Home Chuyên Đề Chữa Lành Đứa Trẻ Bên Trong Bạn – Phần 12: Thiết lập những ranh giới và học cách buông tay

Chữa Lành Đứa Trẻ Bên Trong Bạn – Phần 12: Thiết lập những ranh giới và học cách buông tay

by AdrianChua
30 đọc

1. Thiết lập những ranh giới

Khi nói đến những ranh giới, chúng ta nghĩ đến những hạn chế. Những ranh giới cho chúng ta nhận thức về những phần của chúng ta và những phần không phải của chúng ta, những gì chúng ta được phép làm và không được phép làm, những gì chúng ta sẽ chọn làm và không. Điều này dẫn đến trách nhiệm và tình yêu thương. Ngược lại là sự vướng bận hoặc đồng phụ thuộc vào con người.

Nạn nhân của chứng đồng phụ thuộc (Co-dependence) bị lệ thuộc vào người khác trong thang giá trị về lòng tự trọng và nhận thức về bản thân. Họ mất khả năng nói “có” hoặc “không” vào đúng thời điểm, dẫn đến việc mất hoàn toàn sự kiểm soát, cũng như sự quyết đoán và trung thực với cảm nhận của chính mình. Họ đơn giản trở thành một tấm thảm chùi chân để người khác khai thác ích lợi và áp chế tất cả cảm xúc của họ. Họ dường như không có bất kỳ nhu cầu, khao khát hay mong muốn nào; và trao lại những nhu cầu, khao khát hay mong muốn cho người khác.

Học cách quyết đoán là một phần quan trọng của sự phục hồi vì nó gắn liền với những vấn đề về nhận diện và lòng tự trọng. Sự quyết đoán không phải là tính hiếu chiến và thiếu tôn trọng. Trên thực tế, những người quyết đoán thu hút sự quan tâm và sự tôn trọng của người khác. Nó cũng không trái ngược với đạo đức Cơ đốc khi đặt ra những quyền hạn với sự trung thực. Đó là “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Ê-phê-sô 4:15), đó là nói “có” hoặc “không” khi cần thiết và đó là một phần quan trọng của sự phục hồi, không chỉ đối với sự đồng phụ thuộc mà còn nhiều trường hợp khác.

2. Buông tay

Thi-thiên 46:10 chép rằng, “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời”.

Những nạn nhân của chứng đồng phụ thuộc có xu hướng gánh lấy nan đề của người khác trên đôi vai mình và cố gắng giải quyết cho họ. Tuy nhiên, điều này chỉ khuyến khích sự phụ thuộc cao hơn và ngăn trở người khác vượt qua nan đề của chính họ. Buông tay khỏi phần trách nhiệm của người khác là điều cần thiết, hãy ngưng kiểm soát, thao túng người khác và giao phó cho Đức Chúa Trời săn sóc họ. Thật, chúng ta không có khả năng biến đổi bất kỳ người nào!

Người đau khổ với căn bệnh đồng phụ thuộc không ngừng tìm cách thay đổi người khác, đặc biệt là những người gần gũi với họ. Sự thật là không ai có thể thay đổi người khác. Thật khó để thay đổi chính mình, nói gì đến việc thay đổi người khác.

Cảm xúc đau buồn là tốt và cần thiết vì nó giải phóng cảm xúc chúng ta theo hướng lành mạnh. Tuy nhiên, kéo dài nỗi đau thì không có lợi. Sự thất bại trong việc giải phóng khỏi trạng thái tinh thần của sự mất mát ai hay điều gì đó hoặc một kỳ vọng không thành có thể trở nên một chiếc bóng bao trùm lên nhân cách và ảnh hưởng đến diện mạo của chúng ta.

Trong thế giới bất toàn này, chúng ta phải học cách chấp nhận những mất mát. Những người không làm được điều này sẽ mang lấy thương tổn trong tấm lòng cho đến suốt đời.

Chúa Giê-xu phán “sự gây nên phạm tội phải có” (Ma-thi-ơ 18:7). Cách chúng ta quan tâm hoặc phản ứng với các hành vi vấp phạm quyết định liệu chúng ta có trở nên tốt hơn hoặc cay đắng hơn vào thời điểm cuối cùng. Thật không may cho một số người trong chúng ta, khi Sa-tan tấn công, chúng khiến sự việc trở nên tệ hơn bằng cách tác động đến phần tổn thương của chúng ta và rồi chính chúng ta lại là người cắm mũi lao đó vào sâu hơn. Chúng ta đã làm điều đó thế nào đối với sự tổn thương về mặt cảm xúc? Bằng cách chú ý đến những tổn thương nhiều hơn là những gì chúng ta cần. Vô hình trung chúng ta càng nhìn vào nỗi đau của mình, càng thấy mình đáng thương hơn. Chẳng mấy chốc, chúng ta tin rằng mình là nạn nhân của cả thế giới – hoàn toàn bị lạm dụng và bị đánh bại. Sau đó, việc một bệnh nhân đang mắc kẹt trong chính căn bệnh của mình tìm cách giúp đỡ một tâm hồn đau khổ khác là điều không thể.

Chính những vấn đề thường không làm tổn thương chúng ta nhiều như sự căng thẳng, lo lắng dồn nén trong những trường hợp trên. Tuy nhiên, giữa tất cả những chấn thương này, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một lời hứa tuyệt vời để chúng ta có thể nương cậy vào: “Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta … đặng ban mão hoa cho kẻ buồn rầu ở Si-ôn thay vì tro bụi” (Ê-sai 61:1-3). Thật vậy, chúng ta, những người thừa kế lời hứa của Đức Chúa Trời được đảm bảo sự can thiệp của Ngài trong cuộc sống để biến đổi mọi tình huống tồi tệ như đống tro tàn trở nên một tuyệt tác vĩ đại. Đây thật là lẽ thật nhưng lại thường bị chúng ta lãng quên! Từ “lẽ thật” trong tiếng Hy Lạp là “aletheia,” nghĩa đen là “không lãng quên.” Biết lẽ thật nghĩa là ghi khắc nó. Ghi nhớ lẽ thật khiến chúng ta tự do. Chúng ta phải biết và giữ vững những lời hứa của Đức Chúa Trời để có thể hoàn thành cuộc đời trên đất này cách đắc thắng. Trong nơi tăm tối vẫn có kho báu, và kho báu chỉ được tìm thấy tại nơi giấu kín. Vậy, thay vì trải nghiệm cuộc sống cách đắng cay, chúng ta hãy thâu góp thật nhiều “vật báu chứa trong nơi tối, của cải chứa trong nơi kín”(Ê-sai 45:3) để tránh khỏi những thất bại đớn đau như bao người không nhận biết Chúa vì họ không có quyền công bố những lời hứa của Đức Chúa Trời trên đời sống mình. Hãy nhớ rằng, mọi việc Đức Chúa Trời sẽ làm “đều là tốt lành trong thì nó”(Truyền đạo 3:11).

Dịch: Someone

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like