Home Chuyên Đề 7 Điều Bạn Có Lẽ Chưa Bao Giờ Biết Về Bức Tranh Bữa Ăn Tối Cuối Cùng

7 Điều Bạn Có Lẽ Chưa Bao Giờ Biết Về Bức Tranh Bữa Ăn Tối Cuối Cùng

by Sưu Tầm
30 đọc

Thật tuyệt vời khi nghĩ rằng sau cả một khoãng thời gian dài, bức tranh The Last Supper vẫn tiếp tục khiến cho người xem bối rối vì nhiều bí mật chưa được hiểu hết. Đây được coi là một trong những kiệt tác của Leonardo da Vinci, nhưng nó gần như không tồn tại! Bạn biết những gì về bức tranh này? Cho dù bạn dành thời gian cố gắng nhận biết tất cả các sứ đồ trong bức tranh, hay biểu hiện cảm xúc trên từng khuôn mặt của mỗi người trong khoảnh khắc Chúa Giê-xu tuyên bố một người trong số họ sẽ phản bội Ngài – thì cũng có quá nhiều thứ để ghi chép lại!

Đối với những ai không quen thuộc với sự kiện này trong Kinh Thánh, “The Last Supper” là bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê-xu cùng với các môn đồ trước khi Ngài bị đóng đinh. Để cho phù hợp với những ngày lễ của người Do Thái, nhiều người tin rằng đây là Lễ Vượt Qua của dân Do Thái để kỷ niệm ngày dân này thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Chính trong bữa ăn này, Chúa Giê-xu đã nói rằng Ngài sẽ bị một trong những môn đồ thân cận nhất phản bội (Giăng 13:21) – đây là khoảnh khắc được ghi lại trong bức tranh của da Vinci.

Leonardo da Vinci bắt đầu vẽ bức tranh nổi tiếng của mình, The Last Supper, vào năm 1495. Sau vài dự án thất bại, bức tranh này có thể đã được thực hiện chỉ đơn thuần là để có tiền “trang trãi cuộc sống.” Khi đó Leonardo đã  43 tuổi, ông nhanh chóng bị tụt lại phía sau, điều mà một số người cho rằng sớm muộn gì cũng xảy ra vì tiềm năng của ông đã cạn kiệt. Ông đã hy vọng rằng tác phẩm này sẽ xoay chuyển tình thế và ghi dấu ấn của mình vào thế giới nghệ thuật.

7. Bữa Ăn Tối Cuối Cùng – câu chuyện về một thử nghiệm thất bại trong hội họa

Khi dự án này được trao cho Leonardo da Vinci, ông chỉ mới bắt đầu vẽ tranh bích họa (tranh tường). Đây là dự án lớn nhất mà ông đã dành tâm huyết trong thời điểm đó (chính xác là 15 x 29 feet). Tuy nhiên, tác phẩm của Leonardo không thực sự là một bức bích họa. Biết mình cần thời gian để thực hiện bức tranh, ông quyết định thử nghiệm các màu vẽ trực tiếp trên thạch cao đã khô. Không giống như các bức bích họa truyền thống, ông quyết định không trộn màu trực tiếp với thạch cao đương còn ướt. Sự lựa này đã khiến bức tranh không còn ở trong tình trạng tốt nhất mà lẽ ra là nó phải được như vậy. Sơn đã bắt đầu bong tróc vào năm 1517, chưa đầy 20 năm sau khi hoàn thành!

6. Bữa Ăn Tối Cuối Cùng – thành công ngay lập tức của Leonardo da Vinci.

Leonardo có tiếng là không hoàn thành công việc của mình. Với The Last Supper, ông hy vọng sẽ tạo được tên tuổi cho mình và thực sự tạo ra một kiệt tác. Mục tiêu này đã nhanh chóng đạt được. Không giống như nhiều bức tranh nổi tiếng khác, da Vinci đã có thể thấy tầm quan trọng của tác phẩm này trong cuộc đời của mình. Khi Leonardo hoàn thành bức tranh tường này, nó ngay lập tức trở nên nổi tiếng. Nhà sử học và tác giả Ross King đã dành nhiều năm nghiên cứu về thiên tài Leonardo da Vinci.

