Home Chuyên Đề Sự Phục Sinh Của Chúa Giê-xu Có Ý Nghĩa Như Thế Nào Đối Với Chúng Ta?

Sự Phục Sinh Của Chúa Giê-xu Có Ý Nghĩa Như Thế Nào Đối Với Chúng Ta?

by Christianity.com
30 đọc

Tin rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã sống lại từ cõi chết là điều cần thiết đối với Cơ-đốc nhân. Chỉ nhận biết rằng Ngài đã chết vì tội lỗi của chúng ta thôi thì không đủ; chúng ta phải chấp nhận sự sống lại của Ngài để nhận được sự sống đời đời. Đấng Christ đã trả giá chuộc cho tội lỗi của chúng ta, nhưng sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu Ngài không có quyền năng trên mồ mả. Khi đánh bại cái ác và sự chết, Chúa đã kích hoạt sự cứu rỗi của chúng ta và làm cho nó bắt đầu có hiệu lực.

Sự sống lại của Chúa Giê-xu chứng tỏ Ngài có thể cất đi tội lỗi cùng hình phạt của tội lỗi. Giả sử Đấng Christ vẫn còn nằm dưới mộ thì điều này có nghĩa là những người tin Chúa vẫn còn ở trong tội lỗi. Và cái kết tất yếu của cuộc đời tội lỗi là sự chết. Do đó, một người phủ nhận bản chất đời đời của Đấng Christ hướng tới một tương lai trống rỗng. Bertrand Russell, một triết gia vô thần nổi tiếng, đã đưa ra lời mô tả đáng buồn về tình trạng vô vọng này: “Đời người ngắn ngủi và bất lực. Đích đến cuối cùng trong cuộc đua của cả đời người chắc chắn chỉ là sự diệt vong, tàn nhẫn và đen tối.

Thay vì tận hưởng sự tự do của Cơ-đốc nhân và mong đợi một quê hương trên trời, những người từ chối sự phục sinh làm nô lệ cho hiện tại, không có hy vọng hoặc ý nghĩa thực sự nào trong cuộc sống. Sự nghiệp, gia đình và những việc làm công đức có thể mang lại niềm vui ngắn ngủi nhưng không phải là loại niềm vui đến từ việc biết rằng chúng ta đang sống ngay thẳng trước mặt Đấng Tạo Hóa và làm theo ý muốn của Ngài.

Sự phục sinh không phải là vấn đề giáo phái hay một luận điểm cho các cuộc tranh luận thần học. Hoặc chúng ta tin rằng Đấng Christ đã sống lại từ cõi chết và thăng thiên hoặc chúng ta không tin. Nếu chúng ta phủ nhận chiến thắng của Ngài trên sự chết, chúng ta khước từ một chỗ trong cõi đời đời cho chính bản thân mình. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận sự thật, Lời Chúa đảm bảo rằng chúng ta sẽ được cứu.

Câu chuyện về sự phục sinh của Chúa Giê-xu có phải chỉ là chuyện thần thoại?

Làm thế nào chúng ta có thể biết chắc chắn rằng Chúa Giê-xu thực sự đã sống lại từ cõi chết – và sự kiện phi thường này không phải được thêu dệt nên bởi các Cơ-đốc nhân cuồng tín mà đúng hơn là đức tin được lập vững nền trên thực tế không thể bác bỏ?

Là Cơ-đốc nhân, chúng ta phải có sự chuẩn bị để có thể chứng minh được rằng sự phục sinh của Đấng Christ là một sự kiện xảy ra trong lịch sử – rằng đó là một thực tế chứ không phải thần thoại.

Khi trình bày cho anh em biết quyền năng và sự quang lâm của Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ, chúng tôi không dựa vào những huyền thoại khéo bịa đặt, nhưng chúng tôi tận mắt chứng kiến vẻ uy nghi của Ngài.” (2 Phi-e-rơ 1:16)

Không thể xem nhẹ tầm quan trọng của sự kiện này, vì chính Chúa Giê-xu đã tuyên bố rằng sự phục sinh của Ngài sẽ chứng minh quyền năng của Ngài trên sự chết, cũng như thần tính của Ngài (Giăng 2:18-22). Không những thế, sự phục sinh của Đấng Christ chính là trọng tâm của Phúc Âm (1 Cô-rinh-tô 15:1-4).

