JERUSALEM, Israel – Chỉ cách vài dặm từ thành cổ Giê-ru-sa-lem, các nhà khảo cổ học đã khai quật được một trung tâm lưu trữ hành chính từ thời Vua Ê-xê-chia và Vua Ma-na-se có niên đại khoảng 2.700 năm trước.
Cuộc khai quật này được tiến hành bởi Cơ-quan Quản-lý Cổ-vật Israel tại khu Arnona thuộc Jerusalem.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một cấu trúc lớn bất thường được cấu thành từ những bức tường đá được cho là đã được sử dụng cho các hoạt động chính trị thời bấy giờ. Tại đây, họ phát hiện ra 12 tay cầm có khắc những con dấu bằng tiếng Hê-bơ-rơ cổ. Nhiều đồ vật trong số đó có khắc ký hiệu “LMLK” – nghĩa là “thuộc về đức vua.” Các tay cầm khác có tên của các quan chức cấp cao và những người có địa vị chủ chốt trên đó.
Các nhà khảo cổ cho rằng đây là bộ sưu tập những con dấu quan trọng nhất được tìm thấy ở Israel trong những năm gần đây. Địa điểm này được cho là nơi mà giới cai trị Do Thái đã sử dụng để thu thuế, quản lý, phân phối lương thực, thực phẩm và cũng là nơi được bao quanh bởi những khu đất nông nghiệp cùng vườn cây ăn quả.
“Di tích này có niên đại được ghi lại trong Kinh Thánh bởi những biến động như cuộc chinh phạt của người A-sy-ri – dưới sự lãnh đạo của Vua San-chê-ríp trong thời vua Ê-xê-chia. Có thể nói những con dấu biểu thị những điều khoản kinh tế của nhà nước liên quan đến sự kiện này, tuy nhiên cuộc khai quật cho thấy địa điểm này vẫn tiếp tục hoạt động sau cuộc chinh phạt của người A-sy-ri. Hơn nữa, dãy con dấu đã được đóng cho thấy hệ thống thuế vẫn không bị gián đoạn trong thời kỳ này,” Neria Sapir and Nathan Ben-Ari, giám đốc của các cuộc khai quật thay mặt cho Cơ-quan Quản-lý Cổ-vật Israel cho biết.
Các nhà nghiên cứu cho biết các con dấu chỉ ra bằng chứng cho thấy các hoạt động chính trị thời đó xảy ra ở phía nam thành Đa-vít vào thời của vương quốc Giu-đa.
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một bộ sưu tập các bức tượng nhỏ bằng đất sét tại địa điểm này.
“Một số bức tượng có hình dạng như phụ nữ, người cưỡi ngựa hay động vật. Những bức tượng này được hiểu là đồ vật dùng trong việc thờ cúng hình tượng của dân ngoại – như có chép trong Kinh Thánh, hiện tượng này rất phổ biến trong thời vương quốc Giu-đa,” Neria Sapir và Nathan Ben-Ari cho biết thêm.
Theo Kinh Thánh, Vua Ma-na-se đã thay đổi các cải cách tôn giáo mà cha ông là Vua Ê-xê-chia đã lập ra và tái thiết lập sự thờ phượng của dân ngoại ở vương quốc Giu-đa.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết thêm, “Có vẻ như ngay sau khi địa điểm này bị bỏ hoang, với sự tàn phá của vương quốc Giu-đa vào năm 586 TCN và bị lưu đày ở Ba-by-lôn, địa điểm này đã được tái định cư và hoạt động hành chính đã được tiếp tục trở lại. Trong thời gian này, hoạt động chính trị tại địa điểm này đã được kết nối với xứ Giu-đê sau sự kiện Trở Về Si-ôn vào năm 538 TCN dưới sự bảo trợ của Đế-quốc Ba Tư Achaemenid, mà sau đó đã cai trị toàn bộ vùng Cận Đông và Trung Á cổ đại.”
Theo Tiến-sĩ Yuval Baruch, nhà khảo cổ thuộc Quận Jerusalem của IAA, thì di tích này là một bức ảnh chụp ghi lại một trong những thời kỳ quan trọng nhất trong lịch sử Israel.
“Các khám phá tại Arnona đã xác định địa điểm này là một di tích quan trọng trong lịch sử những ngày cuối cùng của vương quốc Giu-đa và sự kiện Trở Về Si-ôn nhiều thập kỷ sau khi vương quốc bị phá hủy. Di tích này có liên quan đến một số địa điểm quan trọng chưa được phát hiện khác trong khu vực Jerusalem được kết nối với hệ thống hành chính tập trung của vương quốc Giu-đa từ thời đỉnh cao cho đến khi bị phá hủy,” ông chia sẻ.
Dịch: Trường Vinh
Nguồn: Cbn.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com