Trong kỳ trước, chúng ta đã bàn về tầm quan trọng của việc đặt Chúa lên hàng đầu trong đời sống mình. Chúng ta cũng khám phá ra quyền năng của lời cầu nguyện buổi sáng khi bước đi với Chúa. Kỳ này, chúng ta sẽ xem xét một vài cách để áp dụng điều này vào thực tiễn. Chúng ta sẽ khám phá 7 lời khuyên thiết thực giúp bạn bắt đầu ngày mới với Chúa một cách đúng đắn.
1. Đừng nằm trên giường cầu nguyện
Chăn ấm đệm êm khiến chúng ta có cảm giác muốn ngủ. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Nhưng mục đích của chiếc giường là để ngủ. Nó không được thiết kế như một nơi để thờ phượng Chúa. Hãy tìm một nơi yên tĩnh và vắng vẻ, không có ai quấy rầy – một nơi bạn có thể dành thời gian với Chúa mà không bị phân tâm. Hãy tìm kiếm một nơi đặc biệt để dành riêng cho việc cầu nguyện. Đây có thể là một góc phòng trong nhà bạn hoặc một nơi nào đó ngoài thiên nhiên (trong một khu vườn, dưới gốc cây bên cạnh hồ nước, hoặc trên băng ghế ngoài công viên…)
Khi bạn bắt đầu mỗi ngày bằng việc cầu nguyện, bạn sẽ không chỉ học được cách cầu nguyện mà còn phát triển lòng khao khát cầu nguyện và dần dần sẽ có một niềm đam mê cầu nguyện thực sự. Cầu nguyện sẽ trở thành cuộc sống của bạn. Bạn sẽ bắt đầu nhận thấy rằng nếu một ngày mà bạn không cầu nguyện, ngày hôm đó sẽ rất khác.
2. Đừng nản lòng nếu bạn thấy mình đang gặp khó khăn
Đời sống cầu nguyện của bạn có thể thường xuyên bị gián đoạn và bạn cảm thấy không ổn. Đừng nản lòng nếu điều đó xảy ra. Mong muốn lớn nhất của Sa-tan là bạn sẽ thất vọng về mọi thứ và từ bỏ mọi thứ mà Chúa dành sẵn cho bạn. Kinh Thánh khích lệ chúng ta:
“Người công bình dầu sa ngã bảy lần cũng chỗi dậy; Còn kẻ hung ác bị tai vạ đánh đổ.” (Châm-ngôn 24:16)
Người công bình có thể ngã bảy lần, nhưng người ấy sẽ đứng dậy. Vì vậy, đừng buồn. Chỉ cần đứng dậy và bắt đầu lại. Ma quỷ rất ghét khi các tín đồ tỉnh ngộ và đi theo Chúa Giê-xu. Bạn luôn có thể đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Nếu vài ngày sau bạn lại vấp ngã nữa, hãy tiếp tục đứng dậy. Đôi khi cuộc sống giống như đi thang máy. Có thể chậm, nhưng đừng ngã lòng. Chỉ cần tiếp tục tin tưởng rằng thang máy sẽ đưa bạn đến đúng nơi bạn muốn đến.
3. Khi bạn cầu nguyện, hãy lắng nghe Chúa phán với mình
Hãy biết rằng cầu nguyện không phải là chọn ra những lời lẽ thích hợp để nói với Chúa. Chúa Giê-xu phán thế này:
“Khi các con cầu nguyện, đừng dùng những lời sáo rỗng như dân ngoại; vì họ nghĩ hễ nói nhiều thì được nhậm. Đừng bắt chước họ, vì Cha các con biết các con cần gì trước khi các con cầu xin Ngài.” (Ma-thi-ơ 6:7-8)
Chúng ta đang ở trước mặt một Đức Chúa Trời là Đấng biết mọi điều về chúng ta và các nan đề của chúng ta, và Ngài muốn chúng ta trò chuyện với Ngài. Nhưng Ngài cũng có những điều muốn nói với chúng ta. Xuyên suốt Kinh Thánh, từ Sáng-thế Ký đến Khải-huyền, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời thường xuyên phán dạy dân Ngài. Ngài phán với Môi-se, Áp-ra-ham, Giô-sép, và Ngài phán với dân Ngài trong suốt dòng lịch sử. Ngài muốn nói chuyện với chúng ta.