Khi lần đầu tiên tôi bắt đầu xem xét các bằng chứng về Cơ-đốc giáo, tôi phát hiện ra rằng niềm tin vào Sự Phục Sinh không phải là một cú nhảy mù quáng vào vực sâu tăm tối mà là một bước tiến vào vùng ánh sáng. Thật vậy, bằng chứng về sự phục sinh của Đấng Christ quá rõ ràng đến nỗi không ai xem xét với một tâm trí cởi mở mong muốn tìm biết lẽ thật mà không bị thuyết phục.

Trong số nhiều bằng chứng hiện có, bằng chứng thuyết phục nhất có thể là sự kiện Đấng Christ phục sinh hiện ra cùng một lúc cho hơn năm trăm người (1 Cô-rinh-tô 15:6). Đấng Christ cũng hiện ra với nhiều người khác, cung cấp “nhiều bằng chứng thuyết phục” về sự phục sinh của Ngài (Công-vụ 1:3). Đấng Christ trong thân thể phục sinh thậm chí đã được rờ chạm vào hai lần (Ma-thi-ơ 28:9; Giăng 20:17).

Ngài phán cùng các môn đồ trong  Lu-ca 24:39, “Hãy nhìn tay và chân Ta, thật chính Ta! Hãy chạm đến Ta xem! Thần linh thì không có thịt xương, mà các con thấy Ta có đây!

Ngài cũng bảo Thô-ma hãy rờ vào những vết thương của Ngài, “Hãy đặt ngón tay con vào đây và xem bàn tay Ta. Hãy đưa bàn tay con ra và đặt vào sườn Ta. Đừng vô tín, nhưng hãy tin!” (Giăng 20:27)

Đối với những người tiếp tục nghi ngờ về tính xác thực của ghi chép Kinh Thánh, họ sẽ tìm đến Tiến-sĩ Simon Greenleaf, người có thẩm quyền cao nhất về bằng chứng pháp lý trong thế kỷ 19. Đáng chú ý là sau khi xem xét bằng chứng về sự sống lại của Chúa Giê-xu Christ, Greenleaf gợi ý rằng mọi cuộc thẩm vấn với những nhân chứng được ghi lại trong Kinh Thánh đều sẽ dẫn đến kết luận rằng những lời chứng của họ là “không có gì phải nghi ngờ, đáng tin và là sự thật”.

Sự Phục Sinh của Chúa Giê-xu có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

1. Sự phục sinh trong tương lai

Thứ nhất, điều này đảm bảo cho sự sống lại của chúng ta trong tương lai . Vì Chúa Giê-xu đã chết và đã sống lại nên chúng ta cũng sẽ được sống lại giống như Ngài.

1 Cô-rinh-tô 15:20 nói, “Đấng Christ đã từ cõi chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.

Từ trái đầu mùa gợi ý về một hình mẫu, sự nếm trước những điều tốt đẹp. Chúa Giê-xu là trái đầu mùa. Chúa Giê-xu đã chết và đã sống lại, vì vậy chúng ta biết rằng thân thể phục sinh của chúng ta theo một cách nào đó cũng sẽ giống với thân thể phục sinh của Ngài. Ở mức độ nào, chúng ta không thể chắc chắn. Nhưng nếu thân thể phục sinh của chúng ta được hoàn toàn giống như thân thể của Ngài, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra Ngài khi Ngài hiện đến.

Thưa anh em yêu dấu, hiện bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời; còn chúng ta sẽ như thế nào thì chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì chúng ta sẽ thấy Ngài như Ngài vốn có vậy.” (1 Giăng 3:2)

2. Sự phán xét trong tương lai

Thứ hai, sự sống lại của Chúa Giê-xu là bằng chứng của sự phán xét trong tương lai. Điều này nghe có vẻ không thú vị lắm, nhưng đó là điều chúng ta cần biết. Chúng ta đang sống trong một xã hội, một thế giới, mà trong đó công lý thường bị xuyên tạc và bỏ quên. Chúng ta nhìn vào những sự bất công đang xảy ra và nói, “Làm sao có thể như vậy được? Làm sao điều đó có thể xảy ra được?” nhưng rõ ràng là những điều đó vẫn đang xảy ra.

