Mười tám tuổi em vào sầu quá sớm
Nhưng tình yêu thoáng hiện đã ly tan
Em làm sao quên được buổi chiều vàng
Anh nhận lệnh lên đường đi chiến đấu.
Ngày cuối cùng dìu nhau trên lối cũ
Mình buồn nhiều nhưng chẳng nói chia ly
Hẹn hò nhau cứ đến mỗi mùa thi
Từ tiền tuyến anh về trong nắng đẹp.
Em hái phượng cài lên nòng súng thép
Và ươm lên màu áo lá cây rừng
Hoa học trò vương vấn áo quân nhân
Sẽ siết chặt tình yêu muôn vạn kiếp.
Mùa thi đến hoa học trò lả tả
Rụng đầy sân tràn ngập lối qua đường
Đêm hằng đêm thức trắng với dư hương
Ngày tháng cũ bóng người mình yêu dấu.
Đó là những dòng thơ từ một lá thư mà Phương Thúy gửi ra tận chiến trường, sau một năm kể từ ngày Thành Luân lên đường nhập ngũ. Cô học trò vừa thi xong tốt nghiệp phổ thông Trung học Đại Lộc năm nào…
Chuyện ngày xa xưa, khi hãy còn bé tí thì hai đứa cùng sinh hoạt chung trong Ban Thiếu nhi của Hội Thánh Tin Lành Baptist An Trường. Hai đứa thân nhau, và nhà họ cách nhau bằng cái dậu mồng tơi như thơ Nguyễn Bính:
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn”.
Xin dừng lại ở đó, vì thủa ấy nhà của họ là những dãy nhà tole liên hoàn, nhà nọ cách nhà kia vừa đủ cho dây mồng tơi nhận ánh sáng mặt trời vào lúc ban trưa, để tỏa những chùm lá non xanh sang cửa sổ hai nhà, trong khu dồn Ấp chiến lược của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong thời chiến loạn.
Tuổi thơ đi qua nhanh quá, phải chăng chiến tranh đã hằn sâu trong tâm thức của mỗi người dấu ấn khó phai trong thời thơ ấu. Ngày thống nhất đất nước, mỗi người một phương, và rồi cùng từ ấy Thành Luân không còn thấy bóng dáng Phương Thúy trong nhà thờ Tin Lành Baptist An Trường nữa. Mà nghe dư âm đâu đó, cô ấy bây giờ xinh đẹp hơn trước nhiều lắm! Có một điều mà Thành Luân nuối tiếc là cô ta đã xa nhà Chúa để bước vào con đường nhân sinh đầy biến động và cạm bẫy khôn lường.
Thế nhưng, người ta nói cũng đúng, quả đất xoay tròn rồi cũng có ngày gặp lại nhau. Hai năm sau, họ gặp lại, Phương Thúy lúc nầy đã dời nhà về lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình… Bây giờ nhà hai người chỉ còn cách nhau một quả đồi thoai thoải. Thành Luân vui mừng vô kể, vì Phương Thúy và Thanh Tâm đã là hai cây văn nghệ của Thôn Phúc Bình. Những đêm biểu diễn văn nghệ gây dựng phong trào, họ thường gặp nhau, bởi lẽ Thành Luân đang làm Biên Tập viên của Đài truyền thanh cơ sở luôn có mặt để lấy tin và viết bài. Thành Luân rất thích chung ở hai bạn gái nầy ở chỗ là họ múa sạp rất nhịp nhàng. Cậu ngưỡng mộ đôi bạn gái nầy, nhưng có lẽ tình cảm riêng tư thì cậu dành riêng cho chỉ một Phương Thúy mà thôi. Rồi bỗng dưng Thành Luân đem lòng thương mến Phương Thúy khi nào cậu cũng không nhớ rõ, cái thời khắc thay đổi trạng thái ái tình trong lòng của mình.
Nhiều khi Thành Luân không còn tự tin đứng trước mặt cô, có lẽ lúc ấy cậu có phần bẽn lẽn thì phải. Cũng có khi cậu ngơ ngẩn như một anh chàng si tình trước một mỹ nhân. Cái mà ấn tượng nhất để lại trong lòng cậu đó là Phương Thúy khi đã bước vào tuổi trăng tròn lẻ. Cái đêm văn nghệ lửa trại tổ chức trên đồi nơi chia cách hai nhà, Phương Thúy sau khi hát bài Tự Nguyện của Trương Quốc Khánh:
“…Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương…”
Giọng Phương Thúy cao vút: “… Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm…” Thành Luân se thắt tim mình, vì cô ấy hát hồn nhiên, trong sáng quá khiến cậu phải dũng cảm tiến đến tặng cô cành hoa mua mà cậu đã ngắt bên triền đồi trước đó. Phương Thúy ném về cậu cái nhìn với ánh mắt thân thiện trong ánh lửa bập bùng, có thể nói cái nhìn đó, ánh mắt đó, rồi nét đẹp dịu hiền đã theo cậu suốt nhiều năm trong quân ngũ không phôi phai. Có phải cậu đang yêu chăng? Cũng có thể, nhưng mà sao tâm trạng Thành Luân khó tả quá chừng.
