thuyết luân hồi là một khái niệm tàn nhẫn vì nó khiến người ta phải sống lại một cuộc đời hữu hạn mà thường là toàn khổ sở với tang thương từ đời này qua đời khác mà không có ý thức rõ ràng về cách vượt qua cái vòng luẩn quẩn này.

Thứ hai, sự luân hồi không giải quyết được vấn đề tội lỗi.

Tội lỗi giống như thuốc nhuộm bền màu; nó tồn tại suốt đời. Điều đó có nghĩa là, dù chúng ta sống hàng ngàn kiếp và chỉ làm việc thiện, chúng ta vẫn không thể trả hết món nợ của tội lỗi. Sự luân hồi không giải quyết được vấn đề. Trên thực tế, nó còn làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn khi chúng ta mang món nợ tội lỗi từ kiếp trước của mình vào kiếp sống mới và cứ như vậy tiếp tục gia tăng nó.

Cuối cùng, có một số mâu thuẫn về tri thức đối với thuyết luân hồi, như đã đề cập trong bài viết này. Ví dụ, nghiệp (các ý định và hành động của một cá nhân có thể ảnh hưởng cá nhân đó trong tương lai) không cho phép lòng thương xót, không thể đảm bảo công lý, và không có cơ sở đạo đức.

Tại sao điều này lại quan trọng?

Nhiều Cơ-đốc nhân tin vào thuyết luân hồi, khoảng 25% vào năm 2015. Thế giới quan này không chỉ tồn tại bên ngoài nhà thờ.

Mặc dù thuyết luân hồi có thể có sức hấp dẫn của nó, nhưng nó thực sự mang lại nhiều tai hại và hệ quả của nó thì không mấy dễ chịu. Giải pháp của Cơ-đốc giáo, đoàn tụ với những người thân yêu trong niềm vui vĩnh cửu là thiên đàng, thì có một kết quả tốt đẹp hơn nhiều so với các vòng đời lặp đi lặp lại trên đất, mà không có ý thức rõ ràng về cách đạt tới sự Giác-ngộ.

https://www.compellingtruth.org/past-lives-reincarnation.html
Phụ lục:   Tại Sao Một Số Người Nhớ Được Chuyện Kiếp Trước?   Khi nói về thế giới bên kia, Kinh Thánh chỉ đưa ra hai lựa chọn—được ở đời đời với Đức Chúa Trời hoặc bị chia cách khỏi Ngài. Hê-bơ-rơ 9:27 lưu ý rằng, loài người được định phải chết một lần, rồi chịu phán xét. Linh hồn sống tiếp, nhưng nó không được đầu thai. Vậy tại sao một số người lại nói rằng họ nhớ được chuyện kiếp trước?   Rất có khả năng ký ức về tiền kiếp đó không phải là thật. Có thể đó hoàn toàn là sự dối trá từ phía người ấy. Hoặc có lẽ người đó hoàn toàn tin rằng ký ức mà họ đang chia sẻ là thật. Tuy nhiên, chỉ vì một người tin rằng họ nhớ được kiếp trước của mình thì cũng không làm cho ký ức đó trở thành một sự thật khách quan. Ví dụ: một người có thể tin rằng mình là kiếp sau của Gioanna xứ Arc (một nữ anh hùng người Pháp), nhưng nếu ký ức này bao gồm các chi tiết từ một khoảng thời gian lịch sử khác thì ký ức đó rõ ràng là sai. Hoặc có lẽ người đó đang nhớ lại một giấc mơ như thể nó thực sự xảy ra. Ngay cả những thứ như cảnh trong một bộ phim hoặc cuốn sách, đặc biệt là nếu một người đặt quá nhiều tình cảm vào những cảnh đó, cũng có thể góp phần tạo ra những ký ức sai lệch. Một số người, cũng có khả năng ghi nhớ một ảo giác, có thể là do bệnh tâm thần hoặc do hóa chất gây ra.   Một cách khác để tiếp cận câu hỏi này là chấp nhận ký ức đó là thật nhưng hãy đặt câu hỏi về nguồn gốc của nó. Một người sẽ tiếp nhận thông tin về kinh nghiệm sống trong quá khứ ở đâu? Nó có thể là thông qua việc học tập hoặc nghiên cứu cá nhân. Cũng có khả năng người đó nhận được ‘ký ức’ bằng các phương tiện siêu nhiên.   Nói về mặt siêu nhiên, thì nguồn duy nhất để một người có thể nhận được thông tin về tiền kiếp của người đã sống trong quá khứ chỉ có thể là từ những tà linh hay như Kinh Thánh đôi khi gọi là ma quỷ. Những tà linh này đã tồn tại từ thuở sơ khai của lịch sử loài người và có thể đánh lừa con người thông qua việc cung cấp ký ức về tiền kiếp, nói dối rằng họ là kiếp sau của một người nào đó đã đầu thai.   Cần phải nhớ rằng Sa-tan là kẻ nói dối và là cha của sự dối trá: “Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối”(Giăng 8:44). Hắn đã lừa dối A-đam và Ê-va trong Vườn Ê-đen (Sáng-thế Ký 3), tìm cách cám dỗ Gióp (Gióp 1—2), cám dỗ Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 4:1-11; Lu-ca 4:1-13), và đã làm việc trong cuộc đời của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt để hại chết Chúa.   Ê-phê-sô 6:12 cũng nói rõ, “Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.” Sự lừa dối thường là đến từ các thế lực tâm linh của cái ác tìm cách lừa người ta tin vào những ý tưởng phi Kinh Thánh khiến con người xa rời chân lý của Đức Chúa Trời.   Nói tóm lại, một người có thể có “ký ức” về kiếp trước, tuy nhiên những ký ức này hoặc là cố ý (lừa dối), vô tình (ký ức sai lệch hoặc do các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần), hay có thể là do sự lừa dối thuộc linh (đến từ các thế lực tà linh) nhằm ngăn cản người ta tin vào Chúa Giê-xu Christ.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Christianity.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like