Cầu nguyện là một cuộc đối thoại, không phải độc thoại. Khi cầu nguyện với Chúa, bạn không nên chỉ nói những gì bạn muốn rồi bỏ đi. Hãy cho Ngài cơ hội để nói với bạn điều Ngài muốn. Những gì Chúa nói với bạn quan trọng hơn nhiều so với những gì bạn nói với Ngài, vì vậy bạn cũng nên lắng nghe khi cầu nguyện.
4. Nếu bạn chưa quen với việc cầu nguyện lâu, có thể dành ra 15 phút cho mỗi lần
Tôi chưa bao giờ nghe nói một người mới học bơi ngày hôm qua, và hôm nay họ đã bơi được 10 dặm. Chuyện đó không thể xảy ra được. Tuy nhiên, nếu một người rèn luyện thường xuyên thì theo thời gian sẽ bơi được quãng đường dài. Nguyên tắc tương tự áp dụng cho sự cầu nguyện. Nếu bạn ngay lập tức đặt ra mục tiêu cầu nguyện 4 tiếng đồng hồ vào mỗi buổi sáng, có lẽ bạn sẽ thất vọng và không bao giờ muốn cầu nguyện nữa.
Hãy bắt đầu cầu nguyện trong 15 phút. Khi bạn học được cách cầu nguyện và bạn bắt đầu hiểu Chúa, bạn sẽ khao khát được hiệp thông với Ngài. Bạn sẽ tự nhiên muốn dành thêm thời gian cho Ngài. Ví dụ, sau một tháng, bạn có thể tăng gấp đôi thời gian cầu nguyện của mình lên nửa giờ, rồi từ từ tăng lên 1 giờ.
Nhiều người đã dành ra 1 tiếng đồng hồ để cầu nguyện vào mỗi buổi sáng và duy trì cho đến cuối đời. Điều quan trọng ở đây là bạn phải kiên nhẫn với chính mình. Hãy tự kỷ luật, có chế độ ngủ nghỉ phù hợp và đặt đồng hồ báo thức. Sau một tuần, rất có thể bạn sẽ không cần đến đồng hồ báo thức nữa. Chính Chúa sẽ đánh thức bạn. Có thể là lúc 6 giờ sáng, hoặc có thể là 4 giờ sáng. Nhưng bạn phải tạo ra môi trường cần thiết để điều này xảy ra.
5. Buổi sáng phải được dành cho việc cầu nguyện và học Lời Chúa
Đức Chúa Trời thường đáp lời chúng ta qua thời gian học Kinh Thánh. Nếu bạn thêm việc đọc Kinh Thánh vào thì giờ cầu nguyện buổi sáng, thì cuộc đối thoại của bạn với Chúa sẽ hiệu quả hơn nhiều. Mặt khác, qua lời cầu nguyện, bạn sẽ hiểu rõ hơn về những điều Chúa muốn nói với bạn qua Kinh Thánh cho ngày hôm đó.
Kinh Thánh là một cuốn sách thuộc linh, nên trước khi đọc Kinh Thánh chúng ta phải cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ soi dẫn khi chúng ta đọc những lời trong đó. Tôi luôn cầu nguyện thế này: “Lạy Chúa, xin giúp con hiểu điều con sắp đọc”.
Theo thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng Kinh Thánh giống như một kho tàng ẩn giấu: bạn càng đào sâu, bạn càng tìm thấy nhiều mỏ vàng. Quyển Sách độc nhất vô nhị này giống như một mạch nước ngầm sủi bọt trắng xóa, không bao giờ cạn.
