Home Chuyên Đề Cơ Đốc Nhân Ăn Tết

Cơ Đốc Nhân Ăn Tết

by Ân Điển
30 đọc

Vào cuối năm âm lịch, các nhà thờ lại rộn ràng chưng dọn cành đào, cành mai để đón Xuân. Năm nay cũng thế, Tết Việt Nam của Cơ đốc nhân có gì khác so với những người Việt Nam chưa biết Chúa? Chúng ta, những người tin Chúa có bỏ truyền thống từ bao đời của người Việt ta như thường hay hiểu lầm đó không?

Cơ đốc nhân cũng ăn Tết như tất cả mọi người. Chúng ta cũng sắm sửa, quét dọn, chưng bày. Câu:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,

Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Nói lên cho chúng ta biết bao nhiêu điều đặc biệt trong ngày Tết Việt Nam. Thịt mỡ và dưa hành là điều chắc chắn nhà ai cũng có. Chỉ khác có một điều, thịt mỡ ở miền Bắc ngoài nồi thịt ba rọi hay nạc đùi kho trứng, còn có nồi thịt đông mà trong đó, nước và mỡ ra từ da lợn đông cứng lại cùng với những miếng nấm mèo đen, miếng thịt trắng lẫn lộn … là đặc biệt hơn trong miền Nam. Dưa hành thì nhiều loại biến thiên khác nhau, từ dưa hành màu đỏ thật thơm, củ kiệu trắng, dưa tỏi trắng, dưa cải xanh còn hăng mùi cải bẹ xanh, dưa tiêu hạt xanh, cho đến dưa ớt đỏ và xanh cay xé họng. Và dĩ nhiên cách làm dưa ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều có những cái khác nho nhỏ tạo nên cái hương vị đặc trưng của thói quen ăn uống từng miền. Và Cơ đốc nhân chúng ta cũng đón Tết với thịt mỡ, dưa hành như thế.

Còn về câu đối đỏ, tôi chợt nhớ đến bài thơ Ông Đồ Già của nhà thơ Vũ Đình Liên:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua …. (Đăng trên báo Tinh Hoa, năm 1936)

Các câu thơ cho thấy việc các cụ đồ giỏi chữ ngày xưa làm trong những ngày Tết: Các cụ bày mực tàu và giấy đỏ ở bên lề đường, khi có người thuê thì vẽ chữ đen như rồng bay, phượng múa trên nền giấy đỏ thắm – màu người ta vẫn cho là màu hên! Ông đồ già bán kiến thức và tài năng mình như thế để kiếm ít tiền trong ba ngày Tết. Và đoạn cuối của bài thơ thật buồn, vì cái thời của ông Đồ đã qua rồi, việc bút nghiên của một nhà Nho không còn thời thượng nữa nên chẳng còn ai để ý đến ông:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…

Bài thơ của cụ Vũ Đình Liên làm cho người ta rất có cảm tình với ông đồ già và với tục viết câu đối trong ngày Tết. Chẳng ai còn nhớ rằng tục lệ nầy đã đến từ một nguồn dị đoan. Theo sử sách, câu đối lúc đầu là bùa bát quái được người Trung Hoa cổ xưa dùng để treo ở giữa đòn dông nhà và dán hai bên cửa để giữ yên nhà cửa, xua đuổi không cho ma quỷ đến gần.[1] Người Việt đã biến việc viết câu đối nầy thành một trò chơi tao nhã của các bậc trí thức. Các câu đối được để ý sao cho vừa đối ý lại vừa đối chữ, thể hiện luân lý, nhân văn của quê hương, đất nước và trí tuệ của người làm câu đối. Tục viết câu đối treo ở phòng khách nhà vào dịp đầu năm trở thành một tập tục đẹp của nhiều gia đình. Chúng ta thấy tại nhà thờ vào mùa Tết có những câu đối nói lên mục tiêu, khải tượng của Hội Thánh trong năm hoặc nói lên nội dung những lời dạy trong Kinh Thánh được treo lên. Là một con cái Chúa, tôi không tin dị đoan, nhưng biết chắc một điều: Lời Kinh Thánh nếu được ứng dụng chắc chắn sẽ đem lại cho người làm theo những phước hạnh lớn lao. Không phải chỉ để treo lên cho có, hay để làm đẹp trong một thời điểm nào đó.

