Vậy điều gì sẻ xảy đến khi thiếu đi sự kinh sợ Chúa?
Khi sứ đồ Phao-lô mô tả sự suy đồi của con người và cách nó bị thoái hóa, ông nói :
Roma 3:10-18 : “10 như có chép rằng: Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không.
11 Chẳng có một người nào hiểu biết, Chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời.
12 Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích; Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không.
13 Họng chúng nó như huyệt mả mở ra; Dùng lưỡi mình để phỉnh gạt; Dưới môi chúng nó có nọc rắn hổ mang.
14 Miệng chúng nó đầy những lời nguyền rủa và cay đắng.
15 Chúng nó có chân nhẹ nhàng đặng làm cho đổ máu.
16 Trên đường lối chúng nó rặc những sự tàn hại và khổ nạn,
17 Chúng nó chẳng hề biết con đường bình an.
18 Chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời ở trước mặt chúng nó.
19 Vả, chúng ta biết rằng những điều mà luật pháp nói, là nói cho mọi kẻ ở dưới luật pháp, hầu cho miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời;
20 vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi”.
Khi không có sự kính sợ của Chúa trên đất, tội lỗi gia tăng và không còn giới hạn cho sự dữ. Tất cả sự suy đồi đạo đức mà chúng ta thấy trong xã hội ngày nay là vì mọi người không còn kính sợ Chúa.
Thi Thiên 36:1 có chép: “1 Sự vi phạm của kẻ ác nói trong lòng tôi rằng: Chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời ở trước mắt nó”.
Tội lỗi của con người là bông trái của tội ác nuôi dưỡng bên trong mỗi chúng ta. Những người dám phạm tội liên tục và trở nên kiêu ngạo thì không còn kính sợ Đức Chúa Trời là Đấng thẩm phán công bình. Sự không thánh khiết là bằng chứng rõ ràng cho sự không tin kính này. Nếu chúng ta thực sự tin rằng Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi, và chúng ta thật sự kính sợ Ngài, thì làm sao chúng ta dám phạm luật khi Ngài luôn hiện diện xung quanh chúng ta.
Kinh Thánh thường liên hệ việc thiếu sự kính sợ Đức Chúa Trời với những hành vi tội lỗi. Trên thực tế, lần đầu tiên câu “Sự kính sợ Đức Chúa Trời” được chép trong sách Sáng Thế Ký, khi Áp-ra-ham giải thích rằng ông đã nói dối với vua A-bi-mê-léc rằng Sa-ra là em gái của mình vì xứ này không có người nào kính sợ Đức Chúa Trời.
Sáng thế ký 20:10-11 chép rằng “10 Vua A-bi-mê-léc lại nói cùng Áp-ra-ham rằng: Ngươi có ý gì mà làm như vậy? 11 Áp-ra-ham đáp: Tôi tự nghĩ rằng: Trong xứ nầy thật không có ai kính sợ Đức Chúa Trời, thì họ sẽ vì cớ vợ tôi mà giết tôi chăng”.
Kính sợ Đức Chúa Trời là ghét điều ác
Châm Ngôn 8:13 chép rằng “13 Sự kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là ghét điều ác; Ta ghét sự kiêu ngạo, xấc xược, con đường ác, và miệng gian tà”.
Trong câu Kinh Thánh này đã nói rõ. Sự kính sợ Đức Giê-hô-va liên quan đến cảm giác thù ghét đối với Cái ác. Sự thù ghét, giống như tình yêu, là một cảm xúc của tấm lòng. Thù ghét trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là coi thường, thù địch hay ghê tởm kẻ đó. Những biểu hiện của sự dữ này là sự biểu hiện thực tế dựa trên nguyên tắc, biểu hiện thói quen được thiết lập dựa trên một niềm tin mạnh mẽ.
Thước đo sự kính sợ Đức Chúa Trời của chúng ta được đo bằng sự ghét của chúng ta về những điều Ngài ghét.
