Home Dưỡng Linh Nhân Diện Chính Mình – Phần 9a: Dụ Ngôn Về Người Cha Nhân Từ

Nhân Diện Chính Mình – Phần 9a: Dụ Ngôn Về Người Cha Nhân Từ

by AdrianChua
30 đọc

Trong Lu-ca 15:11-32 (BTT), chúng ta có một câu truyện trong Kinh Thánh thường được biết đến với cái tên “Thí dụ về người Con trai hoang đàng”. Tuy nhiên, chúng ta sẽ nhắc đến nó ở đây như là “Thí dụ về Người Cha nhân từ”.

Trong thí dụ này, ta nhìn thấy sự tương phản giữa hai người con trai sống cùng với người cha nhân từ. Tiếc thay, một người thì nghĩ rằng mình chẳng cần cha, còn người kia lại coi như thể mình không có cha. Người con trai ở vế đầu thì nổi loạn, người con trai còn lại thì sốt sắng, nhưng chẳng một người con nào hiểu tấm lòng của người cha nhân từ.

Người Con Trai Nổi Loạn

Lúc ở nhà, người con trai thứ nhì nghĩ rằng mình đang bỏ lỡ những thú vui ở trần gian. Cũng như nhiều Cơ Đốc nhân nghĩ rằng khi đeo đuổi một đời sống thánh khiết và trở nên môn đồ trọn vẹn, họ sẽ bỏ lỡ quá nhiều những gì thế gian có thể mang lại. Bởi đó, người con trai này quyết định đòi phần tài sản của mình để anh ta có thể tận hưởng cuộc đời mình. Gia tài là thứ thường được phân chia khi một người đã cận kề với cái chết, vì vậy, bằng hành động của mình, người con trai thứ nhì chẳng khác gì đang nói rằng anh ta ước cha mình chết đi. Trên thực tế, anh ta đang nói rằng: “Hãy cho con những gì thuộc về con vì con muốn sống ngoài ý muốn của cha” – ấy là người con trai này đang tuyên bố về quyền độc lập khỏi cha mình.

Theo như luật Môi-se, người con trai này đáng lí phải bị xử chết.

Phục Truyền 21:18-21 (BTT) – “Khi ai có một đứa con khó dạy và bội nghịch, không nghe theo lời cha mẹ, và mặc dầu bị trừng trị, nó vẫn không khứng vâng lời, thì cha mẹ phải bắt nó dẫn đến trước mặt các trưởng lão của thành mình, tại nơi cửa thành. Đoạn, cha mẹ sẽ nói cùng các trưởng lão của thành mình rằng: Nầy con chúng tôi khó dạy và bội nghịch, không vâng lời chúng tôi, làm kẻ hoang đàng say sưa. Bấy giờ, chúng dân thành ấy sẽ ném đá cho nó chết; như vậy ngươi sẽ cất sự ác khỏi giữa mình, và cả Y-sơ-ra-ên sẽ hay điều đó mà sợ”.

May cho người con trai này, anh ta có một người cha kiểu khác, một người cha nhân từ, yêu thương, khoan dung và giàu lòng thương xót, biết rõ rằng đứa con trai vô trách nhiệm của mình sẽ phung phí tiền của.

Đứa con trai ích kỷ chỉ biết đến bản thân mình. Anh chẳng bao giờ nghĩ rằng cha anh sẽ đau buồn vì nhớ và lo lắng cho con mình. Ngay cả việc quay trở về nhà cũng chẳng vì cha mình nhưng là bởi mạng sống của bản thân. Anh đã chẳng bao giờ thấy được tấm lòng mong mỏi, thương yêu của người cha.

Cũng như anh chàng này, hầu hết mọi Cơ đốc nhân không thể thấy được rằng Đức Chúa Trời mong mỏi và vui mừng vì cớ chúng ta. Sau tất cả, Ngài đã tạo dựng và sở hữu vạn vật. Ngài đáng lẽ có thể tạo ra bất kì thứ gì làm Ngài hài lòng, để Ngài tự mình tận hưởng đời đời. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho ta biết rằng Ngài mong mỏi mỗi một chúng ta, như thể ta là người bạn, đứa con, hay thậm chí là người tình.

Giăng 4:23 (BTT) – “Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy”.

Đức Chúa Trời đang kiếm tìm một tình yêu đích thực giữa con cái Ngài.

Chúa Cũng Là Một Người Chồng Ghen Tuông

Gia-cơ 4:5 (BTT)“Hay là anh em tưởng Kinh Thánh nói vô ích sao? Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời khiến ở trong lòng chúng ta, ham mến chúng ta đến nỗi ghen tương”.

“Đến nỗi ghen tương” – Đây là một cảm giác mãnh liệt, mong mỏi như cặp tình nhân mong mỏi khi phải xa cách nhau hoặc như nỗi mong nhớ của một người khi người kia đã không còn trên cõi đời này. Chúa mong mỏi chúng ta đến nỗi Ngài muốn chúng ta biết rằng: “anh em há chẳng biết làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao?Gia-cơ 4:4 (BTT)

Đức Chúa Trời tha thiết với mối quan hệ giữa Ngài với chúng ta. Ngài không bị động với tình yêu của Ngài với chúng ta, Ngài yêu chúng ta đến nỗi ghen tuông.

