Home Chuyên Đề Nơi Công Chúa Salome Nhảy Múa: Các Nhà Khảo Cổ Học Đã Tìm Ra Một Phát Hiện Thú Vị

Nơi Công Chúa Salome Nhảy Múa: Các Nhà Khảo Cổ Học Đã Tìm Ra Một Phát Hiện Thú Vị

by Christianheadlines.com
30 đọc

Trong một câu chuyện kỳ lạ nhưng đáng nhớ được kể lại bởi cả Mác và Ma-thi-ơ, Salome, con gái riêng của vợ vua Hê-rốt nhảy múa trong ngày sinh nhật của ông (Salome: con riêng của Hê-rô-đia vợ vua Hê-rốt với Phi-líp em người). Thích thú với màn trình diễn của nàng, vua Hê-rốt nói với nàng, “Hãy xin bất cứ điều gì con muốn… Bất kỳ điều gì con xin, trẫm cũng sẽ cho, dù một nửa vương quốc của trẫm.” Salome được mẹ chỉ điểm nên xin cái đầu của Giăng Báp-tít để trên mâm (Mác 6: 22-24). Đau lòng nhưng bị mắc kẹt bởi lời hứa công khai của mình, vua Hê-rốt đã cho Salome những gì nàng muốn.

Câu chuyện chỉ chiếm khoảng hai đoạn, nhưng nó cho chúng ta biết rất nhiều điều. Không chỉ về các nhân vật chính, mà còn về tình trạng nói chung của con người. Nó giống như tiểu thuyết của Dostoyevsky vậy. Trên thực tế, câu chuyện đã truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật trong suốt nhiều thế kỷ, bao gồm các bức họa của Titian và Moreau, một vở opera của Richard Strauss, và một vở kịch của Oscar Wilde.

Mặc dù câu chuyện này rõ ràng đã bám chặt vào trí tưởng tượng nghệ thuật và văn hóa qua nhiều năm, nhưng nó không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng của các tác giả viết sách Tin Lành. Nó có nguồn gốc vững chắc trong lịch sử. Và mới đây, tờ báo Haaretz của Israel đã đưa tin rằng địa điểm của câu chuyện này đã được phát hiện.

Tọa lạc tại Machaerus, Jordan, là một pháo đài trên vách đá có tầm nhìn hướng ra Biển Chết. Vào những ngày trời quang, có thể nhìn thấy Jerusalem từ đây. Bên trong là sân hoàng gia rộng khoảng 650 m2, nơi “các nhà khảo cổ đã xác định được một hốc tường hình bán nguyệt, nơi họ tin rằng ngai vàng của vua Hê-rốt đã được đặt ở đây”. Theo bài báo, nhóm khảo cổ đã “dựng lại hai trong số các cột trụ từng chống đỡ mái che của sân tại nơi công chúa Salome được cho là đã nhảy múa ở đó”.

Rõ ràng, các viên đá không thể chứng thực cho tất cả các chi tiết của câu chuyện được kể trong sách Ma-thi-ơ và Mác, nhưng các nguồn khác bên ngoài Kinh Thánh giúp chứng thực phần nào câu chuyện. Ví dụ điển hình nhất là sử gia Do Thái Flavius ​​Josephus, người đã viết cùng thời với các tác giả Phúc Âm. Josephus viết, “chính bản thân Hê-rô-đia đã vi phạm luật pháp của đất nước chúng ta và tự ý ly hôn với chồng khi người vẫn còn sống, rồi tái hôn với vua Hê-rốt.” Đây là hành động khiến Giăng Báp-tít nổi giận và lên án. Cặp vợ chồng hoàng gia này rất không hài lòng với sự thẳng thắn của nhà tiên tri, họ đã tống ông vào tù. Rõ ràng, Hê-rô-đia chưa bao giờ bỏ qua mối hận này.

Josephus cũng xác nhận rằng Hê-rô-đia đã ra lệnh xử tử Giăng. Josephus cũng mô tả Giăng là “một người chuẩn mực, người đã ra lệnh cho dân Do Thái thực hành nếp sống đức hạnh.” Nhà sử học thậm chí còn cho chúng ta biết ngày tháng và địa điểm tiến hành cuộc hành quyết, vào khoảng tháng 2 năm 32 SCN tại pháo đài ở Machaerus, (Antiquities, XVIII. 5. 2). Josephus tiếp tục gợi ý rằng sự thất bại trong quân sự sau đó được thần dân của ông coi là “một hình phạt… một dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Trời không hài lòng với ông.”

Phải nói rõ ở đây rằng, Josephus không đề cập đến vai trò của Salome hay Hê-rô-đia trong cái chết của Giăng Báp-tít, nhưng điều đó không có nghĩa là ghi chép trong Kinh Thánh là hư cấu. Josephus rõ ràng không phải là một sử gia trung lập. Phong cách cổ xưa của ông không tuân theo những “quy tắc” áp dụng cho lịch sử hiện đại. Tuy nhiên, các nhà sử học hiện đại vẫn coi Josephus là một nguồn lịch sử quan trọng.

Tuy nhiên, các sách Phúc Âm không được xem xét theo cách như vậy. Rõ ràng, các tác giả Phúc Âm đang viết lịch sử, một lịch sử với những chi tiết cơ bản được Josephus và những người khác xác nhận lại nhiều lần. Việc đối xử với họ theo cách khác biệt như vậy, như cách mà nhiều học giả vẫn làm, nói lên nhiều điều về định kiến ​​của các nhà sử học hiện đại hơn là về độ tin cậy về mặt lịch sử của các ghi chép trong Kinh Thánh.

Đối với Cơ-đốc nhân, sự thật là câu chuyện Kinh Thánh này thực sự đã diễn ra trong lịch sử nhân loại, chứ không phải “chuyện ngày xửa ngày xưa” nói lên rất nhiều điều về đức tin mà chúng ta có. Nó không chỉ đơn thuần là một “cách”, một tập hợp các đức tính cần tôn trọng và tuân theo. Chẳng hạn, khi Lu-ca ghi chép lại chức vụ của Giăng và Chúa Giê-xu bằng cách kể cho độc giả những chi tiết có thể xác minh được về mặt lịch sử như hoàng đế và những người cai trị địa phương lúc đó là ai, thì ông đang mô tả điều gì đó đã thực sự xảy ra trong lịch sử nhân loại. Đức tin Cơ-đốc hoàn toàn cởi mở đối với những người hay soi xét và hoài nghi. Nó không ngại bị cân đo và thử nghiệm.

Và, cuối cùng, Kinh Thánh là cuốn sách cổ xưa được chứng thực tốt nhất, và không có sách nào khác có thể so sánh được. Kinh Thánh không phải là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, một tác phẩm hư cấu được viết để truyền cảm hứng cho chúng ta. Kinh Thánh là lời của lẽ thật. Cuốn sách mô tả thế gian đúng với thực tế của nó. Chưa hết, Kinh Thánh còn là một trong những nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhất cho những tác phẩm tuyệt vời do trí tưởng tượng của con người tạo ra.

Dịch: Hoàng Gia

Nguồn: Christianheadlines.com

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like