Home Chuyên Đề 5 Điều Kỳ Diệu Với Những Người Vô Thần

5 Điều Kỳ Diệu Với Những Người Vô Thần

by Sưu Tầm
30 đọc

Người vô thần thường tự đề cao mình là những người thông minh, lô-gic, khoa học, lý lẽ, v.v… Họ còn tự gọi mình là “thông sáng” nữa! Những nhà vô thần thời đại mới xông xáo như Richard Dawkins, Sam Harris thích miêu tả những người tin vào một Đấng Tạo Hóa siêu nhiên là phi lý, phản khoa học, ngu ngốc, thiếu hiểu biết, hay thậm chí là “cần được khai sáng” (Dawkins). Ngành công nghiệp giải trí thường củng cố quan điểm này bằng cách miêu tả những người ‘có đạo’ (chủ yếu là Cơ-đốc nhân, và các lãnh đạo nhà thờ) như những gã hề hoặc quê mùa (hầu như không bao giờ là một giáo sư đại học, kiểu vậy).

Thực tế thì ngược lại với những quan điểm này. Isaac Newton, bộ não khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại, là một Cơ-đốc nhân, cũng như nhiều người đặt nền móng cho ngành khoa học hiện đại khác. Các cuộc khảo sát liên tục chỉ ra rằng những người tôn trọng thẩm quyền của Kinh Thánh là những người ít mê tín nhất, trái ngược với những người vô thần trên thực tế. Quả vậy, nhà vô thần Thomas Nagel đã nói cách chán nản rằng “nhiều người trong số những người thông minh và hiểu biết nhất” mà ông biết là Cơ-đốc nhân.

Còn rất nhiều điều để nói nữa. Người vô thần tin rằng mọi thứ xuất được hình thành từ những quá trình thuần vật lý (duy vật) – vũ trụ, sự sống, tư duy, và đạo đức. Tuy nhiên, liệu họ có cơ sở hợp lý và lô-gic nào cho niềm tin này hay không?

Thực ra, họ tin vào những phép lạ mà không có bất kỳ một nguyên nhân hợp lý nào để có thể giải thích được những phép lạ đó. Có nghĩa là họ tin vào các phép màu, hay những sự việc xảy ra mà không rõ nguyên nhân. Những thứ mà chúng ta thường gọi là “phép màu” đó thật ra là những trò ảo thuật (mắt chúng ta có thể bị đánh lừa). Ví dụ, một con thỏ không thể nào tự nhiên xuất hiện từ một cái nón rỗng, phải có một sự giải thích lô-gic về mặt vật lý cho việc này, một mánh lới gì đó. Những trò ảo thuật cần một nhà ảo thuật. Một điều không thể xảy ra nếu không có cái gì đó khiến nó xảy ra. Ngay cả một đứa trẻ con cũng hiểu quy luật nhân quả này. Phép màu, là khi mà một thứ “tự nhiên xảy ra”, chỉ có trong chuyện cổ tích—chẳng có ở đời thật.

Dưới đây là 5 ví dụ về việc những người theo chủ nghĩa duy vật tin vào các phép màu, hay những sự kiện huyền nhiệm (và còn nhiều hơn thế nữa) mà không có bất kỳ lời giải thích hay nguyên nhân đầy đủ nào cho những sự kiện đó.

1. Nguồn Gốc Vũ Trụ

Những người theo chủ nghĩa duy vật (hay còn gọi là những người vô thần) từng cố gắng tin rằng vũ trụ là vĩnh hằng để xóa bỏ câu hỏi vũ trụ này từ đâu mà có. Điển hình là nhà vô thần nổi tiếng người Anh Bertrand Russell. Tuy nhiên, niềm tin này không vững chắc. Sự tiến bộ trong kiến thức khoa học về nhiệt động lực học nghĩa là hầu như tất cả mọi người đều bị buộc phải thừa nhận rằng vũ trụ này có một sự khởi đầu, ở đâu đó, vào một lúc nào đó—ý tưởng Vụ Nổ Lớn (Big Bang) thừa nhận điều này (những ý tưởng như thuyết đa vũ trụ chỉ đẩy câu chuyện đi xa hơn, nhưng chúng không loại bỏ được những vấn đề phiền toái khác).