Tôi khuyên bạn nên đọc Kinh Thánh từng phần nhỏ, với tốc độ cho phép bạn hiểu và nắm bắt những gì bạn đang đọc. Nhiều người đặt mục tiêu đọc nhiều chương cùng một lúc. Nếu mục đích của bạn là nghiên cứu Kinh Thánh một cách cẩn thận, thì thà đọc ít mà có chất lượng còn hơn đọc theo kiểu hoàn thành chỉ tiêu đưa ra. Vì như vậy bạn không có nhiều thời gian để suy nghẫm về những gì đã đọc, và kết quả là bạn rất dễ quên những gì đã đọc.
Đây là cách tôi làm trong thì giờ cầu nguyện buổi sáng của mình: Tôi cầu nguyện, sau đó tôi đọc một vài câu Kinh Thánh hoặc một phân đoạn. Sau đó, tôi cầu nguyện về điều tôi đã đọc, “Lạy Chúa, xin giúp con hiểu câu Kinh Thánh này”, rồi tôi đọc lại. Lần này tôi suy nghẫm và rút ra bài học, tìm cách áp dụng Lời Chúa vào đời sống của tôi. Tôi đặt một số câu hỏi và sau đó cầu nguyện một lần nữa.
Khi bạn đọc cùng một câu hoặc một phân đoạn Kinh Thánh từ 10-15 lần, bạn bắt đầu ghi nhớ chúng. Học thuộc lòng giúp bạn mang theo Kinh Thánh trong bất cứ hoàn cảnh nào. Kinh Thánh nói cho chúng ta biết mục đích chính của việc ghi nhớ Lời Chúa:
“Con giấu lời Chúa trong lòng con để con không phạm tội cùng Chúa.” (Thi-thiên 119:11)
Hãy học thuộc lòng các câu Kinh Thánh, và Đức Thánh Linh sẽ nhắc nhở bạn những câu mà bạn đã thuộc vào đúng lúc bạn cần.
6. Hãy viết nhật ký cho Chúa và viết ra tất cả những suy nghĩ vào buổi sáng mà Chúa ban cho bạn trong khi suy ngẫm Lời Chúa
Bạn có thể chỉ cần viết ra một phần tham chiếu Kinh Thánh rồi sau đó tóm tắt suy nghĩ mà Đức Thánh Linh đã ban cho bạn.
Mọi người thắc mắc làm thế nào tôi có thể cầu nguyện trong 2 hoặc 3 giờ. Nhưng nếu bạn tổng hợp thời gian cần thiết để cầu nguyện, học Lời Chúa, suy ngẫm, đặt câu hỏi và viết ra những suy nghĩ của mình, thì bạn sẽ thấy khá rõ tại sao phải mất nhiều thời gian như vậy.
Khi tôi dành nhiều thời gian cho Chúa, tôi nhận được rất nhiều khoảnh khắc khiến tôi phải kinh ngạc trong lúc suy ngẫm. Ngài ban cho tôi những ý tưởng phong phú về mặt thuộc linh góp phần vào sự phát triển thuộc linh của cá nhân tôi và tôi thường sử dụng chúng khi giảng dạy.
Lập danh sách và viết xuống thường giúp chúng ta ghi nhớ mọi thứ. Tương tự như vậy, khi chúng ta viết ra những suy nghĩ của mình, Đức Thánh Linh sẽ nhắc nhở bạn về những câu Kinh Thánh bạn đã đọc và ứng dụng thực tiễn của chúng vào đời sống của bạn.
7. Việc cầu nguyện và đọc Kinh Thánh buổi sáng nên được thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là khi mọi người vẫn đang ngủ và không có ai tranh giành sự chú ý của bạn.
Việc cầu nguyện và đọc Kinh Thánh nên diễn ra trong bầu không khí yên tĩnh, không bị phân tâm. Đến 8 giờ sáng, điện thoại đã đổ chuông, con cái khóc đòi ăn, vợ/chồng cần giúp đỡ và bạn còn nhiều việc khác không thể chờ đợi. Chúng ta ra khỏi giường càng sớm thì càng tốt.