Hồi hộp…
Rung động…
Thành Luân luôn tự vấn lòng mình. Ai có thể lý giải tâm trạng cậu được trong lúc nầy? Yêu là gì? Có phải cậu đang yêu chăng? Chỉ có nhà thơ Xuân Diệu ông hoàng của thơ tình mới cho cậu đáp án:
“…Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu”.
Cậu hoài nghi, chả lẽ trong tình trạng nầy mình bị bỏ rơi, ai giải thích cho cậu thỏa đáng. Hàn Mặc Tử ư?:
“…Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và hãy nghe trời giải nghĩa yêu”.
Cũng có thể bài thơ Đà Lạt Trăng Mờ của thi sĩ họ Hàn khiến cậu im lặng chăng?
… Vài năm sau ngày đất nước thống nhất, Thành Luân vừa làm công tác Biên Tập cho Đài Truyền thanh, là phóng viên be bé, nhưng cậu thích tháp tùng cùng Đội Cờ Đỏ thôn Phúc Bình để thỉnh thoảng cùng đi tuần tra thôn xóm để có thông tin kịp thời cho phát thanh viên phục vụ đài trong chương trình “An ninh thôn xóm”, lúc đất nước mới vừa hồi sinh sau cuộc chiến. Thành Luân đã muốn kết nạp Phương Thúy cùng Thanh Tâm vào Đội Cờ Đỏ nên đã viết đơn lên cấp trên đề nghị xin. Vậy là, giấy mời kết nạp đến tay hai cô bạn gái được Phòng An ninh Huyện ký quyết định.
Những đêm tuần tra, họ lại được gần nhau. Trên con đường làng quanh co, rợp bóng tre xanh, ánh trăng mờ ảo, từng sóng ánh sáng xôn xao lấp loáng trên tà áo Phương Thúy làm cho tim Thành Luân rung lên, thổn thức, mà đã bao lần như thế, nhưng Thành Luân vì quá sợ bị khước từ, nên không dám thố lộ, đành ôm mối tình đơn phương, câm lặng:
“Thôi thì ôm mối tình câm
Tình đơn phương mãi đành thầm lặng im
Ta về ôm ấp nỗi niềm
Trao lời trong mộng com tim u hoài”.
Những ngày tháng êm đềm bình lặng trôi qua, tuổi thanh xuân với những buổi chiều mơ mộng rong chơi lên đồi hái sim, dủ dẻ, bắt bướm, ngắt hoa. Những chiều dạo bước lên đồi bứt lá nón hoặc bẻ đót, xuống đầm lấy sen, hái súng… công việc đồng quê thôn dã vui làm sao!
Thành Luân thích nhất là những buổi chiều đi củi cùng nhau, lúc đó cậu trổ tài ra tay nghĩa hiệp mà bó và xóc hộ cho Phương Thúy. Điều đáng nói ở đây, tuy là một tay viết văn khá cừ, nhưng đôi tay ấy bó củi thì lại vô cùng đẹp, làm các cô chết mê, chết mệt về tài hoa đó. Họ nô đùa, mỗi khi gánh củi về đến Khe Ngang thì tha hồ tắm giặt, dòng suối trong veo để họ thả hồn, nô giỡn, rồi mở những gói mo khoai lang khô nấu đường cùng nhau thưởng thức.