“Đây là bức tranh được sao chép nhiều nhất trong thế kỷ tiếp theo không chỉ bằng sơn, mà còn bằng đá cẩm thạch, sáp và đất nung,” King chia sẻ.“Ai cũng muốn có một phiên bản của bức trang này. Leonardo cuối cùng đã tạo ra ‘tác phẩm nổi tiếng’ mà ông mơ ước.”

5. Bữa Ăn Tối Cuối Cùng – Tồn tại với thời gian.

Bức tranh The Last Super đã trải qua hư hại theo thời gian. Hai mươi năm sau khi hoàn thành, bức tranh bắt đầu sứt mẻ. Nhà thờ cũng không có ý giữ nó. Họ cắt một cánh cửa xuyên qua tường trực tiếp trên bức tranh làm mất đi đôi chân của Chúa Giê-xu được vẽ theo kiểu chữ thập mang ý báo trước cái chết của Ngài trên thập tự giá. Bức tranh không còn được xem là một phần quan trọng của lịch sử.

Trong chiến tranh Napoléon, quân đội đã đóng trại trong chính nhà thờ này. Ở đó, họ đã sử dụng bức tranh như một mục tiêu để tập bắn. Phần lớn gương mặt của Chúa Giê-xu đã bị thiệt hại. Khi những người bảo tồn nghệ thuật tôn giáo bắt đầu coi trọng bức tranh một lần nữa, các chế phẩm đã được thực hiện trong thời kỳ thế chiến thứ 2.

Giàn giáo và bao cát được đặt tựa vào bức tranh với hy vọng bảo vệ được nó. Những nỗ lực này tỏ ra có giá trị khi một quả bom rơi xuống gần nhà thờ đã phá hủy mái nhà và nhiều bức tường. Nhưng Bữa Ăn Tối Cuối Cùng vẫn còn đó!

4. Bữa Ăn Tối Cuối Cùng – không phải là bức tranh duy nhất

Có hai bản sao gần như chính xác của The Last Supper vẫn còn tồn tại. Được cho là được vẽ bởi các trợ lý của Leonardo, các bản sao đều được bảo quản tốt. Có lẽ họ đã chọn vẽ lại tác phẩm giống như bức bích họa ban đầu? Một bức được đặt tại Học-viện Nghệ-thuật Hoàng-gia ở Luân Đôn và bức còn lại được trang trí trong Nhà-thờ Thánh Ambrogio ở Ponte Capriasca, Thụy Sĩ.

Chính những bản sao này đã cho chúng ta một ý tưởng rằng tuyệt tác của da Vinci sẽ trông như thế nào nếu nó tồn tại trong điều kiện tốt hơn. Nhiều du khách chọn đến xem The Last Super ở Thụy Sĩ vì không muốn chịu cảnh phải xếp hàng và thời gian quy định 15 phút mỗi lượt như ở  Ý!

3. Bữa Ăn Tối Cuối Cùng – Ý nghĩa biểu tượng ở bàn chân của Chúa Giê-xu

Trong thời kỳ Phục-hưng Ý, nghệ thuật không chỉ là một trải nghiệm thị giác. Các họa sĩ thời đó được những quý tộc và nhà thờ giàu có giao nhiệm vụ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Các tác phẩm của họ phải mang tính giáo dục và tạo được ảnh hưởng cho những người xem tác phẩm. Trong trường hợp của The Last Supper, kiệt tác của da Vinci cũng không phải là ngoại lệ.

Trong khi tiền bạc có thể ảnh hưởng đến chất lượng của một tác phẩm nghệ thuật, thì tầm quan trọng của những ‘chi tiết mang tính dạy dỗ’ cũng không thể bị bỏ qua. Trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, mỗi môn đồ được sắp xếp cẩn thận ở các vị trí nhất định, hành động và biểu cảm của họ không phải là được phát họa một cách ngẫu nhiên. Leonardo đã vẽ từng chi tiết với ý tưởng tuyệt vời – trong bức tranh gốc Chúa Giê-xu được vẽ có đôi chân, cố tình để theo kiểu chữ thập để báo trước điều sắp xảy đến. Thật không may, tầm quan trọng của chi tiết này trong bức tranh đã không được xem xét kỹ khi vào năm 1652 người ta đã cắt một ô cửa ngay nửa dưới phần trung tâm của bức tranh, do vậy mà yếu tố điềm báo trước đã bị loại bỏ!