Việc làm cây nêu cao cùng những bùa chú, lục lạc treo trên đó để đuổi quỉ không cho nó quay trở về ngày nay hầu như không còn trong xã hội chúng ta nữa.

Đọc qua trích đoạn dưới đây để biết tại sao người ta đốt pháo, chúng ta sẽ hiểu được đây cũng là một trong những cách làm dị đoan của con người:

Từ xưa đến nay, pháo được cho là có sức mạnh xua đuổi tà ma, chúng sẽ hoảng sợ trước những tiếng pháo nổ lớn. Pháo được sử dụng cho mục đích này tại hầu hết các sự kiện như đám cưới, đám tang, sinh nhật, mừng thọ,… đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên Đán để xua đuổi ma quỷ cho một năm may mắn.

Ngoài ra đốt pháo cũng là một cách dự đoán tương lai. Nhà ai đốt pháo không nổ phải châm lại hai ba lần, hay pháo nổ rời rạc thì năm đó làm ăn không thuận lợi. Đám cưới mà đốt pháo không nổ cũng là một điềm xui.

Trong lễ mừng thọ, mừng thăng quan, mừng sinh con trai, mừng tân gia, người ta đốt pháo khi cử hành lễ gia tiên, và khi có những quan khách sang trọng đến. Trong ngày Tết, người ta đốt pháo lúc giao thừa và sau đó là suốt ba ngày Tết. Khi đến nhà ai chúc Tết, khi vào cổng, khách cũng có thể đốt một phong pháo để chúc mừng.[2]

Khi chưa tin Chúa, tôi cũng nghĩ ít nhiều như vậy. Nhưng giờ đây đã biết Chúa rồi tôi cũng biết rằng mấy viên pháo nổ lẹt đẹt đó chỉ làm cho ma quỉ cười ha ha thích thú. Bởi vì chỉ có quyền năng của Chúa của đất trời vũ trụ mới có thể xua đuổi chúng được. Ai từng ở dưới quyền lực của sự tối tăm, rồi được quyền năng giải cứu ấy của Chúa, người đó ắt sẽ hiểu được tại sao việc đốt pháo trừ tà nầy là vô hiệu quả. Tôi rất vui vì lệnh cấm đốt pháo, vì hằng năm lúc còn cho đốt pháo, không biết bao nhiêu tai nạn xảy ra vì pháo!

Đốt pháo để thử đoán tương lai cũng giống như những hình thức dị đoan khác vào ngày đầu năm, như không quét nhà, hoặc quét ngược vào trong để tài lộc không ra khỏi nhà; đi hái lộc – hái những nhành non mới nhủ về cắm ở nhà để ”Tống cố, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới…[3], tục xông nhà, múa lân, xin xâm … những điều mà Cơ đốc nhân không còn làm nữa vì hoàn toàn tin cậy Chúa đang Đấng tể trị, tháng ngày là Chúa ban cho, mọi điều xảy đến cho cuộc đời mình là do bàn tay dìu dắt đầy yêu thương và quyền năng của Chúa. Niềm tin nầy đem lại vững lòng, an toàn biết bao! Sẽ khiến chúng ta bước vào trong năm mới với lòng biết ơn và muốn cảm tạ, ngợi khen Chúa.

Tối 30 tháng 12 Âm lịch, Cơ đốc nhân đón Giao Thừa với ý thức rằng một năm đã trôi qua và ôn lại những phước hạnh, buồn vui trong năm cũ. Đây là dịp để đếm lại các ơn phước Chúa, kể tên từng ơn lành Chúa ban cho để dâng lời tạ ơn như lời một bài hát:

Hãy đếm ơn trên, hãy kể tên linh ân

Chắc chắn anh sẽ thấy phước ân Chúa luôn tuôn tràn.