Một lần nào đó, khi họ gánh củi về ngang qua Đồi ông Tam thì nghỉ ngơi. Trên đồi nầy có một cây xoài rất to, và dường như nó là cây cổ thụ thì phải, vì qua bao bom đạn ngày xưa đổ xuống mà nó vẫn đứng sừng sửng, hiên ngang như anh hùng bất khuất, như chiến tích còn sót lại của một thời quá vảng. Cây xoài ra trái thật nhiều, vì nó không chủ nên người ta thường gọi là cây xoài hoang. Lũ mục đồng thường hay leo trèo, quậy phá, hái ăn nhưng không bao giờ dám chặt vào thân cành nó cả, vì ai nấy đều nghĩ cây cao bóng cả đều có Qúy nhơn bảo vệ. Phương Thúy nhìn Thành Luân ngầm ý… “chàng hãy hái nó xuống cho thiếp”. Cái ánh mắt ấy đã là động lực cho Thành Luân nhanh nhẹn như một chú sóc, cậu lên hái thật nhiều và liệng xuống cho những người ngồi dưới cùng ăn. Có hai trái xoài thật thanh thoát, màu vàng chanh thật quyến rũ, cậu cố hái cho bằng được vì nó ở xa cành. Cuối cùng thì cặp xoài ý nghĩa đã được hái, cậu cắn nhánh để giử nó trong môi, rồi vội vàng tuột nhanh xuống đất. Kiến vàng cắn cậu tơi tả, những chú kiến tàn ác đã len lỏi vào trong áo quần, chúng đâm sâu vào trong tóc cắn cậu đau buốt. Phương Thúy tuy xót trong lòng nhưng cố trấn tỉnh làm ngơ, chỉ giả vờ nhưng vội vàng phủi đập bầy kiến vô tâm cho cậu mà thôi. Mọi người cảm kích và reo lên: Trao quà cho người đẹp đi, trao quà cho Phương Thúy đi nào…! Thành Luân hơi xấu hổ một chút, nhưng rồi nhánh xoài hai quả uyên ương ấy được Phương Thúy đón nhận với lòng biết ơn. Đoàn người lại quảy gánh nhịp nhàng trên vai, đưa những gánh củi về nhà, trên mỗi bó củi có còn kèm theo một chùm dủ dẻ, chà là hay nhánh sim đỏ mọng.
Hình ảnh một Phương Thúy dịu dàng, nét mặt hiền từ nhưng toát lên vẻ thánh thiện đã để lại trong lòng Thành Luân nhiều nỗi nhớ, hay nói đúng hơn là Thành Luân nhớ nàng day dứt!
… Rồi một ngày, Thành Luân nhận lệnh lên đường nhập ngũ, vào mùa tháng bảy giao quân. Tiếng ve sầu thống thiết, tiễn người mình yêu nhưng chưa nói lời yêu một lần, Phương Thúy nhẹ tay bẻ một cành phượng vỹ tặng anh với lời thơ da diết kèm theo trong một cánh nhạn:
“Giờ anh là lính chiến
Ôm súng diệt quân thù
Liệm hồn trong kỷ niệm
Màu hoa tím rừng thu.
Em vẫn còn đi học
Nhưng buồn lắm anh ơi!
Thôi cài hoa trên tóc
Thôi đuổi bướm vàng bay.
Buồn len vào giấc ngủ
Buồn ươm ngập trong thơ
Con tim gầy ấp ủ
Bóng ai ngoài biên khu.
Gửi tặng người hoa phượng
Hẹn ngày về không xa
Khi chiến chinh chấm dứt
Nối lại tình duyên ta”.
Phương Thúy ngày buồn – 20/07/1977
Rồi những đêm hành quân qua những vùng đồi bạt ngàn sim chín, dưới ánh trăng mờ lúc dừng chân nghỉ giải lao, Thành Luân lại nhận được thư nàng Thúy từ hậu phương gửi đến với lời thơ ấp ủ yêu thương:
“Đêm nay ngoài trận mạc
Lạnh lắm phải không anh?
Gió lùa qua vọng gác
Sương thấm ướt chòi tranh.
Anh ơi anh có biết!
Em thức trắng thâu canh
Ngưỡng vọng về Thượng Đế
Chắp đôi tay nguyện cầu.
Những đêm dài tiếng súng
Đập vỡ nát màn sương
Em ngước nhìn sao rụng
Mà thương về biên cương.
Bao giờ thôi ly loạn
Anh sẽ về với em
Hai đứa cùng dệt mộng
Cùng xây giấc mơ êm.
Quê hương tàn khói lửa
Anh rời nghiệp kiếm cung
Mình yêu nhau mãi mãi
Trong bóng Cha đời đời”.
Phương Thúy – Thôn Phúc Bình 1978
Thành Luân suốt bao năm chiến đấu trên đất nước Chùa Tháp Cam-pu-chia. Những chặng đường hành quân đưa anh đi từ vùng Đông bắc sang Tây nam… Từ Natanakiry đến Mondunkirry. Từ Prếch Viahia sang Công Pông Chơ năng. Từ Pôi Pết lên vùng núi rừng Ô Đa trùng điệp núi ngàn. Từ Phnôm Pênh thủ đô xinh đẹp sang Xiêm Riệp – Ăng Co mơ màng, rồi lại quay về Biển Hồ Tông Lơ Sáp. Mười chín tỉnh, khệt chàng rong ruổi bao năm. Thành Luân vẫn giử bên mình cuốn lưu bút ngày xanh của Phương Thúy và các bạn tặng mình ngày nhập ngũ:
“… Người đi mãi ngàn xa ngoài vạn dặm
Lưu niệm của người quyển nhật ký xưa
Tình nhạt phai còn chút phấn hương thừa
Rồi rũ cánh rã rời trên nỗi nhớ”.
Phương Thúy – Thôn Phúc Bình 1977.
