Home Chuyên Đề Kỷ Niệm 200 Năm Bài Hát “Đêm Yên Lặng” 24/12/1818-24/12/2018

Kỷ Niệm 200 Năm Bài Hát “Đêm Yên Lặng” 24/12/1818-24/12/2018

by Ân Điển
30 đọc

Vào đêm 24/12/2018, có 30 ban hợp ca đến từ khắp nước Áo, gồm 1000 người, tập trung tại quảng trường trung tâm thành phố Steyr để hát bài hát Đêm Yên Lặng nhân ngày kỷ niệm 200 năm của bài thánh ca Giáng Sinh bất hủ nầy…

Nhạc trưởng Helmut Schaumberger hướng dẫn ban hợp xướng vĩ đại ấy từ ban-công của tòa thị sảnh thành phố.

“Đêm Yên Lặng” Một Bài Thánh Ca Bất Hủ

Nhà thờ nhỏ “Đêm Yên Lặng” tên dùng thay cho nhà thờ St. Nicola, nơi xuất xứ bài hát. 

Đêm Yên Lặng cho đến nay đã trở thành một bài hát Giáng Sinh được toàn thế giới biết đến, bài hát được UNESCO xếp thành di sản văn hóa. Năm 2018, bài hát được tròn 200 tuổi. Chúng ta hãy thử tìm hiểu bí quyết nào đã khiến bài hát được thành công như thế

Giáng Sinh năm 1818 là một Giáng Sinh không hay lắm cho Mục sư Joseph Mohr, quản nhiệm Nhà thờ St. Nicola ở Oberndorf, gần Salzburg, vì đàn phong cầm của nhà thờ bị hỏng! Để cứu vãn tình thế, ông lấy bài thơ 6 khổ mình làm cách đó 2 năm và hỏi anh nhạc sĩ có soạn một bài hát 2 giọng để hát với đàn ghi-ta trong buổi Lễ Nửa Đêm không. Anh nhạc sĩ phong cầm Franz Gruber đã phổ nhạc cho bài thơ để chúng ta có được bài hát Đêm Yên Lặng như ngày nay.

Bài hát Đêm Yên Lặng, thủ bút của Mục sư Joseph Mohr.

Bài Thánh ca Đêm Yên Lặng, dịch sát lời bài thơ

        

Từ mùa Giáng Sinh năm đó trở đi, bài hát đã làm nên một kỳ tích trong lịch sử âm nhạc. Từ thôn làng bé nhỏ Oberndorf, bài hát đã đi đến mọi nẻo đường trên thế giới. Ngày nay, chúng ta có bài Đêm Yên Lặng trong 300 ngôn ngữ và thổ ngữ. Khắp nơi, chỗ nào con dân Chúa mừng Giáng Sinh người ta đều hát bài hát ấy. Khởi đầu, bài hát được hát ở nhiều nơi tại Tirol. Năm 1831 được hát lần đầu ở thành phố Leipzig, Đức. Rồi bài hát đã trở thành bài tủ ruột của nhiều nhóm ca sĩ và càng ngày càng được công chúng biết đến nhiều hơn. Ban hát của chị em Strasser ở Tirol hay gia đình Rainer đã đem bài hát nầy đến với công chúng ở Mỹ, tại đây, vào thế kỷ 20 qua giọng hát Bing Crosby, bài hát đã trở thành một bài hát bán chạy nhất! Từ đó trở đi, Đêm Yên Lặng đã thành một bài thánh ca Giáng Sinh cổ điển. UNESCO đã công bố bài Đêm Yên Lặng là di sản văn hóa thế giới vào năm 2011.

Cái gì đã làm cho bài hát đơn sơ nầy trở nên thành công như thế? Tại sao bài hát vẫn sống động trải qua 200 năm và trở thành một thứ không thể thiếu được trong mùa Giáng Sinh? Một giáo sư âm nhạc ở viện đại học nói: “Bài hát Đêm Yên Lặng có thể được xem là một tác phẩm tuyệt vời, nó đi vào lòng người. Về thể loại, bài hát là một vũ điệu Siciliano. Một loại vũ khúc.” Nhịp điệu được phân chia trong bài là cách chấm phá của một bài Hát Ru điển hình. Bài hát đã tỏa ra âm hưởng của một bài hát ru, thích hợp với lễ Giáng Sinh, ngày Chúa Giê-xu ra đời nằm trong máng cỏ. Nhất là cảm giác êm dịu, lắng sâu của nó. Người nghe như được ru bởi giai điệu bài hát, làm gợi lên trong chúng ta một ấn tượng rất đẹp về Chúa hài đồng.”

