Home Thánh Kinh Hàng Ngày Từ Sáng thế ký đến Khải huyền- Bài 3- Nơi tình yêu bắt đầu.

Từ Sáng thế ký đến Khải huyền- Bài 3- Nơi tình yêu bắt đầu.

by Debbie Thủy
30 đọc

Kinh thánh tìm đọc: Sáng thế ký 2

“Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó”

Đức Chúa Trời làm nên mọi sự là tốt lành và khi Ngài phán: “Loài người ở một mình Không tốt” thì điều đó không có nghĩa là có gì đó trục trặc trong công trình sáng tạo của Ngài. Giống như chiếc đồng hồ được chế tác tinh xảo và toàn mỹ, sau khi hoàn thiện thì vẫn cần thêm một điều: Đó là lên giây cót để có thể chạy.

Danh từ Đức Chúa Trời trong Sáng thế ký được dùng ở số nhiều “Chúng ta”. Trong tiếng Hebrew là “Elohim” đây là từ được dùng hơn 2500 lần trong Kinh thánh tiếng Hebrew của người Do-thái.

Đức Chúa Trời hiện diện trong mối tương quan mật thiết của 3 thân vị: Đức Chúa Cha, Chúa Giê-xu và Đức Thánh Linh. Từ ngữ “Chúng ta” bày tỏ một sự hiệp nhất và mật thiết. Trong Ma-th-ơ 3:16-17 có chép về sự hiện diện và mối quan hệ khăng khít này.

Đức Chúa Trời ở trong mối thông công mật thiết, nên Ngài nhìn A-đam ở một mình thì “Không tốt” và Ngài làm nên một người nữ từ chính A-đam, có cùng bản chất với A-đam để có thể kết hiệp và giúp đỡ A-đam.

Câu hỏi đặt ra là câu chuyện Chúa làm nên Ê-va từ xương sườn của A-đam nghe có vẻ kỳ khôi! Tuy nhiên chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời có lý do để làm điều tưởng chừng kỳ khôi đó.

Huyền nhiệm trước hết: Đó là Đức Chúa Trời có thể dễ dàng tạo nên một phiên bản Ê-va từ bụi đất. Nhưng khi tách Ê-va ra khỏi A-đam thì Đức Chúa Trời đã khiến cho họ trở nên hai mảnh của một bức tranh mà thiếu một trong hai thì sẽ không bao giờ trọn vẹn. Đó là lý do A-đam đã nói: “Người này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tội mà ra”

Huyền nhiệm thứ hai: Tên gọi Ê-va để đặt cho người nữ trong tiếng Hebrew là Chavah có nghĩa là: Mẹ của mọi sự sống. “Mẹ của mọi sự sống” thể hiện không chỉ khả năng sinh sản mà còn là khẳ năng tạo dựng, nuôi dưỡng và nâng cao mọi mặt của sự sống. Đây là khả năng của một người mẹ: Lấy một cái gì đó từ trạng thái tiềm năng, phát triển nó, và biến nó thành hiện thực thông qua tiềm năng tạo dựng của mình.

Huyền nhiệm thứ ba: Các loài sinh vật đều có khả năng sinh sản. Nhưng con người không những có khả năng sinh sản, mà họ còn có khả năng truyển tải ý nghĩa, mục đích và năng lực quản trị cũng như sự sáng tạo cho thế hệ sau. Mọi động vật chỉ để lại phía sau mình dấu chân, nhưng con người để lại sau mình dấu ấn của nền văn minh và các công trình!

Bởi sự khôn ngoan của mình, Đức Chúa Trời đã tuôn đổ sự sống, sự khôn ngoan và năng lực tương tác siêu việt cho con người. Chính vì vậy sự khắng khít trong hôn nhân không chỉ đem đến sự duy trì nòi giống.

Nhưng khi cùng trở nên “Một thịt” thì chính là lúc cả hai vợ chồng làm nên một bức tranh trọn ven phô bày không chỉ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, nhưng còn làm gia tăng vượt trội năng lực, sức mạnh và sự sung mãn cho mọi mặt của cuộc sống chính họ.

SUY NGẪM CỦA TÔI: Người “Này” có là xương-thịt tôi?

“Cũng vậy, nếu hai người ngủ chung thì ấm; còn một mình thì làm sao ấm được? Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thế chống cự nó; một sợi dây đánh ba tao lấy làm khó đứt”                Truyền đạo 4:11-12

Chúng ta kết hôn vì chúng ta đã thu hút nhau. Điều làm nên sự thu hút chính là sự khác biệt. Sự thu hút này mạnh mẽ tới mức chúng ta thấy không thể sống thiếu nhau. Và thế là cả hai dắt tay nhau đến nhà thờ để làm đám cưới.

Có một cặp đôi kia đến gặp vị Mục sư của mình xin làm đám cưới. Vị Mục sư ôn tồn hỏi anh chị có cãi nhau bao giờ chưa? Mỉm cười, cùng nhìn vào mắt nhau, hai bạn trẻ cùng đáp lời: Thưa Mục sư, chúng em yêu nhau say đắm nên chẳng bao giờ cãi nhau cả!

Vị Mục sư bèn nói: Hai em hãy về đi, khi nào hai em cãi nhau rồi mà vẫn còn muốn làm đám cưới thì tới đây. Chúng tôi sẵn lòng giúp cho!

Cũng giống như sợi dây bện ba tao, thì hôn nhân chính là sự hòa quyện cả ba phần khác biệt nhau của Linh-Hồn-Xác của người vợ và người chồng. Sự khác biệt của người bạn đời được chấp nhận như sự bổ khuyết cho nhau thay vì cố gắng loại trừ để làm nên một hôn nhân vững bền.

Giống như các bánh răng ăn khớp vào nhau, thì việc chấp nhận sự khác biệt trong hôn nhân là điều làm nên sự mầu nhiệm của hai tiếng “Mình ơi”

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA TÔI:

Lạy Chúa, con cảm ơn Ngài đã làm nên sự khác biệt giữa người nam, người nữ. Xin cho con biết trân trọng điều đó, và đón nhận nhau vì chúng con cần có nhau để làm nên sự trọn vẹn.

 

Bình Luận:

You may also like