Phương Thúy ở nhà, lúc nầy cô đã thi đổ và vào nhập học tại Trường Đại học Sư Phạm Qui Nhơn, rất tiếc là cô đã bỏ Chúa của mình. Cánh thư gửi ra tiền tuyến với lời yêu thương hứa hẹn, tràn đầy hy vọng chưa ráo mực, vậy mà cô ấy đã mau quên. Cũng không phải vì áp lực hoàn toàn của ngành Sư phạm buộc cô phải chối bỏ đức tin. Nhưng điều chính yếu là ở tấm lòng cô ta đã nguội lạnh. Cô ta đã ly khai với Đấng mà ngày xưa cô hằng tôn thờ, để rồi dấn bước trên con đường sự nghiệp công danh, văn chương chữ nghĩa…
Sau khi tốt nghiệp Đại học, cô nhận bằng và trở về được bố trí dạy tại trường Trung học phổ thông Đại Lộc quê hương của cô. Cô được nhà trường phân công dạy môn Ngữ văn đúng chuyên ngành của mình. Rồi từ đó cô có gia đình, và rồi cũng từ đó cô đã quên đi mối tình đầu trong ngày đưa tiễn.
Thành Luân trong một trận đánh ác liệt phải vượt qua cửa khẩu Pôi Pết, đất Com Riêng cao điểm 552. Đây là trận đánh có tính quyết định, vì phải tấn công sâu vào đất Thailand để kéo năm chiếc xe tăng T54 Liên Xô về đất Cam-pu-chia. Vì các hãng thông tấn, báo chí phương tây như tờ Bangkok Post, Đài BBC London, Đài V.O.A Hoa Kỳ đều loan tin Việt Nam xâm lăng Thailand.
Trung đoàn 31 của Thành Luân nhận nhiệm vụ tấn công mũi chủ yếu, để hỗ trợ cho Công Binh Lữ đoàn 270 Quân khu 5 làm nhiệm vụ kéo mấy chiếc xe bị mìn đó về gấp trong đêm. Trận đánh ác liệt, máy bay A37 và F 5E của Không quân Hoàng gia Thailand thả bom ào ạt vào đơn vị anh, máy bay L19 và OV 10 nã đạn đại liên 20 ly xối xả vào đội hình đơn vị anh. Và rồi… trận đánh kết thúc. Khi tỉnh lại, anh biết mình đã bị thương rất nặng, đang điều trị tại một bệnh viện dã chiến tiền phương của lính biên phòng Thailand. Thế là anh biết mình đã bị bắt, may ra không lọt vào tay của tàn quân Pôn Pốt – Iêng Xa ry. Anh thầm tạ ơn Chúa, là biết mình cũng có thể còn sống. Một tháng sau, anh được hồi phục hoàn toàn và bắt đầu bước vào những cuộc thẩm vấn. Cuối cùng anh được một viên Sĩ quan Mỹ David Taylor vốn là một Giáo sĩ Tin Lành đang phục vụ trong Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế đứng ra bảo lãnh. Anh được định cư tại Anh quốc. Những năm tháng đó, gia đình Thành Luân đã nhận được giấy báo mất tích từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt nam. Gia đình anh hiện đang hưởng chế độ chính sách của Nhà nước.
Trên xứ sở sương mù nầy, Thành Luân được học lời Chúa một cách chăm chỉ trong một Chủng viện Tin Lành. Anh mơ ước trở thành người hầu việc Chúa. Không có thời gian ngơi nghỉ vì chương trình học quá căn thẳng. Thế nhưng anh vẫn không quên tấm ảnh Phương Thúy gửi tặng cho anh, anh cất giử cẩn thận vô cùng, nó theo anh suốt hang cùng ngõ hẻm, nó theo anh vào tận hầm sâu công sự. Nhưng rồi một lần anh đã sơ hở để nước cuốn trôi trên dòng sông Mê Công trong mùa nước nổi. Anh rất ân hận vô cùng, nhưng tấm hình đen trắng của cô học trò ngày xưa, ánh mắt trong đêm lửa trại, rồi hình ảnh cô ta ngắt chùm hoa phượng tặng anh trước lúc lên đường thì không bao giờ nhạt nhòa trong ký ức.
Thời gian trôi nhanh quá, đúng là Chúa nói như bóng câu cửa sổ, như hơi nước tan mau… Thành Luân đã có vợ và hai con. Thằng Elvis Phong con đầu đang học lái máy bay trực thăng năm thứ tư rồi, chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Con nhỏ Elvis Sương tốt nghiệp khoa Tâm lý học tại một Đại học nỗi tiếng. Nó đã về nước và làm cho Tổ chức World Vision International (Hoàn cầu khải tượng – Tầm nhìn Thế giới)
Công việc của nó hoạt động trên lĩnh vực môi trường, phát triển nông thôn, cụ thể là thực hiện những dự án nước sạch và học đường cho đồng bào vùng sâu vùng xa, đồng bào thiểu số.
