Home Khoa học -Khảo cổ Mã Phân Tích ADN Trên Các Cuộn Sách Biển Chết Làm Sáng Tỏ Bí Mật Về Nguồn Gốc Của Chúng

Mã Phân Tích ADN Trên Các Cuộn Sách Biển Chết Làm Sáng Tỏ Bí Mật Về Nguồn Gốc Của Chúng

by Cbn.com
30 đọc

JERUSALEM, Israel – Sau bảy năm ròng rã nghiên cứu về các mẫu ADN từ các mảnh giấy của Các Cuộn Sách Biển Chết, các nhà nghiên cứu người Israel đã giải mã được những thông tin mới về nguồn gốc của bản sao có chứa các phân đoạn Kinh Thánh được biết là lâu đời nhất trên thế giới.

Nghiên cứu cho biết một vài cuộn giấy trong số đó thực chất không được tìm thấy ở Biển Chết, nơi mà chúng được cho là đã được viết bởi một giáo phái cổ xưa của người Do Thái có tên là Essenes. Thay vào đó, một số cuộn được tìm thấy ở Qumran cách xa nơi mà chúng được viết.

Các nhà nghiên cứu đã có bước tiến đột phá trong việc phân tích mẫu ADN từ da động vật, là công cụ ghi chép của các tư liệu này.

“Hầu hết các cuộn sách mà chúng tôi nghiên cứu được làm từ da cừu, và phần lớn công sức cũng như nỗ lực đã được đầu tư vào một nhiệm vụ hết sức khó khăn là cố gắng tách các mảnh giấy từ da của những con cừu khác nhau mặc dù chúng có bộ gen gần như giống hệt nhau rồi ghép chúng lại sao cho phù hợp, việc này thật không dễ dàng ,” Giáo-sư Oded Rechavi của trường đại học Tel Aviv, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Một trong những phát hiện quan trọng nhất là hai mảnh từ Sách Giê-rê-mi được viết trên da bò, loại giấy không phổ biến ở vùng sa mạc Judean nơi chúng được tìm thấy.

“Việc chăn nuôi bò đòi hỏi phải có cỏ và nước, vì vậy có thể loại giấy da bò này không được sản xuất tại trong sa mạc mà đã được mang đến hang động Qumran từ một nơi khác,” ông Rechavi cho biết thêm.

Thậm chí họ còn phát hiện ra rằng hai mảnh trong Sách Giê-rê-mi cho thấy các phiên bản khác nhau của cuốn sách khác với văn bản Kinh Thánh mà chúng ta biết ngày nay.

“Mã ADN cổ xưa chứng tỏ rằng 2 bản sao của sách Giê-rê-mi, khác nhau hoàn toàn về mặt câu chữ, đã được mang từ bên ngoài vào vùng sa mạc Judean,” Giáo-sư Noam Mizrahi giải thích.

Ông Mizrahi cho rằng các giáo phái Do Thái thời xưa thường hay chú trọng đến sự “chính xác” trong cách giải nghĩa văn bản, chứ không chú trọng nhiều vào cách sử dụng từ hay từng câu chữ.

ADN từ dấu vân tay duy nhất được tìm thấy trên các cuộn sách giúp phân biệt văn bản nào được viết bởi người Do Thái, và văn bản nào được mang từ nơi khác đến, từ đó suy ra, có khả năng rất cao là văn hóa xã hội của người Do Thái đã có những ảnh hưởng rộng lớn trong thời điểm đó.

“Thử tưởng tượng thế này, Y-sơ-ra-ên lúc đó đã bị phá hủy hoàn toàn, và chỉ có một thư viện còn tồn tại – thư viện của một giáo phái “cực đoan,” biệt lập: Điều chúng ta có thể suy luận là, liệu từ thư viện này còn có một cái gì đó về một Y-sơ-ra-ên vĩ đại hơn chăng?” Giáo-sư Mizrahi nói.

Dự án này, mặc dù khó khăn, nhưng lại rất quan trọng để có thể hiểu được bối cảnh lịch sử của các văn bản Kinh Thánh.

“Chúng tôi không phải lúc nào cũng biết chính xác nơi mà mỗi mẫu vật được tìm thấy và đôi khi những thông tin được đưa ra có thể sai lệch. Việc xác định địa điểm mà mẫu vật được tìm thấy là rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến sự hiểu biết của chúng ta về bối cảnh lịch sử của những phát hiện này,” Giáo-sư Mizrahi cho biết.

Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phân tích nhiều mẫu vật hơn và hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về các loài động vật được sử dụng để làm ra các loại giấy phục vụ cho việc ghi chép các văn bản này. Giáo-sư Rechavi cũng cho biết bước đột phá trong phân tích ADN có thể giúp các nhà nghiên cứu xác định sự giả mạo trong các cuộn giấy cổ này.

Dịch: Trường Vinh

Nguồn: cbn.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like