Home Khoa học -Khảo cổ ‘Cây Nhũ Hương’ Quý Hiếm Trong Kinh Thánh Được Khắc Trên Con Dấu Thạch Anh Tím 2000 Năm Tuổi

‘Cây Nhũ Hương’ Quý Hiếm Trong Kinh Thánh Được Khắc Trên Con Dấu Thạch Anh Tím 2000 Năm Tuổi

by Sưu Tầm
30 đọc

Viên đá nhỏ màu hoa cà, có khắc hình một con chim và một nhành cây có năm trái, đã rơi xuống kênh thoát nước chính của Jerusalem có từ thời Đền-thờ thứ hai.

Viên đá thạch anh tím có khắc hình cây nhũ hương.
(Ảnh: ELIYAHU YANAI/CITY OF DAVID)

Trong những thập kỷ cuối trước khi Đền-thờ thứ hai bị phá hủy, một người nào đó – có thể là người Do Thái, hay một khách hành hương – đã đi bộ trên con đường hùng vĩ nối ao Si-lô-am/Si-lô-ê ở ngoại ô Jerusalem với Núi Đền.

Vào dịp quan trọng, người ấy mặc trang phục và đeo đồ trang sức quý giá nhất của mình, bao gồm một chiếc nhẫn tinh xảo có viên đá thạch anh tím khắc cành nhũ hương. Nhưng trong đám đông, chiếc nhẫn bị vỡ, viên đá rơi xuống sàn rồi lăn xuống kênh thoát nước ngầm.

Khoảng 2.000 năm sau, cổ vật nhỏ bé này đã được tìm thấy bởi những tình nguyện viên làm công việc sàng lọc qua đất đào từ một cuộc khai quật khảo cổ trong khu vực.

Sau khi kiểm tra viên đá, các chuyên gia phát hiện thêm một điều ngạc nhiên: Viên đá óng ánh nhờ hình khắc trên đó có lẽ là hình ảnh mô tả lần đầu tiên được biết đến về một loài thực vật được đề cập một cách nổi bật trong Kinh Thánh, cũng như trong các nguồn lịch sử và những dữ kiện có liên quan đến người Do Thái sau này, như tổ chức  khảo cổ City of  Đa-vít, Cơ-quan Quản-lý Cổ-vật cùng Cơ-quan Công-viên và Thiên-nhiên Israel (INPA) cho biết hôm thứ Năm (21/10) trong một tuyên bố chung.

Được biết đến với tên gọi “Nhũ hương ở Ga-la-át” (tzori trong tiếng Do Thái), cây nhựa thơm (nataf) hoặc “cây hồng vàng” (có bản dịch gọi là cây dâu hoặc cây bóng nước) sau này trong thời kỳ Mishnaic, loài thực vật có tên khoa học hiện đại là commiphora gileadensis, được sử dụng để sản xuất nước hoa, hương liệu và thuốc.

Một tòa nhà trên Con đường Hành hương ở Thành Đa-vít.
(Ảnh: KOBY HARATI / CITY OF DAVID)

Nhành cây thon dài mang năm trái được khắc trên viên đá đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia vì nó có vẻ khác biệt so với bất kỳ loài nào khác từng được tìm thấy trên những con dấu vào thời điểm đó.

Giáo sư Shua Amorai-Stark, một chuyên gia về khắc đá quý cho biết, “Vào cuối thời kỳ Đền-thờ thứ hai, việc sử dụng con dấu bằng đá đã mở rộng và trở nên phổ biến hơn. Nhưng trong hầu hết các con dấu được phát hiện cho đến nay với các bản khắc thực vật, người ta thường tìm thấy các loài thực vật phổ biến ở Israel vào thời đó: dây nho, quả chà là và cành ô liu, là ba trong số bảy loài thực vật phổ biến. Nhưng trên con dấu đá này, chúng tôi nhận thấy ngay rằng trái cây xuất hiện trên đó không giống bất kỳ loại trái cây nào mà chúng tôi đã gặp từ trước đến nay.

Trong Sáng-thế Ký 37:25, khi các con trai của Gia-cốp đang ngồi dùng bữa sau khi ném em trai của họ là Giô-sép xuống hố, thì quyết định bán người làm nô lệ sau khi thấy “một đoàn lái buôn Ích-ma-ên từ Ga-la-át đến. Lạc đà của họ chở đầy hương liệu, nhũ hương và mộc dược để đưa xuống Ai Cập.

Sau đó, trong Xuất Ê-díp-tô Ký, loài cây này được Chúa đưa vào nguyên liệu làm hương để sử dụng trong Đền-thờ. Đọc trong Xuất 30:34-35,Đức Giê-hô-va lại phán với Môi-se: “Hãy dùng các hương liệu như tô hiệp hương, loa yểm hương, phong chi hương và thanh nhũ hương với cân lượng bằng nhau; theo nghệ thuật hòa hương, pha chế thành một thứ hương đốt có vị mặn, thuần chất và thánh khiết.”

Nhũ hương ở Ga-la-át cũng được biết đến là một thành phần trong nước hoa yêu thích của Cleopatra, nữ hoàng huyền thoại của Ai Cập.

Nhà khảo cổ học Eli Shukron, người đã tiến hành cuộc khai quật tại nền móng của Bức-tường phía Tây thay mặt cho IAA và tổ chức khảo cổ City of David, cho biết: “Đây là một phát hiện quan trọng vì đây có thể là lần đầu tiên một con dấu được phát hiện trên toàn thế giới có khắc một loài thực vật quý và nổi tiếng, mà cho đến nay chúng ta chỉ có thể đọc được về loại thực vật này trong các mô tả lịch sử.”

Con dấu được tìm thấy bởi những người tham gia dự án “Trải Nghiệm Khảo Cổ”, được hỗ trợ bởi tổ chức khảo cổ City of David và INPA, tại Vườn quốc gia Emek Tzurim.

Viên đá hình bầu dục, dài khoảng 10 mm rộng 5 mm, cũng có hình một con chim, có lẽ là chim bồ câu.

Cả cành cây và chim bồ câu đều là những biểu tượng cho sự may mắn và thành công, các chuyên gia cho biết.

Cây nhũ hương là một biểu tượng tích cực bởi vì, ngoài thực tế là nó được sử dụng để sản xuất nước hoa và thuốc, còn gọi là cây hồng vàng thời cổ đại – nhân tiện phải nói thêm ở đây là nó hoàn toàn không giống với quả hồng ngày nay – được cho là một loài thực vật thần diệu mang tính chất nghi lễ và là một trong những thành phần được sử dụng để làm hương trong Đền-thờ trong thời kỳ Đền-thờ thứ hai, đó là khi con dấu này được tạo ra, ” Shukron nói.

Chim bồ câu cũng là một mô típ tích cực trong thế giới Hy Lạp, La Mã và Do Thái,” Amorai-Stark nói. “Nó tượng trưng cho sự giàu có, hạnh phúc, sự tốt đẹp và thành công.”

Chủ nhân của chiếc nhẫn có thể là một người giàu có, anh nói thêm.

Amorai-Stark cho biết, “Việc sản xuất và buôn bán cây nhũ hương này được kiểm soát chặt chẽ vào thời điểm đó bởi những người Do Thái sống ở lưu vực Biển Chết, là nơi loại cây này được trồng. Tôi đoán chủ nhân của viên đá này là một người sở hữu khu vườn nhũ hương, khi đến gặp người thợ làm chiếc nhẫn này, có thể ông ấy đã mang theo một cành nhũ hương để người thợ làm mẫu mà khắc lên viên đá.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: jpost.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like