Không biết lý do nào mà Elvis Sương lại thân với Hồng Liên, có lẽ trước khi nhận bằng tốt nghiệp nó có đi Tokyo thực tập, rồi gặp Hồng Liên đã học bên đó chăng? Có thể, người Việt gặp nhau ở đâu họ đều kết bạn thân nhau là phải lắm. Hồng Liên đã xong hai năm du học và về nước được làm cùng Tổ chức World Vision International. Vậy là chúng nó kết bạn cùng nhau.
Từ Anh quốc, Thành Luân đã được thiệp mời dự đám cưới Hồng Liên. Anh đã dàn xếp công việc để làm passport để sớm nhận Visa, và đặt mua vé máy bay đúng theo lịch mời để dự tiệc cưới và cơ hội nầy về lại thăm quê hương, xứ sở mà anh hằng ao ước bấy lâu nay.
… Elvis Sương nắm tay Thành Luân dắt vào Nhà hàng Phú Mỹ Hương. Tiếng nhạc của mùa cưới vang lên một cách êm dịu, mơ màng… Phòng khách khá rộng, theo Thành Luân dự đoán có khoảng chừng năm trăm khách mời dự tiệc. Thành Luân tìm một bàn ngồi bên con gái. Bỗng từ đâu xuất hiện trước mặt Thành Luân một thiếu phụ đang đứng lên vẫy tay chào anh và hình như cô ta đang nói câu gì đó. Thành Luân không nhận ra cô gái, nhưng cái hình ảnh và nét gì đó đáng yêu của ngày xa xưa còn lưu lại trong ký ức đã làm tim cậu rộn lên. Cái nét dáng mà đeo đuổi cậu suốt bao nhiêu năm qua, bây giờ cuộn phim đã xuất hiện trong mắt mình. Ồ! Thì ra Phương Thúy của ngày xa xưa là đây!
Thành Luân dắt con gái mình đến ngồi bên bàn kế cận của Phương Thúy. Cậu sẽ nói điều gì đó, thật thiêng liêng, thật thánh thiện với người yêu cũ.
Tay chạm vào vai Phương Thúy một cách nhẹ nhàng:
Anh không ngờ là gặp lại được em trong hoàn cảnh nầy. Em vẫn khỏe đó chứ?
Phương Thúy xỏa mái tóc thơm mùi nước bồ kết, cái mùi mà ngày xưa cậu vẫn thích đến tận bây giờ:
Em và gia đình vẫn khỏe. Cám ơn anh!
Anh về đây có chị đi theo không?
Thành Luân:
Hương Trà vợ anh không về được, anh về thăm con gái.
Phương Thúy:
Sao con gái anh lại ở Việt Nam?
Thành Luân:
Nó ra trường, rồi về làm cho một Tổ chức phi chính phủ Tầm nhìn Thế giới (World Vision) đó em!
Em có quan hệ gì trong chủ nhân ngày cưới nầy đây? Thành Luân hỏi.
Em là bạn thân với Thùy Dung, mà Thùy Dung là mẹ của Hồng Liên đó mà anh, Phương Thúy trả lời.
Phương Thúy tiếp:
Còn anh quan hệ ra sao với họ…?
À! anh là ba bé Elvis Sương, Sương là bạn với Hồng Liên đó em.
Và rồi… câu chuyện cứ thế sôi nỗi thêm, mặc dù âm thanh trong hôn trường rất ồn ào. Một lúc sau, gia đình hai họ đến chào từng bàn tiệc và chụp ảnh lưu niệm. Thùy Dung ngạc nhiên khi thấy Phương Thúy lại rất thân với Việt kiều Thành Luân, ghé vai hỏi nhỏ:
Mầy làm sao quen biết với tay Việt kiều đó?
Phương Thúy:
Có gì đâu, cậu ta là người yêu cũ của tau năm nào. Cậu là ba bé Elvis Sương, Sương là bạn thân với Hồng Liên con của mầy đó. Thùy Dung thở phào: Úi chui choa mẹ ơi! Lạ lùng thật, kỳ diệu thật và cũng ngạc nhiên thật.
Cả ba cùng kéo riêng ra, và có cả Hồng Liên cô dâu diễm tuyệt với chàng hôn phu trong bộ veston sang trọng, Elvis Sương cũng nhanh nhẹn vào hàng để cùng chụp mấy tấm ảnh làm kỷ niệm.
Khi họ rời bàn tiệc đi rồi. Thành Luân nói cùng Phương Thúy:
Em lên hát bài gì đó góp vui cho ngày hội ngộ nầy đi!
Phương Thúy e dè!
Em vẫn là cây hát chính của Thôn Phúc Bình của mình ngày xưa đó mà? Thành Luân giục.
