Home Dưỡng Linh Dân Sự Của Đức Chúa Trời

Dân Sự Của Đức Chúa Trời

by Ban Biên Tập
30 đọc

Hội Thánh được cấu thành bởi những con người. Từ ngữ Hy lạp dành cho chữ Hội Thánh là ekklesia, nghĩa là “một hội chúng” hay “sự nhóm lại của những con người”. Đôi khi Tân Ước ám chỉ Hội Thánh phổ thông (như Êphêsô 3:10, 21; 5:23, 25, 27, 29, 32). Hội Thánh phổ thông bao gồm hết thảy mọi người xưng nhận danh Chúa Cứu Thế khắp thế giới.

Hội thánh Cơ đốc phổ thông hiện rất rộng lớn. Theo cuốn Bách khoa Thư Anh Quốc có gần 1 tỷ 700 triệu người theo Chúa ở trên 254 quốc gia, chiếm 32,9% dân số thế giới. Ở nhiều nơi trên thế giới, nơi có những chính thể cực đoan và áp bức, hội thánh đang bị bách hại. Ở những nơi nầy phần lớn là hội thánh thầm lặng nhưng theo tất cả những lời tường thuật, hội thánh rất mạnh mẽ. Trong các nước thuộc Thế Giới Thứ Ba hội thánh đang phát triển nhanh chóng. Ở một số các quốc gia như Kenya, người ta ước tính có 80% dân số hiện nay tuyên xưng là Cơ Đốc Nhân. Trái lại, trong thế giới tự do, hội thánh phần lớn đang bị bại hoại. Theo Sách Hướng Dẫn Cơ Đốc Anh Quốc, hội thánh Cơ đốc ở tại Anh đã mất nửa triệu thành viên trong 5 năm đầu của thập kỷ 1980. Đã từng có một thời Phương Tây sai phái các nhà truyền giáo đến các nước thuộc Thế Giới Thứ Ba. Song tôi nhớ rằng khi tôi còn học ở trường đại học Cambridge, đã có 3 nhà truyền giáo người Uganda đến đó để giảng Tin lành. Điều đó đã khiến tôi thật sửng sốt vì trong 150 năm cuối cùng nầy, thế giới đã thay đổi biết bao và nước Anh cần phải có nhiều nhà truyền giáo như bất cứ nơi nào khác.

Trong Tân Ước, sứ đồ Phaolô nói đến các Hội Thánh địa phương, ví dụ như “Các Hội Thánh của người Galati” (I Côrinhtô 16:1), “Các hội thánh ở xứ Asi” (I Côrinhtô 16:19) và “hết thảy các hội thánh của Chúa Cứu Thế” (Rôma 16:16). Ngay cả các hội thánh địa phương nầy dường như nhiều lúc cũng đã bị phân ra thành các hội chúng nhỏ hơn để nhóm lại tại các nhà (Rôma 16:5; I Côrinhtô 16:19).

Kết quả, dường như có ba kiểu nhóm lại trong Tân Ước : hội thánh tầm cỡ lớn, cỡ vừa, và cỡ nhỏ. Những tác giả viết về sự tăng trưởng của hội thánh đôi khi nói đến một cấu trúc ba tầng gồm các kỳ lễ, hội chúng và tế bào. Tất cả ba cơ cấu nầy đều quan trọng và bổ sung cho nhau.

Các kỳ lễ là một cuộc nhóm hiệp đông đảo của các Cơ Đốc Nhân. Hoạt động nầy có lẽ diễn ra mỗi Chúa Nhật trong các hội thánh lớn, hoặc khi một số các hội thánh nhỏ hiệp lại để thờ phượng. Trong Cựu Ước, dân sự Chúa đã hội hiệp với nhau trong các kỳ lễ đặc biệt với bầu không khí lễ hội vào dịp lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần hoặc vào Đầu Năm Mới. Ngày nay, các kỳ nhóm hiệp đông đảo của các Cơ Đốc Nhân đem lại nguồn cảm hứng đầy khích lệ. Qua các kỳ nhóm hiệp đó, nhiều người có thể nắm bắt lại một khải tượng về sự lớn lao của Đức Chúa Trời và một ý thức sâu nhiệm về sự thờ phượng. Các buổi nhóm hiệp của hàng trăm Cơ Đốc Nhân với nhau có thể khôi phục lòng tin đối với những người cảm thấy cô độc và mang lại một sự hiện diện thấy được của hội thánh trong cộng đồng.

Hội chúng là một sự nhóm hiệp cỡ vừa. Các mối thông công lâu bền giữa vòng các Cơ Đốc Nhân được thiết lập tại đây. Đây là nơi các ân tứ và các chức vụ của Đức Thánh Linh có thể được thi hành trong một bầu không khí yêu thương và tiếp nhận nhau, nơi mọi người được tự do để làm thử những công việc, và có thể trong quá trình tập tành ấy họ sẽ gặp sai sót.