Ngài đã chết và sống lại như lời Ngài phán. Và chúng ta hiện đang chờ đợi sự tái lâm của Ngài.

Bấy giờ tôi thấy trời mở ra, và kìa, có một con ngựa trắng! Đấng cưỡi ngựa có tên là THÀNH TÍN VÀ CHÂN THẬT; Ngài phán xét và chiến đấu trong sự công chính.” (Khải-huyền 19:11)

Sự Phục Sinh của Đấng Christ có nghĩa là công lý của Đức Chúa Trời cuối cùng sẽ được thực thi.

3. Quyền năng của Đức Thánh Linh

Thứ ba, sự phục sinh của Đấng Christ ban cho chúng ta sức mạnh để sống đời sống này với tư cách là Cơ-đốc nhân.

Nếu Thánh Linh của Đấng đã khiến Đức Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết ở trong anh em, thì Đấng đã khiến Đấng Christ sống lại từ cõi chết cũng sẽ nhờ Thánh Linh Ngài đang ở trong anh em mà ban sự sống cho thân thể hay chết của anh em.” (Rô-ma 8:11)

Chắc chắn, Kinh Thánh không dạy rằng chúng ta sẽ không thể phạm tội khi còn ở trong thân thể vật lý này. Mặt khác, chúng ta có thể phạm tội ít hơn (hay từng bước chiến thắng tội lỗi), không phải nhờ khả năng của chính mình, mà nhờ quyền năng của Thánh Linh.

Đấng Christ có thể biến đổi chúng ta thành những con người hoàn toàn khác trước đây. Chúng ta phải tin điều đó. “Những sự cũ đã qua đi… mọi sự đều trở nên mới” (2 Cô-rinh-tô 5:17). Chúa ban cho bạn sức mạnh để sống đời sống của một người theo Chúa trên đất này.

Tại sao Sự Phục Sinh của Chúa Giê-xu quan trọng?

Thứ nhất, Chúa Giê-xu nói rằng ngài sẽ sống lại. Vậy nên, nếu Ngài không sống lại, Ngài là kẻ nói dối và thất bại. Sự phục sinh chứng minh cho độ tin cậy của lời nói và của chính mình Ngài. Nhưng hơn thế nữa, lý do sự phục sinh của Chúa Giê-xu mang tính bắt buộc, như chính Ngài đã từng nói về việc Con Người phải chịu đau khổ, chịu chết và phải sống lại, là vì sự chết của Chúa Giê-xu chỉ đạt được những gì đã định nếu Ngài sống lại từ cõi chết.

Nói cách khác, thập tự giá có quyền năng là bởi vì Chúa Giê-xu đã sống lại. Nhờ quyền năng đó mà chúng ta được cứu. Phao-lô nói rằng Chúa Giê-xu đã bị nộp cho sự chết vì tội lỗi của chúng ta và sống lại để xưng công bình cho chúng ta.

Nếu Đấng Christ không sống lại thì đức tin của anh em cũng vô ích, và anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình.” (1 cô-rinh-tô 15:17)

Ông nói nếu Chúa Giê-xu không sống lại, thì chúng ta vẫn sẽ chết trong tội lỗi của mình. Vì vậy, nếu Chúa Giê-xu không sống lại, thì chúng ta không được cứu. Thập tự giá có hiệu lực vì Chúa Giê-xu đã sống lại từ cõi chết.

Đấng Christ là trái đầu mùa; đến ngày Đấng Christ hiện ra, những người thuộc về Ngài sẽ sống lại. Rồi sự cuối cùng sẽ đến, là lúc Ngài giao vương quốc lại cho Đức Chúa Trời là Cha, sau khi Ngài đã hủy diệt hết mọi thế lực cai trị, mọi thẩm quyền, mọi sức mạnh. Vì Ngài phải cầm quyền, cho đến chừng Đức Chúa Trời “đặt mọi kẻ thù dưới chân Ngài.” Kẻ thù cuối cùng bị hủy diệt là sự chết.” (1 cô-rinh-tô 15:23-26)

Ngợi khen Chúa Giê-xu vì Ngài đã sống lại để chúng ta được sống với Ngài! Amen!

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: christianity.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like