Giữa hàng nghìn người Mỹ tuần hành ở Washington, D.C., là một số ít phụ nữ mà đối với họ con đường dẫn đến thủ đô của nước này được đánh dấu bằng chính hành động đang bị phản đối: phá thai.
Hòa lẫn giữa đám đông là Mary và Shawna, hai người phụ nữ đã nói chuyện với CBN News trong Cuộc Tuần Hành vì Sự Sống hôm thứ Sáu (26/1) về những lựa chọn đáng tiếc mà họ đã đưa ra trong quá khứ và tại sao cuộc diễu hành từ Đài Tưởng Niệm Washington đến Tòa-nhà Tòa-án Tối-cao Hoa Kỳ lại quan trọng với mỗi một người trong số họ .
“Tôi đã phá thai năm 18 tuổi và tại thời điểm này, tôi thực sự đang tuần hành thay mặt cho đứa con chưa chào đời của mình và tôi muốn những người phụ nữ—cùng những người khác biết rằng tôi đã phải gánh chịu rất nhiều hậu quả sau khi phá thai,” Mary nói. “Tôi đã nghĩ mình đang giải quyết một vấn đề ngắn hạn, nhưng thực sự, nó không tích cực như tôi nghĩ; đó thực sự là một trải nghiệm rất tiêu cực.”
Giống như nhiều phụ nữ, Mary cho biết cô bị ép buộc phải tin rằng việc phá thai sẽ là một quyết định đúng đắn và theo một cách nào đó, sẽ điều chỉnh lại quỹ đạo cuộc đời cô.
Abby Johnson, cựu giám đốc điều hành của một phòng khám liên kết với tổ chức với Planned Parenthood, nhà cung cấp dịch vụ phá thai lớn nhất trong nước, đã kể lại rằng cô và những người khác trong tổ chức này được khuyến khích “chào mời” hơn 1.000 ca phá thai mỗi năm, bởi vì việc phá thai là nguồn kiếm tiền lớn nhất cho doanh nghiệp.
“Phá thai không phải là một chuyện tốt lành gì,” Mary nói. “Tôi đã giết con trai mình và tôi rất hối hận. Tôi rất tiếc về điều đó. Và tôi muốn những người khác biết rằng, vì sự bất tiện của thời gian mang thai tương đối ngắn, bạn có thể mang lại sự sống cho con mình. Và có rất nhiều cách để chăm sóc đứa trẻ. Nếu bạn không thể, vẫn sẽ có những người khác thay bạn làm điều đó. Tôi hy vọng bạn sẽ được chữa lành nếu bạn đã phá thai.”
Đối với những người có thể đang cân nhắc việc phá thai, Mary kêu gọi những phụ nữ đó hãy “cân nhắc lại” và thay vào đó hãy liên hệ với các trung tâm hỗ trợ phụ nữ mang thai đang gặp khủng hoảng.
Một phụ nữ khác, Shawna, người đã hai lần phá thai, nói rằng, mặc dù vụ Roe kiện Wade đã bị lật ngược, quyết định mang tính bước ngoặt của Tòa-án Tối-cao năm 1973 đã trao quyền bảo vệ pháp lý trên toàn quốc cho việc phá thai, nhưng “vẫn còn rất nhiều việc phải làm” khi nói đến việc bảo vệ những em bé chưa được chào đời.
“Đây là cuộc tuần hành đầu tiên của tôi,” cô nói. “Tôi vừa mới khỏi bệnh sau khi phá thai cách đây chưa đầy hai năm. … Quan trọng là tôi vẫn trân trọng [các] con tôi, Benjamin và Grace… Tôi là một Cơ-đốc nhân khi điều này xảy ra, và tôi thực sự cảm thấy như Chúa không yêu tôi. Tôi đã được tha thứ và tôi được giải phóng và tôi muốn những người nam người nữ khác cũng được giải phóng khỏi mặc cảm tội lỗi giống như tôi.”
“Đã đến lúc phải lên tiếng,” Shawna tiếp tục. “Tôi biết rằng Chúa đang kêu gọi chúng ta làm điều đó vào lúc này.”
Cô tiếp tục giải thích rằng cô đã phải trải qua những khó khăn đáng kể về sức khỏe tinh thần sau khi phá thai—hậu quả chung của nhiều phụ nữ phá thai.
“Nỗi đau tinh thần [của việc phá thai] vẫn còn đó, bởi vì nó đã gắn liền với tôi,” Shawna nhớ lại cảm giác sự sống của đứa con chưa chào đời của mình đã kết thúc khi cô trải qua thủ thuật nạo phá thai. “Tôi khuyến khích mọi người lựa chọn sự sống. [Phá thai] sẽ ảnh hưởng đến bạn vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, cả về thể chất lẫn tinh thần.”
Cô nói thêm, “Hãy liên hệ với một trung tâm hỗi trợ phụ nữ mang thai. Hãy nói chuyện với ai đó, nói chuyện với ai đó như tôi hoặc những người khác đã bị tổn thương vì phá thai trước khi bạn quyết định làm điều đó.”
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: cbn.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com