Home Dưỡng Linh Kính Sợ Chúa – Phần 13: Tại sao sự Kính Sợ Chúa tồn tại trong Thân Thể Đấng Christ ?

Kính Sợ Chúa – Phần 13: Tại sao sự Kính Sợ Chúa tồn tại trong Thân Thể Đấng Christ ?

by AdrianChua
30 đọc

Nhiều tín hữu có thể cười và chế giễu sự dạy dỗ về sự kính sợ Đức Chúa Trời, vì quan niệm của họ về Chúa là người Cha nhân từ và giàu lòng yêu thương và Chúa Giê-xu là một Đấng cứu thế và cũng là một người bạn hữu. Với họ, Đức Chúa Trời là tình yêu thương, đầy quyền năng mạnh mẽ để giúp đỡ và giải cứu, trong khi Chúa Giê-xu là người bạn tốt nhất, giúp đỡ và hướng dẫn khi ta tâm sự với Người. Mặc dù đây là một quan niệm đúng đắn và tuyệt vời về Đức Chúa Trời, nhưng đây chưa phải là quan niệm hoàn chỉnh của Chúa Ba Ngôi. Đức Chúa Trời là Cha, Đấng cứu thế và người bạn tốt của chúng ta, nhưng Ngài cũng là Đấng sáng tạo muôn loài, người Thầy, Vua của muôn vua và cuối cùng là Đấng công bình mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong sự đời đời. Sứ đồ Phi-e-rơ đã nói về những Cơ đốc nhân có một người “Cha” là người phán xét mỗi người theo việc họ làm, và kết quả là chúng ta phải lấy lòng kính sợ mà ăn ở trong thời kỳ ở trọ đời nầy (I Phi-e-rơ 1: 17).

“17 Nếu anh em xưng Đấng không tây vị ai, xét đoán từng người theo việc họ làm, bằng Cha, thì hãy lấy lòng kính sợ mà ăn ở trong thời kỳ ở trọ đời nầy”.

Kinh Thánh cũng nói với chúng ta rõ ràng rằng chúng ta cần phải có một sự khao khát mãnh liệt để hiểu được sự kính sợ Chúa và thực sự tìm thấy sự hiểu biết về Chúa.

Chăm Ngôn 2: 1-5 chép rằng

 “1 Hỡi con, nếu con tiếp nhận lời ta,

 Dành giữ mạng lịnh ta nơi lòng con,

 2 Để lắng tai nghe sự khôn ngoan,

 Và chuyên lòng con về sự thông sáng;

 3 Phải, nếu con kêu cầu sự phân biện,

 Và cất tiếng lên cầu xin sự thông sáng,

 4 Nếu con tìm nó như tiền bạc,

 Và kiếm nó như bửu vật ẩn bí,

 5 Bấy giờ con sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va”.

Sự kính sợ Chúa là một phản ứng mạnh mẽ đối với sự vĩ đại của Đức Chúa Trời đến nỗi chúng ta khó có thể đưa ra một định nghĩa chính xác. Tuy nhiên, khi chúng ta càng ngày càng học biết về Ngài, chúng ta sẽ hiểu sâu sắc về sự uy nghi của Ngài, giúp cho chúng ta có tấm lòng muốn tuân theo sự công bình theo tiêu chuẩn của Ngài, từ chối bất kỳ thói hư tật xấu nào từ thế gian tiến vào thân thể của chúng ta. Chúng ta sẽ hoàn toàn hạ mình và bị đánh thức bởi sự hiện diện thánh khiết của Ngài và khiến đầu gối chúng ta phải hạ xuống trước mặt Ngài. Ngài là Đấng sáng tạo còn chúng ta là những tạo vật. Ngài là Thầy và chúng ta là những học trò.

Một trong bốn lần là mà cụm từ “ kính sợ Đức Chúa Trời” được sử dụng trong Kinh Thánh có liên hệ với sự vâng lời của chúng ta. Phục truyền luật lệ ký 10:12 đã liên kết sự kính sợ, tình yêu và sự vâng lời với nhau. Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng: “Vậy, hỡi Y-sơ-ra-ên, bây giờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đòi ngươi điều chi? Há chẳng phải đòi ngươi kính sợ Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, đi theo các đạo Ngài, hết lòng hết ý kính mến và phục sự Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi”.

Môi-se đã nhắc đến ba điều trong sự kính sợ Chúa là bước đi trong sự vâng lời, kính mến và phục vụ Ngài ở cùng trong một đoạn. Và với cách các từ này được sử dụng, gần như các từ này có thể thay thế cho nhau.