Cuộc tiệc đã vào hồi cuối, bỗng dưng MC chương tình giới thiệu Phương Thúy lên góp phần văn nghệ kết thúc. Thành Luân nhìn theo bóng dáng nàng lên sân khấu trong tâm trạng bâng khuâng. Ban nhạc đã trỗi lên khúc nhạc với giai điệu mượt mà, da diết nhưng đằm thắm vô cùng: “Bài Ca Tôi Không Quên”.
Phương Thúy hát thật hay, giọng còn trong trẻo và cao vút lắm. Thành Luân định lên tặng cho nàng một cành hoa có sẵn trong tay. Nhưng không hiểu sao, anh lại thôi. Có lẽ, trong giây phút đó, anh muốn cái hình ảnh và nét đẹp ngày xưa còn lưu lại trong anh một cách thầm lặng. Và đó là kỷ niệm sẽ không bao giờ quên trong chuyến về Việt Nam nầy.
Anh chờ cho Phương Thúy đi xuống, anh sẽ nói một câu gì đó trong tâm khảm của mình. Nhưng rồi giòng người đổ xô ra về mỗi lúc một đông hơn. Vì hôm nay, có hai đám cưới tổ chức cùng một lúc tại Nhà hàng Phú Mỹ Hương. Đám của Hồng Liên ở phòng trệt, còn đám khác ở tầng trên. Cô ta đã lẫn đâu đó trong giòng người đông đảo rồi biến mất. Thành Luân thoáng một chút nuối tiếc…! Có thể nào gặp lại cô ấy để nói câu gì đó? Để rồi lòng anh nhẹ nhàng mà trở về Anh quốc.
Thành Luân cùng con gái đan tay ra về. Hai cha con chia tay với cô dâu Hồng Liên và chú rể. Thành Luân thấy Elvis Sương ôm hôn Hồng Liên thắm thiết. Một tình bằng hữu nồng ấm và hy vọng tràn đầy.
Khi ra ngoài tiền sảnh, tình cờ quay lại Thành Luân bắt gặp Phương Thúy. Anh vô cùng xúc động nắm lấy tay cô, bàn tay ấm nồng như ngày xưa, nhưng bây giờ đối với Thành Luân cái hơi ấm áp đó hoàn toàn thánh thiện, trong sáng vì cô ấy đã có chồng. Tình Chúa Agape đã đầy dẫy lòng anh. Phương Thúy vẫn để yên bàn tay cô trong lòng bàn tay anh nóng bỏng. Thành Luân như đã được nói câu nói ấp ủ tự bao giờ:
“Em hát hay lắm, anh định lên tặng em một cành hoa, nhưng lại thôi. Vì anh muốn kỷ niệm thầm lặng ngày xưa cứ mang theo cái nét đẹp của em còn mãi trong lòng anh. Chúc em và gia đình hạnh phúc. Điều mà anh vẫn hằng cầu nguyện xin Chúa rủ lòng thương, cho em và gia đình sớm quay về với Chúa như ngày xưa đó em”.
Phương Thúy: Cám ơn anh, cầu Chúa cho anh và gia đình luôn bình an. Cho em gửi lời về thăm chị Hương Trà vợ anh nhá!
Thành Luân:
Cám ơn em!
À! Cho anh xin số điện thoại hay Email của em, nếu có Facebook thì càng tốt!
Thành Luân trao cho Phương Thúy Card Visit và ngược lại, họ trao nhau địa chỉ để liên lạc trong đó có cái Nickfacebook của nàng.
Đêm đó về. Thành Luân có Gmail cho Phương Thúy bài thơ:
Với tựa đề: ĐÃ CÓ BAO GIỜ?
“Đã có bao giờ em ngắm xem?
Trời xanh xanh thẳm ánh sao đêm
Trăng treo chênh chếch ngả qua thềm
Lòng thầm cảm tạ Chúa dựng nên.*1
Đã có bao giờ em ngóng trông?
Huệ trong trũng đẹp dẫu yếu mềm *2
Giàu có như vua không sánh kịp
Vậy em lo lắng mà làm chi?
Đã có bao giờ em biết lo?
Chim trời đâu có thâu trử kho *3
Mà Cha Thiên thượng vẫn nuôi nó
Em vẫn hơn loài chim đó sao?
Đã có bao giờ em lắng nghe
Ầu ơ! Tiếng mẹ lúc trưa hè
Mẹ quên con bú… rộn tiếng ve *4
Chúa không quên em những tháng ngày.
Đã có bao giờ em quên Chúa?
Chúa đã vì em chết kia rồi *5
Em mở lòng ra đón cuộc đời
Ngắm nhìn tình Chúa quá đầy vơi!.