(Hãy Đếm Các Ân Phước Chúa Ban, Thánh Ca 674)

Cành đào ngày Xuân

Ngày mồng một là ngày ra mắt Chúa, là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa và Thần trên cả mọi thần. Các Cơ đốc nhân tìm đến nhà thờ để thờ phượng Ngài, dâng thì giờ đầu năm chúc tôn Chúa là Đấng ban cho mình một năm nữa để sống. Đây cũng là dịp để xin Chúa cho mình khôn ngoan biết sử dụng ngày tháng mới nầy một cách có ý nghĩa cho Chúa, cho tha nhân và cho chính mình.

Xin Chúa dạy chúng con biết đếm các ngày của chúng con, hầu cho chúng con được lòng khôn ngoan. (Thánh Thi 90:12)

Cơ đốc nhân có gia đình nhỏ của mình và gia đình lớn là nhà của Chúa. Được ăn Tết sum vầy với người thân trong gia đình nhỏ là một niềm hạnh phúc. Được đến Hội Thánh để cùng vui vẻ ca ngợi, thờ phượng Chúa chung với nhau và cùng nhau nghĩ đến những việc lành mà mình sẽ làm trong năm mới là điều thật tuyệt vời. Bạn có vui không khi cùng anh chị em tôn cao Chúa trong ngày đầu năm? Bạn có hạnh phúc không khi sống ngày đầu năm trong sự chan hòa của gia đình lớn của Chúa? Nguyện mỗi Hội Thánh sẽ là căn nhà thuộc linh ấm cúng, yêu thương, đầy yên ủi và phước hạnh của con dân Chúa.

Mùa Đông đã qua, mùa mưa đã dứt rồi

Kìa mùa Xuân vĩnh viễn với muôn hoa tươi (Bài hát Mùa Xuân Vĩnh Viễn, nhạc và lời Trần Thượng Trí)

Chúng ta sẽ chúc gì cho nhau trong năm mới nầy? Chắc chắn sẽ không phải là những lời chúc ngoài cửa miệng. Chẳng phải những lời chúc may mắn tùy thuộc vào sự hên xui. Cũng chẳng phải một sự ban phước mơ hồ của một thần thánh hộ mệnh nào đó….

Lời chúc phước cho nhau chính là trong cái nhìn bao dung, thương yêu, biết Chúa đã ban ân sủng cho mình cũng như cho anh chị em mình. Tất cả chúng ta nếu không bởi ân thương xót của Chúa đều không xứng đáng hưởng phước thiên đàng mà Chúa Giê-xu ban cho.

Lời chúc phước cho nhau là những lời cầu thay cho anh chị em suốt trong năm, cho mỗi một ngày, những lời thì thầm có khi một mình bên chân Chúa.

Lời chúc phước cho nhau là khiêm tốn nhận sự rửa chân của Chúa và rửa chân cho nhau để tất cả đều có phần ở trong Chúa: dự phần trong gian khổ, trong sự thương khó, và cũng là dự phần trong vinh hiển đời đời với Chúa.

Nguyện Chúa cho năm mới nầy được tràn đầy ý nghĩa khi chúng ta hầu việc Chúa và được thấy kết quả Chúa ban cho. Đức tin thật không bao giờ tách rời với hành động. Nguyện mọi hành động xuất phát từ đức tin nơi Chúa của anh chị em và tôi trong năm mới nầy sẽ được sự chúc phước dồi dào từ Chúa.

Ân Điển

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

[1] http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tan_man_ve_cau_doi_tet.html

[2] http://tinhhoa.net/nguon-goc-cua-phong-tuc-dot-phao-ngay-tet.html

[3] https://vietnammoi.vn/nguon-goc-va-y-nghia-cua-tuc-hai-loc-dau-nam-79577.html

Bình Luận:

You may also like