Home Lời Chứng Khái Niệm Thời Gian

Khái Niệm Thời Gian

by Hồ Galilê
30 đọc

Khi tôi còn ở Quảng Nam thì tôi vẫn nghe thấy thời gian trôi đi bình thường, thậm chí có khi là chậm chạp, tôi không hề có khái niệm thời gian trôi nhanh quá sức tưởng tượng. Vậy mà gần một tháng nay kể từ khi tổng thống Nga ông Putin phát động chiến tranh xâm lược Ukraina với cái thuật ngữ mỹ miều “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tôi đã quan tâm cuốn hút vào chiến sự ngày đêm, lòng thầm cầu nguyện xin Chúa cho tổng thống V. O. Zelensky và người dân dũng cảm bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của họ, cũng là ngày tôi rời quê nhà vào Sài Gòn làm việc. Chiến tranh thật tàn khốc, chết chóc tan thương và đổ vỡ tại một đất nước Đông Âu tươi đẹp này trong đó có nhiều Cơ-đốc nhân đang cư ngụ, hơn ba triệu người đã rời bỏ quê hương di tản ra nước ngoài. Vào thành phố Hồ Chí Minh tôi chứng kiến nhịp sống hối hả nơi đô thành nhìn mọi người tất bật làm việc, lúc này tôi cảm nhận rất rõ thời gian trôi nhanh một cách khủng khiếp, vì thoáng một cái đã đến cuối tuần, rồi Chúa nhật…

Thời gian là một cái gì hết sức kỳ cục… những ngày nghỉ hè, một buổi chiều với vị hôn thê hay một cuộc đàm thoại với một người bạn cũ đều làm thời gian cảm giác như trôi đi thật nhanh chóng. Trái lại, có rất nhiều việc khác lại có vẻ như trôi đi một cách vô cùng chậm chạp, mệt mỏi như việc chờ đợi vị hôn thê trên kia đến, một giờ tập luyện trong trại binh hay mười phút trên ghế của ông Nha sĩ. Nếu thời gian chịu trôi đi chậm hoặc nhanh theo ý chúng ta muốn, khi chúng ta vui thú hoặc lúc chúng ta buồn tủi thì hay biết mấy, nhưng thời gian lại không theo ai cả, mà cứ làm tròn bổn phận của nó là cứ tiếp tục trôi đi biền biệt như sông nước vậy. Từ xưa tới nay người ta thường nói thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Nhiều người cho rằng “bóng câu” là bóng của chim bồ câu. Chim bồ câu đậu trên cửa sổ rồi thoắt bay đi nhanh như thời gian. Nhưng trên thực tế điều này không hợp lý vì thường chim đậu sẽ đậu một lúc bên cửa sổ chứ không lướt đi, và mức độ nhanh của chim bồ câu cũng không đến mức đáng kể để đưa vào câu này. Nhưng trên thực tế, ý nói đàn ngựa non sung sức ngoài đường vụt nhanh qua cửa sổ, bóng câu chính là bóng ngựa chạy lướt ngang qua cửa sổ.

Thời gian trôi nhanh như nước chảy qua cầu:

Thời gian như nước qua cầu
Xuân xanh mấy bận thoắt đầu pha sương
Có còn nguyên phấn má hường?
Để cho hoa thẹn liễu nhường kém xanh.

Ca dao, tục ngữ Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên giá trị về thời gian:

Đêm nay cánh vạc về đâu
Khói sương chưa dễ phai màu thời gian!

Trong Kinh Thánh cho chúng ta biết khái niệm về thời gian một cách toàn diện, nó hoàn toàn khác với con người. Do vậy, bạn là Cơ-đốc nhân hãy hiểu rõ điều này để mà sống đẹp lòng Chúa.

Kinh Thánh II Phi-e-rơ 3:8 cho chúng ta biết ngàn năm trước mắt Chúa như một ngày và một ngày như một ngàn năm. Như vậy, thời gian đối với chúng ta luôn di chuyển còn đối với Đức Chúa Trời là hiện tại. Thời gian đối với chúng ta là qua mau, chính vì vậy chúng ta có hiện tại, quá khứ và tương lai. Vì con người là hữu hạn, chịu sự chi phối bởi không gian và thời gian. Đức Chúa Trời đã tạo ra thời gian, sách Sáng-thế-ký đoạn 1 câu 1 chép: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” từ ngày thứ nhất đến ngày thứ sáu, trong tuần lễ sáng tạo, mỗi ngày dựng nên Chúa đều phán “Mọi sự là tốt lành, vậy có buổi chiều và buổi mai”… Chúa dựng nên trời đất, đây là một câu thật ngắn nhưng chứa đựng nhiều vấn đề thần học cùng một lúc, chữ ban đầu ở đây là bắt đầu tuyệt đối khởi điểm của thời gian, nói cách khác chúng ta có thời gian bắt đầu từ chữ “ban đầu” này. Đây là một lời long trọng của Đấng Tạo hóa thông báo có một sự khởi đầu do chính Ngài đặt ra cho công cuộc sáng tạo con người. Nói cách khác, vũ trụ do Thượng Đế sáng tạo làm chuẩn cho thời gian thì trước đó không có thời gian. Thi-thiên hiên 90:2 “Trước khi núi non chưa sanh ra, Đất và thế gian chưa dựng nên, từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời”, câu 4 “Vì một ngàn năm trước mắt Chúa, khác nào ngày hôm qua đã qua rồi, giống như một canh của đêm”. Trong khi đó Tân ước IIPhi-e-rơ 3:8 “Ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày”.