Em hãy cùng anh tôn ngợi Chúa
Tận hiến lòng son một cuộc đời
Dù cho vất vả còn trên đất
Hạnh phúc khi ta tiếp nhận Ngài”.
Ghi chú:
*1- Thi Thiên 8:3
*2- Ma thi ơ 26: 28-29
*3- Ma thi ơ 26: 26
*4- Ê sai 49: 15
*5- Ê sai 53: 8 – Phi líp 2: 6
Mong gặp em trong đêm Truyền giảng mùa Trung thu sắp đến. Anh sẽ có giấy mời gửi đến em sau nhé! Cầu xin Chúa tình yêu thương xót đến em và gia đình. Chúc bình an – Hẹn gặp lại.
Nguyễn Thành Luân – Đà Nẵng tháng 8 – 2015.
Ba ngày sau đó, Thành Luân mở trong Facebook cá nhân thấy có điểm xanh với nick name Phương Thúy, cậu mừng quá liền Chat trực tuyến ngay:
Em kết nối và xác lập bạn bè đi!
Phương Thúy đồng ý.
Dường như Phương Thúy đã chuẩn bị tinh thần cho ngày trở lại với Chúa của mình. Nên Thành Luân đã nhận được bài thơ của cô ta có sẵn:
“Con đường nắng sớm mai chiều
Hàng cây uống ánh trăng hiu hắt buồn
Run run nhịp thở nghẹn ngào
Thấm hồn thơ dại đi vào cô đơn.
Nhớ anh ảo ảnh chập chờn
Thương anh dù mộng không tròn anh ơi!
Bao nhiêu mơ ước tuyệt vời
Nhưng niềm e ấp nghẹn lời yêu thương.
Vàng trang thơ tím vấn vương
Với từng câu nói ngập ngừng xa xôi
Tiếng yêu chưa thoát bờ môi
Con tim chia xẻ làm đôi đợi chờ.
Mưa khuya ướt đẫm duyên tơ
Thế gian ngừng đọng sao mờ đổi ngôi
Em chừ nghe tiếng Chúa rồi
Sẽ ngày quay gót phục hồi tâm linh”.
Phương Thúy – Thôn Phúc Bình tháng 8 – 2015.
Thành Luân đọc bài thơ đến đoạn cuối, anh mừng vô cùng nhưng không dám tin đây là sự thật hay mình đang mộng ảo. Anh bỗng la to lên: Ha lê lu gia! Cảm tạ Chúa. Ha lê lu gia! Cảm tạ Chúa không thôi.
Elvis Sương, con gái anh ở phòng bên cạnh, bàng hoàng không biết chuyện gì đang xảy ra ở cái phòng nghỉ Hotel Dạ Lan nầy vào lúc đêm khuya vắng lặng như vậy. Elvis Sương mắt nhắm, mắt mở cố choàng tỉnh giấc để lắng nghe. Âm thanh phát ra từ căn phòng số 301 bên cạnh là của Ba mình. Cô vội qua, thấy ba đang hát bài Thánh ca: “Ngày vui vẻ, ngày sung sướng…” Thì ra, ba Sương quá vui mừng, vì bài thơ trong cái Facebook của ba mà cô Phương Thúy đã post lên trang Facebook cho ba mình… Cô đọc từng lời thơ, như nuốt từng giòng chữ vào trong tâm khảm của mình, nước mắt đổ xuống vì mừng vui khôn xiết!
Phương Thúy nhận được thiệp mời Truyền giảng vào một đêm Trung thu, cô dẫn chồng và con mình cùng đi dự. Trong đêm hôm đó còn có sự hiện diện của Thùy Dung và cô con gái họ là Hồng Liên.
Bài giảng hôm đó Mục sư chọn sứ điệp: Trở về nhà Cha ở Tin Lành Lu ca đoạn 15 “Đứa con trai hoang đàng trở về nhà Cha”. Bài giảng cảm động lòng Phương Thúy làm sao, nước mắt cô rơi đầm đìa.
Mục sư Hoàng Trọng Phúc quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Baptist (Nam Phương) An Trường vốn là người yêu thích văn thơ, thi phú nên ông ngâm luôn bài thơ: Trở Về Nhà Cha do chính ông cảm tác đêm qua khi soạn bài giảng:
“Chuyện ngụ ngôn ngày xưa Chúa kể:
Một nhà kia có hai anh em
Ra vào cuộc sống êm đềm
Cha con sum họp tình thêm mặn nồng.
Nhà giàu có, ruộng đồng, đầy tớ
Cùng giai nhân, gia súc đủ đầy
Ngờ đâu cớ sự bất ngờ
Em xin chia của mở cờ ôm đi.
Cha bằng lòng chờ chi lâu nữa
Chia mỗi người số của hồi môn
Ít ngày thâu tóm ví von
Em đi xứ lạ tâm hồn hân hoan.
