Home Chuyên Đề Bạn Có Đang Cần Một Phép Lạ?

Bạn Có Đang Cần Một Phép Lạ?

by Oneforisrael.org
30 đọc

Hãy vào nhà…đóng cửa lại”, Ê-li-sê nói với người góa phụ đang hoảng sợ tột độ. Một chủ nợ đã đe dọa bắt hai con trai nàng làm nô lệ vì nàng không còn gì để trả cho ông ta. Nếu người nào đó đang rất cần một phép màu, thì đó chính là người phụ nữ tội nghiệp này.

Ta phải làm gì cho ngươi?

“Kẻ tôi tớ ông, là chồng tôi, đã qua đời,” nàng giải thích cho tiên tri Ê-li-sê trong chương 4 sách 2 Các-vua. “…và ông biết rằng kẻ tôi tớ ông kính sợ Đức Giê-hô-va. Vả, chủ nợ người đến toan bắt hai đứa con tôi làm tôi mọi.”

“Ta phải làm gì cho ngươi?” Ê-li-sê hỏi nàng. “Hãy nói cho ta biết; ngươi có vật gì ở nhà?”

Điều này khiến tôi nhớ đến một vài chỗ khác trong Kinh Thánh, nơi Chúa hỏi, “Ngươi muốn Ta làm chi cho ngươi?” Chẳng hạn như người mù ở thành Giê-ri-cô (Mác 10:51) đã được Chúa hỏi câu mà dường như không cần thiết này mặc dù vấn đề của người mù là quá rõ ràng. Một đêm nọ, Sa-lô-môn cũng được hỏi câu tương tự như vậy (2 Sử-ký 1:7; 1 Các-vua 3:5), và Ê-li-sê sau đó hỏi người nữ Su-nem, “Ta phải làm gì cho ngươi?” (2 Các-vua 4:13-14) Những câu hỏi kiểu này thực sự xuất hiện khá nhiều trong Kinh Thánh; đôi khi nó có vẻ là một câu hỏi khá thừa, và những câu trả lời có thể khác nhau. Sự việc xảy ra với người góa phụ nghèo của chúng ta cũng thuộc vào loại rõ mồn một. Tuy nhiên, Ê-li-sê vẫn hỏi câu đó.

Tiếp theo, Ê-li-sê muốn biết trong nhà nàng còn gì không. Thực tế là không có gì. Nhu cầu của nàng là rất rõ ràng: nàng cần một phép lạ của sự chu cấp. Tuy nhiên, thay vì làm cho tiền từ trên trời rơi xuống (điều mà nếu Chúa muốn Ngài hoàn toàn có thể làm được), Ê-li-sê lại yêu cầu người phụ nữ này hợp tác với Chúa theo những cách rất thực tế.

Cho dù đó là Môi-se với cây gậy của mình hay cậu bé với bữa trưa gồm năm ổ bánh và hai con cá, bằng cách nào đó, Đức Chúa Trời thích bắt đầu với những điều nhỏ nhặt mà chúng ta có trong tay; cả về thuộc thể lẫn thuộc linh.

Ngài muốn chúng ta tham gia vào việc tạo ra phép lạ, cùng đồng công với Ngài và đóng góp vào quá trình này. Điều này đòi hỏi một đức tin lớn để hy sinh thứ duy nhất mà nàng còn lại trong nhà – một hũ dầu – cùng với một số hành động tay chân khác (chưa kể đến sự hạ mình) để đi mượn những chiếc bình không từ những người hàng xóm.

Hãy đóng cửa lại

“Hãy đi ra ngoài mượn những bình không của các kẻ láng giềng ngươi, chớ mượn ít. Khi ngươi trở về, hãy vào nhà với các con ngươi, đóng cửa lại, rồi hãy đổ dầu vào các bình đó; hễ bình nào đầy thì để nó riêng ra.” (2 Các-vua 4:3-4)

Có một câu nói trong hướng dẫn của Ê-li-sê có vẻ hơi lạ. “…hãy vào nhà với các con ngươi, đóng cửa lại” Tại sao phải làm như vậy?
Một mặt, việc mượn tất cả những chiếc bình của hàng xóm chắc chắn sẽ khiến nhiều người chú ý và làm cho phép lạ này trở nên công khai, nhưng mặt khác, Ê-li-sê xác định rằng nàng phải vào nhà với các con mình và đóng cửa lại. Điều tương tự xảy ra trong phép lạ tiếp theo của Ê-li-sê cũng trong chương này – khi Ê-li-sê khiến đứa con của người nữ Su-nem sống lại.

“Khi Ê-li-sê vào nhà, thấy đứa trẻ đã chết, nằm sải trên giường. Ê-li-sê vào trong phòng, đóng cửa lại, có đứa trẻ và mình ở trong, rồi cầu nguyện cùng Đức Giê-hô-va.” (2 Các-vua 4:32-33)

Câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến hai sự kiện xảy ra với Chúa Giê-xu: Lần đầu tiên là khi Ngài khiến cô con gái nhỏ của Giai-ru sống lại từ cõi chết trong Mác 5, Ngài đã đuổi mọi người ra ngoài hết chỉ trừ những môn đồ thân cận nhất của Ngài và cha mẹ của cô bé. Lần thứ hai là trong Ma-thi-ơ 6:6, khi Ngài cảnh báo:

“Song khi ngươi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, ở nơi kín nhiệm đó; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi.”