Trong hội thánh của chúng tôi có các mức nhóm lại thứ ba được gọi là “tế bào”, chúng tôi gọi là “nhóm nhỏ”. Các nhóm nầy gồm từ hai đến mười hai người, nhóm lại để cùng học Kinh Thánh và cầu nguyện với nhau. Chính trong các nhóm đó các mối thông công anh em thân gần nhất trong Hội Thánh được hình thành. Chúng được đặc trưng bởi sự thân tình, sự thân thiết và tinh thần trách nhiệm.

work.3300485.2.flat550x550075f.cross-church-roof_80x120Khi chúng ta tiếp nhận Chúa Cứu Thế Jêsus vào đời sống mình, chúng ta trở nên con cái Đức Chúa Trời (Giăng 1:12). Đây chính là điều làm cho hội thánh có tính hiệp nhất. Chúng ta có Đức Chúa Trời là Cha mình, Chúa Cứu Thế Jêsus là Cứu Chúa mình và Đức Thánh Linh là Đấng ngự trong chúng ta. Hết thảy chúng ta đều thuộc về một gia đình.

Mỗi Cơ Đốc Nhân đều là một chi thể của hội thánh Chúa. Lần nọ John Wimber được tiếp xúc với một  người trong hội thánh, ông nầy đã gặp một người ở trong cảnh khó khăn. Sau buổi nhóm sáng chúa nhật người đàn ông nầy nói với John Wimber về sự thất vọng của mình khi cố gắng giúp đỡ người kia. Ông nói: “Người ấy cần một chỗ để ở, cần thức ăn và sự trợ giúp trong khi tiếp tục xoay sở và tìm một việc làm. Tôi thật sự nản chí. Tôi đã cố gọi điện thoại đến văn phòng hội thánh, nhưng chẳng có ai có thể gặp tôi và họ cũng không giúp tôi được. Cuối cùng tôi đành thôi nhờ vả bằng cách đưa ông ta đến sống với tôi trong một tuần lễ! Theo ông, hội thánh phải lo cho những người như thế chứ?”. John Wimber kể lại rằng ông đã suy nghĩ một hồi rồi trả lời “Như vậy cũng giống như là hội thánh đã làm rồi đó”.

Một người nọ nhận biết mình đang ở trong tình trạng cô độc và được một Cơ Đốc Nhân cao tuổi khôn ngoan đến thăm. Họ ngồi trước một lò sưởi đang cháy trong phòng khách. Người đàn ông cao tuổi không hề nói một lời nào, song ông tiến đến lò sưởi và gắp ra một hòn than đỏ rực rồi bỏ nó ra khỏi lò sưởi. Ông ta vẫn không nói gì. Vài phút sau hòn than mất đi màu đỏ rực của nó. Ông ta bèn gắp nó cho vào lò sưởi lại. Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn nó lại đỏ rực. Người đàn ông cao tuổi chẳng nói gì cả nhưng khi ông đứng lên ra về, người kia đã hiểu rõ lý do vì sao anh ta mất đi lòng sốt sắng. Một Cơ Đốc Nhân ở ngoài mối thông công cũng giống như một hòn than bị gắp đi khỏi bếp lửa. Martin Luther đã viết trong nhật ký của ông như vầy : “Tại nhà riêng của tôi, không có sự nhiệt thành và sức mạnh hiệp một, nhưng ở tại hội thánh, khi đám đông nhóm lại với nhau, một ngọn lửa được khơi lên trong lòng tôi và nó mở ra con đường”.

Một đôi vợ chồng trẻ mới trở lại đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế đã viết như vầy : “Chúng tôi đã đến với hội thánh được một năm và cảm thấy ở đó như ở nhà mình. Bầu không khí yêu thương, tình bạn, và niềm phấn khởi thật không thể tìm thấy được ở nơi nào khác. Niềm vui của nó vượt quá bất cứ một buổi tối nào ở quán rượu, tiệc tùng hoặc nhà hàng. Cả hai chúng tôi đều thấy rằng buổi thờ phượng ngày chúa nhật và buổi nhóm thứ tư là hai giờ cao điểm quan trọng trong tuần. Nhiều lúc, tôi có cảm giác như đó là những thời điểm mình phải trổi lên để thở, nhất là khi gần đến ngày thứ tư, là lúc dễ bị nhấn chìm trong các dòng nước sâu của công việc! Nếu thiếu đi một trong hai buổi nhóm thì chúng tôi cảm thấy như là “bị hụt hẫng”. Tất nhiên hai chúng tôi có thể giữ giờ cùng nhau trò chuyện với Chúa hoặc một mình mình với Chúa, song tôi cảm thấy việc cùng nhau nhóm lại như là ống gió để tiếp tục quạt cho ngọn lửa của đức tin chúng tôi bùng lên.”

Nicky Gumbel
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com
Bình Luận:

You may also like