Thuyết Vụ Nổ Lớn cố gắng giải thích sự khởi đầu của vũ trụ. Tuy nhiên, nguyên nhân của vụ nổ là do đâu và điều gì khiến nó xảy ra? Cuối cùng thì, nó không thể đến từ cùng một nguồn vật chất /năng lượng với vũ trụ của chúng ta, bởi vì những vật chất /năng lượng đó cũng phải tuân theo các quy luật vật lý tương tự của vũ trụ này, và do đó nó cũng sẽ dần bị hư hoại, và cũng sẽ phải có một điểm khởi đầu, chỉ là quay ngược thời gian.

Vậy nên, nó phải đến từ đâu đó! Từ hư không sao? Từ không có gì biến ra mọi thứ mà không có bất kỳ nguyên nhân nào. Phép màu!

Vũ trụ này xuất hiện từ hư vô sau một vụ nổ—hư không, hoàn toàn không có gì cả. Và khi nó lớn hơn, nó được lấp đầy bởi nhiều thứ hơn nữa cũng đến từ chỗ không có gì đó. Làm sao điều này lại có thể gọi là khả thi được đây? Hãy hỏi Alan Guth đi. Thuyết về vũ trụ giãn nở của ông ấy giúp giải thích mọi vấn đề.

Lời công bố trên trang bìa của tạp chí Discover, tháng 4 năm 2002.

Nhà vật lý Lawrence Krauss, một trong những “nhà vô thần thời đại mới” có tiếng nói trong giới, đã cố gắng giải thích tại sao mọi thứ đến từ chỗ không có gì; ông ta còn viết một quyển sách nói về điều này. Tuy nhiên, cái “không có gì” của ông là một “trường lượng tử ở trạng thái chân không”, cái mà thực ra không thể gọi là không có gì được. Quả thật, thuyết về một vật chất /năng lượng lượng tử gì đó cũng có cùng một vấn đề với thuyết vũ trụ vĩnh hằng, nó không thể tồn tại từ trước vô cùng, vậy nên mọi lý thuyết về chúng chỉ áp dụng được sau khi vũ trụ (hay một cái gì đó) tồn tại. Vậy là quay trở lại bước đầu!

Những người theo chủ nghĩa duy vật không có lời giải thích nào về nguồn gốc của vũ trụ, ngoài việc “điều gì đó đã phải xảy ra bởi vì chúng ta hiện đang tồn tại ở đây!” Như kiểu phép màu: lấy một con thỏ ra từ chiếc nón rỗng, tuy nhiên đem cái này áp dụng cho vũ trụ thì thật là một ‘con thỏ’ hài hước. Mọi chuyện cứ tự nhiên xảy ra như đấy, tin được không!

Có những khía cạnh khác của Vụ Nổ Lớn, mô hình “chính thống” về nguồn gốc vũ trụ, cũng đầy tính phép màu. Mô hình “cơ bản” có một quá trình mở rộng rất nhanh gọi là “giãn nở” (mà Alan Guth, người được đề cập ở trên, đã phát minh ra). Không có nguyên nhân nào được biết đến gây ra sự giãn nở giả định này, không có nguyên nhân khiến nó dừng lại và cũng không có cơ chế vật lý nào cho việc giãn nở cực kỳ nhanh (nhanh hơn gấp nhiều chục lần vận tốc ánh sáng). Tuy nhiên, ba phép màu này phải xảy ra nếu không mô hình Vụ Nổ Lớn sẽ không hoạt động được bởi vì “vấn đề đường chân trời” (horizon problem). Lại thêm phép màu nữa!

Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng-thế 1:1). Đây không phải là phép màu, bởi vì Đức Chúa Trời, Đấng toàn năng đã có từ trước vô cùng, là nguyên nhân đầy đủ để tạo nên vũ trụ này. Và Ngài có thể tồn tại đời đời (do đó không có khởi đầu) vì Ngài là một thực thể phi vật chất (Đức Chúa Trời là thần linh, như Kinh Thánh đã nói ở nhiều chỗ).

2. Nguồn Gốc Các Vì Sao

Theo thuyết Vụ Nổ Lớn, “ứng cử viên duy nhất” để giải thích cho nguồn gốc của các vì sao, thì phải có 2 giai đoạn hình thành các ngôi sao. Giai đoạn 1 gồm sự hình thành các ngôi sao từ khí hydro/heli (gọi là các ngôi sao cấp độ III). Đây là vấn đề đầu tiên: làm thế nào để các khí được hình thành trong một vũ trụ nguyên thủy đang giãn nở nhanh chóng kết hợp lại với nhau để tạo ra một khối lượng tới hạn và có đủ lực hấp dẫn để hút thêm nhiều khí nữa cho một ngôi sao lớn lên? Các chất khí không có xu hướng kết lại với nhau, chúng thường phân tán ra, đặc biệt là khi có một nhiệt lượng khổng lồ. Thật là nhanh! Các nhà vũ trụ học liền phát minh ra khái niệm về “vật chất tối”, là ‘thứ gì đó’ vô hình không thể phát hiện được, chỉ xuất hiện để tạo ra rất nhiều lực hấp dẫn, ở những nơi cần chúng. Lại thêm phép màu!

Tuy nhiên, chúng ta có vô số ngôi sao—như mặt trời—không chỉ có khí hydro và heli thôi, mà còn chứa các nguyên tố nặng hơn. Giai đoạn 2 được giả định ở đây. Những ngôi sao phát nổ (những vụ nổ siêu tân tinh) từ giai đoạn 1 đã tạo ra áp suất đủ lớn để kết hợp khí hydro và heli lại với nhau rồi cho ra những ngôi sao mới và quá trình này cũng tạo ra những nguyên tố nặng hơn (mà các nhà thiên văn học gọi là “kim loại”), bao gồm cả những nguyên tố mà từ đó chúng ta được tạo thành. Các ngôi sao này gọi là sao cấp độ I hay II.

Đây lại là một vấn đề nữa: làm thế nào mà các ngôi sao nổ tung, với vật chất bay tứ tán ở tốc độ cực cao, lại khiến cho các ngôi sao mới được hình thành từ tất cả các nguyên tố đó? Phải có sự kết hợp lại của các nguyên tố, chứ không phải là bay ra xa. Các mảnh vỡ đập vào nhau sẽ dội ra xa thay vì kết hợp lại. Hầu hết các giả thuyết thường cho rằng nhiều siêu tân tinh trong giai đoạn 1 đã ở rất gần nhau, đến nỗi có đủ vật chất va đập vào nhau để tạo thành một ngôi sao nguyên thủy với đủ lực hấp dẫn cần thiết để không dội ra xa mà hút thêm nhiều vật chất hơn rồi phát triển thành một ngôi sao chuẩn. Tuy nhiên, một ngôi sao nổ tung không phải là hiện tượng thường gặp, đặc biệt là xảy ra cùng một lúc với nhiều siêu tân tinh ở gần nhau. Do đó, kịch bản này đòi hỏi một số lượng lớn các sự kiện rất khó xảy ra để giải thích cho việc có một số lượng lớn các ngôi sao chứa các nguyên tố nặng hơn.

Phép màu nối tiếp phép màu; phép lạ mà không cần một người làm phép lạ.

Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời đã tạo ra mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao vào ngày thứ tư của Tuần Lễ Sáng Tạo. Một lần nữa, đây không phải là trò ảo thuật hay mê tín, bởi vì Đức Chúa Trời có khả năng làm việc này trong quyền năng siêu nhiên của Ngài.

3. Nguồn Gốc Sự Sống

Giáo sư sinh học vũ trụ Paul Davies đã nói:

Làm sao mà những nguyên tử ngu ngốc có thể tự viết phần mềm của chính mình…? Không ai biết… không quy luật vật lý nào được biết đến có thể tạo ra thông tin từ hư không.