Hãy thử áp dụng 7 lời khuyên này mỗi ngày trong vòng ít nhất 1 tháng. Tôi chắc chắn rằng sẽ không mất nhiều thời gian trước khi bạn bắt đầu tận hưởng những lợi ích từ việc dành thời gian cho Chúa. Chúa sẽ trở nên gần gũi với bạn hơn, và cuộc sống của bạn sẽ bắt đầu thay đổi.
Ví dụ trong Kinh Thánh
Khi chúng ta nhìn vào Giô-sép, Kinh Thánh nói rằng những người xung quanh thấy chàng là một người có “Thần của Đức Chúa Trời” (Sáng-thế Ký 41:38). Khi chúng ta đọc về Đa-ni-ên ở Ba-by-lôn, người cũng được biết đến như một người có Thần của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể nói về Nê-hê-mi, Hê-nóc và nhiều người khác. Tất cả những người này đều là những con người hay cầu nguyện, họ biết Chúa cách mật thiết và tìm kiếm sự hiện diện của Ngài.
Khi đời sống cầu nguyện của bạn phát triển, mắt bạn sẽ mở ra để thấy được nơi mà Chúa muốn bạn đi, và tai bạn sẽ mở ra để nghe những gì Ngài muốn bạn nghe.
Có nhiều ví dụ trong Kinh Thánh mà chúng ta có thể đặt câu hỏi. Tại sao Phi-e-rơ lại có đủ tự tin để chữa lành một người què ở cổng Đền-thờ? Làm thế nào ông có thể công bố điều đó một cách chắc chắn không hề do dự? Tại sao Đa-vít có thể mạnh dạn đương đầu với Gô-li-át? Tại sao nhà tiên tri Ê-li có thể gọi lửa từ trời xuống trên toán lính đến bắt ông? Làm sao ông dám chắc ngọn lửa sẽ giáng xuống theo lời ông?
Câu trả lời chỉ có một: tất cả những người này đều được tiếp xúc với Đức Chúa Trời và có thể hiểu được ý muốn của Ngài. Đây là kết quả của việc giao tiếp thường xuyên với Chúa.
Bài viết này được thiết kế để đưa ra một số lời khuyên thiết thực về cách bắt đầu một ngày mới bằng thì giờ cầu nguyện buổi sáng. Bạn có thể đặt Chúa làm trung tâm của đời sống mình bằng cách bắt đầu ngày mới với Ngài và dành thời gian cho Ngài. Bạn có thể mời Ngài bước đi bên cạnh bạn. Ngài sẽ không chỉ thêm sức cho bạn mà còn chiến đấu vì bạn trong mọi trận chiến.
Tất nhiên, bạn cũng có thể áp dụng những cách riêng của mình và không đồng ý với tất cả những điều này, nhưng dù bạn áp dụng cách thức nào đi nữa thì đời sống có Chúa luôn tốt hơn là không có Ngài. Xét cho cùng, mối quan hệ với Ngài dẫn đến sự sống đời đời, và ngoài Ngài không có sự thay thế nào khác.
Xin hiệp ý với tôi trong lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, con dâng sự vinh hiển lên cho Ngài vì Ngài đã trân quý sự sống của chúng con, vì Ngài muốn đánh bại kẻ thù của chúng con và lấp đầy đời sống của chúng con bằng niềm hạnh phước thực sự, và rằng Ngài muốn dành thời gian cho chúng con.
Xin giúp chúng con nhận ra tầm quan trọng của việc giao tiếp với Ngài. Xin giúp chúng con luôn bắt đầu ngày mới với Ngài và không phớt lờ sự hiện diện của Ngài. Chúng con phó cuộc đời mình trong tay Ngài. Xin Chúa chăm sóc chúng con.
Amen!
Biên tập: Eunice Tu
Nguồn: hope.study/unlimited-power-of-prayer
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com