2. Bữa Ăn Tối Cuối Cùng – Mang hơi hướng Ý nhiều hơn là văn hóa Do Thái

Vì muốn tạo ảnh hưởng đến những người xem tác phẩm của mình, The Last Supper thể hiện nhiều khía cạnh văn hóa Ý hơn là văn hóa Do Thái. Để bức tranh phù hợp với những người cùng thời, da Vinci đã cẩn thận trình bày một khoảnh khắc lịch sử để mọi người dễ hiểu. Các truyền thống tôn giáo được chấp nhận tại thời điểm đó là Công-giáo. Nhiều yếu tố trong bức họa củng cố các nghi thức đức tin theo văn hóa thời đó.

Nếu tin rằng bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Giê-xu và các môn đồ là bữa ăn trong Lễ Vượt Qua, thì sẽ có những yêu cầu nghiêm ngặt về chế độ ăn uống. Những ổ bánh mì Ý tròn sẽ không có trong thực đơn. Nhưng thậm chí còn có nhiều vấn đề rõ ràng hơn mà nhiều người trong chúng ta khi liên tưởng đến câu chuyện về bữa ăn tối cuối cùng trong Kinh Thánh.

Nếu thực sự đó là một bữa ăn trong Lễ Vượt Qua, thì nó sẽ được tổ chức vào lúc hoàng hôn. Vậy thì sẽ không có ánh sáng mặt trời chiếu qua một khung cảnh rõ ràng là ở Ý chứ không phải ở Jerusalem. Có thể hiểu rằng, da Vinci muốn cho người xem nhìn thấy tất cả các môn đồ đang ngồi tại bàn – nhưng các môn đồ có vẻ như đang ngồi quanh một cái bàn thấp hình chữ U. Ngay cả những chiếc áo choàng mà các môn đồ đương mặc cũng được vẽ theo một cái nhìn rất lãng mạn thời bấy giờ.

Mặc dù không thể chứng minh được, nhưng da Vinci có lẽ đã không được yêu cầu vẽ một bữa ăn tối cuối cùng chính xác về mặt lịch sử, mà chỉ là bản chất của sự kiện. Một hình ảnh để khuyến khích tương tác và kết nối với người xem. Có lời đồn rằng da Vinci đã lang thang trên đường phố và thậm chí là các nhà tù ở Milan để tìm cảm hứng cho khuôn mặt của các môn đồ. Do đó, về bản chất đã tạo ra một hình ảnh mang phong cách Ý của thời điểm quan trọng này về cuộc sống của các môn đồ.

1. Bữa Ăn Tối Cuối Cùng – Có phải là tranh của Leonardo hay không?

Bức tranh được biết đến ngày hôm nay thực ra là tác phẩm được khôi phục của Tiến-sĩ Pinin Brambilla Barcilon được bắt đầu vào năm 1978. Chỉ có 20% chi tiết của bức tranh gốc được cho là đã tồn tại sau nhiều năm “khôi phục”. Năm 1770, Giuseppe Mazza đã vẽ lại tất cả trừ ba trong số các khuôn mặt và sau đó vào năm 1821, Stefano Barezzi, đã cố gắng chuyển toàn bộ bức tranh lên vải vẽ. Có thể hiểu, cả hai nỗ lực này đã làm tổn hại nghiêm trọng công việc khôi phục bản gốc vốn đã rất mong manh.

Mauro Pellicioli vào năm 1949 đã phục hồi đáng kể bức tranh bằng cách quét sen-lắc để cố nối lại nó. Tiến sĩ Barcilon vào năm 1970, người áp dụng công nghệ mới – X-ray đã cho thấy bức tranh trông như thế nào trước khi bắt đầu dự án phục hồi 20 năm của mình.

Mặc dù có một số tranh cãi về việc có cần thiết phải khôi phục lại bức tranh, hay liệu công nghệ X-ray có phải là phương pháp tốt nhất, tuy nhiên thật thú vị khi nhiều chi tiết nhỏ bị mất trước đây đã được phục hồi. Một quả cam ở đây, một bàn tay hoặc mảnh vải ở đó. Người ta cũng quyết định rằng những điểm nào không thể xác định 100% được vẽ bởi Leonardo thì thay vào đó nên được sơn màu be. Do đó, bức tranh Bữa Ăn Tối Cuối Cùng được thấy ngày hôm nay thực chất là kết quả của công việc suy đoán từ các chi tiết còn sót lại mà ra!

 Dịch: Hoàng Gia

Nguồn: Godupdates.com

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like