Không chỉ có mã DNA mới cần được giải thích (làm thế nào mà một hệ thống lưu trữ thông tin được mã hóa có thể ra đời mà không cần một sự thiết kế thông minh?), mà cả một bộ máy đáng kinh ngạc dùng để đọc thông tin và tạo ra các thành phần của sự sống từ những thông tin đó cũng cần phải được giải thích nữa.

Cựu triết gia vô thần người Anh, Antony Flew, người đã từ bỏ chủ nghĩa vô thần/duy vật của mình vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho những thiết kế như vậy trong các sinh vật sống. Ông nói:

Giờ đây, đối với tôi, dường như những phát hiện của hơn 50 năm nghiên cứu DNA đã cung cấp nhiều tài liệu cho một luận cứ mới và cực kỳ mạnh mẽ về sự thiết kế.”

Nghiêncứu này

“đã cho thấy, từ sự phức tạp gần như không thể tưởng tượng được của những sắp xếp cần thiết để tạo ra (sự sống),rằng  phải có một trí thông minh (của ai đó) đã tham gia vào quá trình này.

Điều này có nghĩa là, chỉ có một nhà thiết kế cực kỳ thông minh mới có thể giải thích về những hệ thống thông tin trong các sinh vật sống.

Triết gia vô thần nổi tiếng người Mỹ, Thomas Nagel nói,

Điều còn thiếu sót, theo hiểu biết của tôi, là một lập luận đáng tin cậy rằng câu chuyện [về sự tiến hóa trong vũ trụ] có một xác suất khá cao là không thể đủ điều kiện để có thể là sự thật. Có hai câu hỏi. Một là, với những gì đã được biết về cơ sở hóa học của sinh học và di truyền học, thì khả năng các dạng sống tự sinh sản xuất hiện cách tự phát trên trái đất thời sơ khai, chỉ thông qua những hoạt động của các quy luật vật lý và hóa học, là bao nhiêu?” (Xem thảo luận về câu hỏi thứ hai của ông ở phần sau).

Kiến thức khoa học về sự sống ngày càng phát triển, và như vậy những lời giải thích theo chủ nghĩa tự nhiên (duy vật/vô thần) cho nguồn gốc sự sống ngày càng lùi xa. Nguồn gốc sự sống là một phép màu. “Nó tự nhiên xảy ra?” Lại thêm phép màu.

Nguồn gốc sự sống đòi hỏi phải có một căn nguyên siêu việt, như Đức Chúa Trời Đấng Tạo Hóa được bày tỏ trong Kinh Thánh.

4. Nguồn Gốc Về Sự Đa Dạng Của Sự Sống (Thiết Kế, Thiết Kế Gì?)

Nguồn gốc sự sống chỉ là khởi đầu của vấn đề đối với những người theo chủ nghĩa duy vật. Cùng với các nhà sinh học vô thần khác, Richard Dawkins đã dành cả đời mình để chối bỏ việc các sinh vật sống cho thấy sự thiết kế siêu nhiên. Trong quyển sách đã làm nên danh tiếng của mình, ông viết,

Sinh học là nghiên cứu về những thứ phức tạp có vẻ như đã được thiết kế cho một mục đích nào đó.

Sự đa dạng của sự sống là một rắc rối lớn. Làm sao một vi sinh vật lại có khả năng tự biến đổi mình để trở thành mọi sinh vật sống trên trái đất, từ con cuốn chiếu tới con voi, từ mối mọt tới cây xoài? Qua gần cả trăm năm, đột biến và chọn lọc tự nhiên, những cơ chế của thuyết “tân-Darwin”, hay “thuyết tiến hóa tổng hợp” được cho là đã giải thích được sự đa dạng của sự sống. Tuy vậy, với kiến thức hiện đại của chúng ta về các sinh vật sống, điều này đã được chứng minh là một lời giải thích vô nghĩa.