Chẳng hạn, một đứa trẻ sợ bị phạt khi không vâng lời ba mẹ, nhưng dẫn dắt nỗi sợ hãi đó là nhận thức sự bất tuân sẽ làm tổn thương đến cha mẹ, và đứa trẻ sẽ không dám bất tuân vì đứa trẻ yêu thương và tôn trọng cha mẹ mình và không muốn làm tổn thương họ. Đây là nỗi sợ đúng đắn mà chúng ta nên có. Nói một cách đơn giản, sự kính sợ Chúa là sự tôn kính sâu sắc đối với Ngài khiến chúng ta muốn làm đẹp lòng Ngài bằng mọi giá.

Sự kính sợ Chúa sẽ thúc đẩy một đời sống thánh khiết. Người thực sự yêu mến và tôn trọng Chúa sẽ không làm bất cứ điều gì mang lại sự bất kính, hay làm điều tổn thương đến tấm lòng của Chúa. Những người thực sự kính sợ Chúa sẽ chạy trốn khỏi cái ác.

Thiếu đi sự mặc khải của Chúa

Trong sách Khải Huyền 1: 12-17 có chép

“12 Bấy giờ tôi xây lại đặng xem tiếng nói với tôi đó là gì; 13 vừa xây lại, thấy bảy chân đèn bằng vàng, và ở giữa những chân đèn có ai giống như con người, mặc áo dài, thắt đai vàng ngang trên ngực. 14 Đầu và tóc người trắng như lông chiên, trắng như tuyết; mắt như ngọn lửa;15 chân như đồng sáng đã luyện trong lò lửa, và tiếng như tiếng nước lớn.16 Tay hữu người cầm bảy ngôi sao; miệng thò ra thanh gươm nhọn hai lưỡi, và mặt như mặt trời khi soi sáng hết sức.

17 Vừa thấy Người, tôi ngã xuống chân người như chết; nhưng Người đặt tay hữu lên trên tôi, mà rằng: Đừng sợ chi, ta là Đấng trước hết, và là Đấng sau cùng”.

Giăng đã sống với Chúa Giê-xu hơn ba năm và thậm chí có đặc ơn dựa đầu vào ngực Chúa Giê-xu và gọi chính mình là “môn đệ được Chúa Giê-xu yêu quý”. Tuy nhiên, khi nhìn thấy Chúa Giê-xu trong vinh quang của một vị thần, Giăng đã kinh ngạc thất kinh và ngã xuống dưới chân Ngài như thể đã chết. Nhưng thật thú vị là đây không phải là lần đầu tiên Giăng nhìn thấy Chúa Giê-xu trong vinh quang của Ngài. Chúa Giê-xu đã hóa hình và để lộ vinh quang của Ngài trước đó, cùng với Môi-se và Ê-li  được chép trong sách Ma-thi-ơ 17:1-7:

 “1 Khỏi sáu ngày, Đức Chúa Jêsus đem Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng là em Gia-cơ, cùng Ngài đi tẽ lên núi cao.2 Ngài biến hóa trước mặt các người ấy, mặt Ngài sáng lòa như mặt trời, áo Ngài trắng như ánh sáng. 3 Nầy, có Môi-se và Ê-li hiện đến, nói chuyện cùng Ngài… 5 Đang khi người còn nói, bỗng chúc có một đám mây sáng rực che phủ những người ở đó; và có tiếng từ trong mây phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường; hãy nghe lời Con đó! 6 Khi môn đồ nghe tiếng ấy, thì té sấp mặt xuống đất, và sợ hãi lắm. 7 Song Đức Chúa Jêsus lại gần, rờ môn đồ mà phán rằng: Hãy đứng dậy, đừng sợ! 8 Môn đồ bèn ngửa mặt lên, thì chỉ thấy một mình Đức Chúa Jêsus mà thôi. ”

Tuy nhiên trong sách Khải Huyền, khi Chúa Giê-xu hóa hình vinh quang của Ngài cho Giăng một lần nữa thì sự kính sợ của Giăng càng tăng thêm tới tột độ. Tại sao lại như vậy?

Lý do rất đơn giản. Sự học biết lời của Chúa càng lớn thì chúng ta càng nhận biết Chúa trong sự tuyệt vời và uy nghi của Ngài, chúng ta càng khiêm nhường trước Chúa thì chúng ta càng kính sợ trước Chúa. Đôi khi sự hiểu biết của chúng ta về Chúa quá nông cạn đến nỗi chúng ta có xu hướng quá quen thuộc với Chúa và không thể hiện sự kính sợ đến Ngài.

Dịch: Hoàng Gia

Nguồn: Arian Chua

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like