Xuất 34:14  (BTT) – Vì ngươi đừng sấp mình xuống trước mặt chúa nào khác, bởi Đức Giê-hô-va tự xưng là Đức Chúa Trời kỵ tà; Ngài thật là một Đức Chúa Trời kỵ tà vậy”.

Ghen tuông không chỉ là một đặc tính của Đức Chúa Trời, nhưng đó là còn là danh xưng của Ngài.

Động từ “Ghen” thường hay được nhắc tới với nghĩa tiêu cực. Nó thường được liên hệ tới tinh thần thèm muốn, ghen tị, phẫn uất và ghen ghét với người có thứ ta muốn mà không có được. Kinh Thánh liệt loại ghen tuông tiêu cực này như là một tội.

 Ga-la-ti 5:26 (BTT)“Chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ghen ghét nhau”.

I Phi-e-rơ 2:1 (BTT) “Vậy anh em đã từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian giảo, mọi thứ giả trá, lòng ghen ghét và sự nói hành”.

Tại sao cái ghen của chúng ta lại xấu xa trong khi cái ghen của Chúa lại là tốt lành? Tại sao cái ghen của chúng ta là tội trong khi cái ghen của Đức Chúa Trời lại là thánh?

Ghen Của Con Người Với Ghen Của Chúa

Ghen của con người thường xuất phát bởi lòng ghen tị hoặc “lòng tham muốn chiếm đoạt thứ không phải là của mình”. Tuy nhiên, ghen của Đức Chúa Trời xuất phát bởi sự sốt sắng của Ngài, bởi “lòng khao khát sở hữu và bảo vệ thứ thuộc quyền sở hữu của Ngài”.

Là một người chồng, nếu ta biết người nào đó đang lợi dụng vợ mình, ta sẽ tìm mọi cách để bảo vệ và giữ gìn hôn nhân của mình một cách ghen tuông. Lòng ghen tuông của chúng ta xuất phát bởi lòng sốt sắng bảo vệ và gìn giữ người thuộc về chúng ta. Nếu ta không ghen, vậy thì ta có thể dùng điều gì để làm thông điệp gửi đến vợ mình? Điều đó chẳng khác nào ta đang nói rằng ta không yêu vợ mình đủ để đấu tranh vì người vợ và bảo vệ mối quan hệ này. Cũng như chúng ta là những người chồng không muốn chia sẻ vợ mình với người khác, Đức Chúa Trời cũng không muốn chia sẻ chúng ta với một ai hay một điều gì khác. Ngài chính là Đấng tạo dựng nên chúng ta. Chúng ta thuộc về Ngài.

Là một Cơ đốc nhân, chúng ta đã bước vào một “mối quan hệ kết ước” với Đức Chúa Trời, nghĩa là chúng ta đang thực sự “kết hôn với Đức Chúa Trời”. Chúng ta thấy mối “hôn nhân” này được minh họa trong Tân Ước giữa Đấng Christ, là người chồng và Cô dâu của Ngài là Hội Thánh, nghĩa là chúng ta. Khi Chúa thấy ai đó hoặc thứ gì đó cố xen giữa Ngài và chúng ta, sự ghen tuông chính đáng của Ngài sẽ chỗi dậy, bởi ta thuộc về Ngài và Ngài ghen để bảo vệ và gìn giữ mối quan hệ giữa Ngài với chúng ta.

Ghen tuông của Chúa dành cho chúng ta chứng tỏ rằng Ngài thật sự yêu chúng ta. Chúa vô cùng đau đớn khi nhìn thấy dân Ngài thờ phượng những thần tượng không hề yêu họ, quan tâm, giúp đỡ, lắng nghe, dõi theo hoặc làm bất cứ điều gì cho họ.

Chúng ta nên dò xét tấm lòng mình – liệu có ai hoặc thứ gì đã xen giữa ta với Chúa? Nếu có, chúng ta phải quyết định ngay ngày hôm nay điều mình phải làm.

Đức Chúa Trời của chúng ta là một Đức Chúa Trời ghen tuông! Ngài yêu chúng ta đến nỗi ghen tuông.  

Ý nghĩa của thí dụ không chỉ là về một đứa con trai mất đi tài sản nhưng còn là về nỗi đau mất con của người Cha. Nhận biết được tình yêu của Đức Chúa Trời mang một ảnh hưởng sâu sắc đến nhân thân của ta trong Đấng Christ. Nhiều người trong chúng ta không được an ninh trong nhân thân của ta trong Christ bởi vì chúng ta không an ninh trong tình yêu của Chúa.

Nguyện Chúa ban phước cho bạn!

Dịch: H.U

Tác giả: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like