Một nhà nghiên cứu tại Học-viện Khoa-học Áo đã phát hiện ra đoạn văn bản mà các nhà khoa học cho là cổ nhất của sách Ma-thi-ơ từ Kinh Thánh Tân Ước.
Văn bản Kinh Thánh này đã được viết đè lên bởi một ghi chép khác trên một mảnh giấy da cổ.
“Khoảng 1.300 năm trước, một thầy thông giáo ở Palestine đã lấy một cuốn sách Phúc Âm có ghi văn bản tiếng Sy-ri cổ và xóa đi. Giấy da khan hiếm ở sa mạc vào thời Trung cổ, vì vậy các bản viết tay thường bị xóa và tái sử dụng nhiều lần“, học viện OeAW còn được gọi là Österreichische Akademie der Wissenschaften, giải thích trong một bài đăng gần đây trên trang web của mình.
Nhà trung cổ học Grigory Kessel, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu OeAW, đã sử dụng phương pháp chụp ảnh tia cực tím để tiết lộ bản phiên âm cổ nằm bên dưới ba lớp văn bản. Bản thảo nhiều lớp, trên tấm da cừu, giờ đây có thể được đọc lại bằng công nghệ hiện đại.
Hóa ra Kessel đã phát hiện ra một trong những bản dịch Phúc Âm cổ xưa nhất, được thực hiện vào thế kỷ thứ 3 và được sao chép vào thế kỷ thứ 6, trên các trang riêng lẻ còn sót lại của bản thảo này, OeAW cho biết.
Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện vào tháng 3 trên tạp chí Nghiên-cứu Tân Ước. Nghiên cứu bao gồm bản dịch Ma-thi-ơ 11:30 đến Ma-thi-ơ 12:26 vốn được dịch sang tiếng Sy-ri cổ cách đây hơn một thiên niên kỷ.
Tiếng Sy-ri cổ là một phương ngữ Aramaic xuất hiện trong thế kỷ thứ nhất SCN từ một phương ngữ Aramaic địa phương được nói ở vùng Osroene cổ đại, trung tâm là thành phố Edessa. Trong thời kỳ Cơ-đốc giáo sơ khai, nó đã trở thành ngôn ngữ văn học chính của nhiều cộng đồng Cơ-đốc giáo nói tiếng Aramaic trong khu vực lịch sử của Sy-ri-a cổ đại và khắp vùng Cận Đông từ thế kỷ thứ nhất cho đến thời Trung cổ.
“Xét về niên đại của sách Phúc Âm, không nghi ngờ gì sách này đã được viết ra không muộn hơn thế kỷ thứ sáu. Mặc dù số lượng các bản viết tay có niên đại từ thời kỳ này khá hạn chế, nhưng việc so sánh với niên đại các bản viết tay bằng tiếng Sy-ri cổ cho phép chúng tôi thu hẹp khung thời gian đến nửa đầu thế kỷ thứ sáu,” nghiên cứu cho biết.
Kessel cho biết trong một bài đăng về khám phá trên trang web OeAW, “Cơ-đốc giáo Sy-ri-a truyền thống có biết đến một số bản dịch của Cựu Ước và Tân Ước. Cho đến gần đây, chỉ có hai bản thảo được biết là có chứa bản dịch Phúc Âm tiếng Sy-ri cổ. Trong khi một trong số này hiện được lưu giữ trong Thư-viện Anh ở London, thì một bản khác đã được phát hiện dưới dạng giấy da cừu ở Tu-viện Thánh Catherine ở Núi Si-nai. Các tàn tích từ bản thảo thứ ba gần đây đã được xác định trong quá trình thực hiện “Dự-án Sinai Palimpsests”.”
Cho đến nay, tàn tích này là phần còn lại duy nhất được biết đến của bản thảo thứ tư chứng thực cho phiên bản tiếng Sy-ri Cổ – và cung cấp một cửa ngõ duy nhất để nghiên cứu về giai đoạn đầu trong lịch sử truyền tải các sách Phúc Âm theo văn bản, theo OeAW. Chẳng hạn, trong khi bản gốc tiếng Hy Lạp của Ma-thi-ơ chương 12, câu 1 nói: “Lúc đó, nhằm ngày Sa-bát, Đức Chúa Giê-xu đi qua giữa đồng lúa mì; các môn đồ đói, bứt bông lúa mà ăn“, bản dịch tiếng Sy-ri cổ cho biết: các môn đồ “bứt lúa, vò trong tay và ăn.”
Claudia Rapp, giám đốc Viện Nghiên-cứu Thời-kỳ Trung-cổ tại OeAW, đã ca ngợi công trình của Kessel và giải thích rằng bản dịch tiếng Sy-ri cổ đã được viết ra ít nhất một thế kỷ trước các bản thảo tiếng Hy Lạp cổ nhất còn tồn tại, bao gồm cả Codex Sinaiticus. Những bản thảo sớm nhất còn tồn tại với bản dịch tiếng Sy-ri này có niên đại từ thế kỷ thứ 6 và được bảo quản trong các lớp giấy da cừu đã bị xóa và được viết chồng lên nhiều lần.
“Khám phá này chứng minh tầm quan trọng và hiệu quả của sự tương tác giữa các công nghệ kỹ thuật số hiện đại và nghiên cứu cơ bản khi xử lý các bản thảo thời trung cổ,” Rapp nói.
Như CBN News đã đưa tin, các học giả và nhà nghiên cứu đang sử dụng công nghệ hiện đại để mở khóa và đọc những bí mật của quá khứ từ các bản thảo Kinh Thánh cổ xưa mà trước đây một số người cho rằng đã bị thất lạc theo thời gian.
Như chúng tôi đã đưa tin vào tháng 12 năm ngoái, các chuyên gia tại Đại-học Iowa cuối cùng đã có thể xem xét các trang của một bản thảo cổ bị hư hỏng nặng được cho là Sách Công-vụ trong Kinh Thánh bằng cách sử dụng máy quét tia X mới được phát triển.
Nhà khoa học máy tính W. Brent Seales của Đại-học Kentucky và học giả Cơ-đốc giáo sơ khai của Đại-học Iowa Paul Dilley đang sử dụng cùng một quy trình đã được sử dụng để giải mã các Cuộn Biển Chết.
Nhưng không chỉ có Sách Công-vụ được ẩn giấu trong bản thảo trước đây là không thể tiếp cận được.
Melville House viết, “Cuộn giấy có thể cũng chứa một văn bản khác, và chính văn bản này đã khiến Dilley và các học giả khác về Cơ-đốc giáo sơ khai tò mò, vì nó có thể cung cấp một mảnh ghép khác trong câu đố về sự hình thành của Tân Ước.“
Tiến-sĩ Melissa Moreton, một nhà sử học viết tay tại Trung-tâm Sách Iowa, đã viết một bài đăng trên blog về codex có tên: Tiết lộ những bí mật của một bản thảo chép tay sơ khai.
Cô viết, “Bản thảo quá mỏng manh và không thể đọc được do nước và nhiệt độ mà nó phải chịu. Bản thảo cũng bị cong vênh nghiêm trọng khiến các tờ giấy có vân giống như sóng – điều thường thấy ở giấy da bị nước và nhiệt làm hỏng.“
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: cbn.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@cbn-com