Quan trọng nhất là điều ngược lại cũng đúng. Nếu sự kính sợ Đức Chúa Trời là ghét cái ác, thì sự kính sợ Đức Chúa Trời cũng là yêu mến lối đời sống tin kính.
Tấm lòng chai sạn
Xuất- ê-díp-tô-ký 9:27-30 chép rằng “27 Pha-ra-ôn bèn truyền đòi Môi-se và A-rôn mà phán rằng: Lần nầy trẫm đã phạm tội; Đức Giê-hô-va là công bình; trẫm cùng dân sự trẫm là kẻ phạm tội. 28 Hãy cầu nguyện Đức Giê-hô-va, hầu cho tan sấm sét và mưa đá; rồi trẫm sẽ tha các ngươi đi, không đợi lâu nữa đâu. 29 Môi-se bèn đáp rằng: Vừa khi tôi ra khỏi thành, tôi sẽ giơ tay lên Đức Giê-hô-va, sấm sét sẽ lặng, mưa đá sẽ tan, hầu cho bệ hạ biết rằng trái đất thuộc về Đức Giê-hô-va. 30 Nhưng tôi biết rằng bệ hạ và quần thần chưa kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời”.
Trong đoạn Kinh Thánh này nói rằng Ai Cập đã trải qua bảy tai họa và vua Pha-ra-ôn đã ăn năn và yêu cầu Môi-se cầu xin Đức Giê-hô-va giúp ông thì có thể sẽ không còn tai họa nữa.
Đây dường như là những từ hoàn hảo về sự ăn năn của vua Pha-ra-ôn. Tuy nhiên, Môi-se nhận thấy rằng sự ăn năn của vua vẫn chưa thực sự đến từ tận đấy lòng. Vì Pha-ra-ôn chỉ đau buồn vì hậu quả của tội lỗi gây ra, nhưng chưa thật sự đau buồn cho chính tội lỗi của mình. Môi-se đã biết và cảnh báo vua Pha-ra-ôn về sự cứng lòng của mình khi Môi-se nhận ra rằng chính vua Pha-ra-ôn chưa thực sự kính sợ Đức Chúa Trời.
Xuất- ê-díp-tô-ký 9:34-35 chép “34 Khi Pha-ra-ôn thấy mưa, mưa đá và sấm sét đã tạnh rồi, người và quần thần lại rắn lòng, cứ phạm tội nữa. 35 Vậy Pha-ra-ôn cứng lòng, không tha dân Y-sơ-ra-ên đi, y như lời Đức Giê-hô-va đã cậy Môi-se mà phán”.
Thiếu mất sự kính sợ Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta thường dẫn đến việc tấm lòng bị chai sạn dẫn đến tiếp tục phạm tội chống lại Ngài!
Châm ngôn 4:23 có chép: “23 Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra”.
Kinh Thánh dạy rằng tình trạng của tấm lòng chúng ta sẽ quyết định cuộc sống của chúng ta cuối cùng sẽ ra sao. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta luôn phải có một tấm lòng dịu dàng nhân hậu trước Chúa.
Một sự kính sợ Đức Chúa Trời đứng đắn không chỉ là cảm giác và thái độ thôi mà đó còn là một nguyên tắc ảnh hưởng sâu sắc đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta và quyết định cách chúng ta sống. Nó giúp chúng ta có một quan điểm đúng đắn, khiêm nhường về bản thân trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời tuyệt vời của chúng ta; nó giúp chúng ta trong những lúc bị cám dỗ khi chúng ta cần nhớ những hậu quả nghiêm trọng của việc không vâng lời Chúa; và nó thúc đẩy chúng ta trở nên giống như Đấng Tạo Hóa yêu thương của chúng ta.
Oswald Chambers đã nói rằng:
“Một điều đáng chú ý về việc kính sợ Đức Chúa Trời là, khi bạn kính sợ Đức Chúa Trời, bạn không sợ gì khác; mặc khác, nếu bạn không kính sợ Đức Chúa Trời, thì bạn sợ mọi thứ khác”.
Dịch: Hoàng Gia
Nguồn: Arian Chua
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com