Annahita Parsan đã dẫn dắt hơn 1.500 người Hồi giáo về với Đấng Christ. Cô quản nhiệm 2 hội thánh và huấn luyện một số hội thánh khác cách đem Phúc Âm đến với những người Hồi giáo và môn đồ hóa những tín hữu sống trong bối cảnh Hồi giáo. Mỗi Chúa nhật, nhà thờ cô đông chật những người trước đây là Hồi giáo đang khát khao “Chúa Đấng yêu thương“.
(Thụy Điển)—[CBN News] Không ai ngờ rằng một phụ nữ Hồi giáo… cố để sống còn trong một cuộc hôn nhân bị lạm dụng lại có thể là mục sư của hai nhà thờ ở Thụy Điển, đem hơn một ngàn người theo Hồi giáo trước đây đến với Đấng Christ, và được mời đến nói chuyện trước mặt nữ hoàng của Thụy Điển. (Screengrab image: Annahita Parsan/via CBN News)
Sống trong Sự Tối Tăm của Hồi Giáo Iran
Là một cô gái trẻ sống trong văn hóa Hồi giáo, Annahita Parsan thật yếu đuối và tầm thường. Niềm hy vọng duy nhất của cô là một ngày kia sẽ lấy được một người chồng tốt, và cô đã được như thế. Nhưng bỗng dưng một tai nạn đã cất đi người chồng, và với lần hôn nhân thứ hai, cô vướng vào một người chồng hết sức tàn bạo, và mong mình chết đi cho rồi.
Cô nói với chúng tôi rằng trong giai đoạn bị đối xử tàn tệ đó, “Tôi không còn biết gì nữa. Hoàn cảnh thật tối tăm, cuộc sống thật bi đát”.
Và vì đã viết về sự đối xử tàn tệ đó trong quyển “Không Còn Là Người Lạ Nữa“ (Stranger No More), nên cô Parsan không muốn nhắc lại ở đây lúc này, cô bảo:
“Nhắc lại chuyện đó thật không dễ“.
Bị Đánh Bằng Xẻng và Một Lần Tự Tử
Parsan cho biết cô bị người chồng sau nầy đánh bằng xẻng. Bị bầm dập và bị chém đứt toàn thân, Parsan đã tìm cách uống thuốc tự tử nhưng không thành.
Roksana con gái cô nhớ lại, khi còn nhỏ có lần cha cháu dọa sẽ cắt họng cháu.
“Tụi cháu chỉ muốn có thêm bánh… và chạy lên lên và nói: ‘Cho thêm bánh! Cho thêm bánh!’ Thế là ông nhào đến với một con dao, để kề lên cổ họng cháu và nói: ‘Mầy mà xin bánh lần nữa thì biết tay tao.'”
Nói về mẹ mình, Roksana cho biết: “Mẹ cháu cố gắng sống chỉ để lo cho tụi cháu, chỉ ráng sống để làm cho cuộc sống được khá hơn vì tụi cháu. Và có thể có cái gì đó Chúa đã đặt trong lòng của mẹ cháu để bà bám lấy mà sống tiếp.”
Trốn khỏi Iran Để Rơi Vào Nhà Tù ở Thổ, và Tin Nhận Chúa
Hành trình đến với Chúa của Annahita Parsan và xuyên qua hai châu lục là tình tiết hấp dẫn cho các cuốn phim Hollywood, một trong những tình tiết đó có cả nhiều vết bầm dập trên thân thể và cái chết.
Parsan, chồng cô và các con của cô chạy trốn khỏi Iran qua đường núi đến Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1984, tại đây cô và con gái Roksana đối diện với nhiều nguy hiểm hơn nữa trước khi rơi vào nhà tù ở Thổ. Cuối cùng họ được đến Đan Mạch và tại đây cô ly dị được với người chồng vẫn còn ngược đãi cô, và đó cũng là lúc cô được nghe Phúc Âm lần đầu. Khi sang Thụy Điển định cư, cô cùng hai con mình đi bộ đến một nhà thờ và cầu nguyện: “Từ đây về sau, chúng con xin được làm con cái Chúa.“
Câu Chuyện Đời Cô Có Một ‘Kết Thúc Có Hậu‘: Trở Thành Một Mục Sư ở Thụy Điển
Annahita bước vào chức vụ và đã dẫn đưa hơn 1.500 người Hồi giáo đến với Đấng Christ. Cô quản nhiệm hai hội thánh và huấn luyện một số hội thánh cách đem Phúc Âm đến với những người Hồi giáo và môn đồ hóa những tín hữu sống trong bối cảnh Hồi giáo. Mỗi ngày Chúa nhật, nhờ thờ cô đông chật những người trước đây là Hồi giáo đang khát khao “Chúa Đấng yêu thương“. Parsan tin điều nầy đã được nói trước trong Giê-rê-mi chương 49, câu 39: “ CHÚA phán: “Tuy nhiên, trong những ngày đến, Ta sẽ phục hồi dân Ê-lam.”
“Câu Kinh Thánh nầy nói về Ê-lam, Ê-lam là nước Ba-Tư,“ cô Parsan nói: “Khi đọc câu nầy, tôi biết là câu nầy nói đến chúng tôi. Đến sự phục hồi của đất nước chúng tôi và thật lạ lùng. Chúa phán cho Giê-rê-mi thuở ấy và điều đó giờ đây đang xảy đến.”
Nhưng việc cho người Hồi giáo định cư ở đây cũng đã biến Thụy Điển thành một chỗ ở cho những người Hồi giáo cực đoan rất nguy hiểm, Parsan kể lại cho chúng tôi rằng tính mạng cô bị đe dọa và sống mà biết mình có thể bị giết bất kỳ lúc nào.
Parsan nói: “… Thụy Điển là một đất nước tự do. Nhưng cũng rất nguy hiểm.“ Có lúc cô không biết rồi đây có phải chết bởi tay của những người Hồi giáo ở Thụy Điển hay không.
Là một phụ nữ sống trong một hoàn cảnh dường như vô vọng ở Iran, Annahita Parsan thấy chẳng còn gì để sống trong cuộc sống hôn nhân bị ngược đãi. Nhưng Chúa có một chương trình.
“Chúa yêu thương tôi và Ngài đã ở cùng trong cuộc đời tôi ngay từ đầu,” Parsan nói: “Có lúc khi nhìn lại, tôi thấy ôi sao quá tuyệt vời.“
Dịch: Ân Điển
Nguồn: CBN News
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com