Vào tháng 7 năm 2008, 16 nhà tiến hóa học đã gặp nhau, theo lời mời dự hội nghị ở Altenburg, Austria. Họ đến vì họ nhận thấy rằng sự đột biến và quá trình chọn lọc tự nhiên không giải thích được sự đa dạng của sự sống, và họ đã cùng nhau thảo luận về cuộc khủng hoảng này của ngành sinh học tiến hóa. Điều duy nhất mà họ nhất trí với nhau là đã có một vấn đề lớn, một cuộc khủng hoảng.

Thomas Nagel (tiếp theo phần trích dẫn ở trên) đã diễn đạt nó theo cách này,

Câu hỏi thứ hai là về nguồn gốc của những biến thể trong quá trình tiến hóa đã bắt đầu hoạt động ngay khi sự sống bắt đầu: Trong thời gian địa chất có sẵn kể từ khi những dạng sống đầu tiên xuất hiện trên trái đất, khả năng để kết quả từ những hiện tượng vật lý ngẫu nhiên, một chuỗi các đột biến gen khả thi có thể tồn tại đủ để cho phép quá trình chọn lọc tự nhiên diễn ra và tạo ra các sinh vật sống mới thực sự tồn tại là bao nhiêu?

Hãy nghĩ đến nguồn gốc giả định của loài người là từ một loài giống khỉ trong 6 triệu năm tiến hóa. So sánh hiện đại giữa các bộ gen của khỉ và người cho thấy sự khác biệt rất lớn (ít nhất là 20%) đến nỗi điều này đơn giản là khả thi một chút nào, ngay cả với những giả định rất phi thực tế có lợi cho thuyết tiến hóa. Trên thực tế, điều này thậm chí còn không khả thi khi sự khác biệt được thổi phồng một cách không chính xác là chỉ có khoảng 1%.

Những người theo chủ nghĩa duy vật không có lời giải thích đầy đủ cho sự đa dạng của sự sống. Có vô số những ý nghĩ về phép màu ở đây chứ không phải chỉ một. Mỗi một dạng sống căn bản đều là một phép màu.

Sáng-thế Ký 1 cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa toàn năng, toàn tri đã tạo ra nhiều dạng sống khác nhau để sinh sản “tùy theo loại”. Đây là một nguyên nhân đầy đủ, và ngay cả việc mô tả bản chất của mọi loài sống là sinh sản tùy theo loại đã được xác nhận bởi vô vàn trường hợp sinh sản được chứng kiến (chỉ duy loài người thôi đã có hàng tỷ trường hợp rồi), và cả trong ghi chép hóa thạch, nơi mà những thể trung gian không thể tìm thấy và những “hóa thạch sống” (những hóa thạch được cho là của những loài sống từ hàng chục triệu năm trước đến giờ vẫn còn tồn tại) làm chứng cho sự sinh sản “tùy theo loại” ở hàng ngàn loài.

5. Nguồn Gốc Của Tâm Trí Và Đạo Đức

Nguồn gốc của tâm trí và đạo đức từ năng lượng và phân tử từ lâu đã là vấn đề đối với những người theo chủ nghĩa duy vật. Đó là một chủ đề lớn trong cuốn sách của triết gia Thomas Nagel, Mind and Cosmos (tạm dịch là “Tâm Trí và Vũ Trụ”), đã được đề cập tới.

Cây vả sinh ra trái vả, không phải trái táo. Điều này có vẻ hiển nhiên. Cũng vậy, vật lý và hóa học cho ra các kết quả vật lý và hóa học. Tuy nhiên, tâm trí và đạo đức không thể là vấn đề của vật lý và hóa học. Tất nhiên, các sinh vật của vật lý và hóa học có tâm trí và đạo đức, nhưng bằng cách nào mà những thứ phi vật chất đó lại có thể phát sinh từ vật chất? Đây là vấn đề lớn của chủ nghĩa duy vật, và nhà vô thần Nagel thẳng thắn thừa nhận điều đó, bất chấp sự khó chịu cực kỳ từ những đồng nghiệp vô thần của ông.