Lời khuyên từ Kinh Thánh:

Truyền-đạo 11:9 Vua Sa-lô-môn vị vua khôn ngoan nhất của nước Do Thái đã nói:

“Hỡi kẻ trẻ kia, hãy vui mừng trong buổi thiếu niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn thơ ấu, hãy đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích, nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét”.

Còn người già cả ông khuyên: “Lại hãy tưởng nhớ Đấng Tạo hóa ngươi, trước khi dây bạc đứt và chén vàng bể, trước khi vò vỡ ra bên suối, và bánh xe gãy ra trên giếng”.Truyền-đạo 12:6-7 Dây ở đây nói về chiếc đèn treo trên cột nhà hay lán trại bằng một dây xích nhỏ, chiếc đèn làm hình bóng về linh hồn còn sợi dây chỉ về thể xác. Dây đứt chén rơi, vò vỡ ra nước bị đổ, lúc ấy bụi tro trở vào đất y nguyên cũ, nhưng Thần Linh trở về nơi Đức Chúa Trời là Đấng ban nó, ý nói diễn biến đời người đến lúc già yếu rồi chết. Kinh Thánh Tân-ước có nhắc đến việc tận dụng thời gian trong Ê-phê-sô 5:16 “Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu”, theo bản Kinh Thánh Anh ngữ: Hãy cứu vãn, hãy cứu chuộc, ý muốn nói rõ hơn việc nắm bắt cơ hội và thời gian. Trong bản tiếng Hy-lạp dịch sát nghĩa thì là “mua lấy các cơ hội” còn bản Kinh Thánh Diễn ý của cố Mục sư Tiến sĩ Lê Hoàng Phu ở II Cô-rinh-tô 6:2

“Hiện nay là thì thuận tiện, hiện nay là thì cứu rỗi”.

Một thiếu nữ bản xứ được một bà giáo sĩ nhận làm con nuôi, cô được bà rước về ở chung, bà yêu thương cô như con ruột, bà cho cô đi học và dạy Kinh Thánh cho cô, cô đã tìm gặp Chúa và tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của cuộc đời mình. Bà giáo sĩ rất vui thỏa và thường khuyên cô sớm dâng đời sống mình cho Chúa để trở nên người phục vụ Ngài như bà, nhưng cô ấy cứ hẹn lần hẹn lữa không dứt khoát. Một ngày kia cô lâm trọng bệnh phải nằm viện điều trị, mỗi ngày bà đều đến thăm cầu nguyện và an ủi cô. Ngày đầu bà đến với bó hoa tươi thắm, loại hoa mà cô yêu thích. Cô vui mừng lắm, nhưng sau giờ thăm hỏi bà mang bó hoa đó về, cô hơi buồn nhưng tự nhủ chắc là bà đang lo nghĩ về nhiều việc nên quên để bó hoa lại. Ngày thứ hai cũng bó hoa đó bà mang đến, một vài cánh hoa đã có dấu hiệu chuyển màu, nhưng nhìn chung hãy còn đẹp, cô tự an ủi dù có héo cũng không sao, nhưng rồi bà cũng ôm bó hoa ra về sau khi thăm bệnh xong, cô có thất vọng song đủ bình tỉnh để trấn an mình. Ngày thứ ba, bó hoa đã héo hẵn, những cánh hoa rũ xuống không còn đẹp đẽ gì. Lần này, trước khi ra về, bà đến bên giường bệnh ôn tồn:

“Mẹ tặng bó hoa này cho con, mong con được vui như những bông hoa này vậy”.

Cô bực tức nói:

“Sao mấy ngày trước hoa còn tươi mẹ không tặng con, bây giờ hoa đã héo tàn mẹ mới tặng con?”

Bà giáo sĩ nhẹ nhàng âu yếm

“Đời con như những bó hoa này vậy, mẹ khuyên con dâng cho Chúa để phục vụ Ngài, nhưng con cứ lần lữa mãi, con định để đến lúc đời con héo tàn bệnh hoạn con mới chịu dâng cho cho Chúa sao?” Cô ân hận ngậm ngùi:

– Mẹ ôi! hai giòng lệ cô từ từ rơi xuống đất!

Hồ Galilê – 2022

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like