Tôi nghĩ rằng ý tưởng đóng cửa lại để được ở một mình với Chúa, và không bận tâm gì đến thế giới bên ngoài kia, chính là tuyên bố rằng bạn sẵn sàng làm việc một cách nghiêm túc với Chúa. Đó là vấn đề riêng tư giữa bạn và Ngài.

Cuối cùng thì phép lạ về bình dầu đã được biết đến rộng rãi (và lan truyền cho đến ngày nay!) Nhưng bản thân khoảnh khắc của phép lạ, khi đức tin và quyền năng của Đức Chúa Trời gặp nhau, chỉ là chuyện của một gia đình.

“Nàng liền đi khỏi người, vào nhà với các con trai mình, đóng cửa lại.” (2 Các-vua 4:5)

Phân đoạn này trong 2 Các-vua 4, về hai con trai của người góa phụ và đứa con đã chết của người nữ Su-nem, thường được đọc trong các nhà hội cùng với một phân đoạn trong Kinh Torah, nơi Áp-ra-ham được bảo trước tiên hãy tiễn Ích-ma-ên vào trong hoang mạc, sau đó hiến tế Y-sác. Ông cũng suýt mất hai con trai của mình. Câu chuyện về hai người con trai trong cơn hiểm nguy và cuộc giải cứu thần kỳ được liên kết với nhau. Tất nhiên, đối với chúng ta, những người yêu mến Đấng Mê-si, việc Áp-ra-ham sẵn sàng hy sinh con trai duy nhất của mình cũng tương đồng với sự hy sinh của Đức Chúa Trời khi Ngài sai Chúa Giê-xu đến để chịu chết. Và thật thú vị làm sao khi chính sau cánh cửa đóng kín của ngôi mộ đã được niêm phong đó, Đức Chúa Trời đã phục sinh Con Ngài? Sau đó, Ngài bước ra khỏi mộ vào ngày thứ ba và phép lạ này đã được lan truyền rộng rãi nhất có thể.

Khi cánh cửa đóng lại và chúng ta ở một mình với những suy nghĩ, nhu cầu của mình và Chúa của chúng ta, chúng ta thấy mình đang ở trạng thái nào? Chúng ta đã sẵn sàng thực sự mở lòng đón nhận Ngài bằng đức tin chưa?

Đôi khi thật dễ để khơi dậy đức tin khi ở trong một đám đông có cùng niềm tin, nhưng khi chúng ta phải đóng cánh cửa đó lại phía sau và nói chuyện với Chúa một mình, thì đức tin của chúng ta sẽ trở nên rõ ràng và sống động hơn rất nhiều. Rồi khi Đức Chúa Trời đã ban phép lạ cho chúng ta, thì việc nói cho cả thế giới biết về phép lạ đó là điều đúng đắn và nên làm nhất đúng không nào!

Đức Chúa Trời của sự dư dật

Người góa phụ và các con trai nàng phải đi mượn những chiếc bình – không phải chỉ một vài cái mà mượn nhiều nhất có thể – và họ mang về, đổ đầy chúng rồi bán dầu trong đó. Ba mẹ con cảm thấy thế nào khi họ đổ – và đổ – và đổ! Dầu chỉ dừng lại sau khi đổ đầy chiếc bình cuối cùng. Có vẻ như dầu sẽ tiếp tục tuôn ra không ngừng nếu họ còn bình trống? Giới hạn duy nhất đối với phép lạ này là số lượng bình mà họ đã mượn được. Bạn có thể tưởng tượng cuộc trò chuyện có thể diễn ra như thế nào khi họ đi trả lại những chiếc bình cho hàng xóm không?!

Ê-li-sê nói với nàng, “Hãy đem bán dầu mà trả nợ của ngươi; đoạn, ngươi và các con trai ngươi sẽ lấy dầu còn lại mà nuôi mình.”

Từ “phần còn lại” trong tiếng Do Thái cũng có thể được sử dụng để chỉ phần thừa. Phần dư ra. Phần vượt quá mong đợi. Đức Chúa Trời đã chu cấp cách dư dật, và phần dầu thừa lại thôi cũng đủ cho nhu cầu của nàng cùng các con. Giống như những ổ bánh và những con cá – phần bánh thừa lại thâu được đầy mười hai giỏ. Khi Chúa nói, “Không ít đâu”, Ngài thật sự có ý đó. Đừng tiếc của, đó là hướng dẫn – đừng giới hạn phép lạ của Chúa. Hãy mượn thật nhiều bình. Đức Chúa Trời không phải là người keo kiệt, nhưng Ngài là Đức Chúa Trời của sự dư dật, của những điều vượt quá sự mong đợi. Họ có thể không phát tài sau phép lạ này, nhưng họ đã được cứu khỏi một thảm họa nghiêm trọng. Họ có thể sống tự do (khỏi nợ nần) và cuộc sống sẽ dễ thở hơn trước.

Chúa thích giúp đỡ chúng ta – Ngài luôn hiện diện giúp đỡ trong lúc khó khăn. Bạn có đang cần một phép lạ không? Bạn sẽ trả lời thế nào nếu Chúa hỏi bạn ngay bây giờ, “Con muốn Ta làm gì cho con?” Hãy suy ngẫm những lẽ thật về Đức Chúa Trời thành tín, hào phóng, hay làm phép lạ trong câu chuyện này và nói cho Ngài biết điều bạn cần giúp đỡ ngay hôm nay.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like