C.S. Lewis, nhà văn nổi tiếng và cũng là một người cải đạo (miễn cưỡng) từ chủ nghĩa vô thần sang Cơ-đốc giáo, đã diễn đạt điều này rất tốt khi ông viết:

Nếu hệ mặt trời được tạo ra bởi những vụ va đập ngẫu nhiên, thì sự xuất hiện của sinh vật sống trên hành tinh này cũng là một điều ngẫu nhiên, và toàn bộ quá trình tiến hóa của loài người cũng là ngẫu nhiên nốt. Nếu đúng là vậy, thì mọi suy nghĩ hiện tại của chúng ta cũng chỉ là ngẫu nhiên—là sản phẩm ngẫu nhiên tạo ra bởi sự di chuyển của các nguyên tử. Và điều này cũng đúng với tư tưởng của những người theo chủ nghĩa duy vật và các nhà thiên văn học hay bất kỳ ai khác. Nhưng nếu tư tưởng của họ—chỉ là những sản phẩm ngẫu nhiên, vậy thì tại sao chúng ta phải tin rằng những tư tưởng đó là đúng? Tôi không thấy có lý do nào để tin rằng một sự kiện ngẫu nhiên có thể cho tôi một lời giải thích chính xác về mọi sự kiện ngẫu nhiên khác. Nó cũng giống như việc hy vọng rằng hình dạng ngẫu nhiên do tia nước bắn ra khi bạn làm đổ bình nước sẽ cho bạn biết chính xác về cách mà chiếc bình đó được làm ra và tại sao nó bị đổ vậy.”

Người vô thần không tìm được nguyên nhân đầy đủ để giải thích cho sự tồn tại của tâm trí và đạo đức. Phép màu lại xảy ra!

Tại sao những người tự cho mình là thông minh hiểu biết lại tin vào phép màu—những sự kiện không có nguyên nhân—tại quá nhiều điểm như vậy? Bởi không tin vào Đức Chúa Trời, họ đã tự dồn mình vào một góc triết học phi lý. Rô-ma 1:21 trong Kinh Thánh nói rằng khi người ta phủ nhận sự tồn tại của Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời, họ sẽ “lầm lạc trong lý tưởng hư không”. Chúng ta đã thảo luận rất nhiều về điều này. Richard Lewontin thừa nhận rằng (khi gạt Chúa sang một bên), “chúng tôi đứng về phía hoa học bất chấp những thứ có vẻ vô lý trong câu chuyện của nó…” (ông nhầm lẫn giữa cái gọi là “khoa học” với chủ nghĩa duy vật).

Vậy những điều này đưa chúng ta đến kết luận gì?

Đức Chúa Trời dựng nên loài người “như hình Ngài”, một tạo vật có tâm trí và đạo đức (Sáng-thế 1:27). Nhờ đó, chúng ta có thể nghĩ về Đức Chúa Trời và “nhận biết” Ngài. Đây là lý do tồn tại của chúng ta. Ê-sai 1:18 ghi lại những lời Chúa phán với dân Y-sơ-ra-ên, là dân đã quay lưng lại với Ngài:

“Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên.

Cố gắng sống một cuộc đời như thể Chúa không hiện hữu là tận cùng của sự nổi loạn (tội lỗi), và quá là ngu dại. Tin Lành là Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho những ai thừa nhận sai lầm của mình và tìm kiếm Ngài:

Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va trong khi có thể gặp; Hãy kêu cầu đang khi Ngài ở gần!
Kẻ gian ác hãy lìa bỏ đường lối mình, Người xấu xa hãy từ bỏ các ý tưởng mình;
Hãy trở lại cùng Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ thương xót, Hãy đến cùng Đức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha thứ dồi dào.
” (Ê-sai 55:6-7)

Chúa Giê-xu đã đến thế gian và chịu chết trên thập tự giá để chúng ta có thể được tha thứ. Ai có tai mà nghe hãy nghe!

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: creation.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like