Home Chuyên Đề DNA, Điềm Cáo Chung Đối Với Thuyết Tiến Hóa – Phần 1: Những phát hiện đáng kinh ngạc về DNA

DNA, Điềm Cáo Chung Đối Với Thuyết Tiến Hóa – Phần 1: Những phát hiện đáng kinh ngạc về DNA

by Viethungpham.com
30 đọc

Tóm tắt: Tiến sĩ Meyer coi những khám phá về DNA như cái gót Achilles của thuyết tiến hóa. Ông nhận xét: “Các nhà tiến hóa vẫn cố áp dụng tư duy của Darwin trong thế kỷ 19 vào hiện thực của thế kỷ 21, nhưng tư duy ấy không còn thích ứng được nữa… Tôi nghĩ cuộc cách mạng thông tin xẩy ra trong sinh học đang gióng lên hồi chuông báo tử đối với học thuyết Darwin và các lý thuyết tiến hóa hóa học”. 
Đó là một trích đoạn từ bài báo “DNA, mật mã nhỏ xíu đang lật đổ thuyết tiến hóa” của Mario Seiglie. PVHg’s Home hân hạnh giới thiệu với độc giả.

LỜI GIỚI THIỆU CỦA DỊCH GIẢ

Nguyên văn đầu đề bài báo của Mario Seiglie, công bố ngày 21/05/2005 trên trang mạng Beyond Today, là “DNA, the tiny code that’s toppling evolution” (DNA, mật mã nhỏ xíu đang lật đổ thuyết tiến hóa). Nguồn bài báo:

DNA, the tiny code that’s toppling evolution

Cảm hứng với câu nói của tiến sĩ Meyer, tôi mạn phép lấy câu nói của ông làm tiêu đề cho bản lược dịch bài bào của Mario Seiglie là “DNA, điềm cáo chung đối với thuyết tiến hóa”.

Trong bản lược dịch này, tôi lược bớt vài chi tiết không liên quan trực tiếp đến khoa học, đồng thời đôi chỗ lại bổ sung thêm “ý kiến người dịch” bằng chữ mầu xanh trong ngoặc vuông, nhằm giải thích hoặc bình luận vấn đề cho rõ hơn.
Xin trân trọng giới thiệu với độc giả bài báo của Mario Seiglie thông qua bản lược dịch dưới đây.

CHÚ Ý: Toàn bộ các bài viết về SINH HÓA (bao gồm Thuyết Tiến hóa) trên trang PVHg’s Home (viethungpham.com) đã được sắp xếp đầy đủ theo thứ tự thời gian tại địa chỉ sau đây:

True Biology: Nền Sinh học chân chính

DNA, ĐIỀM CÁO CHUNG ĐỐI VỚI THUYẾT TIẾN HÓA

Tác giả: Mario Seiglie
Người dịch: Phạm Việt Hưng

Khi các nhà khoa học thám hiểm vũ trụ bên trong tế bào, họ đã khám phá ra những hệ thông tin phức tạp hơn bất kỳ cỗ máy nào do con người nghĩ ra. Làm thế nào mà các nhà khoa học đi tới khám phá đó, và điều ấy có ý nghĩa gì đối với thuyết tiến hóa?

Năm 1953, James Watson và Francis Crick đạt được một thành tựu phi thường – khám phá ra cấu trúc di truyền nằm sâu bên trong hạt nhân tế bào. Vật liệu di truyền này được gọi là DNA, viết tắt của cụm từ deoxyribonucleic acid (tiếng Pháp là ADN).

Việc khám phá ra cấu trúc xoắn kép của phân tử DNA đã mở cửa cho các nhà khoa học lao vào nghiên cứu mật mã được cài đặt trong đó. Đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khám phá đầu tiên, mật mã của DNA đã được giải, mặc dù còn nhiều phần vẫn chưa hiểu rõ.

Những gì đã được khám phá chứa đựng những gợi ý sâu xa đối với thuyết tiến hóa của Darwin – lý thuyết được dạy tại các trường học trên khắp thế giới, trong đó nói rằng mọi thực thể sống đã tiến hóa thông qua biến dị và chọn lọc tự nhiên.

Những phát hiện đáng kinh ngạc về DNA

Khi các nhà khoa học bắt đầu giải mã phân tử DNA của người, họ tìm thấy một sự thật hết sức bất ngờ – một ngôn ngữ tinh tế bao gồm 3 tỷ chữ cái thuộc hệ di truyền. Tiến sĩ Stephen Meyer, giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa tại Viện Discovery ở Seattle, Washington, nói: “Một trong những khám phá phi thường nhất của thế kỷ 20 là: DNA quả thật có chứa đựng thông tin – những chỉ dẫn chi tiết để lắp ráp proteins – dưới dạng một mã số bốn chữ cái” [1].

Khó mà đo lường chính xác số lượng thông tin trong DNA của người, nhưng ước lượng nó tương đương với 12 bộ bách khoa toàn thư Britannica, gồm 384 cuốn sách dầy cộp lấp đầy 15m giá sách trong thư viện!

Nhưng kích thước thực tế của vật chất chứa đựng chúng lại nhỏ xíu – tất cả chỉ chứa trong 2 phần triệu mimimét chiều dầy – và theo nhà sinh học phân tử Michael Denton, một thìa café DNA có thể chứa toàn bộ thông tin cần thiết để tạo ra proteins của tất cả các loài sinh vật có mặt trên trái đất từ trước tới nay, và vẫn còn đủ chỗ để chứa toàn bộ thông tin trong mọi cuốn sách đã được viết.

