Khi một người cố ý vi phạm ngày ngày Sa-bát, Đức Chúa Trời khiến người đó phải trả cho tội lỗi của mình bằng mạng sống của mình. Đức Chúa Trời cũng ra lệnh cho dân sự kết một dây màu xanh qua tua trên áo của họ để họ luôn luôn nhớ những điều răn của Ngài.
Dân Số Ký 15:32-41
32 Khi dân Y-sơ-ra-ên đang ở tại hoang mạc, người ta bắt gặp một người lượm củi trong ngày sa-bát. 33 Những người bắt gặp người đang lượm củi nầy dẫn anh ta đến Môi-se, A-rôn và cả hội chúng. 34 Họ bắt giam anh ta vì không biết phải xử lý như thế nào. 35 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: “Người nầy phải bị xử tử. Cả hội chúng phải ném đá nó ngoài trại quân.” 36 Như vậy, cả hội chúng đem người ra ngoài trại quân mà ném đá; người chết đúng như Đức Giê-hô-va đã phán dặn Môi-se.
37 Đức Giê-hô-va lại phán với Môi-se: 38 “Hãy nói với dân Y-sơ-ra-ên và bảo họ rằng: ‘Từ thế hệ nầy sang thế hệ kia, hãy làm một cái tua nơi các chéo áo mình; trên mỗi tua kết một sợi dây màu điều. 39 Các con phải mang cái tua nầy để khi nhìn thấy nó, các con nhớ lại tất cả điều răn của Đức Giê-hô-va mà vâng theo, chứ không theo tư dục của lòng và mắt mình, là điều làm cho các con sa vào tà dâm. 40 Như vậy, các con sẽ nhớ lại và làm theo mọi điều răn của Ta và như vậy, các con sẽ biệt riêng ra thánh cho Đức Chúa Trời của các con. 41 Chính Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các con, Đấng đã đem các con ra khỏi Ai Cập để làm Đức Chúa Trời của các con. Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các con.’”
Suy ngẫm và hiểu
Một người phạm tội do cố ý vi phạm ngày Sa-bát. Việc không giữ ngày Sa-bát có nghĩa là không thừa nhận Đức Chúa Trời là Vua và không thừa nhận chính mình là một người của Đức Chúa Trời. Vì thế, Đức Chúa Trời ra lệnh cho con cháu của Y-sơ-ra-ên là một cộng đồng, trừng phạt người đó, người đã không giữ ngày Sa-bát (c.32-36).
Đức Chúa Trời hướng dẫn cho dân Y-sơ-ra-ên khâu các tua ở góc áo, và kết qua từng tua một sợi chỉ xanh. Ý nghĩa của các tua với những sợi chỉ màu xanh là để cho dân sự một sự nhắc nhở thấy được về những điều răn của Đức Chúa Trời, và vì vậy tránh sa vào sự cám dỗ (37-41).
Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?
C.32-36 Đức Chúa Trời ra lệnh cho dân sự giết một người đã lượm củi trong ngày Sa-bát. Điều này là bởi vì làm việc vào ngày Sa-bát, quan tâm đến việc kiếm sống, cho thấy việc thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời, Đấng chăm sóc tất cả đời sống của chúng ta. Hành động của người này là một sự cố ý vi phạm điều răn cấm làm việc vào ngày Sa-bát.
C.41 Việc Xuất Ai Cập không phải là một “hành động từ thiện” và thập tự giá không phải là “sự thương xót rẻ mạt”. Cả hai sự kiện đều khiến người ta nên mới. Đó là những phép lạ tạo nên những người tận hiến cho Đức Chúa Trời đến mức họ tự bỏ mình, nên thánh như Ngài, và xưng nhận rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời chân thật duy nhất. Chúng ta có đang sống đời sống đi theo ý muốn của Đức Chúa Trời, Đấng khiến chúng ta thành những người mới qua sự cứu chuộc, hay không?
Tham khảo
15:37-41 Trong thế giới cổ đại, các tua được những người quý tộc và tầng lớp cao đeo. Ở Y-sơ-ra-ên chúng sẽ được tất cả mọi người đeo như một dấu hiệu địa vị của họ là dân được chọn. Màu xanh được dùng trong rèm của đền tạm và ở trong lễ phục của các thầy tế lễ (Xuất Ai Cập Ký 26:31; 28:31). Do vậy, những sợi chỉ màu xanh nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên rằng họ là “nước các thầy tế lễ và một dân thánh” (Xuất Ai Cập Ký 19:6).
Cầu nguyện: Chúa ôi, xin hãy giúp chúng con luôn luôn nhìn thấy, ghi nhớ và đi theo lời Ngài, để đời sống của chúng con có thể phân biệt với thế gian.
Đọc Kinh Thánh trong năm: II Sa-mu-ên 23-24