Ở nơi đó làm hoàng làm chúa
Trẫm đây mà… băng hoại, ăn chơi
Cùng phường điếm đĩ tơi bời
Truy hoang tiêu sạch chẳng nơi ẩn mình.
Và trong xứ xảy cơn đói kém
Em xin làm nô lệ kiếm ăn
Đói lòng nát ruột chi bằng!
Lẫn trong đám lợn tranh ăn khốn cùng.
Người bổn xứ hành hung đánh đập
Vỏ đậu kia nuôi mập heo mà
Bây giờ em mới nghĩ ra
Nhà cha đầy đủ… ta đà ra đi?
Hãy đứng dậy khi ta tỉnh ngộ
Ở đây mà khốn khổ tấm thân
Nghĩ rồi em chẳng ngại ngần
Trở về quê cũ xem lần ý cha.
Từ đằng xa cha người trông thấy
Lòng xót thương đã bấy lâu nay
Chạy ra ôm lấy con ngay
Hôn vào nơi cổ cho ngây ngất lòng.
Em quì xuống hằng mong nhận tội
Tội với Trời, đặng tội với cha
Con đây chẳng xứng con nhà
Xin cha buông thứ lượng hà hải trân.
Đã bao lần cha thường trông ngóng
Chờ con về mấy bận thu sang
Mau mau lấy áo tốt choàng
Mặc vào thân nó, nhẫn vàng đeo vô.
Bò con mập hãy nào làm thịt
Cùng ăn mừng cho kịp hôm nay
Bạn… Tôi… ý thức chuyện nầy
Trở về với Chúa tháng ngày đi hoang.
Một không gian sâu lắng trong nhà thờ, vì bài thơ cảm xúc quá. Thành Luân thấy một số tín hữu mắt rưng rưng ngấn lệ.
Người hướng dẫn chương trình kêu gọi tha thiết sau bài đơn ca: Đấng Nắm Giữ Tương Lai do Elvis Sương trình bày đã kéo Phương Thúy cùng cả gia đình và hai mẹ con Thùy Dung – Hồng Liên lên tiếp nhận Chúa.
Cả ba gia đình rời khỏi nhà thờ sau khi được Ban Truyền giảng và ông bà Mục sư ân cần đưa tiễn. Trăng mười sáu tròn vành vạnh trên cao, mùa trung thu tháng tám thật có nghĩa với mọi người. Thành Luân ở xứ sương mù ít được ngắm trăng như đêm nay, anh cao hứng:
Trung thu trăng sáng Việt Nam
Non sông nước Việt ngàn năm tuyệt vời.
Elvis Sương ủng hộ ba mình:
Trung thu trăng sáng ngời ngời
Lòng ai có Chúa cuộc đời đổi thay.
Hồng Liên chen vào:
Trung thu trăng sáng như ngày
Lòng con Chúa ngự từ nay tỏ tường.
Hoàng Hải (chú rể trong câu chuyện đám cưới) là chồng của Hồng Liên tiếp sức:
Trung thu trăng sáng nẻo đường
Ngợi Cha sáng tạo yêu thương con người.
Thùy Dung là mẹ Hồng Liên vốn tính dè dặt nhưng hôm nay cô cũng cho ra hai câu xuất thần:
Trung thu trăng sáng như gương
Trở về với Chúa tình thương dạt dào.
Phương Thúy, người trong mộng của Thành Luân ngày xưa, lúc nầy cao hứng nhưng ăn gian đến cả bốn câu:
Trung thu trăng sáng ngọt ngào
Giê Su giáng hạ bước vào lòng ta
Trung thu trăng sáng ngọc ngà
Đời con biến đổi nhờ Cha trên trời.
Nhân vật duy nhất trong câu chuyện chưa đề cập đến có tên Huy Tuấn. Là chồng của Phương Thúy, tưởng chừng như cứng lòng khó tiếp nhận Chúa. Sau bao nhiêu năm cô vợ tuy yếu đuối nhưng vẫn âm thầm cầu xin cho anh sớm ăn năn trở về với Chúa, lúc nầy cảm hứng mấy câu thơ có phần nhạy cảm:
Trung thu trăng sáng gọi mời!
Tình xưa khép lại để đời thăng hoa
Trung thu trăng sáng nhà nhà
Gia đình hạnh phúc… nhà Cha ta về.
Hay quá anh Tuấn ơi! Thành Luân nắm tay Huy Tuấn tán dương. Ánh trăng thu huyền ảo tỏa màu sáng dịu hiền như tình mẹ bao la, như tình cha sâu thẳm, mùi hoa sữa nồng nàn tỏa lan trong làn gió đêm thanh thoát. Tình yêu Thiên thượng của Cha trên trời vẫn là dư hương còn mãi trong lòng mỗi người.
Hồ Thi Thơ – Tháng 8 Năm 2015.