Vậy ai hoặc cái gì có thể làm cái công việc vĩ đại là thu nhỏ kích thước của vật chất chứa đựng khối lượng thông tin khổng lồ như thế, rồi đặt số lượng khổng lồ các “chữ cái” đó vào trong một chuỗi thích hợp của chúng như một cẩm nang chỉ dẫn di truyền? Liệu sự tiến hóa liên tục dần dần từng tí một như Darwin nói có thể tạo ra một hệ thống kỳ diệu như thế không?

DNA chứa đựng ngôn ngữ di truyền

Trước hết hãy xem xét một số đặc điểm của “ngôn ngữ” di truyền. Để một hệ thống tín hiệu được gọi là một ngôn ngữ, nó phải thỏa mãn các điều kiện sau đây: có một hệ chữ cái hoặc mã + có một cách đánh vần chính xác + có một ngữ pháp (một cách sắp xếp thích hợp của từ ngữ) + có ý nghĩa (ngữ nghĩa) + và có một mục đích có dụng ý.

Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng mã di truyền có tất cả các điều kiện trên. Tiến sĩ Stephen Meyer giải thích: “Khu vực mã hóa của DNA có những tính chất thích đáng giống y như mã hoặc ngôn ngữ computer”.

Ngoài mã của DNA, chỉ có duy nhất một loại mã khác được coi là ngôn ngữ thực sự, đó là ngôn ngữ của con người. Mặc dù loài chó biết sủa khi chúng nhận thấy nguy hiểm, loài ong vo ve để báo cho nhau biết một nguồn thức ăn, loài cá voi phát ra âm thanh,… đó là vài thí dụ về sự thông tin liên lạc của các loài khác, nhưng không có loài nào có đủ các điều kiện của một ngôn ngữ thực sự. Những thông tin ấy chỉ được xem như những tín hiệu liên lạc bậc thấp.

Những dạng thông tin liên lạc bậc cao chỉ bao gồm ngôn ngữ của con người + ngôn ngữ nhân tạo (ngôn ngữ computer, tín hiệu Morse,…) + và mã di truyền. Ngoài ra không tìm thấy một hệ thông tin liên lạc nào khác thỏa mãn những đặc trưng cơ bản của một ngôn ngữ đích thực.

Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft, nhận định: “DNA giống như một chương trình phần mềm, chỉ khác là nó vô cùng phức tạp hơn rất nhiều so với bất kỳ phần mềm nào do con người tạo ra từ trước tới nay”.

Vậy, bất kể thời gian kéo dài chừng nào, bất kể bao nhiêu biến dị và chọn lọc tự nhiên diễn ra như thế nào, liệu có thể có một chương trình nào rắc rối phức tạp hơn cái chương trình phức tạp nhất chạy trên một “siêu-computer” là DNA được chế tạo ra một cách ngẫu nhiên thông qua tiến hóa không?

Ngôn ngữ của DNA không phải là phân tử DNA

Những nghiên cứu hiện nay trong lý thuyết thông tin đã đi đến một số kết luận làm ngỡ ngàng, rằng thông tin không thể xem như một dạng vật chất hoặc năng lượng. Vật chất và năng lượng chuyển tải thông tin, nhưng chúng không phải là bản thân thông tin.

Chẳng hạn cuốn sách Iliad của Homer chứa đựng thông tin, nhưng phải chăng nó chính là thông tin mà nó chứa đựng? Không, vật chất làm nên quyển sách – giấy + mực + keo dính – chứa đựng nội dung của quyển sách, nhưng chúng chỉ là những phương tiện chuyển tải nội dung đó.

Nếu thông tin trong sách được nói ra thành âm thanh, hoặc được viết ra trên giấy, hoặc được ghi lại dưới dạng điện tử trong một computer, thông tin vẫn không thay đổi, vì nó không phụ thuộc vào phương tiện vật chất chuyên chở nó. Giáo sư Phillip Johnson nói: “Thật vậy, nội dung của bản thông điệp độc lập với cấu tạo vật lý của môi trường truyền thông tin”

Nguyên lý tương tự cũng tìm thấy trong mã di truyền. Phân tử DNA chuyên chở ngôn ngữ di truyền, nhưng bản thân ngôn ngữ ấy độc lập với vật chất chuyên chở nó. Thông tin di truyền ấy có thể được viết trong một cuốn sách, hoặc chứa trong một đĩa compact hoặc được gửi qua internet, nhưng nội dung của bản thông điệp không thay đổi bởi phương tiện chuyển tải nó.

Nhà sinh học George Williams giải thích: “Gene là một gói thông tin, thay vì một vật thể. Một mô hình của những cặp ba-zơ trong một phân tử DNA chỉ rõ một gene. Còn phân tử DNA chỉ là môi trường chuyên chở chứ không phải là bản thông điệp mà nó chuyên chở”.

(Còn tiếp)

Nguồn: Viethungpham.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

DNA, Điềm Cáo Chung Đối Với Thuyết Tiến Hóa – Phần 2: Thông tin trong DNA đến từ một nguồn trí tuệ siêu việt

DNA, Điềm Cáo Chung Đối Với Thuyết Tiến Hóa – Phần 3 và hết: Chúa dựng nên con người cách đáng sợ lạ lùng

Bình Luận:

You may also like