Bối Cảnh của Thời Kỳ Hậu Chiến

Mùa Đông năm 1818 lòng con người ở Âu Châu hết sức khát khao bình an. Thời kỳ u ám mới vừa qua. Hội Nghị ở Vienne vừa kết thúc cuộc chiến tranh Napoleon ba năm trước đó. Năm 1816 theo sau là một “năm không có mùa hè“ vì tro bụi do núi lửa ở Indonesia phun ra khiến mùa hè ở Âu Châu không có nắng mặt trời. Dĩ nhiên, người thời đó không biết nguyên do, họ chỉ thấy mùa màng bị thất thu và đói khổ. Vì thế giai điệu êm dịu, bình an của bài Đêm Yên Lặng đã tỏa ra một sức mạnh đặc biệt cho con dân Chúa ở Oberndorf. Giữa lúc chiến tranh, đau khổ và đói khát hiện diện khắp trên thế giới. Một bài hát như thế đã đáp ứng đúng nhu cầu của nhiều người.

Ngoài ra, sự giản dị của bài hát có thể cũng chính là nhân tố để bài hát thành công. “Các chất tố tạo thành bài hát thật rất đơn giản, có lẽ đó chính là điều kiện khiến bài hát được thành công,“ cũng theo vị giáo sư âm nhạc nầy: “Nó đơn giản tới mức người nào cũng có thể hát được.” Có một số bài hát Giáng Sinh hay nhưng phức tạp hơn, khó hát hơn. Một bài hát cũ mà ngày nay vẫn còn sức lôi cuốn như thế chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên: “Trong các sáng tác của Franz Schubert bài Ave Maria cũng có sức lôi cuốn như thế, cũng tồn tại và thành giai điệu quen thuộc với nhiều người. Nhưng bài hát ấy không thể so với bài Đêm Yên Lặng! Tôi nghe bài ‘Ave Maria’ từ những người hát dạo cho đến các ca sĩ nổi tiếng, nghe nhiều đến nỗi phát ngán, nhưng với Đêm Yên Lặng thì không như thế. Cho dù vẫn biết rằng cũng có những người hát bài hát nầy không được hay cho lắm.”

“Ở các nơi công cộng, như các siêu thị, các quán cà phê, các chợ Giáng Sinh ngoài trời, bài hát Đêm Yên Lặng được hát chung với những bài hát Giáng Sinh hiện đại như Mùa Giáng Sinh Cuối (Last Christmas) của Wham, sáng tác năm 1984; Mùa Nô-ên Tuyết Trắng – “White Christmas” … Giai điệu các bài hát nầy cũng hay, cũng êm tai, nhưng tôi không biết là nó có sống tới 200 tuổi không! Tôi không nghĩ là nó có thể thay thế bài Đêm Yên Lặng được, theo lời giáo sư.

Điển tích về bài hát Đêm Yên Lặng trong chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918

Hiếm có một bài hát nào chạm đến lòng người sâu xa, tỏa ngời sự bình an và làm người ta khát khao sự tinh thần bình an của ngày Giáng Sinh như bài Đêm Yên Lặng. Theo dòng thời gian, bài hát đã để lại nhiều câu chuyện đáng nhớ. Giáng Sinh năm 1914, quân đội Đức và Anh đóng quân trong các chiến hào ở vùng Flandre. Có nhiều nơi ở tuyến đầu họ đã đình chiến ngày Giáng Sinh. Thay vì bắn giết nhau, họ chưng dọn các cây thông Giáng Sinh, đá banh và cùng hát với nhau. Một người lính tên Josef Wenzl sau nầy đã viết thư kể lại cho cha mẹ anh: Người Anh bắt giọng, và tụi con đã hát chung với nhau bài ‘Đêm Yên Lặng‘. Một điều tuyệt vời: Ở hai bên chiến hào, những kẻ thù không đội trời chung ấy đã quây quần bên cây thông và hát những bài thánh ca Giáng Sinh! Giáng Sinh năm 1914 sẽ là một kỷ niệm không thể nào quên được của con. Thế rồi sau ngày Giáng Sinh tuyệt vời đó, chiến tranh lại tiếp tục, họ bắn giết nhau trở lại. Anh lính Wenzl đã chết vào ngày 6 tháng 5, năm 1917.

 

Sưu tầm: Ân Điển

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

 

Bình Luận:

You may also like